PHƯƠNG HỒNG QUẾ: trọn tình với người, hết mình với đời – TVTS

 

Phương Hồng Quế

 

Sự xuất hiện của 3 nữ ca sĩ họ “Phương” trong phần vinh danh nhạc sĩ Nguyễn Đức trên chương trình video “Hát Với Thần Tượng” của trung tâm Asia (Asia 55)  đã tạo được nhiều thích thú cho người thưởng thức. Sự kết hợp giữa Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Ngọc và Phương Hồng Quế đã đưa khán thính giả trở về một trong những thời kỳ đáng ghi nhớ nhất của tân nhạc Việt Nam.  Người nữ ca sĩ họ “Phương” còn duy trì được những họat động của mình một cách đều đặn cho đến nay không ai khác hơn là Phương Hồng Quế mà  TiVi Tuần-san dành cho chị bài viết dài…

          

Ngoài đời, Quế là một người sống hết mình với bạn bè và những người quen biết.  Người phụ nữ có khuôn mặt sáng và tươi tắn ấy thật là một người dễ gây cảm tình với những nét lôi cuốn đặc biệt của mình. Quế còn là một người luôn sống trọn tình, trọn nghĩa dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cùng với một bản tính năng động và nhanh nhẹn.  Đó là điều chị luôn tâm niệm.

 

Không lần nào người viết  gặp nhạc sĩ Nguyễn Đức mà không nghe ông nhắc tới “con Quế” với những lời khen ngợi chí tình về đức tính này.  Về phần Quế, không lần nào ghé Toronto mà không lại thăm gia đình ông thầy dạy hát cho mình từ khi còn là một cô bé nhi đồng.  Hoặc ít nhất “con Quế” cũng gọi điện thoại hỏi han “anh Hai Nguyễn Đức”. Đó chỉ là một trong biết bao nhiêu trường hợp trọn tình trọn nghĩa khác. 

 

Ngoài tình thầy trò, với bạn bè, Quế sẵn sáng chấp nhận hy sinh và “chịu thiệt thòi một chút cũng chả sao”, miễn giữ cho tình bạn được lâu dài. Trong lãnh vực ca nhạc, Phương Hồng Quế cũng với những ưu điểm của mình đã trở thành thân quen với những khán thính giả khi đứng trên sân khấu hoặc xuất hiện trước ống kính thu hình.

 

Chị cũng sống hết mình khi bộc lộ những cảm xúc chứa đựng trong những nhạc phẩm trình bầy.  Phương Hồng Quế cũng sống rất trọn tình với khán thính giả đã dành cho chị biết bao niềm thương yêu, ưu ái.

 

Đặc biệt đối với những người Lính, tiếng hát của Phương Hồng Quế đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần của họ trong suốt trên 40 năm đi hát, kể từ khi chị góp mặt trong ban Việt Nhi của  nhạc sĩ Nguyễn Đức vào những năm đầu thập niên 60.

 

Phương Hồng Quế gắn bó với cuộc đời người lính như một sự an bài của định mệnh.  Sự an bài đó được thể hiện một cách rất rõ ràng bằng ngày sinh nhật của chị nhằm ngày 19 tháng 6, trùng hợp một cách lạ lùng với Ngày Quân Lực Việt Nam Công Hoà!  Có rất nhiều nữ ca sĩ được coi là những giọng ca, tiếng hát của lính, nhưng chắc rằng khó ai có thể có được một sự gắn bó, một kết hợp rất chân tình như  Phương Hồng Quế.

 

Với thời gian, đề tài của những nhạc phẩm trình bày đã trải qua biết bao thay đổi, nhưng Phương Hồng Quế vẫn một mực chung tình với Lính khi mới cho ra đời cách đây không lâu một CD mang tựa đề “Lính Xa Nhà” với trên 10 ca khúc về Lính… Đó hẳn cũng có thể coi như một trường hợp trọn tình, trọn nghĩa của một người nữ ca sĩ sống rất thành thật, cởi mở và rất giản dị này.

