Sau 1969 Trần Bạch Đằng vẫn ‘muốn Sài Gòn nổi dậy’ – BBC News Tiếng Việt
Sau 1969 Trần Bạch Đằng vẫn ‘muốn Sài Gòn nổi dậy’
20 tháng 12 2019
Tài liệu giải mật của CIA nói sau trận Mậu Thân, một nhà cách mạng của Nam Bộ, ông Trần Bạch Đằng vẫn tin vào phương án “tấn công và nổi dậy ở các đô thị” của VNCH.
Nguồn hình ảnh, Bettmann
Chụp lại hình ảnh,
Trong các năm 1970, 1971, Tây Ninh đã là nơi các trận giao tranh ác liệt giữa lực lượng cộng sản với quân đội Hoa Kỳ và quân lực VNCH – ảnh tư liệu từ giai đoạn trước 1973 về cảnh người dân tỵ nạn chạy khỏi vùng bị tấn công
Thậm chí ông còn ra Bắc vận động cho phương án đô thị miền Nam ‘nổi dậy’ (nguyên văn: ‘a general uprising in the cities was still the key element in Communist planning), nhưng không được Hà Nội chấp nhận, theo tài liệu giải mật của CIA.
Bản tổng kết về tình hình, chính sách và hoạt động nhân sự của Trung ương Cục miền Nam do Đảng Cộng sản chỉ đạo được CIA công bố nội bộ vào 21/12/1971, và giải mật vào năm 1995.
Có tên là “Politics within the Communist High Command in South Vietnam”, tài liệu này ghi nhận những chuyển biến khác nhau trong chính sách của Trung ương Cục do ông Phạm Hùng chỉ đạo, và ứng xử của chính quyền VNDCH ở Hà Nội.
Văn bản tiếng Anh của CIA gọi Trung ương Cục miền Nam là COSVN và đánh giá cả quan điểm các nhân sự cao cấp, thái độ của họ với cuộc chiến, với Hoà đàm Paris, và với Trung Quốc.
Vẫn muốn ‘tiến công và nổi dậy ở đô thị’?
Riêng về chiến lược tiếp tục cuộc chiến tại miền Nam, tài liệu này tin rằng ông Trần Bạch Đằng, một ủy viên của Trung ương Cục, là nhân vật hào hứng nhất vận động cho cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968.
Nhưng bất kể các tổn thất lớn cho phe cộng sản Nam Việt Nam, và không có cuộc ‘khởi nghĩa cách mạng’ nào của dân đô thị VNCH trong Tết Mậu Thân, ông Trần Bạch Đằng vẫn kiên quyết duy trì đường lối đó.
Đầu năm 1970, ông ra Bắc để vận động lần nữa cho các cuộc “tấn công và nổi dậy vùng đô thị miền Nam” (urban offensives).
Tuy nhiên, theo CIA, có vẻ như bản thân Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và ban lãnh đạo Hà Nội không nghe theo lời ông Trần Bạch Đằng.
Nhân vật của miền Nam sau khi trở về đã tự ý phát tán băng ghi âm của chính ông nêu luận điểm rằng hai mũi tiến công, đô thị và nông thôn phải có sức nặng ngang nhau.
Cách nhìn này không được phe quân đội cộng sản ủng hộ.
Theo CIA, vào tháng 10/1970, tướng cộng sản Lê Trung Tín thuộc quân khu Trị -Thiên-Huế nói rằng “việc tập trung vào chiếm lĩnh khu vực đô thị là một sai lầm và chỉ khiến cuộc chiến kéo dài”.
Phía Hoa Kỳ cũng ghi nhận rằng cùng với hòa đàm Paris và việc Trung Quốc bắt đầu gần lại với Mỹ, thái độ của các nhân vật trong Trung ương Cục miền Nam có chuyển biến.
Chụp lại hình ảnh,
Một cuốn sách về ông Trần Bạch Đằng ấn hành gần đây ở Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,
Ông Trần Bạch Đằng (quàng khăn qua vai) và các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1970, hình tư liệu từ sách Đồng chí Trần Bạch Đằng, Người cộng sản kiên trung
Cách đánh giá về khả năng chính phủ liên hiệp với phe không cộng sản ở miền Nam, cuộc ngưng bắn…đều được họ bàn bạc.
Với bên ngoài, người ta chỉ biết các bài báo chính thức trên tờ Giải Phóng, ký tên Trần Nam Trung và Cửu Long.
Theo CIA, Trần Nam Trung là tên ký chung của các ông Hoàng Văn Thái, Trần Văn Trà và Trần Lương, phụ trách mảng quân sự.
Còn Cửu Long là bút danh của một hoặc một vài người, chủ yếu để phản ánh quan điểm của Hà Nội cho chiến trường miền Nam.
CIA tin rằng việc Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc sáp lại gần nhau khiến lộ ra quan điểm chống Trung Quốc của một số tướng lĩnh như Trần Lương và Nguyễn Hữu Tâm Xuyến trong lực lượng cộng sản.
Nguồn hình ảnh, Bettmann
Chụp lại hình ảnh,
Tướng Trần Độ, Phó Chính ủy và Phó Bí thư Quân ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam – ảnh chụp tại chiến khu ở Tây Ninh. CIA nói khi vào Nam, tướng Trần Độ đã thay nhiều cán bộ người Nam bằng người Bắc trong quân đội cộng sản miền Nam, gây ra phản ứng
Tuy nhiên, không hề có một nhóm nào trong COSVN đứng ra phê phán Trung Quốc hay Liên Xô.
