Những công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc
Trong rất nhiều ghi chép của các thư tịch cổ đại, chúng ta đều có thể thấy từ “công chúa” (công chủ) là dùng để chỉ con gái của hoàng đế, tuy nhiên danh từ “công chúa” này có nguồn gốc thế nào?
Theo “Xuân thu Công Dương truyện” ghi chép: “Thiên tử gả con gái cho chư hầu, ắt sẽ để người cùng họ của chư hầu làm chủ”. Chủ chính là có ý chỉ “chủ hôn”. Thì ra vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, chư hầu của các nước chư hầu gọi là “Công”. Khi thiên tử nhà Chu gả con gái cho chư hầu thì thiên tử không làm chủ hôn, mà trao mệnh cho chư hầu cùng họ làm trưởng bối để chủ trì hôn sự. Vì vậy, cũng gọi có gái của thiên tử là “công chủ”, và có âm đọc khác là “công chúa”. Thế nên danh xưng công chúa có nguồn gốc sớm nhất là thời Xuân Thu Chiến Quốc, nhưng nó lại không phải chỉ nàng “công chúa” hay danh xưng nàng “công chúa”, mà chỉ có nghĩa là: “Vị vương công trong họ của vua làm chủ hôn cho con hôn lễ của gái vua” mà thôi.
Sau này, danh xưng “công chúa” này được triều Hán sử dụng để gọi “con gái” của hoàng đế, sau mở rộng ra cả chị em gái của hoàng đế. Các triều đại khác đều dùng theo nhà Hán cho đến triều Thanh. Theo chế độ nhà Hán, con gái của hoàng đế gọi là công chúa, chị, em gái của hoàng đế gọi là Trưởng công chúa, cô của hoàng đế gọi là Đại trưởng công chúa. Danh xưng công chúa thêm chữ “trưởng”, “đại trưởng” đều có ý nghĩa tôn kính. Thời Đông Hán, con gái của hoàng đế đều được phong làm “huyện công chúa”, tức trước danh xưng “công chúa” là tên huyện. Đến thời triều Tấn, con gái của hoàng đế đều được phong làm quận công chúa, tức là trước danh xưng “công chúa” là tên của quận.
Đến triều nhà Đường, danh xưng “công chúa” vẫn như cũ, nhưng có quy định về phẩm cấp: đại trưởng công chúa, trưởng công chúa, công chúa đều được hưởng đãi ngộ chính nhất phẩm. Thời triều Thanh, Thái Tông Hoàng Thái Cực kế thừa chế độ nhà Minh vào năm Sùng Đức thứ nhất, con gái của hoàng đế xưng là “công chúa”. Công chúa cũng có phân đẳng cấp: công chúa do hoàng hậu sinh thì được phong làm “Cố luân công chúa”, được hưởng đãi ngộ tương đồng với thân vương; công chúa là con nuôi của hoàng hậu hoặc do hoàng phi sinh thì được phong làm “Hòa thạc công chúa”, được hưởng đãi ngộ tương đồng với quận vương.
Những công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc
1. Công chúa Thái Bình
Công chúa Thái Bình là con gái của nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc – Võ Tắc Thiên, được Võ Tắc Thiên rất sủng ái. Tuy tên gọi là Công chúa Thái Bình nhưng cuộc đời cô lại không có mối quan hệ với hai chữ ‘thái bình’. Cuộc đời Công chúa Thái Bình rất truyền kỳ, và rất giống với mẹ cô – Võ Tắc Thiên, đều say mê quyền và lợi, tham vọng rất lớn. Cô là người có quyền lực lớn nhất và tiếp cận gần với ngôi vị hoàng đế nhất trong các công chúa triều Đường. Cô tranh đoạt quyền thống trị với người cháu là hoàng tử Lý Long Cơ, nhưng cuối cùng bị thất bại và bị ban cho cái chết.
