Những câu chuyện chưa kể về bố tôi – Nguyễn Xiển
Vào một buổi sáng mùa thu, ngồi trong quán cà phê quen, nhà báo Nguyễn Lưu nhớ lại những câu chuyện rất thật về cha mình – GS Nguyễn Xiển, một nhà khoa học, một chính khách nổi tiếng mà tên ông đã được đặt cho một con đường phía tây nam Hà Nội và ở nhiều tỉnh, thành khác.
Nhà báo Nguyễn Lưu là con thứ 7 trong gia đình 9 anh chị em gồm 5 trai, 4 gái. Kể về người cha đáng kính, ông vẽ lên một bức chân dung vị GS liêm khiết, tài ba, tân tiến nhưng Nguyễn Lưu cũng không ngại ngần chia sẻ những nét bảo thủ, cổ điển trong tính cách của cha mình.
“Cha tôi là người sinh ra trong thời kỳ văn hóa Tây Âu bắt đầu nhập cuộc. Những tư tưởng cổ điển tích cực của Á Đông với những nét đẹp mới mẻ của phương Tây được hòa quyện với nhau. Nhưng cũng giống như nhiều trí thức khác cùng thời, ông luôn lấy sự học làm đầu. Tuy vậy, không chỉ riêng cụ Xiển mà tất cả những trí thức cùng thời với ông mà tôi được biết đều hết sức xem trọng việc học của mình và của con cháu mình. Tất nhiên việc học ấy cũng phải tùy thuộc vào tình hình cụ thể của chính gia đình và đất nước trong những giai đoạn ấy”.
Sinh ra trong một gia đình trí thức, ông Nguyễn Lưu và các anh chị em đều được học hành một cách khá kỹ lưỡng, được răn dạy cẩn thận, chính quy, nghiêm túc.
“Nhiều người trong thế hệ của chúng tôi được dạy dỗ theo cái cách như thế. Cho nên, những người cùng trang lứa, cùng ở điều kiện tương tự mà tôi biết thì cho đến giờ, những thứ mà họ được học thì vẫn nhớ rất kỹ. Ví dụ, khi còn bé, chúng tôi được học Tam thiên tự dài 3 nghìn chữ. Tôi đã được bố và mẹ động viên học cho nên bây giờ đã U80 mà vẫn còn thuộc lòng. Kể điều ấy ra không phải tôi giỏi giang gì, mà tôi chỉ muốn nói một điều rằng: cái gì đã học kỹ thì sẽ nhớ mãi. Và bố tôi là người luôn yêu cầu chúng tôi phải học kỹ”.
Dù bận việc nước, cụ Nguyễn Xiển luôn theo dõi việc học hành, công tác của các con từ xa.
“Thậm chí, đến khi tôi tốt nghiệp đại học, được phân công về dạy toán tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Bố tôi vẫn lo lắng, ông không biết thằng con mình làm thầy giáo có được không nên đã bảo chị gái tôi là TSKH Nguyễn Thị Hoài Châu: “Cô thử đi xuống trường Kinh tế kế hoạch xem cậu Lưu nó giảng dạy thế nào”.
Ông Lưu nói, giống như các trí thức cùng thời, cụ Xiển rất ghét sự hời hợt và không dễ tha thứ cho những sai lầm về mặt tri thức.
Cụ bà Nguyễn Thuý An và các con ở an toàn khu Việt Bắc năm 1950.
“Bố tôi là người rất kỹ về chữ và sẵn sàng bắt bẻ. Cụ dạy con bằng cách bắt bẻ, bắt bẻ để cho con hiểu đúng. Có lẽ tôi cũng bị ảnh hưởng nên có cái tật là hay “soi”. Người ta gọi tôi là “vi-na-soi”, “hay sinh sự” – nhà báo Nguyễn Lưu nói vui.
Giống như cách dạy của người xưa “yêu cho roi cho vọt”, cụ Nguyễn Xiển không bao giờ nói lời khen trước mặt con cái. “Tôi đi thi giỏi Toán miền Bắc, ông không nói gì vì coi đó là chuyện bình thường, nhưng lặng lẽ bảo mẹ tôi ‘may cho nó một cái áo’. Ngày ấy, chiếc áo vải chéo ngắn tay đã là quý lắm!”
