Sáng tỏ bí ẩn về Thượng Quan Uyển Nhi – nữ tể tướng khuynh đảo nhà Đường, cánh tay phải của Võ Tắc Thiên
Khi Bảo tàng Khảo cổ Thiểm Tây mở cửa đón khách vào đầu năm nay, điểm thu hút nhất là một tấm bia mộ hàng nghìn năm tuổi. Phiến đá vuông có chiều rộng 74cm và dày 15,5cm, được trang trí bằng những hình chạm khắc tinh xảo của hoa mẫu đơn, cây kim ngân và những con vật được coi là điềm lành trong văn hóa Trung Quốc, tất cả đều bao quanh một văn bia 982 ký tự.
Tất nhiên, điểm thu hút thực sự không phải là những dòng chữ được chạm khắc mờ nhạt, mà là người được tưởng nhớ: Thượng Quan Uyển Nhi. Một nữ chính trị gia, nhà thơ, cố vấn hoàng gia ở thế kỷ thứ 7 và là một trong những người phụ nữ ưu tú nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Thượng Quan Uyển Nhi qua những câu chuyện dân gian
Tranh vẽ Thượng Quan Uyển Nhi
Thượng Quan Uyển Nhi sinh năm 664 sau Công nguyên tại Sơn Châu, ở tỉnh Hà Nam ngày nay. Tương truyền trước khi hạ sinh Uyển Nhi, người mẹ Trịnh phu nhân mơ thấy một người khổng lồ đưa cho bà một cái cân và nói: “Đứa trẻ này sẽ bình lượng nhân sĩ trong thiên hạ”. Vì câu nói này, Trịnh thị cho rằng đứa trẻ sẽ là con trai. Khi sinh ra Uyển Nhi, bà không vui.
Sau khi Uyển Nhi chào đời không lâu, ông nội và cha của nàng đã bị bức hại và xử tử bởi thái hậu khi đó là Võ Tắc Thiên. Tuy nhiên, thế sự xoay vần, hơn 10 sau, Thượng Quan Uyển Nhi lại lọt vào mắt xanh của Võ hậu. Nhờ sự chiếu cố của bà, Uyển Nhi trở thành nữ quan, được giao cho việc soạn thảo chiếu thư trong cung.
Khi quyền lực của Võ Tắc Thiên ngày càng tăng, bà đã đưa Uyển Nhi trở thành người đứng đầu các nữ quan, nên người đời còn gọi nàng là Cân Quắc Tể tướng (“巾帼宰相” nghĩa là “Nữ Tể tướng”, do cụm “Cân Quắc” ám chỉ đến nữ giới). Nhờ đó, nàng được phép soạn thảo các sắc lệnh của triều đình và tham gia vào chính sự. Dưới thời đại của Võ Tắc Thiên, Thượng Quan Uyển Nhi vô cùng được xem trọng, nàng cùng Võ hậu bái tế ở đỉnh núi thiêng Tung Sơn, giúp sức trong việc chinh phục người Tây Thổ, dẹp yên các bộ tộc Khiết Đan. Không những thế, nàng còn khẳng định được tên tuổi của mình với tư cách là một nhà thơ.
Võ Hậu – Võ Tắc Thiên trên phim ảnh
Thời đại nữ quyền lên ngôi trong lịch sử Trung Quốc
Võ Tắc Thiên đã nắm giữ quyền lực tối cao trong gần 50 năm, từ năm 656 đến năm 705. Đây được xem là kỷ nguyên chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc khi nữ giới vươn lên vị trí thống trị nhiều mặt. Con gái của Võ Tắc Thiên, Thái Bình Công chúa, cũng nắm giữ ảnh hưởng to lớn đối với nhà nước.
Những bức tranh tường được tìm thấy trong lăng mộ của các cháu gái Võ Tắc Thiên – Vĩnh Thái Công chúa, Phòng Lăng Công chúa và Tín Thành Công chúa – là bằng chứng cho thấy nữ tử thời đó thường đi dạo, ca hát và nhảy múa, họ cũng thích săn bắn và chơi mã cầu. Về trang phục, các cô gái thường búi tóc cao, đầu cài bộ dao và để lộ ngực. Đôi khi họ mặc Hồ phục, một loại trang phục không phải của người Hán với tay áo hẹp và tụ tập như những chàng trai trẻ. Họ sẽ uống rượu và làm thơ, hoặc cùng cha và anh trai đến các pháo đài biên giới. Đây được xem là những việc làm không tưởng đối với những người phụ nữ quý tộc của các triều đại Tống, Minh và Thanh sau này.
Đáng tiếc thay, các thế hệ nam học giả sau đó hiếm khi ghi nhận Thượng Quan Uyển Nhi vì tài năng. Thay vào đó, họ cho rằng cô chỉ dựa vào giới tính nữ để kể những câu chuyện ngớ ngẩn về âm mưu và chuyện tình ái chốn cung đình. Nhìn chung không được công nhận thực tài.
Phát hiện bia mộ
Thượng Quan Uyển nhi được miêu tả là người nổi tiếng xinh đẹp, lại thông minh lanh lợi. Trong trò chơi di động nổi tiếng “Vương giả Vinh diệu”, nhân vật này mang một đôi ủng cao đến đầu gối, mặc áo giáp sắt và là một đối thủ xứng tầm của Góa Phụ Đen.
