Những mẫu cổng gỗ đẹp – Cổng gỗ ngoài trời đẹp cho biệt thự – Blogs Sàn Đồ gỗ
Có nên dùng gỗ công nghiệp và kinh nghiệm thực tế
Đặc điểm chung và riêng của gỗ công nghiệp.
Những ai lần đầu làm nội thất đều lo lắng khi chọn gỗ công nghiệp. Họ thường nghi vấn gỗ công nhiệp có tốt không? chất lượng ra sao? gỗ công nghiệp có bền không? có bị mối mọt không? Có quá nhiều loại gỗ CN, nên chọn loại nào? v.v…
Câu trả lời là: gỗ CN hay gỗ tự nhiên đều có thể bị mối mọt. Tuy nhiên gỗ công nghiệp chậm mối mọt hơn.
Gỗ CN có tuổi thọ từ 15-20 năm (theo nhà sản xuất). Tùy vào người sử dụng, điều kiện sử dụng (thời tiết, độ ẩm…). Và tùy loại gỗ bạn sử dụng mà độ bền sẽ tương ứng theo.
Ngoài ra, gỗ công nghiệp còn có những đặc điểm chung và những đặc điểm riêng mà bạn cần biết để tránh sai lầm khi tiến hành trang trí nội thất.
1. Đặc điểm chung
Trên thị trường có nhiều nhà phân phối & các đại lý phân phối ván gỗ công nghiệp. Tuy nhiên tùy vào thương hiệu, chất lượng, dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng v.v… mà giá cả sẽ cao hay thấp.
Nhưng cho dù gỗ công nghiệp được phân phối từ đâu thì nó vẫn có 1 đặc điểm chung nhất, là đều được cấu thành từ dăm gỗ hoặc bột gỗ của những cây thân gỗ ngắn ngày, trộn với keo & hóa chất chuyên dụng để tạo ra 1 bề mặt ván.
Để đơn giản, bạn chỉ cần hiểu như vậy. Vì đi sâu vào từ ngữ chuyên môn sẽ làm bạn bị rối.
2. Đặc điểm riêng
Gỗ công nghiệp có rất nhiều loại. Mỗi loại có những đặc điểm riêng (giá thành cũng khác nhau từ đó). Hiểu rõ đặc tính của từng loại, bạn sẽ chọn đúng mục đích sử dụng cho từng không gian nội thất. Qua đó tiết kiệm được chi phí đầu tư.
Để bạn dễ hình dung nhất, Tôi sẽ hướng dẫn bạn 2 cách phân biệt từng loại gỗ công nghiệp:
Cách 1: phân biệt thành phần cốt ván (lõi ván)
Cách 2: phân biệt theo bề mặt hoàn thiện.
3. Cách 1 – phân biệt lõi ván gỗ công nghiệp
Cắt ngang bề mặt 1 tấm ván và quan sát, Tôi sẽ chỉ cho bạn cách phân biệt các loại ván gỗ công nghiệp một cách đơn giản nhất.
3.1- MFC:
Cấu thành từ ván dăm. MFC liên kết có vẻ yếu, tuy nhiên bù lại thì nó nhẹ, dễ vận chuyển, giá cũng tốt nhất trong các loại ván. Nếu là MFC chống ẩm sẽ thấy lõi màu xanh. Chủ yếu dùng trong văn phòng, nhà hàng, cafe…giá thành thấp hơn các loại ván kia (sẽ nói ở phần sau).
MFC thường được phủ sẳn bề mặt hoàn thiện là Melamine (bạn có thể mua ván thô chưa phủ bề mặt). Thi công Melamine cần thợ giỏi. Dùng MFC thì hạn chế di chuyển, tháo lắp nhiều. Thi công cần chính xác. Hạn chế chỉnh sửa. Bởi khi khoan bắn vít mà tháo ra thì kết cấu liên kết khó đảm bảo. Việc xử lý các vết đinh ốc, khoan…khó lấy lại bề mặt như ban đầu, mà phải xử lý che chắn bằng các nút nhựa, keo…gây mất thẩm mỹ.
3.2- MDF:
Phân biệt chống ẩm & không chống ẩm bằng lõi màu xanh. MDF được cấu thành từ bột gỗ & keo. Loại này thường được dùng trong nội thất nhà ở căn hộ chung cư, nhà phố, biệt thự. Phù hợp với hầu hết khách hàng tầm trung.
