Nữ phát thanh viên tiếng Anh huyền thoại Trịnh Thị Ngọ qua đời ở tuổi 87

Bà Trịnh Thị Ngọ, sinh năm 1930, nghệ danh: Hannah Ha Noi, cựu phát thanh viên Tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam; Nghệ sĩ ưu tú; Huy chương Vì sự nghiệp phát thanh; đã từ trần lúc 5h15 ngày 30/9/2016 tại TP.HCM, hưởng thọ 87 tuổi. 

ngo

Chân dung “Hannah Hà Nội”

Bà Trịnh Thị Ngọ sinh ra trong một gia đình tư sản yêu nước. Cha bà là ông Trịnh Đình Kính, người vẫn được mệnh danh là “ông hoàng thủy tinh Đông Dương” với thương hiệu Thanh Đức.

Năm 1955, Đài tiếng nói Việt Nam mở chương trình phát thanh tiếng Anh, Trịnh Thị Ngọ với vốn tiếng Anh thành thạo của một cô sinh viên vừa tốt nghiệp khoa tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, đã trở thành phát thanh viên kiêm biên dịch và biên tập viên.

Năm 1965, bà Ngọ được phân công thực hiện chương trình Mỹ vận (chương trình dành cho các binh sĩ Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam). Chương trình do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Cục địch vận (Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng) mang tên “Câu chuyện nhỏ nói với binh sỹ Mỹ”.

Bà Ngọ lấy cái tên Thu Hương để trò chuyện với lính Mỹ trên sóng radio, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Câu mở đầu chương trình của bà thường là: “Đây là Thu Hương trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam…”

a 1

 Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ trên báo Mỹ

Những câu chuyện mà bà Ngọ truyền tải cũng rất gần gũi với họ. Bà tìm hiểu những chuyện thường ngày ở đất nước Mỹ, chuyện gia đình của những người lính. Bà kể về tâm sự của người lính Việt sau cuộc chiến, của những người phụ nữ Việt Nam có chồng ở ngoài mặt trận. Con số thương vong của lính Mỹ, tình hình chiến trận cũng được bà cập nhật mỗi ngày. Thậm chí, “Thu Hương” còn gửi lời chúc sinh nhật muộn màng tới một người lính Mỹ ngay cả khi anh ta đã chết.

Mỗi chương trình “Câu chuyện nhỏ nói với binh sỹ Mỹ” được phát đi qua giọng đọc đầy ma lực, cực kỳ lôi cuốn của nữ phát thanh viên Ngọ là nỗi ám ảnh của binh sĩ Mỹ thời đó. Họ ám ảnh tới mức cho rằng bà là… ma, là phù thủy vì chỉ dùng giọng nói thôi mà xâm nhập vào trí óc, cảm xúc của những người lính những tưởng đã chai sạn trong chiến trường.

Rồi không hiểu sao phía Mỹ gọi bà là “Hannah Hanoi” (Hana của Hà Nội). Và cái danh xưng đó đã gắn liền với chương trình, với cả cuộc đời bà về sau. Chính Tổng thống Mỹ J.Kennedy đã thông báo về mối nguy hiểm này rằng: “Việt Cộng đã dùng một giọng nói đàn bà (Hannah Hanoi) để quyến rũ và làm lung lay tinh thần của đội quân Mỹ ở Việt Nam”.

a 2

 Bà Trịnh Thị Ngọ cùng chồng

Ngày 30/4/1975, bà vinh dự là người được đọc trực tiếp bằng tiếng Anh, thông báo với thế giới sự kiện lịch sử của Việt Nam: “Sài Gòn đã được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập thống nhất”.

Sau ngày giải phóng, bà Ngọ chuyển công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc.

Có thể nói, trong lịch sử của Đài Tiếng nói Việt Nam, những giọng đọc như bà Trịnh Thị Ngọ – Thu Hương – Hana không chỉ góp phần làm nên sức mạnh của truyền thông, của phát thanh mà còn góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới, để bạn bè năm châu thêm yêu mến vả cảm phục Việt Nam.

Video: Giọng đọc bà Trịnh Thị Ngọ trong chương trình “Câu chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ”

Tiến Quân (tổng hợp)

Rate this post