Nữ nghệ sĩ Trinh Trinh, thế hệ thứ năm gia đình tuồng cổ Minh Tơ

Có lẽ trên thế giới và đặc biệt ở Việt Nam, chưa có nghề nào vừa dễ học và vừa khó thành công như nghề ca hát trên sân khấu.

Nữ nghệ sĩ Trinh Trinh.  Hình của soạn giả Nguyễn Phương/RFA.
Nữ nghệ sĩ Trinh Trinh. Hình của soạn giả Nguyễn Phương/RFA.

Nghề hát dễ học là vì các
nghệ sĩ tí hon, trình độ văn hóa mới biết đọc biết viết hoặc học vừa hết lớp tiểu
học, có thể đi học nghề hát, tuy nhiên muốn thành danh thì rất khó khăn vì trước
hết người nghệ sĩ phải có sắc vóc đẹp, phải có giọng hát tốt, phải nhờ có thiên
tư trong diễn xuất và kỷ thuật ca diễn ngày càng điệu luyện. Những học viên trẻ
có truyền thống gia đình nghệ sĩ, được thường xuyên sống trong môi trường nghệ
thuật, thường xuyên được thấy và nghe ca hát thì mới thâm nhiểm, khi học ca hát
mới nhập tâm dễ dàng. Ngoài ra nghệ sĩ còn cần phải có dịp may mắn để được xuất
hiện trên sân khấu, phải có thời điểm thuận lợi thì mới được báo chí ngợi khen
và khán giả biết đến. Đồng thời nghệ sĩ phải rèn luyện nghề nghiệp suốt đời,
không có cấp bằng nào để định mức và công nhận sự thành đạt của mình. Khán giả
mới là người thẩm định tài năng của nghệ sĩ, mà khán giả thì trình độ khác
nhau, ý thích thưởng thức nghệ thuật khác nhau.

Nữ nghệ sĩ tài sắc Trinh
Trinh phải trãi qua những hoàn cảnh gian nan vừa kể, cô nổi danh qua vai Lý Thần
Phi trong tuồng Bích Vân Cung kỳ án.

Dòng dõi gia đình tuồng cổ
Minh Tơ

Nữ nghệ sĩ Trinh Trinh tên
thật là Nguyễn Nguyễn Trinh Trinh, sanh ngày 31 tháng 8 năm 1977, con của nữ
nghệ sĩ tài danh Xuân Yến và nam nghệ sĩ Hữu Cảnh, cháu nội của hai nghệ sĩ bậc
thầy trong nghệ thuật tuồng cổ là Minh Tơ và Bảy Sự.

Theo lời kể của nữ nghệ sĩ
Xuân Yến, thân mẫu của nữ nghệ sĩ tài sắc Trinh Trinh thì trong thời gian cô
mang thai Trinh Trinh, Xuân Yến hằng đêm phải hát trên sân khấu Minh Tơ. Gần
ngày sanh, Xuân Yến vẫn còn thủ diễn vai vợ của Mã Đằng tuồng Mã Siêu Báo Phụ Cừu,
khi diễn lớp hay tin chồng chết, Xuân Yến trong vai vợ Mã Đằng kêu thét thật lớn,
múa bộ diễn tả cảnh đau thương xúc động, Xuân Yến ngất đi khi ngã xuống sàn diễn.
Các diễn viên trong vai gia nhân phải khiêng cô vô hậu trường vì Xuân Yến ngất
thiệt chớ không phải giả như trong tuồng. Sau khi sanh Trinh Trinh được hai
tháng, nghệ sĩ Xuân Yến để Trinh Trinh ngủ dưới hầm sân khấu, trong khi đó cô vẫn
phải ca diễn trong mỗi suất hát của đoàn hát Minh Tơ.

Xuân Yến nhắc lại lúc
Trinh Trinh mới được 5 tuổi, vợ chồng cô đi dự tiệc cưới của một người bà con,
dẫn Trinh Trinh theo. Trong tiệc cưới đó, Trinh Trinh đã dám ca cương bản nhạc:
“ Em đi đâu về mà tóc đầy me, em ngồi em chải…” 8 tuổi Trinh Trinh đóng phim
vai Phù Đổng Thiên Vương. Năm 11 tuổi Trinh Trinh đóng vai Nghi Xuân trong phim
Phạm Công Cúc Hoa. Báo chí kịch trường và điện ảnh thời đó có nhiều bài viết
khen ngợi tài diễn xuất rất tự nhiên và tinh tế của Trinh Trinh trong vai Nghi
Xuân.