 

Với một quá trình hoạt động thật dài, trải qua biết bao thay đổi, nhưng Phương Hồng Quế vẫn giữ cho mình được một chỗ đứng vũng vàng cho đến bây giờ. Điều đó đã nói lên được sự ưu ái khán thính giả dành cho chị thật là đậm sâu, thật là thắm thiết…

 

Phương Hồng Quế thời kỳ được mệnh danh là “Ti Vi Chi Bảo” 

 

Năm 2007 này Phương Hồng Quế đã 54 tuổi.  Quế chẳng cần phải dấu diếm hay… khai gian tuổi khi rất hồn nhiên “khai báo” là mình sinh ngày 19 tháng 6 năm 1953 với cái tên thật rất bình thường: Nguyễn Thị Quế.  Lại còn kỹ lưỡng hơn nữa khi cho biết luôn tên nhà bảo sinh nơi chị đã mở mắt chào đời tại Sài Gòn là nhà bảo sinh An Kỳ ở Tân Định. 

 

Quế là người con thứ nhì trong một gia đình gồm “ngũ long công chúa” và 1 cậu con trai.  Trong gia đình, ngoài Quế là người đi theo con đường văn nghệ, chỉ có cô em kế là Mỹ Phương từng một thời gian là thành viên trong ban vũ Lưu Hồng, khi ban này cộng tác với chương trình ca vũ nhạc Hoàng Thi Thơ tại vũ trường Maxim’s vào đầu thập niên 70.  Mỹ Phương có chồng là tay trống Đức Hiếu của ban nhạc the Shotguns.  Ngay như  2  con của Quế cũng không tỏ ra yêu thích văn nghệ, ngoài việc cần mẫn học hành.

 

Quế lớn lên trong một căn nhà nằm trong một ngõ hẻm của một khu chằng chịt những ngõ ngách, hẻm hóc, gần đài Đức Mẹ Fatima.  Có thể đi vào bằng con hẻm lớn trên đường Hiền Vương gần mấy tiệm phở gà nổi tiếng. Hoặc bằng nhửng con hẻm nằm gần khu phở bò vang danh trên đường Pasteur.   Đó là nơi Quế có rất nhiều kỷ niệm trong thời kỳ niên thiếu.

 

Đến bây giờ Quế vẫn không quên được những buổi sáng tung tăng cắp sách đến trường tiểu học Trần Quí Cáp.  Khi đi dọc theo con đường Duy Tân, lần nào cũng phải nghịch ngợm, quậy phá bằng cách bấm chuông những ngôi biệt thự kín cổng cao tường trên con đường này rồi ù té chạy cùng với một nhóm bạn nhi đồng. 

 

Nơi ngã ba Duy Tân và Hiền Vương gần nhà cũng là nơi thân phụ Quế có một nhà may âu phục cho nam giới khá đông khách, nên việc mưu sinh không đến nỗi vất vả để nuôi một gia đình đông con. 

 

Cô bé tên Quế đã bộc lộ năng khiếu ca hát từ hồi nhỏ. Những nhạc phẩm in sâu vào đầu óc non nớt của Quế là những nhạc phẩm được trình bày bằng tiếng hát Phương Dung. Quế lại còn được một người bạn của bố thỉnh thoảng đàn mandoline cho hát nên càng ngày càng tỏ ra say mê ca hát. Người bạn này chính là ông Tư Hòa, chủ nhân tiệm phở Hòa chính gốc trên đường Pasteur, cư ngụ cạnh bên nhà Phương Hồng Quế. Phần lớn những nhạc phẩm Quế  hát là những bài do Phương Dung trình bầy trước đó, trong số có Nén Hương Yêu của Châu Kỳ.

 

Và Phương Dung hầu như đã trở thành thần tượng của cô bé Nguyễn Thị Quế lúc đó mới chừng 6, 7 tuổi để đến nỗi đã biết tìm cách đi coi hát lén tại một phòng trà nhỏ trên đường Hai Bà Trưng.  Mỗi lần cánh cửa phòng trà được mở khi có người ra vào là cô bé Quế ló đầu vào nhìn cho bằng được.  Nhất là khi thấy được mặt thần tượng của mình là Phương Dung.

