Những mẩu chuyện về Bác Hồ do đồng chí Vũ Kỳ kể lại
Những mẩu chuyện về Bác Hồ do đồng chí Vũ Kỳ kể lại
Chiều ngày 16/8/1945 Bác Hồ từ chiến khu về Hà Nội và ở tại nhà của ông bà Trịnh Văn Bô 48 Hàng Ngang. Ngay tối hôm sau, đồng chí Trần Đăng Ninh, người cùng với anh Chuẩn (tên khai sinh của đồng chí Vũ Kỳ) đã tìm đến anh để giao nhiệm vụ cho chàng trai 24 tuổi này. Hai người đi đến phố Hàng Ngang thì anh Chuẩn mới biết từ nay cách mạng giao cho mình một trọng trách là làm thư ký riêng cho Hồ Chủ tịch.
Gặp Bác, đồng chí Trần Đăng Ninh giới thiệu: Thưa, người Cụ bảo tìm đây ạ. Bác Hồ nhìn chàng trai với cái nhìn hiền từ và khẽ hỏi: Tên chú là gì? – Thưa là Nguyễn Cần ạ! (một bí danh khi tham gia cách mạng của anh Chuẩn). Bác nói: Cần à, tốt, cần là cẩn thận, thôi chú đi nghỉ, sáng mai ta làm việc.
Vũ Long Chuẩn có ngờ đâu đó là ngày mở đầu cho gần nửa thế kỷ làm việc bên cạnh người đã khai sinh ra Đảng và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Về sau Bác có thêm nhiều người giúp việc và Bác đổi tên cho từng người là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.
Ông Vũ Kỳ và Bác Hồ trong ảnh chụp vào tháng 9-1960.
Đồng chí Vũ Kỳ kể: Sáng ngày 27/8/1945, lần đầu tiên được làm việc với Bác ở 48 Hàng Ngang, Bác đọc cho Vũ Kỳ viết một lá thư bằng tiếng Pháp, khi đọc lại Bác phải sửa cho 3 lỗi. Vũ Kỳ thanh minh: Vì đã bỏ lâu, đi hoạt động bí mật nên quên nhiều. Bác cười, bảo là: “Hồi trước Bác học chưa đỗ bằng chú, lại bỏ học lâu hơn chú, sao Bác không quên? Cái chính là chú không chịu học thêm”.
Lần sau, ngày 19/12/1946 mới tờ mờ sáng Bác gọi Vũ Kỳ chuẩn bị giấy bút để làm việc. Hôm ấy trời lạnh, gió lùa qua khe cửa sổ làm rung rinh ngọn đèn dầu. Bác vẫn ngồi xổm trên giường, bảo Vũ Kỳ xích ghế lại gần, Bác đọc cho Vũ Kỳ viết thư cho ông Léon Blum cũng bằng tiếng Pháp, đôi chữ phải hỏi lại để viết cho thật đúng. Viết xong đọc để Bác nghe, Bác xem lại một lần nữa. Thấy không có lỗi nào nên Bác đã khen.
Ngày 30/8/1945, sau khi viết xong bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác yêu cầu vẽ ngay cho Bác xem sơ đồ của Quảng trường Ba Đình. Bác hỏi đồng bào đứng ở đâu, bao nhiêu người, sau đó mới hỏi đến Chính phủ đứng ở đâu. Bất ngờ Bác hỏi: “Các chú bố trí nơi vệ sinh cho đồng bào ở chỗ nào?. Bác còn nhắc nếu trời mưa thì kết thúc buổi lễ sớm để đồng bào khỏi bị ướt, khỏi phát sinh bệnh tật.