2. Công chúa Lỗ Nguyên
Công chúa Lỗ Nguyên là con gái độc nhất của Lưu Bang và Lã Trĩ, là công chúa đầu tiên của triều Hán, cũng là công chúa đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Những sự tích của cô không nhiều, sử sách cũng ít ghi chép, nhưng cuộc đời cô cũng rất truyền kỳ: cha là hoàng đế khai quốc nhà Hán, mẹ là Lã Hậu độc chiếm đại quyền, em trai là hoàng đế thứ 2 triều Hán, con gái là quốc mẫu.
3. Công chúa Bình Dương triều Đường
Trong lịch sử có hai công chúa Bình Dương, ở đây là nói về công chúa Bình Dương, con gái của Lý Uyên. Cô là thống soái quân sự duy nhất trong những công chúa trong lịch sử, đã lập được nhiều chiến công hiển hách cho phụ thân Lý Uyên, là công chúa đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc thống soái thiên binh vạn mã, gây dựng đế nghiệp cho phụ thân. Tài năng, kiến thức và can đảm của nàng không kém những người anh và người em của nàng. Quan ải nổi tiếng ở Vạn Lý Trường Thành – Nương Tử Quan nổi tiếng là do nàng thống lĩnh Nương tử quân trấn thủ ở đó. Sau khi nàng chết, tang lễ được cử hành với quy chế cực cao, an táng theo quân lễ. Công chúa Bình Dương cũng là công chúa đầu tiên của triều Đường có thụy hiệu.
4. Công chúa Văn Thành
Công chúa Văn Thành cũng là một công chúa đời Đường, cô là công chúa đầu tiên gả chồng xa cho vua Thổ Phồn, tác thành mối quan hệ hữu hảo giữa triều Đường và Thổ Phồn. Đương thời, thế lực Thổ Phồn rất mạnh, để tránh chiến tranh loạn lạc, triều Đường đã lựa chọn gả công chúa kết thân. Công chúa Văn Thành thông hiểu kinh sách, thấu tình đạt lý, am hiểu lễ nghi, hiền thục đa tài, được vua Thổ Phồn ái mộ. Vua Thổ Phồn Tùng Tán Can Bố (Songtsen Gampo) đã xây dựng cung Bố Đạt La (Potala) cho công chúa Văn Thành, tổng cộng có 1000 gian cung thất, hoàng tráng mỹ lệ. Cuộc hôn nhân của công chúa Văn Thành vô cùng tốt đẹp, khiến hai nước tăng cường giao lưu, sứ thần và thương nhân tấp nập qua lại lẫn nhau. Từ đó, hai nước yên vui, chung hưởng thái bình 200 năm.
5. Công chúa An Lạc
Công chúa An Lạc là mỹ nữ đệ nhất triều Đường, là con gái của Đường Trung Tông Lý Hiển. Có lẽ có đặc tính chung của phụ nữ thời kỳ đầu nhà Đường, công chúa An Lạc cũng có dục vọng chính trị rất mạnh mẽ. Trong thời gian Trung Tông tại vị, cô đã can dự triều chính, buôn bán quan tước. Rất nhiều chức quan bên dưới tể tướng đều do cô bán. Cô còn muốn Lý Hiển lập mình là Hoàng Thái Nữ, sau này sẽ là nữ hoàng thứ 2 kế vị ngôi hoàng đế. Lý Hiển tuy không đồng ý nhưng vẫn rất sủng ái công chúa An Lạc. Nhưng Đường Trung Tông có nằm mơ cũng không nghĩ rằng cuối cùng ông đã phải đầu độc chết cô con gái ruột của mình. Công chúa An Lạc tâm địa độc ác, thủ đoạn tàn bạo, sống cực kỳ xa xỉ, và nổi tiếng làm loạn. Cuối cùng cô đã bị giết trong chính biến, kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của một công chúa xinh đẹp nhưng lại ham quyền lực và tiền bạc.
Hoàng Mai
Theo Secretchina, KKnews
Nguồn bài viết: https://www.google.com/search?q=nhung+cong+chua+noi+tieng+nhat+trong+lich+su+trung+quoc