Phan Thị Bích Hằng: Từ “cõi âm” đến kinh doanh BĐS New 2020
Sau quãng thời gian dài làm việc với “cõi âm”, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng “nhảy” vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, tới làm việc ở công ty địa ốc Phương Trang, mà theo như chị tâm sự là “làm từ mặt đất trở lên”. Chị đã chia sẻ về thị trường BĐS hiện nay.
Kinh doanh BĐS như bước vào “trường đời”
– Chị từng phát biểu: 20 năm làm dưới mặt đất, giờ
là lúc chị làm từ mặt đất trở lên. Chị cảm thấy làm từ mặt đất trở lên
nó như thế nào?
Chị Phan Thị Bích Hằng: Đó là 1 cách nói rất
vui. Làm từ mặt đất trở xuống nó chỉ có duy nhất một con đường, đó là
đem lại sự đoàn viên; tìm kiếm một cái đích rất rõ đó là một vong linh,
linh hồn cụ thể. Mọi người tiếp cận đến mình bằng cõi tâm linh và đó bao
giờ cũng là nơi thánh thiện nhất trong lòng mỗi con người.
Ở cõi tâm linh, ai cũng giống ai, từ ông vua đến dân
thường. Họ đều có một cội nguồn để hướng tới là ông bà cha mẹ, những
người đã mất và ai cũng trăn trở về cái gì đằng sau cuộc sống của mình.
Cho nên con đường rất thẳng và thuần khiết. Còn kinh doanh thì không giống như thế.
Khi làm từ mặt đất trở lên, mình thấy cái đích nó
mênh mang lắm, như phù vân Yên Tử vậy. Và thực sự mình thấy rằng giữa lý
thuyết kinh doanh với thực tế kinh doanh không giống nhau. Từ lúc tham
gia kinh doanh mình mới cảm thấy như bước chân vào trường đời.
– Những trải nghiệm sâu sắc nào ở lĩnh vực kinh doanh BĐS khiến chị coi đây là “trường đời”?
Thương trường thực sự có rất nhiều giông tố. Mình
bước chân vào thị trường BĐS lúc này chẳng khác ra biển đúng lúc bão
giông. Người âm họ nói vậy là vậy, thỉnh thoảng mới gặp 1 người gọi là
“ma” – cà chớn một chút thôi. Với những gia đình không tìm thấy hài cốt
người thân, cũng cá biệt một vài người lên báo chí trách lỗi tại nhà
ngoại cảm. Nhưng 80-90% số người còn lại hiểu rằng, đó là “phúc chủ lộc
thầy”. Tìm được hài cốt người thân cũng nhờ vào sự thành tâm, duyên phúc
của Chủ chứ không hoàn toàn do tài năng của Thầy.
Thế nhưng trong kinh doanh BĐS thì khác lắm. Mình
thấy thị trường BĐS thực sự như là một cơ thể đang bị viêm nhiễm, nó lên
cơn sốt nóng lạnh, hôm nay thế này mai thế khác.
Lấy ví dụ từ sàn của mình, vừa mới 3 tuần trước giao
dịch còn rất là tấp nập, tự nhiên 3 tuần này vắng tanh. Chỉ cần một
thông tin nhạy cảm thì lập tức thị trường khác hẳn.
– Tham gia thị trường chưa lâu nhưng chị có lý giải gì về sự “viêm nhiễm”, không khoẻ mạnh của lĩnh vực này?
Đó là một cơ thể khi nóng khi lạnh, người ta không
biết bệnh của nó đến từ đâu, song người ta cứ đổ tại siết chặt tín dụng,
tại cái nọ cái kia song họ chưa tìm được căn nguyên của căn bệnh đó là
gì. Theo tôi, đó là hiệu ứng đám đông.
Thứ nhất đầu tư theo kiểu cơ hội quá nhiều và đầu cơ
chứ không xuất phát từ nhu cầu thực tế. Trong khi chủ đầu tư làm dự án
quá ồ ạt, tung hàng ra, bắt thị trường phải oằn xuống. Đó là khi đường
cung thì 10 nhưng đường cầu chỉ có 2-3 thôi.
Qua điểm bão hoà rồi nó sẽ đến cái điểm đi xuống dốc
và lúc này có những người vẫn kiên quyết không xuống giá; một số nhà đầu
tư lớn bằng mọi cách thoái vốn để cắt lỗ. Bên cạnh đó có những người kỳ
vọng, cố gắng cổ suý đám đông nhằm kích cầu lên thông qua 1 bài báo
hoặc bằng 1 thông tin ảo chỗ này có dự án, công trình kia mở ra. Sự
không đơn thuần của thị trường cũng là lý do khiến mình tự nhiên cảm
thấy cuốn hút, thú vị và muốn tìm hiểu.
Qua rồi thời “sau một đêm thành tỷ phú”
– Chị có dự cảm và nhận định thế nào về diễn biến thị trường BĐS thời gian tới?
Mình nghĩ thị trường đã qua giai đoạn chộp giật, lướt
sóng kiếm lời kiểu sau một đêm thành tỷ phú rồi, và nó rất khó trở lại
như trước vì đang là lúc các phân khúc BĐS, các dự án bung ra như nấm
sau mưa trong khi nhu cầu thực tế chỉ là 1 phần rất nhỏ. Ví dụ ở một vài
khu đô thị lớn, thậm chí ở trung tâm Hà Nội, tất cả các nhà đều đã có
chủ rồi nhưng được bao nhiêu nhà bật đèn vào buổi tối, tức là biểu hiện
không có người ở.