Gian nan khó khăn

Ngay từ nhỏ Trinh Trinh đã
có ý thức phụ giúp cha mẹ việc nhà và muốn làm ra tiền để đỡ đần cho cha mẹ.
Lúc đó Xuân Yến và Hữu Cảnh theo đoàn hát ở tỉnh, gánh hát ế khách, nghệ sĩ bữa
đói bữa no, Xuân Yến không có tiền gởi đóng học phí cho các con. Gánh hát Minh
Tơ cũng bị tập thể hóa, nhà nước đưa cán bộ xuống đoàn quản lý gánh hát, do đó
ông bà Minh Tơ không có tiền để giúp đở cho cháu ngoại. Trinh Trinh qua nhà
hàng xóm mượn 20 ngàn đồng, đi mua vé số, cùng với em là Bảo Trân đi bán vé số,
hy vọng có tiền lời để đóng học phí, nhưng vé số bị ế, lỗ vốn nên nhiều khi
Trinh Trinh phải nhịn đói cả ngày.

Xuân Yến và Hữu Cảnh biết
tin các con đói khổ, bị đuổi học vì không tiền đóng học phí nên hai vợ chồng rời
đoàn hát tỉnh trở về Saigon. Anh chị hát chầu các lễ hội cúng kỳ yên ở các đình
miếu, hát các show lẽ ở các tụ điểm văn hoá, ở Đầm Sen, ở Hồ Kỳ Hòa, để kiếm tiền
sinh sống và lo cho các con.

Trinh Trinh nghĩ học văn
hóa, cháu học hát lớp đồng ấu Bạch Long và hát trong những buổi đại nhạc hội
chúa nhựt để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ.

Lúc hát ở đoàn Đồng Ấu Bạch
Long, có hôm không có tiền ăn sáng., Trinh Trinh nhịn đói đi hát. Lúc diễn vai
Hồ Nguyệt Cô trong vở Tiết Giao Đoạt Ngọc, vì quá đói, Trinh Trinh đã xỉu trên
sân khấu. Cô bé vẫn hà tiện, nhịn ăn quà để đem tiền cachet về cho mẹ. Có lúc
Trinh Trinh đi diễn tấu hài với nghệ sĩ hài Trung Dân, Hữu Châu, đi ca đám cưới,
chạy show từ nhà hàng Nhất Phương đến các nhà hàng người Hoa ở Chợ Lớn như nhà
hàng Bách Hỷ, Lan Đình để kiếm mỗi đêm được 80, 90 ngàn đồng về lo tiền chợ cho
cả nhà.

Thân phụ của Trinh Trinh,
nghệ sĩ Hữu Cảnh, người nổi danh qua các vai Lý Thường Kiệt tuồng Câu Thơ Yên
Ngựa, vai Lưu Bị tuồng Cầu Hôn Giang Tả, vai Trần Thủ Độ trong tuồng Bảo Táp
Nguyên Phong bị bịnh suy nhược thần kinh, phải rời sân khấu năm 1988.

Nữ nghệ sĩ Trinh Trinh phải
đi hát, chạy nhiều show hơn, không chọn show, hát cả trong các đám ma, đám cưới,
hát tấu hài, hát hồ quảng để kiếm tiền giúp mẹ giải quyết những khó khăn kinh tế
gia đình và lo thang thuốc cho cha cô.

Thành công với nhiều vai diễn

Năm 1995, nữ nghệ sĩ Trinh
Trinh đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang với vai Bùi Thị Xuân trong tuồng
Thanh Gươm và Nữ Tướng. Đêm hát thi đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang
năm đó, mặc dầu đang lâm bệnh nặng, nghệ sĩ Hữu Cảnh vẫn đứng sau cánh gà, đọc
lời thoại hổ trợ cho phần diễn xuất của Trinh Trinh. Khi nghe Ban Chấm giải
tuyên bố Trinh Trinh đoạt huy chương vàng, hai cha con mừng rở, ôm nhau mà
khóc, làm cả hậu trường nhà hát Hòa Bình xúc động. Nghệ sĩ Hữu Cảnh nói: “Gia tộc
mấy đời đi hát của Bầu Thắng – Minh Tơ – Thanh Tòng đã có các hậu duệ đáng để
chúng tôi đặt niềm tin. Tôi có mệnh hệ nào, tôi cũng vui lòng nhắm mắt.”