 

Ca nhạc càng ngày càng trở nên quyến rũ với Phương Hồng Quế. Cô bé cất tiếng hát cả ngày, cả trong lúc rửa chén hoặc dọn dẹp nhà cửa. Và lòng đam mê ca nhạc cùng với khả năng của Quế đã được một người anh họ chú ý để xin phép gia đình đưa đến lớp nhạc Nguyễn Đức ghi danh.

 

Theo ông anh họ, Quế cùng đạp xe tới lớp nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đức trong một hẻm  trên đường Vĩnh Viễn – Quế còn nhớ số nhà là 223/31 – với tất cả sự nôn nao sẽ được thu nhận. Không may, ngày hôm đó lại mưa gió tầm tã khiến ký ức của Quế còn ghi nhận được một cách sâu đậm về buổi đầu tiên tìm thầy học nhạc nhạc khi mình mẩy đẫm nước mưa.

 

Trước hình ảnh ướt nhẹp và tèm lem của cô học trò bé nhỏ, nhạc sĩ Nguyễn Đức  đã có những câu nói khiến Quế thật nản lòng sau khi được ông anh họ giới thiệu với tất cả sự hồi hộp.  Niềm hy vọng trở thành ca sĩ nơi Quế tưởng như  tiêu tan, nhưng may mắn nhờ có guọng hát tốt nên sau khi nghe hát thử cô đã được nhận vào học…

 

Đó là năm 1965, khi Quế sắp sửa bước vào ngưỡng cửa trường trung học Văn Lang và kế đó là Tân Thạnh. Trước khi Quế đến với nhạc sĩ Nguyễn Đức, lớp nhạc này đã đào tạo được nhiều ca sĩ nổi danh thuộc các lớp trước như ban Tam Vân với Bích Vân, Ngọc Vân, Phước Vân. Rồi đến Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Hoàng Oanh, Thanh Lan, Phương Hồng Ngọc, vv…

 

Tại lớp nhạc Nguyễn Đức, thoạt đầu Quế được hát hợp ca với các bạn trong ban Thiếu Nhi Quân Đội trên đài phát thanh và sau đó là ban Việt Nhi.  Tuy vậy Quế vẫn chưa được “sư phụ” cho xuống núi khiến cô bé lúc nào cũng nôn nóng chờ được có dịp được hát trước khán giả, một cách chuyên nghiệp.

 

Thật sự sau một thời gian, Quế đã được đặt cho tên Phương Hồng Quế để cùng với các bạn trong ban thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức đi hát giúp vui cho các buổi trình diễn văn nghệ tại câu lạc bộ hải quân cùng một số binh chủng khác. Những những lần đó đối với Quế chưa đủ để được gọi là một ca sĩ.

 

Cũng vào thời gian Quế theo học lớp nhạc Nguyễn Đức, nhạc sĩ Song Ngọc là một thiếu úy, thường hay đứng ra tổ chức những buổi văn nghệ ủy lạo các thương bệnh binh điều trị ở Tổng Y Viện Cộng Hoà trong khi chiến tranh vẫn tiếp tục leo thang.  Nhận biết được khả năng của Quế nên Song Ngọc đã mời Quế góp mặt trong những buổi văn nghệ ủy lạo này. Không còn gì mừng hơn, Quế đã nhận lời ngay để trốn nhạc sĩ Nguyễn Đức đi hát trong các buổi ủy lạo với tên Hồng Quế.

 

Sau một vài lần trốn đi hát trong đoàn văn nghệ ủy lạo các chiến sĩ, dĩ nhiên cũng đến lúc thầy Nguyễn Đớc biết được khiến Quế bị lãnh đủ những lời mắng nặng nề, tưởng như không còn được thu nhận làm học trò.  Nhưng thế nào chăng nữa, việc hát cho những thương bệnh binh đã khiến cô bé học trò tên Quế tìm thấy được một niềm vui vì tự hào đã một phần nào đóng góp vào sự xoa dịu những vết thương nơi những người lính chiến đấu nên vẫn tiếp tục trốn đi hát. Biết rằng sẽ nhận lãnh những lời mắng chửi nặng nề nhưng được hát cho những anh lính nghe như một sự an ủi tinh thần nên Quế cũng chẳng quan tâm. 

