ÔNG TUYỂN… LÀM DÂN: Bàn về cái “Khùng” của ông Trương Đình Tuyển – Kỳ 5
Chuyện ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, tài năng, đức độ khi đương chức như thế nào, báo chí trong và ngoài nước đã nói quá nhiều. Có tác giả, nhà xuất bản đã in thành sách. Với góc nhìn và cách tiếp cận của người trong cuộc, tôi cũng đã có nhiều bài viết về ông đăng báo và đăng trên trang cá nhân, được nhiều người khen, động viên và khuyến khích.
Trong bài viết ngắn này tôi xin kể lại một vài câu chuyện có thật về ông, khi ông đã rời các chức vụ, nghỉ hưu trở về với đời thường, “được làm những việc mình thích, có lợi cho gia đình và xã hội”, như ông thường tâm sự. Trước ngõ nhà ông có quán nước, có hôm đi họp về, ông ghé vào, đơn giản chỉ là để chiêu một ngụm trà đá, hút một điếu thuốc lào và trò chuyện rôm rả với mọi người. Nếu mới nhìn, khó ai có thể biết được đó là ông Trương Đình Tuyển – vị Bộ trưởng Thương mại nổi tiếng một thời, một trong những người đã góp sức đưa Việt Nam gia nhập WTO thành công. Ông Tuyển khá dí dỏm, nếu ai đó kêu tuổi già, ông liền cười: “Tôi thì vẫn thấy mình trẻ. Giữ cho tâm hồn mình trẻ thì mình vẫn trẻ thôi”.
Việc ông tuy về hưu, vẫn tích cực làm việc, tham gia các hoạt động xã hội, truyền thông cũng đã nói nhiều. Báo chí, các trang mạng xã hội đã dành nhiều thời lượng nói về ông. Dư luận khen ngợi, đánh giá cao về ông trong vai trò thành viên Ban tư vấn Chính phủ, là thuyết trình viên xuất sắc trong các cuộc hội thảo về hội nhập phát triển kinh tế. Mấy năm gần đây, ông còn được lãnh đạo Tỉnh Nghệ An mời về làm Tổ trưởng tổ tư vấn, giúp tỉnh phát triển kinh tế. Chuyện ông liên tục đi về, gọi điện “cháy máy” với lãnh đạo Nghệ An như thế nào, mọi người kiếm tìm thông tin không khó.
Mọi người tôn trọng ông cả về tài năng lẫn đức tính thẳng thắn. Còn nhớ, khi ông là Bộ trưởng Thương mại, tại phiên chất vấn Quốc hội khóa XI cuối năm 2004, nghị trường nóng sau vụ án “xin – cho quota” bị phanh phui tại Bộ khiến cho nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu và một số cán bộ của Bộ này bị khởi tố, điều tra (bây giờ dân gian gọi là “nhập kho”).
ÔNg Trương Đình Tuyển báo cáo chuyên đề Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Là người đứng đầu Bộ Thương mại, đương nhiên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển phải chịu trách nhiệm về những vấn đề xảy ra tại Bộ. Bộ trưởng thẳng thắn: “Quota cũng như visa đi nước ngoài. Ở đâu có cơ chế phân bổ, xin – cho, ở đó có tiêu cực”. Để chấm dứt cơ chế nào sinh ra tiêu cực, ông Tuyển khẳng định: “Bộ chúng tôi đã áp dụng rất nhiều biện pháp như công khai toàn bộ thông tin lên mạng, rồi thực hiện cơ chế giám sát, kiểm tra rất chặt chẽ. Chặt chẽ là thế nhưng tiêu cực vẫn xảy ra bởi cơ chế suy cho cùng vẫn là xin, cho, Bộ trưởng nói, doanh nghiệp khi lên Bộ xem vì nóng ruột cũng có, đưa phong bì phong bao cũng có. Nay thì doanh nghiệp chỉ cần gửi công văn lên Bộ. Bộ xử lý xong sẽ thông báo lên mạng, sau đó chuyển phát nhanh về cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải đến Bộ nữa thì không phải phong bì, phong bao. Tôi không thể gặm nhấm mãi nỗi buồn, nỗi đau xót đó. Phải tìm ra phương pháp xử lý. Bản thân cá nhân tôi xin cam đoan không hề có dính líu gì đến tiêu cực trong chuyện quota dệt may”.
Có thể khẳng định, đa số những người biết ông, như tôi, đều thống nhất nhận định: Ông Trương Đình Tuyển là mẫu cán bộ công chức rất được Nhân dân yêu quý và kính trọng. Lãnh đạo Đảng và nhà nước hiện nay đang rất cần phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng lớp cán bộ trẻ các cấp có đức, có tài như ông. Theo tôi, ông Trương Đình Tuyển thực sự xứng đáng với danh hiệu “Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Câu chuyện có thật, kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc về vợ chồng ông, tôi kể dưới đây là một minh chứng.
Lần ấy, chính xác là ngày 21 tháng 7 âm lịch năm 2019, đúng ngày giỗ thứ 50 của Bác Hồ, Câu lạc bộ Ví giặm, các O và Du (dâu) xứ Nghệ tổ chức cho hơn 100 gia đình thành viên nòng cốt dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ tại đền thờ Bác trên đỉnh Vua, núi Ba Vì.
Câu lạc bộ này là sân chơi tự nguyện của một số gia đình người Nghệ xa quê. CLB không có văn phòng, không có Ban chủ nhiệm, không có quỹ và tất nhiên là không có biên chế. Mô hình online này tưởng sẽ chết yểu trong nền kinh tế thị trường. Vậy mà suốt 7 năm qua, sân chơi này vẫn là một điểm đến hấp dẫn, cho đủ các thành phần, các lứa tuổi của một số gia đình người Nghệ (không phân biệt Nghệ An, Hà Tĩnh) xa quê thành đạt, hạnh phúc.
