RÈN TRÍ HUỆ
Nguyễn Văn Lía
Phàm con người muốn vượt qua sông biển để đến bờ bên kia, tất phải có thuyền bè mới qua đặng. Người tu Phật, muốn sang qua bên giác, đến cõi tịch mịch Niết bàn, lướt khỏi sông mê bể khổ, khỏi màn vô minh u tối, cần phải có trí huệ. Vì trí huệ là thuyền bè. Nhà Phật gọi là thuyền bát nhã, là ngọn đèn soi sáng lối đi trong đêm tối, để hành giả khỏi lầm đường lạc nẻo.Về điều nầy Đức Huỳnh Giáo Chủ có minh giải :
“Trời đã hoàng hôn mau chợt tỉnh,
Tầm đường trí huệ lánh thân ra.”
Vậy trí huệ là gì?
Trí huệ là sự hiểu biết sáng suốt cùng tột của bản tâm. Trí huệ có thể chia ra làm hai phần:
-Một là thế trí biện thông, nghĩa là cái trí khôn hiểu biết của loài người, do sự học hỏi mà biết, đây thuộc về phạm vi tương đối.
-Hai là trí “Bát Nhã”, nghĩa là trí huệ tuyệt luân rỗng thông sáng suốt cả vũ trụ vạn hữu, biết rõ mọi việc từ quá khứ, hiện tại và vị lai không có gì ngăn ngại, không còn gốc vô minh phiền não, mà là thanh tịnh diệu mầu.
Khi người tu chứng đặng trí huệ sáng suốt, khác nào màn sương lúc tàn canh được ánh thái dương chiếu phá, bóng tối được thay vào ánh sáng; hoặc như lưỡi gươm sắc bén có diệu năng tiêu diệt được thất tình lục dục, thảnh thơi an dưỡng trong thể cánh tiêu dao. Đức Thầy cho biết:
“Thập tam ma diệt bằng trí kiếm ,
Dứt xong rồi vô sự thảnh thơi.”
Và phá vở bao thành trì ngã chấp, đắm mê dục vọng và sau hết sẽ chứng thành Phật quả. Đức Thầy cho biết:
“Kiếm huê phi tiêu đoàn chướng nghiệp,
Phật tiền hữu nhựt vĩnh an nhiên.”
Trái lại, người tu không có trí huệ sẽ lạc vào tà kiến mê lầm, nhận ngụy làm chơn, nhận tà làm chánh làm cho tâm trí u tối càng ngày càng u tối thêm lên, gây bao tội lỗi trong hiện tại, sau cùng phải trầm luân trong cõi ta bà mãi mãi. Đức Thầy khẳng định:
“Màn vô minh che mờ tâm trí,
Nên thường khi nhận ngụy làm chơn.”
Gương anh chàng VÔ NÃO đã thực chứng cho vấn đề này, về hành động ngông cuồng vô ý thức không sáng suốt của ông ta. Nếu không nhờ Đức Phật Thích Ca dùng phương tiện thức tỉnh độ rổi thì đã vung đao giết người mẹ hiền đức và phạm thêm muôn vàn tội ác.
Đó cũng do sự vô minh tăm tối, không có trí huệ. Đức Thầy đã thức tỉnh chúng ta :
“Bị vô minh vọng tưởng vạy tà,
Nên quay lộn ta bà cõi khổ.’
Như trên, chúng ta đã biết tai hại của vô minh, của sự không có trí huệ. Vậy muốn có trí huệ để vẹt phá tất cả sự mê mờ tăm tối ta phải làm sao?
Căn cứ vào yếu pháp của Đức Thầy, chúng ta cần phải thực hành theo tám điều chánh, hầu phá vỡ những gì phiền toái đang bao phủ trí căn. Trong Môn hoàn diệt, Ngài có dạy rằng: “Nếu ta tìm con đường bát chánh đạo của Phật mà đi, giữ tâm thanh tịnh làm việc nhơn từ, không lòng hờn giận, chẳng dạ ghét ganh, chuyên tâm niệm Phật, giúp thế độ đời, đừng chứa đều phiền não và để bụng tham lam ích kỷ, gây mối thiên duyên lần lần trí huệ mở mang cõi lòng sáng suốt, màn vô minh sẽ bị diệt mất”
Ngoài tám con đường chánh vừa kể, để diệt trừ vô minh, rèn trí huệ, còn có phương pháp trừ tham, sân, si để được trí huệ vậy. Vì có nghiêm thủ theo giới luật, không để tâm phóng túng theo nghiệp trần thì bản tâm được an định, nếu tâm được vắng lặng định yên thì có khác nào “Gió cuốn mây đen về biển cả, Một vầng trăng sáng giữa trời xanh” (1); làm gì mà huệ nhựt không hiện bày, minh châu không xuất hiện, trí huệ không phát sinh, cõi lòng không rỗng thông sáng suốt. Một Cố đức Thiền sự có dạy rằng: “Giái năng sanh định, định năng sanh huệ, huệ tắc minh tâm, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Đến chừng đó chúng ta có thể thiệt thi tâm hạnh lợi tha giác chúng, bằng cách, theo như Đức Thầy đã dạy:
“Thuyền bát nhã ta cầm tay lái,
Quyết đưa người khỏi bến sông mê”.
Tóm lại, trong sáu phép Ba la mật, trí huệ nó là món sau cùng cũng là món đầu tiên (2) chính là chiếc thuyền rốt ráo có công năng đưa người khỏi biển trần luân sang bờ giải thoát. Muốn rèn trí huệ diệt được vô minh, ta cần nương theo tám con đường chánh hoặc thợ hành pháp : giới, định, huệ tất nhiên sẽ đến bờ bên kia vậy.
Để kết thúc đề tài trí huệ, ta hãy lắng nghe lời Đức tôn sư dạy bảo cô năm Võ Thị Hợi và chúng ta với câu nói ngắn gọn: “Trí huệ trau giồi kiếm nẻo thanh”.
——————————————————————————————————
(1) “Vô hạn dã vân phong quyển tận
Nhứt luân cô nguyệt chiếu thiên tâm” (Ngài Xuyên thiền sư).
(2) Số thứ tự có thay đổi là do Tiệm giáo và Dốn giáo mà ra.