Ông Vũ Tiến Lộc: “Doanh nghiệp khó khăn quá rồi hãy cởi mở tạo thuận lợi cho họ, chuyển sang hậu kiểm đi”
Phát biểu tại Diễn dàn thường niên Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2022 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 14/1, ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, Covid-19 có thể còn kéo dài nên chúng ta phải tiếp tục sống trong môi trường kinh doanh biến đổi. Cần có một mô hình kinh doanh linh hoạt có khả năng chống chiụ là năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Theo ông Lộc, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã có hành trình 14 năm tổ chức diễn đàn thường niên kịch bản kinh tế Việt Nam nhưng năm nay là kịch bản kinh tế là khó nhất bởi nhiều dữ liệu chúng ta không lường trước được. Đây là thách thức với chúng ta. Do đó, tâm thế chúng ta cần thay đổi.
“Trong hành trình chống dịch chúng ta đã từ tâm thế chiến đấu với dịch bệnh, Zero Covid chuyển sang sống chung thích ứng an toàn hiệu quả với dịch nhưng giờ đây tâm thế phải là vượt lên dịch bệnh chứ không chỉ sống chung nữa. Chúng ta phải vượt lên trên dịch bệnh”, ông Lộc nhấn mạnh.
Nếu để nói điều gì nhắn nhủ tới cộng đồng doanh nghiệp thì ông Lộc nói: “Tôi muốn dùng hình ảnh hãy tập khiêu vũ dưới mưa để tiếp tục hành trình trong bão, không có cách nào khác cả. Trong hành trình của nền kinh tế Việt Nam thì doanh nghiệp là lực lượng chủ công, là trái tim của nền kinh tế. Hi vọng hai năm phục hồi nền kinh tế, chúng ta không chỉ bước qua với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn để không lỡ với thế giới mà quan trọng nhất là chúng ta phải có thể chế kinh tế, diện mạo mới của doanh nghiệp, một cơ cấu kinh tế tiến bộ bền vững hơn. Kết quả của chúng ta phải là kết quả kép chứ không phải chỉ ở tốc độ tăng trưởng kinh tế”, ông Lộc nói.
Cũng theo ông Lộc, thời điểm này rất thích hợp để thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ. Trong điều kiện bình thường doanh nghiệp còn đang vui vẻ khi nói về cải cách thể chế thì quan chức, cơ quan chức năng có khi còn xét nét lắm nhưng giờ doanh nghiệp khó khăn quá thì cởi mở cho họ, tạo thuận lợi cho họ đi, chuyển sang hậu kiểm mạnh mẽ đi. Bây giờ dễ tạo sự đồng thuận trong cải cách thể chế tốt nhất, người ta đều phải chia sẻ với doanh nghiệp. Cải cách thể chế là cách chia sẻ tốt nhất với doanh nghiệp.
“Hi vọng hai năm phục hồi kinh tế là phòng thí nghiệm cải cách bứt phá về thể chế trong nền kinh tế Việt Nam. Mỗi khi nền kinh tế bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn, ai đó bị đẩy vào bước đường cùng thì là thời điểm tạo nên sự hồi sinh vĩ đại. Khi Liên xô Đông Âu sụp đổ đẩy nền kinh tế Việt Nam khó khăn thì chúng ta có cải cách và bây giờ tôi hi vọng Covid cũng tạo nên động lực như vậy trong việc tạo ra cải cách mới của nền kinh tế. Hai năm nay là thí nghiệm tuyệt vời để cải cách thể chế chứ không chỉ tăng trưởng để đạt kế hoạch đề ra”, ông Lộc nói thêm.
Ông Lộc cũng cho rằng có ba trụ cột đảm bảo sự thành công của công cuộc phục hồi kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, phải có doanh nghiệp kiên cường như May 10; Thứ hai chính sách phải kịp thời; Thứ ba quan chức phải dấn thân.
“Tôi nghĩ ba trụ cột đó đảm bảo chúng ta có thể thành công. Chúng tôi hi vọng những cuộc trao đổi này được tiếp tục tập trung sâu vào giải pháp triển khai trong từng bộ ngành hiệp hội doanh nghiệp và từng địa phương. Đấy là yêu cầu quan trọng, mong Tạp chí Kinh Tế Việt Nam tiếp tục dẫn dắt để có những hội thảo chuyên đề sâu hơn”, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nói.