Ông Trương Đình Tuyển luôn là một nhà hùng biện
“Tự xưng” lúc đầu và về sau được mọi người chấp nhận là Tổng thư ký, hơn 7 năm qua, Thịnh Nguyễn tôi có nhiệm vụ tổ chức thành công các kỳ sinh hoạt của Câu lạc bộ, trước đây mỗi tháng một lần. Bốn năm qua chuyển sang mỗi quý một lần. Hai năm nay do dịch covid, Câu lạc bộ thống nhất chỉ tổ chức sinh hoạt toàn thể mỗi năm hai lần. Một lần vào kỳ gặp mặt đầu xuân và lần sau vào đúng ngày giỗ Bác Hồ. Việc quan trọng nhất của Tổng thư ký là mời người chủ trì và các gia đình tự nguyện đóng góp kinh phí. Tiếp đó là thông báo chương trình, kế hoạch đến các gia đình trên nhóm Zalo.
Lần giỗ Bác năm ấy, ông Trương Đình Tuyển được mời làm chủ lễ. Hỗ trợ cho ông có 4 gia đình đăng ký, tự nguyện đóng góp kinh phí. Cùng với ông Tuyển, họ được gọi là “Vinh dự chủ”. Theo quy đinh, người chủ lễ không phải đóng góp. Thế nhưng khi thông báo tin này với ông Tuyển, tôi bị ông mắng: “Chú làm thế không được. Làm chủ lễ, lại được là Vinh dự chủ, anh phải đóng góp nhiều hơn các gia đình khác mới đúng. Miễn đóng góp là chú coi thường anh đấy”.
Nói rồi ông làm thật. Dự toán kinh phí hết 25 triệu, chia cho 5 gia đình, mỗi nhà 5 triệu. Ông chuyển cho cháu Nguyễn Quang Huy, thủ quỹ tạm thời tùy từng sự kiện của CLB, 7 triệu. Hai chú cháu hiểu tính ông Tuyển nên im lặng nhìn nhau, cười. Dự dịnh sẽ trả lại ông sau quyết toán.
Chừng ấy việc chưa đủ để nói lên tấm lòng kính yêu của vợ chồng ông đối với Bác Hồ. Điều mà tôi chứng kiến, khâm phục tân đáy lòng là việc làm, hành động của vợ chồng ông trong ngày đi giỗ Bác. Khác xa với cảm giác khi nghe các VIP đọc như “diễn kịch” các bài diễn văn, thuyết trình khi kêu gọi mọi người sống, học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Còn mình thì…
Giỗ Bác năm ấy, trời mưa rất to. Đường lên bãi tập kết, đỗ xe lên đỉnh Vua chìm trong mưa. Biết sức khỏe vợ chồng ông Tuyển không tốt lắm, đặc biệt, khi biết bà Duy A vừa trốn viện về đi giỗ Bác hôm qua, ông Hồ Xuân Hùng (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An) và Ban tổ chức chúng tôi rất ái ngại. Một đề xuất được nêu ra: Hay là để ông bà Tuyển nghỉ lại tại chân núi, cùng một số phụ huynh già yếu của các gia đình tổ chức “vái vọng” Bác Hồ. Tôi rụt rè “xin ý kiến”, bị ông gạt phắt: “Vớ vẩn, đi giỗ Bác chứ có phải đi du lịch đâu. Các chú cứ yên tâm, anh chị sẽ lên được”.
Nói rồi ông cởi bộ lễ phục, gói vào bao ni lông, cắp nách, xuống xe. Mang trên mình tấm áo mưa rẻ tiền do Ban tổ chức phát, ông bà dìu nhau lần từng bước, dầm mưa lên núi. Đúng 9h30 phút ông bà đã có mặt trước đền thờ Bác Hồ. Hội ý nhanh với Ban tổ chức, Ban quản lý khu Di tích xong, trời cũng vừa tạnh mưa. Ông ra sau nhà thay lễ phục để cùng đại diện các gia đình đồng hương, con cháu Bác Hồ kính cẩn thắp hương, dâng lên bàn thờ Bác Hồ đúng vào thờ khắc thiêng liêng: 9h47 phút.
Ông Trương Đình Tuyển cùng vợ lặn lội trong mưa cùng CLB leo đỉnh núi Vua ở Ba Vì lên đền giỗ Bác Hồ 2019
Thật hết sức may mắn cho vợ chồng tôi, được chụp chung với vợ chồng ông bức ảnh trước cửa Đền thờ Bác Hồ. Phải nói rằng, bức ảnh này không nét, không đẹp về kỹ, mỹ thuật nhưng có ý nghĩa tuyệt vời, cho vợ chồng tôi và những ai yêu quý, ngưỡng mộ vợ chồng ông Trương Đình Tuyển.
Trên đường về, ông tâm sự: “Anh ghét nhất là những người nói không đi đôi với làm. Ngoài miệng thì xoen xoét nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, trong đầu lại sắp xếp các ý đồ, âm mưu nhằm vơ vét, tham nhũng, làm giàu bất chính bằng mọi giá”…
Mới đây, vào ngày 12 tháng 6 năm 2021, trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, có đủ “Tứ trụ” khóa mới tham dự, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu nhiều vấn đề, trong đó có một nội dung được rất nhiều người tâm đắc, bản thân tôi cũng tâm đắc, nhất là tôi đã được nghe ý kiến tâm huyết này của ông Trương Đình Tuyển vào ngày giỗ Bác Hồ 2 năm trước.
Bất giác, tôi mỉm cười: Bác Hồ kính yêu của chúng ta thiêng liêng thật.
Thịnh Nguyễn