Quê hương đất nước đã nâng cánh cho mình bay!

Quê hương đất nước đã nâng cánh cho mình bay!

Nguyễn Hà – Tô Thế

  –  

Thứ tư, 02/09/2020 10:00 (GMT+7)

“Tôi đã hàng trăm, hàng nghìn lần ngắm nhìn đất trời của Tổ quốc từ trên khoang lái của máy bay, bây giờ ngắm nhìn nó từ độ cao vũ trụ, lòng tôi thấy rộn lên niềm vui pha lẫn chút nghẹn ngào: Quê hương đất nước đã nâng cánh cho mình bay”.

Quê hương đất nước đã nâng cánh cho mình bay!
Hình ảnh Phạm Tuân (bên trái) khi thực hiện chuyến bay 40 năm trước. Ảnh: NVCC

Chiếc đồng hồ nhẫn nại chỉ thời gian đếm ngược cho đến thời điểm phóng con tàu… Đóng tấm kính của mũ là còn 5 phút… Tiếp tục vang lên các lệnh: 3 phút, 2 phút, 1 phút chuẩn bị!

Từ lúc còn 1 phút cho đến thời điểm phóng con tàu là lúc nhận lệnh dồn dập và những câu trả lời, báo cáo cũng dồn dập không kém. Tiếng nổ của động cơ ngày càng lớn dần… Khẩu lệnh cuối cùng vang lên: “4 giây, 3 giây, 2 giây, 1 giây. Phóng!”.

Một tiếng nổ lớn, con tàu rung lên… 40 năm trôi qua, 5 phút cuối cùng trước khi con tàu cất cánh, 8 ngày trên vũ trụ… những dấu mốc thời gian vụt lướt qua, ở lại trong tâm trí người Anh hùng Phi công – trung tướng Phạm Tuân ở cái tuổi 73 của cuộc đời.

Ngày 23.7.1980 năm ấy, sân bay vũ trụ Baicônua nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Quả tên lửa dài hơn 40m hôm trước còn nằm dài dưới đất thì hôm nay đã được đặt lên bệ phóng, sừng sẵng giữa bầu trời sa mạc mênh mông của Kazacxtan. Ngày hôm ấy xảy ra sự kiện đặc biệt vì có người phi công vũ trụ đầu tiên của Châu Á sẽ “cưỡi” trên con tàu vũ trụ Liên Hợp-37 bay lên quỹ đạo. Đấy sẽ là Gagarin của Châu Á – Anh hùng Phạm Tuân.

23.7.2020 – tròn 40 năm sau khi chuyến bay được thực hiện, chúng tôi tìm đến nhà Anh hùng Phạm Tuân trong 1 con ngõ nhỏ trên phố Cù Chính Lan, Thanh Xuân, Hà Nội. Câu chuyện bắt đầu trong căn phòng chứa toàn những ký ức mà ông mang theo. 

40 năm trôi qua, điều đầu tiên ông nhớ đến là gì khi nhắc lại chuyến bay lịch sử năm ấy?

– Thời điểm đó đất nước ta vừa trải qua chiến tranh chống Mỹ cứu nước, còn rất nhiều khó khăn. Trong cuộc chiến đó, Liên Xô đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều và hiệu quả. Cuộc chiến thắng lợi thể hiện sức mạnh tổng hợp của phe các nước XHCN.

Đến năm 1978-1979, Liên Xô muốn mời chúng ta tham gia trong chương trình vũ trụ quốc tế, đây là chương trình của các nước XHCN anh em.

Bối cảnh tuy khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước quyết tâm gửi người vào chương trình bay để thể hiện đất nước ta không chỉ có đánh giặc, giữ nước, giải phóng dân tộc, xây dựng Tổ quốc mà còn có khả năng cùng với các nước XHCN bước vào những đỉnh cao của khoa học công nghệ đó là khoa học vũ trụ.

Anh hùng Phạm Tuân kể lại câu chuyện bay vào vũ trụ 40 năm trước với phóng viên Nguyễn Hà - Báo Lao Động. Ảnh: Tô ThếAnh hùng Phạm Tuân kể lại câu chuyện bay vào vũ trụ 40 năm trước với phóng viên Nguyễn Hà – Báo Lao Động. Ảnh: Tô Thế

Cảm xúc của ông ra sao khi biết mình được lựa chọn đi trên chuyến bay lịch sử đó và ông đã chuẩn bị những gì cho chuyến bay này?

– Phi công tham gia tuyển chọn theo tiêu chuẩn Intercosmos mà Liên Xô đứng đầu. Phi công Việt Nam tham gia tuyển rất nhiều. Vòng tuyển chọn kéo dài đến 6-7 tháng để chọn được người có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, sự hiểu biết, nhận thức về vũ trụ, phù hợp với tiêu chuẩn của chương trình.

Trải qua nhiều vòng, sang đến Liên Xô tuyển còn có 4 người. Đó là anh Nguyễn Văn Cốc, Bùi Thanh Liêm, Nguyễn Văn Kháng và tôi – lúc đó đang học ở Liên Xô.

Sau khi khám tuyển ở Bệnh viện Trung ương Quân đội Mátxcơva gần 1 tháng, hội đồng cho gọi 4 người chúng tôi đến để công bố. Chúng tôi hồi hộp lắm!