 

Bất cứ ở đâu Phương Hồng Quế cũng nhận được nhiều ưu ái của khán giả trong những nhạc phẩm tình cảm.  Nhưng phải đợi đến khi khuôn mặt xinh tươi với nụ cười thật đẹp của Quế xuất hiện trên những chương trình truyền hình thì tên tuổi Phương Hồng Quế mới có thể coi là đã chinh phục tất cả mọi người với những nhạc phẩm về lính hoặc những ca khúc tình cảm nhưng vẫn phảng phất trong đó những nét nhà binh, trong bối cảnh của chiến tranh đang hiện diện tại quê hương.

 

Ngay với nhạc phẩm trình bầy lần đầu tiên trên chương trình truyền hình của Nha Động Viên là “Một Người Đi” của Mai Châu, Phương Hồng Quế đã tạo ngay được một ấn tượng tốt nơi tâm hồn khán thính giả.  Sau đó sự xuất hiện của Quế trên hầu như tất cả những chương trình truyền hình nổi tiếng thời đó đã khiến tên tuổi Quế càng thêm nổi bật.  Nào là “Tiếng Thùy Dương” của Châu Kỳ, “Thời Trang Nhạc Tuyển” của Đỗ Lễ, “Trường Sơn” của Duy Khánh, chương trình Phạm Mạnh Cương, vv…

 

Có thể nói trong một thời gian khá dài, Quế được coi như một nữ ca sĩ xuất hiện trên truyền hình nhiều nhất.  Sự kiện này khiến cho giới báo chí đã tặng cho Phương Hồng Quế danh hiệu “ Ti Vi Chi Bảo” vào cuối thập niên 60.

 

Nhưng điều không thể không nhắc tới là hình  ảnh người lính như đã in sâu vào tâm hồn Phương Hồng Quế từ những lần đi hát ủy lạo các thương bệnh binh trước đó, để sau này khi đã trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, Quế đã gia nhập Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương để xung phong đi phục vụ nơi các tiền đồn hẻo lánh, xa xôi…

 

Thật sự khi gia nhập Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương vào hai năm cuối thập niên 60, Phương Hồng Quế cũng như những nghệ sĩ khác chỉ phục vụ tại bộ Tổng Tham Mưu để trình diễn ở những địa điểm quanh vòng đai Sài Gòn.  Nhưng do sự thông cảm với những người lính xa nhà nơi những vùng xa xôi nên Quế đã xung phong đi công tác tại những nơi này, bất chấp mọi hiểm nguy. 

 

Có những lúc Quế từ trực thăng nhẩy xuống giữa những trận pháo kích liên tục, khiến máu ứa ra đầy mũi.  Quế cũng không sao quên được những lần phục vụ ngoài tiền đồn với Hùng Cường, Chế Linh, vv… giữa những lằn đạn bay vèo vèo trong những lần đôi bến đánh xáp lá cà. 

 

Nguy hiểm như vậy nhưng với cái tính gan lì của mình, Quế tuy có sợ lúc đó, nhưng rồi lại tiếp tục tình nguyện tham gia những chuyến công tác như vậy.  Và cũng nhờ đó, Quế đã có măt tại hầu hết những địa danh nổi tiếng với những trận đánh kinh hồn trong giai đọan  chiến tranh khốc liệt.  Cũng trong thời kỳ này, gia đình Quế đã dọn về một ngôi nhà khang trang hơn trong cư xá gần chùa Vĩnh Nghiêm.  Nhưng chỉ chừng một năm sau, cả nhà lại di chuyển về một căn nhà mặt tiền trên đường Hai Bà Trưng, gần Cầu Kiệu khi đời sống trở nên sung túc hơn.