Với sự học, giống như những trí thức cùng thời như các GS Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu…, GS Nguyễn Xiển luôn có một quan điểm rất tân tiến, đó là giáo dục phải toàn diện.
“Ông Xiển chuyên làm toán, bác Giáp chuyên làm sử, bác Đặng Thai Mai chuyên dạy văn học, nhưng các cụ không bao giờ thu hẹp kiến thức của mình trong cái mà mình đang “khoác áo”. Ông cũng mong muốn các con mình cũng phải hiểu biết toàn diện – tức là được dạy dỗ một cách toàn diện, chặt chẽ, sâu sắc”.
Tôi nhớ có lần nói chuyện với các thầy giáo đại học, ông nói làm thế nào để cho những sinh viên mới ra trường không chỉ nắm chắc kiến thức hẹp ở cái chuyên ngành ghi trên tấm bằng, mà phải có đủ kiến thức toàn diện để vào đời”.
Nghiêm khắc với con cái chuyện học hành, nhưng ông Nguyễn Lưu thừa nhận, cha ông biết rất rõ khả năng của từng đứa con để từ đó định hướng cho phù hợp. Điều đặc biệt, ông chưa từng xin xỏ cho đứa nào.
“Nhà tôi có 5 con trai thì 4/5 người từng đi lính và anh cả là liệt sĩ. Bố tôi, tuy chú ý học hành nhưng cũng muốn con học ở trường đời. Có thể nói rằng hồi đó, nếu như bố tôi muốn xin xỏ cho con cái thì tất là được nhưng ông không làm việc ấy”.
Hai bà chị lớn, bố tôi thấy các chị có khả năng Sư phạm nên cho đi học Sư phạm. Các chị chỉ đi học Sư phạm cấp 1, nhưng dần dần trưởng thành và trở thành cán bộ giảng dạy đại học. Anh trai tôi hiền lành chăm chỉ và khéo tay, bố tôi cho học ĐH Nông nghiệp. Chị Châu tôi rất thông minh giỏi giang thì đi Liên Xô học vật lí. Tôi đi thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc thì ông đồng ý cho vào Tổng hợp Toán. Em gái tôi thích vẽ vời, ông cho đi học trường xây dựng, còn chú em út cho học ngành Địa. Bố tôi đã có suy nghĩ rất hợp lý khi nhìn rõ những đứa con để xác định đứa này thì nên học cái này, cái kia chứ không như một số người chỉ muốn xin cho con mình vào những chỗ “thơm”.
Giáo sư Nguyễn Xiển và phu nhân – bà Nguyễn Thuý An
Ông Nguyễn Lưu thừa nhận, cụ Xiển có định hướng nhưng cũng không áp đặt chuyện nghề nghiệp của con cái. Điển hình là trường hợp của chính ông. Sau khi tốt nghiệp và giảng dạy ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân một thời gian, đến năm 1976-1977 khi thành lập Trường ĐH Tây Nguyên, cụ Nguyễn Xiển gọi ông về và nói: “Tôi có nghe nói trung ương người ta mới thành lập trường đại học trong Tây Nguyên, lại muốn vận động cậu tham gia. Cậu là con em trí thức Hà Nội nên đóng góp xây dựng”.
“Nhưng Tây Nguyên với những rừng nguyên sinh hoang dã, lạ lẫm, những nhịp cồng chiêng và đàn voi khiến tôi say mê âm nhạc. Tôi bỏ dạy học để đi theo âm nhạc. Khi anh tôi là GS Nguyễn Toán nói rằng: “Cậu Lưu sẽ trở thành một nhà báo giỏi”, bố tôi chỉ bảo “Không, tôi thích nó trở thành một nhà văn hóa”. Ông chấp nhận sự đã rồi như thế.”
“Năm 1960 khi Bác Hồ đến nhà chơi và biết chị Châu tôi thông minh, sáng láng, Bác có hỏi bố tôi: “Ông có muốn cho nó làm cái nghề khí tượng thiên văn của ông không?”. Lúc ấy, bố tôi có nói rằng “Thưa bác, cái này cũng do nó mà thôi”, và cuối cùng, chị tôi cũng không đi theo ngành thiên văn, mà theo ngành Vật lý chất rắn. Tuy có dạy dỗ nghiêm khắc với các con, các con đều rất sợ bố và không dám cãi, nhưng chúng tôi vẫn được phép đi theo con đường mà mình thích”.