Đúng ngày 19/5/1965, ngày sinh nhật lần thứ 75 của Bác, đoàn đại biểu các đồng chí lãnh đạo Trung ương đến chúc thọ Bác. Bác xúc động nói: “Bác cảm ơn các chú đã có lòng, nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến, gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại đi tổ chức chúc thọ một cá nhân như thế này là không nên. Rồi Bác đưa mắt hỏi: Chú Kỳ xem có gì chiêu đãi không? Bác vui vẻ mời mọi người: “Bác là Chủ tịch nước nhưng rất nghèo, may mà chú Kỳ có sáng kiến đi vay được ít kẹo bánh. Bác mời các chú ăn kẹo, ăn bánh, hút thuốc và nhớ để phần cho các thím và các cháu ở nhà nữa”.
Từ 19 đến 20 giờ 45 phút ngày chủ nhật 1/5/1966 Bác xem đoàn văn công tỉnh Quảng Bình biểu diễn ở Phủ Chủ tịch. Trên đường về nhà sàn Bác hỏi Vũ Kỳ: “Chú Kỳ thấy các cháu Quảng Bình biểu diễn có khá không? Vũ Kỳ đáp: “Thưa Bác, rất hay ạ chỉ có đôi chỗ tiếng khó nghe”. Bác cười: “À như tiếng xứ Nghệ nhà choa đấy mà!” Rồi Bác xúc động: “Nhân dân ta thật anh hùng. Chiến đấu ác liệt như thế, gian khổ như thế mà vẫn lạc quan ca hát. Một dân tộc như thế, không một thế lực hung bạo nào có thể khuất phục được”.
Tối ngày 26/1/1968, từ Bắc Kinh xa xôi (thời gian này Bác đang nghỉ ở Trung Quốc) hai Bác cháu lại ngồi im lặng bên nhau nghe tin tức, ca nhạc và ngâm thơ Tết, chờ đón giao thừa. Có tiếng pháo nổ ran tiễn Đinh Mùi, đón Mậu Thân. Cùng lúc, từ chiếc đài bán dẫn, lời chúc Tết của Bác Hồ vang lên sang sảng: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua / Thắng lợi tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên toàn thắng ắt về ta”. Bỗng nhiênBác Hồ nói nhỏ: “Giờ này miền Nam đang nổ súng”.
6 giờ sáng ngày 3/2/1968 Bác Hồ bảo đồng chí Vũ Kỳ chuẩn bị giấy bút, làm việc sớm hơn mọi ngày. Bác ngồi nhìn ra cửa sổ và đọc: Đã lâu chưa làm bài thơ nào, phẩy xuống dòng. Đồng chí Vũ Kỳ: – Thưa Bác thơ ạ? Chú cứ viết tiếp: Nay lại thử làm xem ra sao. Bác đọc tiếp: Lục khắp giấy tờ vẫn chẳng thấy, phẩy xuống dòng. Chú viết tiếp: Bỗng nghe vần thắng vút lên cao!
Tết Kỷ Dậu 1969 Bác đặt ra một chương trình đi thăm Tết rât nhiều nơi. Đồng chí Vũ Kỳ đem chương trình ấy đi bàn với các bác sỹ. Ai cũng tỏ ra lo lắng, phân vân. Bác sỹ Nhữ Thế Bảo và Vũ Kỳ sang báo cáo anh Tô tức đồng chí Phạm Văn Đồng, nhờ tìm cách nói giúp may ra Bác thay đổi ý kiến. Bữa trưa hôm ấy anh Tô cùng ăn cơm với Bác. Anh Tô chuyển câu chuyện rất khéo: “Thưa Bác, đồng chí Kỳ có cho tôi biết chương trình Tết của Bác. Được như thế thì rất phấn khởi. Nhưng xin Bác lượng sức mà giảm bớt một số điểm để các bác sỹ và chúng tôi yên tâm”.
Bác đưa mắt nhìn đồng chí Tô tỏ ý không bằng lòng: “Lại chú Kỳ gợi ý chứ gì? Các chú phải hiểu cho Bác, Tết đến Bác đi thăm dân mà các chú lại ngăn Bác sao? Vừa chưa đi đã ngại mệt thì làm được gì?”.
Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến vấn đề bình đẳng nam nữ. Có lần tới một hội nghị Bác hỏi: Này các chú, phụ nữ đâu mà không thấy phụ nữ ngồi lên hàng đầu? Các cô gái có đây không? Nhiều tiếng reo: “Có ạ”.
– Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Không phải mời mới ngồi mà phải tự đấu tranh phấn đấu dành lấy.
Một lần đồng chí Vũ Kỳ mạnh dạn hỏi Bác: Thưa Bác, không hiểu tại sao cháu ở với Bác đã lâu mà chưa thấy Bác cáu gắt còn cháu lại hay cáu gắt với anh em. Bác trả lời: “Bác cũng ở với chú lâu nhưng có bao giờ thấy chú cáu gắt với Bác đâu. Sở dĩ chú cáu gắt là vì chú chưa tôn trọng đầy đủ với anh em”.
Có lần thấy Bác đã ngủ, đồng chí Vũ Kỳ rón rén đến đầu giường Bác để tắt đài giúp Bác ngủ ngon. Không ngờ Bác nói khẽ: Không phải Bác ngủ quên đâu, Bác để đó cho nó có tiếng người. Đầu năm 1969 đồng chí Lê Quang Đạo từ chiến trường trở về, đang ngồi nói chuyện với đồng chí Vũ Kỳ thì Bác từ trên nhà sàn đi xuống. Bác cười rất tươi: Ồ hai chú cao lớn như nhau. Thật bất ngờ về sự dí dỏm của Bác, vì cả hai anh đều thấp người. Anh Đạo lo lắng hỏi Bác: Thưa Bác đêm Bác ngủ được mấy tiếng ạ? Hồi ấy sức khỏe của Bác đã giảm sút nhiều nhưng Bác vẫn tươi cười khi trả lời: Từ lúc Bác nằm đến lúc dậy Bác có xem đồng hồ đâu mà biết mấy tiếng”.
Ngày 19/5/1969 Bác Hồ tiếp chị Quyên (vợ anh Nguyễn Văn Trỗi) và chị Châu từ miền Nam ra. Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ: “Chú Trỗi hy sinh cách đây đã gần 5 năm rồi chú nhỉ? Đồng chí Vũ Kỳ: “Thưa Bác, anh Trỗi hy sinh ngày 16/10/1964, đến nay đã gần 5 năm” Bác nói: “Các chú phải làm cách nào để cháu Quyên ít buồn”.
Ngày 27/8/1969, bệnh của Bác càng trầm trọng, chợt tỉnh chợt mê. Lúc mở mắt Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ: “Trời mưa hở chú?”. Đồng chí Vũ Kỳ: “Thưa Bác mưa to ạ, các bác sỹ muốn xin được đón Bác lên hang núi cao ở Hòa Bình, bảo đảm an toàn cho Bác khi điều trị”. Lát sau Bác nói trong hơi thở với đồng chí Phạm Văn Đồng: “ Chú Kỳ vừa báo cáo việc di chuyển Bác đi nơi khác. Các chú phải bảo vệ cho kỳ được đê điều, bảo vệ kỳ được tính mạng của nhân dân Bác ở đây điều trị, không đi đâu cả. Bác không bỏ dân lúc này đâu”.
Ngày 2/9/1969 tại căn nhà Bác nằm điều trị rồi trút hơi thở cuối cùng, trước anh linh Bác, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Trung ương đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn nghẹn ngào: Kính thưa Bác, chúng cháu tính từng ngày. Hôm nay vừa tròn một tháng! Nhanh quá Bác ạ, nhưng chúng cháu ai cũng nghĩ lần này Bác đi vắng lâu, khi đi chẳng hẹn ngày về. Bác ra đi để lại cho mọi người muôn vạn tình thương yêu. Lời Bác căn dặn sao mà dịu hiền, đầy đủ đến thế! Mỗi lần đọc Di chúc mà cứ tưởng như nghe tiếng Bác đang dặn dò, chỉ bảo, làm cho chúng cháu nghẹn ngào, nhưng lại tự hào vì đã có Bác”.
Văn Như Tước