Những ký túc xá ấn tượng trên thế giới | Thế giới

(Xây dựng) – Ký túc xá (KTX) dành cho sinh viên không phải lúc nào cũng là những tòa nhà thô kệch, chật chội. Kiến trúc độc đáo và ấn tượng của những KTX dưới đây đã mang đến vẻ đẹp tươi mới, đầy đủ tiện nghi và đáp ứng những tiêu chuẩn về một môi trường sống lành mạnh.

KTX màu sắc nhất thế giới Smarties

KTX Smarties ĐH Utrecht nằm tại chính thành phố Utrecht, Hà Lan là công trình kiến trúc đặc biệt nhất của cả thành phố này. KTX được xây dựng từ năm 2006, bao gồm 15 tầng với 380 phòng, mỗi phòng rộng 20m2.

Kiến trúc của kí túc vô cùng nổi bật với những mảng màu ấn tượng được xây theo khối hộp chữ nhật vững chãi, phản ánh sự đa dạng của SV từ khắp nơi đến học tại đây. Nơi đây có một sân thượng rộng 600 m2 luôn được mở cửa, trở thành nơi thư giãn trên cao cho toàn bộ sinh viên nội trú.

Tòa nhà Florey của trường Queen’s College (Anh)

Lấy cảm hứng từ đô thị truyền thống Ấn Độ, khu nhà gợi nhớ đến hình ảnh những tu viện, với các phòng được nối với nhau nhờ các hành lang và lối đi nhỏ. Các KTS cũng sử dụng phong cách cầu thang Oxbridge (Anh quốc), sắp xếp cho hệ thống phòng nằm dọc theo mỗi bên, ở các tầng khác nhau của các cầu thang hình trụ (hãy tưởng tượng đến các KTX trong phim Harry Potter), trong khi khu vực chiếu nghỉ được thiết kế rộng rãi, đủ cho những buổi học nhóm hoặc phụ đạo cá nhân.

Ký túc xá ‘bọt biển’ của đại học MIT

Được thiết kế bởi kiến trúc sư Steven Holl, tòa ký túc xá Simmons Hall được mệnh danh là “ký túc xá bọt biển” bởi vì kiến trúc bên ngoài cũng như bên trong được đơn giản hóa hết mức có thể để “nhẹ như bọt biển”. Quả thực, nhìn từ xa công trình có hình dạng như một miếng bọt biển phía xa chân trời.

Tổng diện tích mặt sàn của khu ký túc xá là 195.000m2 với 10 tầng không gian mở được thiết kế thông nhau. Tất cả các phòng đều có rất nhiều các ô cửa sổ vuông nhằm lấy ánh sáng ban ngày và phô bày ánh đèn lung linh của tòa ký túc mỗi khi đêm về.

Ngoài ra, tòa kiến trúc hoành tráng còn có các lỗ thông gió thông minh trên nóc nhà, có thể đóng mở tùy theo nhiệt độ chênh lệch bên trong và ngoài tòa nhà.

Ký túc xá Tietgenkollegiet

Ký túc xá Tietgenkollegiet, Đan Mạch được xây dựng biểu tượng cho sự công bằng và cộng đồng. Toàn bộ khu ký túc xá có khối hình tròn, bao gồm 7 tầng và 360 phòng rộng rãi. Mỗi phòng được ví như một lát bánh của ổ bánh tròn khổng lồ.

Cảm hứng xuyên suốt của các kiến trúc sư khi thiết kế khu ký túc này chính là sự mâu thuẫn giữa cá nhân và tập thể – một đặc điểm vốn có của các sinh viên sống chung trong ngôi nhà ký túc xá. 

Ký túc xá lập dị Taliesin

KTX Taliesin của Trường Kiến trúc Frank Lloyd Wright, Arizona, Mỹ được Thời báo New York Times bình chọn là “Ký túc xá lập dị nhất thế giới” bởi cảnh quan cực kỳ hoang dã.

KTX của Học viện quản lý Ấn Độ (IIM)

Nhìn xa, tòa nhà KTX của IIM giống một nhà máy xay gạo với những tòa tháp khổng lồ. Bên trong, người ta sẽ dễ dàng bị ấn tượng bởi những cột cầu thang cuốn hình trụ và những không gian mở rộng  cùng những khối xà trụ kích cỡ to bất thường.

KTX của Đại học Free University of Urbino, Italy

Nằm trên một ngọn đồi thấp cách khu thành phố khoảng 1km, KTX của Đại học Urbino do KTS người Italy, Giancarlo de Carlo thiết kế. Có khả năng đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.500 sinh viên, KTX Urbino bao gồm nhiều tòa nhà xếp cạnh nhau theo hình quạt, khiến tầm nhìn được mở rộng tối đa và mỗi phòng đều có một ban công chính là nóc của căn phòng ngay phía dưới. Kiến trúc này theo các nhà chuyên môn là sự tái mô phỏng thành công kiến trúc của các thị trấn Italy thời trung cổ với các tòa nhà được nối với nhau nhờ những hành lang dài “bí mật”, nơi sinh viên có thể di chuyển giữa các phòng ngủ mà không bị phát hiện.

Tòa nhà Baker, Học viện công nghệ Massachusetts

Nhìn từ trên xuống, tòa KTX giống như một con rắn khổng lồ uốn lượn dọc theo bờ sông Charles River. KTS người Hà Lan – Alvar Aalto tận dụng những đoạn đường cong, cho phép mỗi sinh viên đều có góc nhìn ra sông, trong khi vẫn có thể chọn lựa phong cách riêng cho mình thông qua 22 kiểu phòng ngủ cho mỗi tầng. Xây dựng từ 60 năm trước, nhưng tòa nhà Baker không hề có nhiều thay đổi – chứng tỏ chất lượng vượt trội của công trình và cho đến nay vẫn là một trong những địa điểm sống được nhiều sinh viên Học viện ưa thích nhất.

Rate this post