Bằng cảm nhận của người kinh doanh thì kỳ vọng sẽ có
cú hích hâm nóng thị trường lúc này là rất khó, thị trường BĐS chưa thể
nóng lại được ngay. Nó từ cái biểu đồ đi lên trước đây, rồi đi xuống bây
giờ và sắp tới sẽ đi ngang ra. Sẽ không xuống nhưng thị trường cũng
không vút lên mà đi ngang theo chiều lên với bình độ thoai thoải. BĐS sẽ
trở về với giá trị thực chứ không phải giá trên trời.
– Khi biết chị tham gia thị trường BĐS hẳn nhiều
người quen thân chị cũng rất ngạc nhiên. Câu hỏi nào họ dành cho chị
nhiều nhất?
Rất nhiều người mới nghe tỏ ra bất bình, phản ứng dữ
dội, họ cho rằng mình đang đem tên tuổi ra đánh bóng, kiếm tiền vì kinh
doanh bất động sản rất dễ kiếm tiền. Cũng không ít bạn bè can ngăn quyết
liệt không cho mình làm.
Một số người hiểu hơn thì thắc mắc kinh doanh, thương
trường nó khác lắm, e Bích Hằng không làm nổi kinh doanh, nhất là lĩnh
vực này vì tính hay thương và nghĩ cho người khác. Quả là ở trong môi
trường của các thầy cô và sinh viên, một môi trường trí thức nơi họ vắt
chất xám và sức lực ra để nỗ lực làm việc, học tập; chứng kiến cảnh
những giảng viên trẻ thù lao giờ giảng rất thấp, họ cố dạy thật nhiều
lên, dạy đêm hôm ca nọ ca kia để đủ tiền mua căn hộ xa xa, thậm chí ở
những khu cũ nát, mình rất trăn trở, nhiều khi cảm thấy lo lắng cho
nhiều người thu nhập bình thường không biết bao giờ mới mua được nhà ở.
Vào làm việc ở Phương Trang, mình ấp ủ sau khi các dự
án BĐS du lịch của công ty tung ra đem lại lợi nhuận, mình sẽ vận động
công ty đầu tư ra Hà Nội, xây một khu nhà thuê hoặc bán với giá thấp. Có
thể gọi là khu làng trí thức dành cho những giáo viên, sinh viên đến ở
sinh sống.
– Như vậy dường như chị đến với kinh doanh như để
góp sức “phân chia lại của cải xã hội”, lấy của người giàu chia cho
người nghèo?
Ấy chết, nói vậy phạm huý quá! Mình có là gì đâu mà
làm nổi việc đó. Trên thực tế công ty đã có nghị quyết luôn dành 10-15%
lợi nhuận trong 1 năm kinh doanh để đi làm từ thiện, tài trợ và tổ chức
các chương trình xã hội và Công ty đã thực hiện như vậy trong nhiều năm
nay rồi. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến mình gia
nhập với Phương Trang.
Cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổ đình Vĩnh
nghiêm, đặc biệt là Thầy trụ trì Thích Thanh Phong, công ty đã tham gia
hỗ trợ kinh phí tìm mộ và làm lễ cầu siêu cho các Liệt sĩ, làm từ thiện,
cứu trợ đồng bào bị thiên tai ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc
biệt là ở Phú Quốc, Côn Đảo, Quảng Trị, Thừa Thiên, Gia Lai, Bình Định,
Lạng Sơn…
Làm nhiều việc nhưng tên tuổi họ rất khiêm tốn bởi
tinh thần “Quân tử thi ân bất cầu báo”, nghĩa là làm bao nhiêu không cần
biết, chỉ cần biết cuộc sống cộng đồng được nâng lên, những người nghèo
khổ, hoạn nạn được giúp đỡ và coi đó là sự ghi nhận chứ không phải làm
để ghi tên mình.
– Trước đây công chúng biết chị là 1 nhà ngoại cảm
và 1 giảng viên đại học. Năm nay chị bắt đầu có thêm 1 vai trò nữa, vậy
thời gian chị dành cho các công tác này thế nào?
Thực ra mỗi người mỗi ngày chỉ có 24 tiếng không thể
sinh ra hơn nhưng mình được cái rất thuận lợi là môi trường công tác của
mình tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mà hiệu trưởng
là bác Trần Phương và đồng nghiệp cực kỳ thông cảm và chia sẻ.
Bác Trần Phương có lần nói rằng, “một mình Bích Hằng
có thể tìm được nhiều liệt sĩ chứ rất nhiều giáo sư tiến sĩ không tìm
nổi 1 liệt sĩ, cho nên các giáo sư tiến sĩ và Nhà trường phải hỗ trợ,
cho phép Bích Hằng tự chủ động điều phối công việc, làm việc ở phòng kế
toán, tham gia giảng dạy khi có thể và ưu tiên tối đa cho việc làm từ
thiện xã hội.”
Còn việc tâm linh mình thường làm vào buổi tối và
ngày nghỉ. Trước đây mình đi xa thường xuyên nhưng từ vài năm nay do vấn
đề sức khoẻ, cột sống bị thoát vị đĩa đệm do đi núi đi rừng nhiều quá,
ngồi xe xóc nên mình không đi xa được nhiều. Việc kinh doanh, một tuần
mình dành khoảng 4 buổi đến sàn.
Mình tham gia kinh doanh không phải vì mục đích kiếm
tiền mà một phần là ý thích tìm hiểu, trải nghiệm để có kiến thức thực
tế sinh động cho việc giảng dạy về kinh tế sau này, quan trọng hơn là cơ
hội để đóng góp, trợ giúp nhiều hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn vươn
lên trong xã hội.
– Cảm ơn và chúc chị thành công!