Phố Lý Nam Đế
Khi Pháp phá bức tường thành xây cầu dẫn xe hỏa dọc phố Phùng Hưng lên cầu Long Biên thì phố Lý Nam Đế thành con đường năm ngoài thành nội. Thời Pháp thuộc con đường này mang tên Thống Chế – Gióp (Jeffre Ruc Mazechal). Giữa năm 1945 đường đổi tên Lý Nam Đế.
Lý Nam Đế là Đế hiệu của Lý Bí người vùng Thái Bình. Tháng giêng năm 542 (thế kỷ VI), Lý Bí khởi nghĩa giải phóng đất nước. Năm 544 ông lên ngôi vua xưng là Nam Việt Đế với tên nước là Vạn Xuân. Năm 545 nhà Lương cho quân xâm lược nước ta. Thế giặc mạnh, ông lui về động Khuất Liên, huyện Tam Nông (Phú Thọ) và mất tại đây.
Đến tận năm 1975 đầu phố bên dãy chẵn chỉ có 5 biệt thự cổng mở ra mặt đường còn suốt dọc phố là bức tường cao 2m hay hàng rào, nhìn vào ta thấy những ngôi nhà 1 tầng nhấp nhô bên lùm cây. Người đi trên hè bỗng chốc lại gặp tấm biển đúc bằng xi măng dựng sát tường hay tấm biển sắt sơn dòng chữ đen ngắn, gọn, dứt khoát: “Khu vực cấm”. Phố xá càng thưa thớt, vắng vẻ. Thỉnh thoảng 1 tốp bộ đội vác súng đi dọc phố. Một thời phố “mang” tên: Phố Nhà Binh.
Đúng vậy, đây là khu vực quân sự. Trong thời chiến giữ bí mật quân sự là điều rất cẩn trọng. Năm 1972 tại số nhà 17 (nay là trụ sở điện ảnh quân đội và rạp chiếu bóng Lý Nam Đế) đã từng là nơi tạm giam “giặc lái Mỹ” chờ trao đổi tù binh theo hiệp định Paris. Bên dãy số lẻ của con phố là những doanh trại quân đội, khu tập thể gia đình quân nhân, khu nhà ở của sĩ quan cao cấp làm việc trong thành. Rải rác dọc phố là Đài phát thanh truyền hình Quân Đội, tòa soạn báo Quân Đội Nhân dân, tạp chí Quân Đội, tập san Quốc phòng toàn dân, nhà in Quân Đội, thư viện Quân Đội, Tòa án quân sự…
Những năm 80 của thế kỷ trước, một số cửa hàng sửa chữa điện lạnh, mua bán máy giặc, tủ lạnh chập chững bước vào kinh doanh ở góc phố, ngã ba Cửa Đông – Lý Nam Đế, việc buôn bán khá suôn sẻ, hàng chục cửa hàng điện lạnh khai mở. Phố Lý Nam Đế nhen nhóm hình thành 1 phố chuyên doanh.
Đến với phố Lý Nam Đế hôm nay, đi dưới bóng rợp mát, thân thiện của hàng cây xà cừ cổ thục chạy dọc suốt phố, du khách chứng kiến 1 thị trường công nghệ thông tin viễn thông sôi động sầm uất. Khởi nghiệp từ những kỹ sư rất trẻ của Khoa học công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Mở, Đại học Giao Thông … cùng nhau đến đây hợp tác. Ban đầu là những cửa hàng nhỏ sửa chữa máy vi tính, bảo dưỡng, thay linh kiện mới. Giờ đây gần trăm quầy hàng san sát trên phố: “Hiệp Lực, Tân Quang, Đức Huy, Trần Mạnh, Bằng Hữu…” có những siêu thị lớn khang trang bề thế như Công ty Nam Á, công ty cổ phần Sinh Thành, Việt Phát, trung tâm bảo hành Trần Anh, ngoài những biển hiệu rực rỡ còn nhữg panô áp phích chăng kín bức tường tầng 2, tầng 3.
Giờ đây phố Lý Nam Đế mang đậm ý nghĩa của một phố “Quân đội nhân dân” mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã từng ví “Quân với dân như cá với nước”. Tất cả quân đội và nhân dân chan hòa vào biển lớn của thương trường hội nhập quốc tế. Những doanh nhân trẻ đầy hoài bão đang nhanh chóng thu ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới, đẩy thời gian trôi nhanh về phía thịnh cường và dư dật.
Lê Nhật Tăng