Tôi được gọi vào đầu tiên và cảm giác lúc đó giống như thi hoa hậu, có thể người được gọi đầu sẽ xếp ở vị trí thứ 3, thứ 4. Không ngờ vừa vào thì trưởng đoàn cùng tất cả thành viên của hội đồng bắt tay chúc mừng và tôi cùng anh Bùi Thanh Liêm được chọn. Qua 1 cuộc tuyển chọn dài như vậy mà mình được trúng tuyển, tôi rất phấn khởi. 

Tôi chỉ biết mình là phi công bay chính trước giờ bay 3 ngày. Ngày 21.7.1980, hội đồng công bố quyết định ai sẽ là người bay chính thức. Tôi cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko được xướng tên bay cùng nhau.

 Ông mang theo bên mình những gì lên chuyến bay lịch sử đó?

– Bay vào vũ trụ rất hạn chế về khối lượng và trọng lượng mang theo nên tôi mang theo người thư từ, ảnh của gia đình. Ngoài ra, tôi được giao nhiệm vụ mang một nắm đất Ba Đình, một quyển Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ, bản Di chúc của Bác Hồ, ảnh Bác Hồ, ảnh ông Lê Duẩn, 2 huy hiệu Bác Hồ và cờ Tổ quốc. Tất cả những thứ đó được mang lên, đóng dấu trên tàu, được ghi nhận chính thức đã vào vũ trụ, và chính thức chúng ta có tên trong bản đồ du hành vũ trụ quốc tế.

Khoảnh khắc con tàu bay lên, cảm xúc của ông như thế nào, đặc biệt là khi được ngắm nhìn quê hương thân yêu từ con tàu này?

– Chúng tôi ngồi trên con tàu cho đến lúc con tàu cất lên là 4 tiếng đồng hồ, đó là ngày 23.7.1980. Trước đó, chúng tôi được nghỉ 2 tiếng sau khi ăn cơm trưa. Khoảng thời gian đó, tôi nghĩ miên quan quanh vụ phóng con tàu sắp tới rồi bỗng nhiên nhớ đến quê hương, xóm làng thân yêu, nhớ đến vợ con…

4 tiếng ngồi trên con tàu, chúng tôi sưởi ấm tàu, kiểm tra độ kín, quần áo, mọi thứ. Chúng tôi liên tục làm việc, đồng thời ổn định tâm lý tư tưởng cho đến khi phóng con tàu.

Ngồi trên con tàu rất đặc biệt, ở môi trường không trọng lượng. Ban ngày cũng có thể nhìn thấy sao, thấy trăng, thấy mặt trời, thấy trái đất của chúng ta. Con tàu bay qua tất cả các nước trên thế giới… Cảm giác rất đặc biệt. 

Tôi đã hàng trăm, hàng nhìn lần ngắm nhìn đất trời của Tổ quốc từ trên khoang lái của máy bay, bây giờ ngắm nhìn từ độ cao vũ trụ, lòng tôi thấy rộn lên niềm vui pha lẫn chút nghẹn ngào: Quê hương đất nước đã nâng cánh cho mình bay.

Gần 8 ngày trên vũ trụ của ông và đồng đội diễn ra như thế nào?

– Ở trong không gian tổng cộng 7 ngày, 20 giờ và 42 phút. Tất cả chương trình làm việc trong 8 ngày chúng tôi đã được luyện tập đầy đủ. Chúng tôi tiến hành hơn 30 thí nghiệm: Thí nghiệm Hạ Long 1, Hạ Long 2, chụp bề mặt Trái đất… 

Bữa ăn trên không gian cũng rất đặc biệt. Đồ ăn không bày lên bàn, không để chén bát, tất cả đã được làm sẵn. Trước khi đi ăn, chúng tôi được phát khẩu phần ăn đóng thành lọ, thành chai.

Chuyến bay của tôi có xảy ra một trục trặc. Đó là khi bay lên chuẩn bị lắp ghép, đúng ra phải quay 180 độ để tăng tốc độ tiếp cận con tàu mẹ, nhưng đến khi quay được 90 độ thì hỏng mất hệ thống quay. Đội bay Bungary – Liên Xô trước đó cũng đã xảy ra trục trặc và lắp ghép không thành công, họ phải quay về Trái đất không tiếp tục được hành trình, nên tôi khá lo lắng.

Khi bay qua Mátxcơva vào vùng liên lạc, trung tâm điều hành mặt đất hướng dẫn sửa chữa, con tàu đã khắc phục được. 3h3 ngày 25.7.1980 (giờ Hà Nội), tàu ghép nối thành công với tổ hợp quỹ đạo “Chào mừng 36”.

Sau 40 năm nhìn lại, ông cảm thấy chuyến bay này có ý nghĩa như thế nào?

– Chuyến bay đánh dấu mối quan hệ hợp tác, tạo nên sức mạnh cho cả dân tộc. Thể hiện tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô. Chuyến bay cũng khiến thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn, khi chúng ta đã có mặt trên vũ trụ. Tôi tự hào vì đã được thực hiện chuyến bay đó.

Chuyến bay đầu tiên này cũng là cơ sở ban đầu cho sự hợp tác về khoa học – công nghệ trong lĩnh vực vũ trụ của các nhà khoa học Việt Nam. Theo tôi, Việt Nam muốn ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vũ trụ vào mục đích sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thì phải có chiến lược cụ thể, tự lực tự cường nhưng cần có hợp tác quốc tế.

Rate this post