CIA cho rằng có khác biệt quan điểm và cả va chạm nhân sự, chủ yếu theo tuyến định kiến vùng miền Nam – Bắc trong Trung ương Cục miền Nam, nhất là sau khi thiếu tướng Trần Độ từ Bắc vào đã thay một loạt cán bộ quân sự người Nam bằng người Bắc, gây ra phản ứng mạnh.
Vẫn đánh giá của CIA cho rằng tướng Trần Văn Trà đã có lúc bất đồng với ông Lê Duẩn, nhưng là vào giai đoạn trước khi phúc trình này được chuẩn bị (cuối 1971).
Và CIA tin rằng dù trong các tướng tá của COSVN có khác biệt cách nhìn chiến thuật, đã không có “cạnh tranh” rõ rệt ở cấp hàng đầu của COSVN là Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh và Phan Văn Đáng (Hai Văn).
Các khác biệt đến từ cách nhìn thực tiễn của chiến trường miền Trung, Nam Bộ và khu vực Sài Gòn tuy thế, có thể gây ra khó khăn ít nhiều cho việc Hà Nội áp đặt một chính sách thông suốt với cuộc chiến.
Trong bối cảnh đó, cách vận động của ông Trần Bạch Đằng, nhân vật đứng chót (thứ 11) trong danh sách ban lãnh đạo COSVN, không thay đổi được được gì trong chính sách chung của Hà Nội với miền Nam những năm sau đó.
Vai trò ông Trần Bạch Đằng
Theo tài liệu chính thức của Việt Nam, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ông Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Đảng ủy khu Trung tâm.
Bên dưới là hai Bộ Chỉ huy Tiền phương. Tiền phương Bắc do ông Trần Văn Trà và Mai Chí Thọ phụ trách. Tiền phương Nam do ông Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng phụ trách (Tây Nam và nội thành).
Thời điểm này, ông Trần Bạch Đằng đang là Thường vụ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, và được giao nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch hoạt động nội thành.
Trong hồi ký của mình, ông Trần Bạch Đằng nói: “Không có Mậu Thân thì ý chí xâm lược của Mỹ không bị nhụt, thì không có việc Mỹ ngồi vào bàn Hội nghị Paris, rồi cuốn cờ rút quân…”
Vào tháng 7/1969, Trung ương Cục miền Nam mở hội nghị, tổ chức lại địa bàn các chiến trường.
Ông Võ Văn Kiệt được điều động làm Bí thư Khu ủy khu Tây Nam Bộ, kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định. Ông Trần Bạch Đằng và Mai Chí Thọ làm Phó Bí thư.
Năm 1971, sau khi ông Kiệt về Khu IX làm Bí thư, ông Trần Bạch Đằng trở thành Bí thư Thành ủy cho tới ngày Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Đây được gọi là trọng trách lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông.
Sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1978, ông Trần Bạch Đằng giữ chức Phó ban Dân vận trung ương. Từ 1981 tới 1985, ông được điều sang làm việc ở Ban Tuyên huấn Trung ương.
Ông qua đời ngày 29/4/2007 ở tuổi 81.
CIA và Mậu Thân 1968
Vai trò thu thập thông tin của CIA trước và sau trận Mậu Thân 1968 là một trong những tranh luận trong Cuộc chiến Việt Nam.
Đa số sử gia cho rằng các báo cáo của CIA tỏ ra chính xác hơn đánh giá của Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) trong biến cố Mậu Thân.
Nguồn hình ảnh, Bettmann
Chụp lại hình ảnh,
Trung tướng VNCH Ngô Quang Trưởng thị sát quân lực bảo vệ Huế năm 1972. Phía sau ông là thiếu tướng cố vấn Mỹ Frederick Kroesen. Chừng 900 quân thuộc Sư đoàn 2 của VNCH được không vận tới căn cứ Rakkasan, cách Huế 15 dặm về phía Tây để tạo ‘vành đai thép’ bảo vệ cố đô
Đến cuối năm 1966, Sam Adams, một nhà phân tích của CIA, bắt đầu báo động rằng ước đoán của MACV về số lượng quân Việt Cộng là quá thấp.
Adams cho rằng quân đối phương khi đó tại miền Nam là 600.000 người, gấp đôi tính toán của MACV.
Giám đốc CIA Richard Helms cử George Carver, người phụ trách tình báo về Việt Nam, cùng Sam Adams tới Sài Gòn mùa thu 1967.
Trước sức ép của MACV với người đứng đầu là Tướng William Westmoreland, Carver, vốn ủng hộ Adams, xoay sang nói thông tin của MACV mới đúng.
Kết quả là Mỹ ra đánh giá quân đối phương ở miền Nam ở khoảng 249.000, và sau đó nói công khai là 208.000.
Nguồn hình ảnh, Keystone-France
Chụp lại hình ảnh,
Cảnh đô thị Sài G̣òn vào tháng 1/1970
Các nhân viên CIA ở Việt Nam không chấp nhận tính toán này.
Biến cố Mậu Thân tháng Giêng 1968 chứng tỏ sự nghi ngờ của các nhân viên CIA đã đúng.
CIA cũng gửi các báo cáo vào tháng 11 và 12 năm 1967 cảnh báo đối phương có thể sắp tấn công.
Nhưng các báo cáo này không gây ấn tượng gì cho chính quyền Johnson và MACV.