 

Sau khi rời Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, Phương Hồng Quế gia nhập Tổng Ủy Dân Vận vào năm 70 cho đến khi xẩy ra biến cố tháng 4 năm 75.  Và cũng trong thời gian này, Quế được biệt đến rất nhiều với nhạc phẩm “Phố Đêm”, một trong những nhạc phẩm đã tạo tên tuổi cho Phương Hồng Quế. Cho đến nay trong những chuyến lưu diễn khắp nơi, “Phố Đêm” vẫn là bài hát Quế được yêu cầu nhiều nhất.

 

Cũng từ năm 70, Quế bắt đầu tập chơi tennis vì rất mê cú “backhand” của nữ danh thủ quần vợt Chris Evert thời đó. Quế từng tham gia rất nhiều giải khi còn ở Việt Nam.  Khi sang tới Mỹ, Quế được coi là một trong vài tay vợt nữ xuất sắc trong giới nghệ sĩ. Trong giải tennis dành cho nghệ sĩ do Trung Nghĩa tổ chức vào năm 2001, Quế và Carol Kim đã đoạt giải đôi nữ. Quế được mệnh danh là “con đỉa” trong giới quần vợt nghệ sĩ vì luôn đeo theo banh, trái nào cũng rượt, đánh rất đều và không làm hỏng banh…

 

Thời gian từ năm 1972 đến biến cố tháng 4 năm 1975, Phương Hồng Quế vẫn còn hoạt động rất mạnh trong nhiều lãnh vực như phòng trà, vũ trường và đại nhạc hội, ngoài những lần xuất hiện liên tục trên các chương trình ca nhạc truyền hình và tham gia vào những chương trình truyền thanh trên cả hai đài Quân Đội và Sài Gòn.

 

Vào thời kỳ sáng chói nhất của mình, tiếng hát Phương Hồng Quế đã được thu thanh trên nhiều băng nhạc của các trung tâm Nghệ Thuật, Sóng Nhạc, Asia, Dư Âm, Việt Nam, vv… với nhiều nhạc phẩm tình cảm liên quan đến đời quân ngũ.  Đặc biệt là một số nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi của Phương Hồng Quế như  Giờ Này Anh Ở Đâu, Vườn Tao Ngộ hay Chuyến Tầu Hoàng Hôn, vv…

 

Đến lúc đó, Phương Hồng Quế được coi như đã lến đến tột đỉnh của thành công.  Tiền tài và danh vọng đều có đủ trong một cuộc sống êm đềm bên cạnh bố mẹ và các chị em.  Nhưng tất cả đã đi vào một sự đổi thay toàn diện sau biến cố tháng 4 năm 1975. 

 

Phương Hồng Quế rơi vào một tình trạng rất bi quan cho cuộc đời ca hát của mình sau một đợt học tập ngắn hạn ở trụ sở Quốc Hội, tức Nhà Hát Thành Phố sau đó. Quế như đứng trước ngã ba đường, không biết định hướng ra sao trước một sự đổi thay qua đột ngột. Hơn nữa, nỗi lo sợ còn ngày đêm ám ảnh khiến Quế không còn biết làm gì sau khi bị nhà cầm quyền mới cấm không cho đi hát. 

 

Nhưng thực tế hơn cả là phải lao đầu vào việc kiếm sống cho gia đình đang lâm vào một tình trạng cực kỳ khó khăn trước một sự đổi đời. Cô thiếu nữ xinh đẹp quen sống trong một môi trường thoải mái về vật chất, một sớm một chiều đã phải lăn xả vào đời để buôn bán. Nào là buôn thuốc lá, buôn vải ở Chợ Cũ.  Rồi đến mở tiệm ăn ngay tại nhà, rồi lại chuyển qua bán sách, bán quần áo, vv…

 

Nhưng đối với một người như Quế, việc bỏ hát đâu có thể chấp nhận một cách dễ dàng như vậy. Cách hay nhất  để được gặp lại khán giả không gì bằng đi hát chui.  Cùng trường hợp với Quế là rất nhiều những nghệ sĩ miền nam hoạt động trước năm 75. 