Cố nghệ sĩ Hữu Cảnh, thân
phụ của nữ nghệ sĩ Trinh Trinh yên lòng về cõi vĩnh hằng ngày 5 tháng 7 năm
2003.

Nữ nghệ sĩ Trinh Trinh có
làn hơi mạnh mẽ, sắc vóc xinh đẹp, phong cách duyên dáng đầy nữ tính, Trinh
Trinh có khả năng đóng xuất sắc tất cả các loại vai trên sân khấu, từ vai đào
chánh, bi thương muì mẫn đến những vai đào tính cách, đào độc, đào lẵng và cả
các vai đào võ oai hùng. Động tác vũ đạo tuồng cổ thật đẹp vì Trinh Trinh học
nghệ thuật hát tuồng cổ từ các nghệ sĩ bậc thầy như Thanh Tòng, Hữu Cảnh, Xuân
Yến, Bạch Mai, Bạch Long.

Nữ nghệ sĩ Trinh Trinh có
những vai hát để đời: khán giả còn nhắc mãi Trinh Trinh trong vai Lý Thần Phi,
tuồng Bích Vân Cung Kỳ Án, vai Thượng Dương Hoàng Hậu, tuồng Câu Thơ Yên Ngựa.
Trinh Trinh cũng để những dấu ấn sâu sắc qua vai Đoàn Hồng Loan tuồng Tô Hiến
Thành Xử Án, vai Phi Giao, tuồng Xử Án Phi Giao, vai Chúc Anh Đài, tuồng Lương
Sơn Bá Chúc Anh Đài.

Trong năm 2008, nữ nghệ sĩ
Trinh Trinh cũng thành công rực rở qua vai Hoàng Dung tuồng Chiếc Áo Thiên Nga,
vai Phồn Y trong vở Lôi Vũ.

Người con hiếu thảo

Nữ nghệ sĩ Trinh Trinh nổi
tiếng là người con có hiếu thảo trong gia đình. Cô đã chấp nhận biểu diễn nhiều
loại hình sân khấu ngoài khả năng chuyên môn tuồng cổ của cô như là hát tấu
hài, ca tân nhạc, hát trích đoạn nhất là đi hát với các đoàn hát cải lương tỉnh,
cô phải chịu cực chịu khổ vì đi hát trong các làng mạc xa xôi, hát ở các tỉnh
thiếu các điều kiện cần thiết để người diễn viên có thể dương danh trong làng
nghệ thuật, cô phải chấp nhận, làm hết sức mình để mong có thu nhập cao để về
giúp cho cha mẹ và các em khi mà cha cô lâm bệnh nặng, mẹ cô không thể tiếp tục
đi hát, cô là trụ cột phải kê vai gánh gánh nặng của gia đình.

Điều không may mắn cho nữ
nghệ sĩ Trinh Trinh là cô không có một nam bạn diễn đồng thanh sắc và đồng tài
nghệ như các bạn nữ diễn viên khác. Các bạn như Tài Linh, Thanh Thanh Tâm có
nam diễn viên Vũ Linh, bạn Tú Sương có Vũ Luân, Mỹ Châu có Minh Phụng, Lệ Thủy
có Minh Vương, Thanh Ngân có Kim Tiểu Long, Thoại Mỹ có Kim Tử Long…vân vân,…Nữ
nghệ sĩ Trinh Trinh chưa có một bạn diễn đẹp đôi của riêng mình, đó cũng là một
thiệt thòi đáng kể. Tuy nhiên Trinh Trinh lúc nào cũng cố gắng ca diễn hay hơn,
lúc nào cũng chăm sóc trong việc tự hoàn thiện mình trong các vai diễn để đáp lại
tấm lòng ái mộ của khán giả và bạn nghệ sĩ dành cho cô.

Thưa quý thính giả, chương
trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.

Rate this post