Tạo hình nhân vật Thượng Quan Uyển Nhi trong game “Vương giả vinh diệu”
Mối quan hệ của cô với Thái Bình Công chúa cũng được nhiều các văn sĩ nổi tiếng khai thác. Có lời đồn rằng lúc sinh thời, hai cô người có nhiều tranh chấp, thậm chí cho rằng Công chúa chính là người đã ra lệnh xử tử Uyển Nhi. Mãi cho đến khi phát hiện ra lăng mộ của bà cách đây 9 năm, sự thật lịch sử về Thượng Quan Uyển Nhi mới dần xuất hiện trong tâm thức công chúng.
Vào tháng 6/2013, một ngôi mộ lớn đã được phát hiện gần sân bay Hàm Dương ở thủ phủ Tây An của tỉnh Thiểm Tây. Công việc khai quật chính thức bắt đầu vào tháng 8 năm đó. Ngôi mộ dài 36,5 mét và sâu 10,1 mét, bao gồm các lối đi, năm sân bao quanh Thiên Kinh, năm lỗ trên cao, bốn hốc, đường hầm và một hầm chôn cất. Chín ký tự con dấu trên phiến đá đã tiết lộ một sự thật: Đây chính là nơi yên nghỉ cuối cùng của Thượng Quan Uyển Nhi.
Nhóm khai quật rất vui mừng, nhưng niềm vui của họ nhanh chóng chuyển sang thất vọng khi phát hiện buồng chôn cất đã hoàn toàn trống rỗng. Không có dấu vết của chiếc quan tài hay bất kỳ mảnh xương nào. Các nhà sử học cho rằng điều này xuất phát từ một sắc lệnh của triều đình, chứ không phải là cướp mộ.
Bia mộ của Thượng Quan Uyển Nhi ở Thiểm Tây, Trung Quốc
Sáng tỏ bí ẩn
Trong khoảng 7 năm (705 – 712), sau khi Võ Tắc Thiên băng hà và cháu trai của bà là Lý Long Cơ lên ngôi Hoàng đế là một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Khi con trai thứ ba của Võ Tắc Thiên, Hoàng đế Đường Trung Tông, qua đời vào năm 710 chỉ sau 5 năm lên ngôi, nhiều lời đồn đoán rằng ông đã bị đầu độc bởi vợ của mình là Ngụy Hoàng hậu. Thượng Quan Uyển Nhi khi ấy được cho là đã về phe đã Hoàng hậu và con gái của bà, An Lạc Công chúa, trước khi bị xử tử khi Lý Long Cơ thực hiện một cuộc đảo chính vài tuần sau đó.
Tuy nhiên, những gì được khai quật từ ngôi mộ lại mang đến một câu chuyện hoàn toàn khác. Theo đó, sau khi Đường Trung Tông lên ngôi, Thượng Quan Uyển Nhi đã từng nhiều lần khuyên Hoàng đế đề phòng Ngụy Hoàng hậu và An Lạc Công chúa. Nàng cố gắng đưa ra các cáo buộc, đe dọa từ chức, cạo đầu và uống thuốc độc. Hành động này khiến nàng gần như mất mạng, nhưng Hoàng đế đã tìm kiếm những đại phu nổi tiếng để cứu sống nàng. Có vẻ Uyển Nhi không những không phải là đồng minh Ngụy Hoàng hậu, mà còn là kẻ thù truyền kiếp của bà.
Với thực tế đó, không rõ tại sao Lý Long Cơ lại giết Thượng Quan Uyển Nhi. Một số người cho rằng Lý Long Cơ muốn chấm dứt thời đại mà nữ nhân nắm quyền; số khác tin rằng ông muốn làm suy yếu quyền lực của Thái Bình Công chúa để củng cố ngai vàng của mình.
Vẻ đẹp của Thượng Quan Uyển Nhi được thể hiện qua phim ảnh
Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa có được câu trả lời xác đáng, nhưng nó tiết lộ nhiều sự thật thú vị về mối quan hệ giữa Thượng Quan Uyển Nhi và Công chúa Thái Bình. Sau cuộc đảo chính của Lý Long Cơ, cha của ông là Lý Đán, lên ngôi một thời gian ngắn với tư cách là Hoàng đế Đường Duệ Tông và mở ra một thời kỳ ổn định. Sau đó, Công chúa Thái Bình đã đứng ra lo liệu việc chôn cất Thượng Quan Uyển Nhi và đặt một văn bia ca ngợi tài năng, trí tuệ và đức hạnh của nàng. Thay vì là kẻ thù của nhau như những câu chuyện được thêu dệt trước đó, hai người này thực sự thân thiết hơn nhiều.
Hai năm sau, vào năm 712, Lý Long Cơ dẫn đầu một cuộc đảo chính khác, buộc Hoàng đế Đường Duệ Tông phải thoái vị, tiêu diệt Thái Bình Công chúa và đồng bọn, rồi tự xưng là hoàng đế thứ bảy của triều đại nhà Đường. Các nhà khảo cổ học tin rằng lăng mộ của Thượng Quan Uyển Nhi đã bị xâm phạm sau khi Lý Long Cơ lên ngôi, di sản của nàng đã bị bôi nhọ trong các ghi chép lịch sử của triều đại.
Chuyện đời của người phụ nữ tài hoa xuất chúng Thượng Quan Uyển Nhi vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá, nhưng có một điều chắc chắn: người con gái này không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp mê hồn được miêu tả trên phim hay các cuốn sách lịch sử nổi tiếng.
>>> Bí ẩn lăng mộ Võ Tắc Thiên: Xác định được vị trí nhưng không khai quật được
Theo Sixth Tone