 

Một số liên lạc với các nghệ sĩ thành lập các đoàn hát đi trình diễn chui tại các tỉnh xa xôi. Về phần mình, Quế đã từng cộng tác với các đoàn văn nghệ của Tùng Lâm, Thanh Hoài, Duy Khánh, Ngọc Giao, vv… để cùng các nghệ sĩ bạn về hát ở miền Tây được một thời gian khá lâu với nghệ danh là Hồng Quế.

 

Sau đó Quế được phép về Sài Gòn hát với điều kiện không được lấy một nghệ danh có chút gì dính líu đến tên cũ của mình. Quế đổi tên thành Hồng Yến để trở lại Sài Gòn hát lần đầu tiên trong một buổi đại nhạc hội do Duy Ngọc tổ chức tại rạp Quốc Thanh mà nơi trước kia cái tên Phương Hồng Quế đã trở thành thân thiết với khán giả.

 

Tới phiên mình trình diễn, Hồng Yến vừa bước ra sân khấu để trình bày nhạc phẩm “Vàm Cỏ Đông” thì tất cả khán giả đã ồ lên “Ủa! Phương Hồng Quế mà!” kèm theo những tràng pháo tay vang dội. Nước mắt Quế đã chảy ra dàn dụa trước lòng yêu mến của khán thính giả không được nghe giọng hát của mình trong một thời gian.

 

Sau hai ngày hát ở Quốc Thanh, Phương Hồng Quế lại trốn  trở về hát tại các tỉnh với vài lần được dùng tên cũ của mình do sự kiểm soát còn lỏng lẻo. 

 

Đến khi nghệ sĩ Kim Cương đứng ra thành lập đoàn hát dưới tên của mình, Quế được mời vào cộng tác, nhưng cũng với điều kiện chỉ được lấy tên Hồng Quế mà không có chữ  “Phương” ở đầu. Thoạt đầu Quế không chấp nhận điều kiện này.  Nhưng vì mẹ Quế không muốn Quế xa nhà và phải chịu đựng cực khổ, thiếu thốn khi đi hát ở các tỉnh nên đã năn nỉ  Quế nhận lời. Vì thương mẹ, Quế đành nghe theo…

 

Mặc dù dưới bất cứ tên gì, khán thính giả vẫn nhận ra khuôn mặt và tiếng hát quen thuộc của Phương Hồng Quế ngày nào. Nhờ đó Quế tìm được sự an ủi nơi những người thương yêu mình và cảm thấy cuộc đời có nhiều ý nghĩa hơn mặc dù cuộc sống vật chất coi như không đáng kể. Với ban Kim Cương, Quế cộng tác cho đến khi các nghệ sĩ trước 75 được dùng lại tên cũ của mình trong các buổi  trình diễn.

 

Vào năm 1979, Phương Hồng Quế lập gia đình với bác sĩ  Phạm Kỳ Nam mà Quế từng gặp khi ông giữ chức vụ đại úy quân y tại Quân Y Viện Cần Thơ trong khi đi công tác ủy lạo thương bệnh binh ở đây. Gặp gỡ và nói chuyện qua loa vậy thôi rồi quên mất hẳn cho đến khi Quế gặp lại bác sĩ Nam trong một lần đi khám bệnh ở nhà thương Sùng Chính vào năm 78 vì bị khan tiếng.

 

Dịp này đã đưa đẩy hai người đến gần với nhau hơn để một năm sau họ quyết định đi đến hôn nhân.  Hai người đã có với nhau hai con: một trai tên Duy Châu, năm nay 25 tuổi, mới tốt nghiệp về khoa tâm lý và một gái tên Cát Phương, 18 tuổi.