Tuy vậy, nhà báo Nguyễn Lưu thừa nhận, bên cạnh sự tân tiến và hiện đại, ông vẫn có những nét bảo thủ và cổ điển của lớp trí thức xưa.
“Năm thứ tư đại học, tôi đánh bóng rổ khá hay và được gọi vào đội tuyển quốc gia đi thi đấu nước ngoài. Bác Tạ Quang Bửu lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, điện thoại cho bố tôi bảo: “Bên thể thao người ta xin cậu Lưu nhà anh vào đội tuyển quốc gia để đi thi đấu”. Ông về nói với tôi: “Người ta bảo cậu đi đánh bóng. Nếu đi đánh bóng, cậu có nuôi được thân cậu không? Cậu phải học cho thật giỏi khoa học, kỹ thuật, ra trường mới làm nghề được chứ”. Theo tôi, đấy cũng là một nét bảo thủ. Sau đó tôi vẫn lên tuyển, nhưng sau mấy tháng lại về học tiếp”.
“Hay như chuyện lối sống giữa con cái và cha mẹ. Là người sớm thấy rõ tính chất ưu việt của dương lịch, bài trừ lịch âm và nhiều tập tục cúng bái rườm rà, GS Nguyễn Xiển là người đầu tiên viết cuốn sách “Vì sao phải dùng dương lịch?”, nhưng bố tôi vẫn có lối sống giản dị và gần gũi với các giá trị của văn hóa phương Đông. Con cái thuộc tầng lớp trẻ, đi học nước ngoài nhiều nên yêu thích những nét sáng tạo, thời thượng. Nhưng ông bố thường nghiêm khắc. Vui chơi quá đáng là cụ không tán thành, xe pháo lòe loẹt, xanh đỏ là cụ cũng không ưng. Vì thế, mặc dù rất tương kính người cha nhưng đôi khi các con cũng không thoải mái lắm như một số gia đình trí thức khác. Và trong gia đình vẫn có một thiết quân luật theo nghĩa hẹp, nghe thì có vẻ nặng nề, song đến giờ nghĩ đến tôi lại thấy đáng yêu và trân trọng”.
“Còn trong chuyện hôn nhân của con cái, GS Nguyễn Xiển có thể là được xem là người hơi bảo thủ và cổ điển khi muốn hướng con cái lấy chồng, lấy vợ là con cái của những người có học, có công lao với cách mạng, với đất nước, cái mà ta hay gọi là vấn đề môn đăng hộ đối” (PV: Con rể của cụ Nguyễn Xiển là kỹ sư Lê Tâm – nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, GS.TS Đỗ Quốc Sam – nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con dâu cụ là TSKH Đặng Vũ Kim Chi – cháu ngoại cụ thượng thư Phạm Quỳnh).
Đang nói về nét “cổ điển” của cha mình, nhà báo Nguyễn Lưu chợt nhớ: “Nhưng ông cụ có cái này rất được. Hồi đó, trong những ngày gian nan bao cấp, thỉnh thoảng mỗi quý các cán bộ cao cấp sẽ có thể được mua cái xe đạp Phượng Hoàng, xe Thống Nhất hay một cái phích, những thứ rất quý hiếm. Thỉnh thoảng, người phụ trách công việc này lại hỏi mẹ tôi: “Chị Xiển ơi, quý này có thể nhà chị được phân một cái xe đạp Thống Nhất”. Nhưng bao giờ bố tôi cũng nói với mẹ tôi không lấy tiêu chuẩn này.”
“Khi miền Nam giải phóng, người ta đưa một số đồ ra, lúc ấy dân Hà Nội mới làm quen với cái tivi Sanyo hay cái tủ lạnh Hitachi và khi người ta muốn đưa cho gia đình tôi cái tủ lạnh, bố tôi cũng trả lời là không dùng, nhà đã có một cái tủ cũ của Liên Xô rồi. Hay khi cuốn sách “Đặc điểm khí hậu miền Bắc” mà bố tôi chủ biên được trả nhuận bút, ông cụ đã dùng tất cả số tiền ấy mua chính cuốn sách này phát cho tất cả các đài trạm thiên văn. “Nếu nói về liêm khiết thì bố tôi đứng đầu” – nhà báo Nguyễn Lưu tự hào kể lại.