Có thể làm 100% ván chống ẩm cho khu vực bếp. Hoặc nếu tiết kiệm thì sử dụng xen kẻ tùy theo ngân sách. Tuy nhiên việc này tiết kiệm ko nhiều nhưng lại rủi ro cao. Bởi khi ván đã ngậm nước thì chỉ có thay mới.
Những khu vực tại miền Nam hoàn toàn sử dụng tốt. Nhưng Miền Bắc, miền Trung thì độ ẩm cao. Nên sử dụng loại tốt hơn (sẽ trình bày tiếp theo sau)
3.3 – HDF:
HDF cũng có loại sieu chống ẩm hoặc không chống ẩm. Lõi ván này so với MDF thoạt nhìn thì các bạn rất khó phân biệt được. Tuy nhiên nếu tinh mắt chúng ta sẽ nhận thấy lõi ván HDF có màu vàng nhạt hơn. Và khối lượng riêng nặng hơn so với MDF, bởi 80% thành phần của HDF là gỗ tự nhiên (đây cũng là lý do tại sao HDF khá đắt)
Ngoài ra HDF có độ nén chặt hơn và cứng hơn. Chịu được tải trọng lớn. Cách âm cách nhiệt cực tốt. Thi công bắn ốc vít vào rất chắn chắn. Độ mịn bề mặt cao & đồng nhất. Thi công sơn hoàn thiện đỡ tốn công, rút nhanh được thời gian sơn lót, chà nhám v.v…
Hơn nữa, HDF còn có khả năng chịu nước & chống ẩm mốc cực kỳ tốt. HDF khắc phục được những nhược điểm mà nếu dùng gỗ tự nhiên bạn sẽ không có được.
Ván gỗ HDF dùng cho những vùng có khí hậu ẩm như miền Trung, miền Bắc thì tuyệt vời. Chỉ ngại giá thành mà thôi. Do giá thành cao nên đa số khách, EKE chỉ tư vấn dùng cục bộ cho 1 số khu vực. Ví dụ như cửa đi (cách âm, chống ốn, chịu va đâp tốt), làm vách ngăn chia không gian, hoặc sàn nhà)
3.4 – CDF:
Trên HDF siêu chống ẩm 1 bậc nữa là CDF. Lõi ván này rất dễ phân biệt bởi nó có màu đen. Dòng này thì ngoài những đặc tính vốn có của HDF thì khả năng chịu tải trọng và độ cứng, độ kháng nước cũng cao hơn hẳn 1 bậc. Loại này thường thì EKE chỉ dùng cho những khu vực nào thường xuyên tiếp xúc với nước, bị ẩm nhiều. EKE hầu như không tư vấn khách dùng CDF cho toàn bộ nội thất nhà, vì quá tốn kém không cần thiết
3.5 – WPB:
WPB này thì miễn bàn về mối mọt hay thấm nước. Vì WPB (hay còn gọi là PVC) được cấu thành từ gốc nhựa. Rất nhẹ và mịn. Có thể được hoàn thiện bề mặt với nhiều chất liệu như Acrylic, Melamin, Laminate, sơn v.v…Dòng này thì có thể thi công các công trình ngoại thất (gian hàng hội chợ, quảng cáo ngoài trời v.v…)
Đối với nhà ở thì EKE sử dụng WBP cho các khu vực chịu nước thường xuyên như bếp, khu vực giặt, kệ ngoài ban công v.v…Hoặc những vách tường bị thấm có khả năng ảnh hưởng đến mặt hậu của tủ. Bạn có thể dùng CDF, tuy nhiên mức độ chịu nước của WPB là cao nhất, an toàn nhất.
3.6 -Plywood:
Thành phần chính của plywood là gỗ tự nhiên được ép thành những tấm mỏng. Các tấm này được gia cố ngược chiều nhau để gia tăng tính bền vững, chịu lực đứng, lực ngang. Plywood vô cùng chắc chắn và chống cong vênh tốt. Nhược điểm lớn nhất của Plywood là dễ bị tách lớp nếu không gia cố keo kỹ giữa các lớp ván và giá thành rất cao.