 

Sáu năm sau khi lập gia đình, Quế cùng hai người bạn đứng ra khai thác một nhà hàng lấy tên là Phương Hồng trên đường Trần Hưng Đạo vào năm 1985.  Nhà hàng này rất nổi tiếng với những đặc tính sang trọng, lịch sự và phục vụ tốt đã trở thành nơi gặp gỡ của những khách hàng khá giả, kể cả những Việt Kiều lúc đó mới lác đác trở về Việt Nam.  Cuộc sống của Phương Hồng Quế nhờ vậy cũng trở nên dễ thở thêm. 

 

 

Phương Hồng Quế tại đại nhạc hội “Cám Ơn Anh: Người Thương Binh VNCH” tại Orange County, nam California năm 2006 

 

Tuy đang sống một cuộc sống sung túc, nhưng Phương Hồng Quế  vẫn xúc tiến thủ tục để sang Mỹ do một người em đi trước bảo lãnh. Một vấn đề được đặt ra là chồng Quế cương quyết ở lại vì mang những ấn tượng không tốt đẹp đối với cuộc sống ở nước ngoài. Vì tương lai của hai con nhỏ, Phương Hồng Quế dứt khoát ra đi với 2 con, với mẹ và cô em út vào năm 1991 trong khi bố Quế đã qua đời vào năm 1988 khi hồ sơ bảo lãnh chưa hoàn tất.

 

Sau hai năm ở chung với người em bảo lãnh mình ở  Santa Ana, Quế mua được căn nhà ở Fountain Valley và cư ngụ với mẹ và 2 con cho đến bây giờ. Cũng trong năm 91, sau khi mới đặt chân tới Hoa Kỳ, Quế được trung tâm Thuý Nga mời cộng tác để xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình Paris By Night 16 với nhạc phẩm “Chiều Cuối Tuần” thu hình tại Paris. 

 

Khán thính giả vẫn dành cho Phương Hồng Quế những cảm tình như xưa nên nhờ đó chị đã tương đối hoạt động khá đều đặn cho tới hiện nay, cùng một lúc đã tự thực hiện được trên 10 CD mà bất cứ lần ra mắt nào cũng được ghi nhận là rất thành công nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả.

 

Song song với việc đi hát, trong suốt 16 năm qua, Quế đã tỏ ra rất bươn chải trong cuộc sống nơi xứ người bằng cách đã đi học ngay để trở thành một đại lý bán vé máy bay.  Mấy năm sau Quế chuyển qua điều hành một tiệm bán hoa mang tên Melody rất quen thuộc với anh chị em nghệ sĩ.  Sau đó Quế nhường việc khai thác Melody cho mấy người thân để quay sang ngành địa ốc cho đến nay.

 

Đối với Phương Hồng Quế, hiện chị đã hài lòng với cuộc sống hạnh phúc của mình bên cạnh người mẹ thân yêu còn rất sáng suốt và khỏe mạnh với số tuổi  85 và 2 đưá con thật ngoan.  Do đó chị không cảm thấy tiếc nuối gì khi đã quyết định sang Mỹ khi cuộc sống đang trong thời kỳ sung túc.  Cũng vì hạnh phúc của hai con mà Quế đành phải quyết định chia tay với chồng. 

 

Từ 16 năm nay Quế tôn thờ chủ nghĩa độc thân và nhận thấy cuộc sống này rất thoải mái và nhất là có thì giờ chăm sóc các con tốt hơn. Người chồng của chị ở lại Việt Nam sau khi chia tay cho đến nay cũng không lập gia đình.  Quế không nghĩ tới việc sẽ bước thêm một bước nữa, tuy nhiên “còn số mạng thì việc gì đến sẽ đến thôi”, như chị thường nói. 

 

Bây giờ thì sáng sáng đi Spa, thỉnh thoảng ra sân tennis, sau đó đi làm, liên lạc với bạn bè. Chiều về lo việc cơm nước cho mẹ và các con. Cuối tuần vẫn bay đi hát đều đều, và nhất là rất sốt sắng với những chương trình có liên qua tới lính.  Như vậy thì còn gì hạnh phúc hơn…

 

(TVTS 1119-1120)

 

Rate this post