Ông Hoàng Nam Tiến trở thành Chủ tịch FPT Telecom thay bà Chu Thị Thanh Hà

Sáng ngày 3/3, CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom, UPCoM: FOX) họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Bà Chu Thanh Hà – Chủ tịch HĐQT trình bày báo cáo của HĐQT về kết quả kinh doanh 2019, kế hoạch 2020 và phương án phân phối lợi nhuận 2019.

Theo đó, doanh thu năm 2019 đạt 10.398 tỷ đồng, tăng trưởng 17,9% so với năm 2018 và bằng 104,2% kế hoạch đề ra. Trong đó, doanh thu dịch vụ viễn thông cho khách hàng tổ chức (kênh thuê riêng, thoại trong nước, cho thuê máy chủ và chỗ đặt máy chủ, dịch vụ lưu trữ ảo hóa, …) tăng 17,1%; doanh thu dịch vụ viễn thông cố định cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình tăng 14,7%; doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền tăng 40,2% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.808 tỷ đồng, tăng 24,1% so với năm 2018 và hoàn thành 108,9% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.463 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 4.812 đồng/cổ phần. 

Năm 2020, mục tiêu doanh thu là 11.814 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2019 (trong đó doanh thu từ dịch vụ viễn thông là 11.150 tỷ đồng, tăng 13,9% và doanh thu từ dịch vụ nội dung số là 664 tỷ đồng, tăng 9%). Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của công ty là 2.022 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2019.

Trong năm 2020, Công ty sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng 2 trung tâm dữ liệu mới tại Tân Thuận 1 – TP HCM và tại Cầu Giấy – Hà Nội. Công ty sẽ đẩy nhanh các dự án xây dựng trung tâm dữ liệu tại Quận 9 – TP HCM và tại Đà Nẵng với mục tiêu là doanh nghiệp số 1 tại Việt Nam về lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Bên cạnh đó, FPT Telecom sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào dự án cáp quang biển thứ 4 để đảm bảo an toàn hạ tầng mạng viễn thông, giảm thiểu rủi ro băng thông quốc tế khi sự cố đứt cáp xảy ra.

Với kết quả đạt được, HĐQT công ty trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, trong đó trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20% và trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Tổng tỷ lệ chia cổ tức 30%.

Công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền mặt là 1.000 đồng/cổ phần vào tháng 1/2020 và hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ 2.262 tỷ đồng lên 2.488 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Số cổ tức còn lại 10% bằng tiền mặt sẽ chi sau khi ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 phê duyệt.

HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ về việc bầu thay thế Thành viên BKS và HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023. Trong đó HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 đối với ông Bùi Quang Ngọc theo đơn từ nhiệm. Đồng thời đề cử ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) là Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023.

Buổi họp ĐHĐCĐ của FPT Telecom.

Buổi họp ĐHĐCĐ của FPT Telecom.

Chia sẻ tại cuộc họp, bà Hà cho biết thị phần cả nước hiện tại ở trên 20%, đặc biệt, độ phủ tại các khu vực công ty đầu tư hạ tầng trọng diểm ví dụ như TP HCM có thể lên đến 40% – theo đánh giá thì đây là mức tốt nhất trong các đơn vị viễn thông.

Về sự cạnh tranh của mảng băng thông rộng, Chủ tịch FPT Telecom cho biết việc điều chỉnh giá trong năm 2019 không được sự ủng hộ của nhiều đơn vị khác. Công ty cho biết sẽ không hạ giá mà tập trung vào đầu tư dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng vì nếu cứ hạ giá mãi sẽ “phá nát” thị trường. Việc tăng giá năm 2020 được đánh giá là khó.

Về ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động kinh doanh, FPT Telecom bị ảnh hưởng lớn đến thị trường phía bắc đặc biệt là với tỉnh sát biên giới với Trung Quốc, trong đó việc tiếp cận với khách hàng hộ gia đình khó khăn hơn. Giải pháp của công ty là đẩy mạng bán hàng online và hiện đã xây dựng kênh bán hàng riêng, có kết quả khá tích cực.

Một điểm ảnh hưởng tiêu cực nữa bởi dịch bệnh đó là các nhà thầu cung cấp trang thiết bị cho dự án bị chậm tiến độ bàn giao. Công ty đẩy nhanh việc quản lý hàng hoá vật tư thiết bị, tăng tốc độ kinh doanh ở địa bàn dịch chưa trầm trọng như phía nam. Ban lãnh đạo đã xây dựng các kịch bản ứng phó tình huống xấu nhất.

Ông Hoàng Nam Tiến trở thành Chủ tịch HĐQT thay bà Chu Thị Thanh Hà

ĐHĐCĐ FPT Telecom đã thông qua toàn bộ các nội dung HQĐT trình bày và bầu ông  Hoàng Nam Tiến là Thành viên HĐQT. Ngay sau khi được biểu quyết giữ chức vụ nói trên, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT và là Thành viên HĐQT FPT Telecom thông báo ông Hoàng Nam Tiến được HĐQT FPT Telecom bầu làm Chủ tịch HĐQT thay thế bà Chu Thị Thanh Hà.

Ông Hoàng Nam Tiến được bầu làm Chủ tịch HĐQT của FPT Telecom. Ông Nguyễn Lương Tâm được bầu làm Trưởng BKS.

Ông Hoàng Nam Tiến (thứ 2 từ phải sang) được bầu làm Chủ tịch HĐQT của FPT Telecom. Ông Nguyễn Lương Tâm được bầu làm Trưởng BKS.

Ông Hoàng Nam Tiến sinh năm 1969, tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin – Đại học Bách khoa Hà Nội và gia nhập FPT từ năm 1993. Chỉ mới vào FPT được 6 tháng, ông Tiến đã nổi danh với phát biểu nói các sếp là ‘dốt’ vì đưa ra quan điểm không đúng về chiến lược, chiến thuật phân phối. Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà ông được ông Trương Gia Bình giao nhiệm vụ làm phân phối để chứng minh phát biểu trên là đúng.

Năm 2008, Công ty phân phối FPT (do ông Hoàng Nam Tiến làm Tổng giám đốc) đạt doanh thu 700 triệu USD (chiếm 68% toàn tập đoàn), đưa FPT lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng doanh thu 1 tỷ USD. Nhờ chứng minh được năng lực, từ vị trí lãnh đạo của FPT Trading, ông được điều chuyển sang làm Chủ tịch HĐQT của FPT Software từ năm 2011 và giữ cương vị đó đến nay.

Rate this post