4. Cách 2- Phân biệt bằng chất liệu (bề mặt) hoàn thiện
Phần trên chúng ta đã nói về lõi (cốt) ván. Phần này chúng ta sẽ nói đến bề mặt hoàn thiện. Đối với tất cả các loại ván gỗ, sau khi đã hoàn thiện bề mặt thì bạn sẽ không biết cốt (lõi) ván là loại gì. Trừ khi bạn cắt ra để xem.
Các bề mặt hoàn thiện trên ván gỗ thông dụng nhất:
4.1 – Melamine:
Dạng hợp chất hữu cơ, kết hợp với keo & phim tạo bề mặt rất mỏng. Được phủ lên bề mặt ván gỗ, nhằm tạo bề mặt thẩm mỹ. Đồng thời chống thấm nước, chống cháy, chống trầy xướt, tăng độ bền cho bề mặt sản phẩm
4.2 – Laminate:
Cũng là một dạng phim tương tự Melamine, nhưng độ bền cao hơn. Chậm cháy, chống va đậm trầy xước tốt hơn. Đa dạng về mẫu mã hơn. Đặc biệt Laminate có thể thi công cho các bề mặt cong do khả năng uốn cong 2 chiều được.
4.3 – Veneer (hoặc eco – veneer):
Veneer được làm từ gỗ lạng lấy từ các cây thân gỗ tự nhiên (hoàn toàn tự nhiên). ECO Veneer là dạng phim vân gỗ (nhân tạo). Nhược điểm của veneer là các vân gỗ dễ bị trùng lặp, gây rối mắt, dễ bị rách. Tuy nhiên độ chân thật tự nhiên là điều không thể bàn cải.
4.5 – Acrylic:
Acrylic (hoặc arylux- dòng thấp hơn): có độ bóng cao. Bề mặt nhẵn mịn & dễ lau chùi vệ sinh. Nhưng rất dễ trầy xước. Khó khắc phục khi thi công sai sót, hoặc bị trầy (phải thay mới nếu sơ ý làm trầy xước)
4.6 – Sơn 2K:
Sơn 2K có thể tạo độ bóng tương tự như Acrylic nhưng có thể tùy chỉnh độ bóng, mờ. Thi công chủ động hoàn toàn, không bị phụ thuộc vào nhà máy, hay thời gian đặt hàng.
Ngoài ra, sơn 2K không ngại bề mặt cong phức tạp. Tuy nhiên thời gian thi công lâu hơn. Sơn 2K thường phải sơn 5 lớp. Thời gian cách nhau giữa mỗi lớp sơn từ 30 phút đến 1 giờ. Thời gian chờ sơn khô hoàn toàn phải từ 2-3 ngày mới có thể vận chuyển lắp đạt tại công trình.
Hơn nữa, sơn 2K chống ố vàng cho bề mặt căng mịn. Màu sắc đa dạng. Màu sơn có thể tùy chọn dựa trên cây màu với hàng nghìn màu khác nhau. Độ bền và thẩm mỹ là không phải bàn cãi.
5. Vậy nên dùng loại gỗ công nghiệp nào tốt nhất?
Nếu bạn không cần quan tâm đến ngân sách đầu tư thì nên chọn cốt (lõi) gỗ từ HDF trở lên. Khu vực nước hoặc ẩm nhiều thì dùng WPB (PVC- ván gốc nhựa). Cần độ cứng và chịu mài mòn cao, chống cong vênh thì Pywood (vách ngăn, sàn, cửa đi trong nhà…)
Hoàn thiện bề mặt nếu là vân gỗ thì nên chọn melamin cho những khu vực phụ. Laminate cho những khu vực trang trọng hơn. Vân gỗ có độ thật tương đương gỗ tự nhiên thì dùng Veneer.
Nếu cần độ bóng cao, thời gian nhanh thì chọn Acrrylic. Ngược lại có thể chọn sơn 2K nếu cần độ bền màu và nhà có nhiều hình khối cong phức tạp.
Trên là những tư vấn từ kinh nghiệm thực tế. Hy vọng sẽ giải đáp được câu hỏi “có nên dùng vật liệu gỗ công nghiệp” trong nội thất của quý vị và các Bạn.
(Nguồn: sưu tầm)