Phan Sào Nam là ai? Phạm tội gì mà được ra tù rồi lại vào tù?

Ngày 21/11 hàng loạt tờ báo lớn nhỏ đăng tải thông tin “Trùm cờ bạc” Phan Sào Nam bị ngồi tù trở lại. Vậy Phan Sào Nam là ai mà được giảm hình phạt tù rồi lại đi tù trở lại.

Phan Sào Nam là ai?

Nếu search từ khóa Phan Sào Nam trên mạng mọi người sẽ nhận được các kết quả kèm theo như: Trùm cờ bạc, Đường dây đánh bạc nghìn tỉ qua mạng, Được bảo kê,…

Trước khi vướng vào vòng lao lý. Lý lịch của Phan Sào Nam cơ bản điểm qua như sau:

  • Tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị kinh doanh trường ĐH Kinh tế TP.HCM; là thạc sỹ kinh doanh công nghệ 1 trường ĐH thông tin liên lạc Hàn Quốc.

  • Năm 2005, được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc VTC Intecom.

  • 02 năm sau tức năm 2007 Nam và đồng nghiệp lập ra VTC Online, lúc này Phan Sào Nam giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Đến năm 2018 cái tên Phan Sào Nam chính thức vang danh cõi mạng vì là 1 trong 2 chủ mưu của đường dây đánh bạc nghìn tỷ được 2 cựu tướng Công an “bảo kê”.

Với sự tiếp tay của cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa. Chỉ trong 3 năm, đường dây đánh bạc qua mạng internet của Phan Sào Nam núp bóng “hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm” đã phủ sóng nhiều tỉnh thành, lôi kéo hàng triệu người tham gia, thu lợi bất chính gần 10.000 tỉ đồng.

Trong vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền” này Phan Sào Nam được xác định là người cung cấp phần mềm, bản quyền cổng game điện tử cho Nguyễn Văn Dương – là người đại diện theo pháp luật của Công ty CNC (công ty bình phong của Cục C50 – Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an).

Cụ thể: Qua tìm hiểu Nam biết Công ty CNC là công ty bình phong của Cục C50 nên đã thỏa thuận, ký hợp đồng với Dương đứng ra phát hành phần mềm đánh bạc bằng hình thức game Rikvip/Tip.Club khi không có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tiếp theo đó, Nam đã ký hợp đồng với Công ty Nam Việt xây dựng phần mềm tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet, chỉ đạo các thành viên trong công ty thiết lập hạ tầng máy chủ cho game bài, chỉ đạo đổi soát, tiếp nhận tiền doanh thu tổ chức đánh bạc, chi phí, trả thưởng cho các đối tượng để phục vụ cho hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến, thu lời bất chính số tiền hơn 1.475 tỷ đồng.

Để che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền, Nam ký các hợp đồng kinh tế, thanh toán hóa đơn khống đối với các công ty đối tác. Các công ty này hưởng phần trăm, còn lại chuyển trả cho Nam. Đây là thủ đoạn mà Phan Sào Nam dùng để rửa số tiền hơn 548 tỷ đồng

Chiêu trò của Phan Sào Nam trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ

Khoảng năm 2016, thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông đã có văn bản gửi Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) thông báo về việc cổng game do ông Dương điều hành có dấu hiệu đánh bạc trái pháp luật.

Lúc này, cổng game điện tử Rikvip bị đóng cửa và ngừng hoạt động. Nhưng, ngay sau đó, cổng game Tip.club được mở lại với hình thức hoạt động tương tự như Rikvip và là nơi để hàng chục triệu người vào sát phạt.

Theo số liệu, cơ quan chức năng xác định có hơn 40 triệu tài khoản đăng ký tham gia trên cả hai cổng game này. Trong giai đoạn điều tra, số tiền lưu thông của đường dây đánh bạc lên đến 18.000 tỷ đồng.