Khi được hỏi ông có áp lực gì không khi có bố là “quan to” và có ảnh hưởng trong xã hội cũng như với lịch sử, ông Nguyễn Lưu trả lời: “Cũng có. Ví như có lần tôi vào Sài Gòn thăm bác Trần Văn Giàu – lúc ấy bố tôi đã mất rồi. Khi nói chuyện, bác Giàu cứ kể Paris có cái ngõ này, ngõ kia. Tôi thưa cháu chưa được đến Paris thì bác Giàu mắng tôi: “Dốt! Dốt!”, vi bác cứ nghĩ là con ông Xiển phải biết hết. Tôi thấy thẹn nhưng cũng thấy tự hào cho bố tôi”.
“Cũng như khi kỷ niệm 10 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tây Nguyên có cuộc đua voi rất hoành tráng và khi thấy tôi ngôi cầm micro đọc thuộc tên voi và tên nài của cả 52 thớt voi, GS- Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu khen “Con cụ Nguyễn Xiển thì mới làm được việc ấy…” đều làm tôi tự hào và hạnh phúc với người cha của mình. Cũng có người nghĩ bố mình như thế thì có thể nhờ mình nói giúp với bố để làm việc gì đó. Nhưng cha sinh mẹ đẻ bố tôi chưa bao giờ giúp ai làm những việc như thế cả.
Kết thúc cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Lưu, ông hẹn “Cứ tạm thế đã nhé, buổi đầu tiên mà. Còn nhiều chuyện tôi chưa nhớ ra được”.
Sáng hôm sau ông gọi cho tôi để kể một chuyện mà có lẽ đã làm ông trăn trở. “Khoảng chục năm trước, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình, tôi đã được hỏi rằng: “Xin được hỏi ông có phải là người mà bạn bè gọi là Hòa Thượng thích đủ thứ không?”. Ý họ là tôi làm nhiều thứ quá – viết báo, viết văn, soạn nhạc và lại bình luận thể thao …Cũng chuyện này – hồi còn đang giảng dạy ở đại học, tôi vừa là huấn luyện viên của đội bóng đại học, vừa đi học các lớp sáng tác âm nhạc, vừa tập toẹ viết báo… Trong lúc trà dư tửu hậu, bố tôi đã lắc đầu nói với cậu con trai ương bướng rằng “Thời này không có Lô-mô-nô-xốp đâu cậu ạ!”. Lô-mô-nô-xốp là một nhà bác học đa tài của Liên Xô cũ. Ý ông Xiển nói là nên tập trung vào một ngành, làm thật sâu, chứ cái gì cũng ham thì sẽ không được sâu vào cái gì cả. Câu nói ấy của ông làm tôi nhớ mãi. Vậy mà đến giờ, tôi không sao thực hiện được lời bố đã dạy”.
Cụ Nguyễn Xiển cùng con cháu trong gia đình
—–
Bài: Nguyễn Thảo
Thiết kế: Phạm Luyện
Ảnh: Gia đình cung cấp
Vị phó giám đốc sở từ chối cho con du học nước ngoài
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, từng từ chối cho con đi du học thạc sĩ nước ngoài bằng tiền ngân sách nhà nước.
Phương Mai: “Tôi không có số phận”
Định nghĩa thế nào là một người phụ nữ thường tình là một điều không thể.
“Có thể tối giản những môn học cản trở tư duy phản biện”
Nên “liệu cơm gắp mắm” thế nào để làm “một người tiêu tiền thông minh” trước những cơ hội về tự chủ đại học và những nguồn đầu tư tài chính?
“Ông tiên” của Qũy Thiện Nhân và đám cưới ở tuổi 69
Con số 13 “rủi” với ai chứ với bác sĩ người Ý Roberto De Castro – “ông tiên” của Qũy Thiện Nhân thì đó lại là con số may mắn và hạnh phúc.