Hoạt động của hơn 40 triệu tài khoản tại 2 cổng game này và đường dây hoạt động cũng như cách chơi của người chơi rất đơn giản:

Người chơi chỉ cần vào game đăng ký tài khoản và nạp tiền chơi bằng nhiều hình thức khác nhau như: nạp tiền bằng thẻ cào điện thoại, nhắn tin sms (tỉ lệ 10.000 VND bằng 10.000 Gem), visa (tỉ lệ đổi 0,99$ bằng 8000 Gem). Sau đó lựa chọn cách chơi như: Slot xmas, tiến lên miền nam, slot machine, tài xỉu, xóc đĩa, phỏm, sâm lốc, mini poker, ba cây, mậu binh… và dấn thân vào cuộc chiến đỏ đen. Điều đặc biệt là người chơi có thể quy đổi tiền ảo trên game qua những đại lý ở bên ngoài để nhận tiền thật. Ngoài ra ở phần đổi thưởng tại game RikVip52 cũng rất hấp dẫn kích thước người chơi như tặng iphone, Ipad,…

Quá trình điều tra về đường dây đánh bạc nghìn tỷ do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu, cơ quan điều tra xác định đường dây này bắt đầu hoạt động từ năm 2014. Máy chủ điều hành đặt tại Hà Nội với 25 đại lý ở tận 13 tỉnh, thành trên cả nước.

Vì sao Phan Sào Nam bị ngồi tù trở lại

Trong vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền” Phan Sào Nam phải chấp hành mức án 5 năm tù về các tội danh: ”Tổ chức đánh bạc” và ”Rửa tiền”, ngoài ra Nam còn bị buộc nộp lại số tiền hơn 929 tỉ đồng; tịch thu, sung công quỹ số tiền hơn 548 tỉ đồng. Tổng cộng số tiền là 1.475 tỉ đồng theo bản án của tòa phúc thẩm xét xử năm 2019.

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau khi bản án có hiệu lực, ngày 29-4-2020, TAND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận đề nghị của trại giam Quảng Ninh về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho Nam. Gần 1 năm sau, TAND tỉnh Quảng Ninh lần thứ hai chấp nhận đề nghị của trại giam Quảng Ninh, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại (3 tháng 7 ngày). Ngày 6-2-2021 phạm nhân Phan Sào Nam chính thức ra trại.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan tố tụng Quảng Ninh đã liên tiếp có các quyết định giảm án cho Phan Sào Nam, tạo điều kiện cho ông trùm này ra tù trước hạn đến 22 tháng.

Ngay sau đó, VKS cấp cao 1 đã ra kháng nghị cho rằng hai quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh là không đủ điều kiện và không có căn cứ pháp luật như là lật tẩy tình tiết “lập công” không có thật hay dựa vào trình bày hoàn cảnh khó khăn để xếp loại VKS cấp cao đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với Phan Sào Nam.

Liên quan việc giảm chấp hành hình phạt tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam có đến 9 tập thể và 29 cá nhân bị xác định sai phạm, tiêu cực bị xử lý và yêu cầu xử lý trách nhiệm.

Đến ngày 21-11-2021 Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm xem xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao liên quan quyết định tha tù trước thời hạn đối với Phan Sào Nam. Theo quyết định giám đốc thẩm, 2 quyết định tha tù trước thời hạn đối với ‘ông trùm’ cờ bạc là trái pháp luật – bị hủy bỏ, buộc Phan Sào Nam chấp hành nốt bản án còn lại.

Ngoài ra Ủy ban Kiểm tra trung ương đã công bố quyết định kỷ luật với Ban cán sự Đảng, bí thư Ban cán sự Đảng các nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 2020 – 2025, một số ủy viên Ban cán sự Đảng, lãnh đạo và cán bộ TAND tỉnh Quảng Ninh vì có trách nhiệm liên quan đến quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam khi không đủ điều kiện và không có căn cứ pháp luật.

Có thể nói vi phạm của BCSĐ TAND tỉnh Quảng Ninh là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và uy tín của tổ chức đảng, của ngành Tòa án.

Rate this post