Những bài học từ bộ phim “Mị Nguyệt truyện” – Chơn Linh
Ai đã từng xem qua bộ phim cung đấu đỉnh cao “Hậu Cung Chân Hoàn truyện” (2011) của nữ diễn viên Tôn Lệ thì không thể nào bỏ lỡ “Mị Nguyệt truyện” – một phiên bản ở tầm cao hơn không chỉ cung đấu mà còn là chính trị đấu.
Được phát sóng vào cuối năm 2015, bộ phim “Mị Nguyệt truyện” cũng do chính đạo diễn Trịnh Hiểu Long và ekip sản xuất “Chân Hoàn truyện” thực hiện, và vai nữ chính một lần nữa do diễn viên Tôn Lệ đảm nhận.
Dự án Mị Nguyệt Truyện đã trải qua 3 năm viết kịch bản với 6 lần chỉnh sửa, khi đạo diễn Trịnh Hiểu Long tìm đến Tôn Lệ, ông rất lo lắng cô không đồng ý tham gia vì sau tác phẩm Chân Hoàn Truyện, Tôn Lệ từng nói không muốn đóng phim cổ trang nữa. Chỉ sau khi đọc kịch bản, Tôn Lệ mới gật đầu hóa thân vào vai Mị Nguyệt. Vì ekip thực hiện “Chân Hoàn Truyện” và “Mị Nguyệt Truyện” là một, nên nhiều người lo lắng cho Mị Nguyệt sẽ trở thành “Chân Hoàn thứ hai”.
Đạo diễn Trịnh Hiểu Long đã xóa tan nghi ngờ bằng lời giải thích:
“Tiểu thuyết Chân Hoàn là giả tưởng, không có thật trong lịch sử. Khi dựng thành phim, chúng tôi đã lấy bối cảnh nhà Thanh, dưới triều vua Ung Chính để mọi tình tiết được diễn ra hợp lý. Còn Mị Nguyệt là nhân vật lịch sử có thật, có nhiều minh chứng trong sách sử, chúng tôi phải tái dựng thật rõ ràng và chi tiết cuộc đời của cô ấy. Hơn nữa, phạm vi của Mị Nguyệt Truyện rộng hơn Chân Hoàn rất nhiều, không chỉ bó hẹp trong phạm vi cung đấu. Hơn nữa, bối cảnh của hai bộ phim hoàn toàn khác nhau. Một cái là ở thời nhà Thanh, một cái ở thời Chiến quốc, giai đoạn bảy nước tranh đấu”.
Khi có dịp xem bộ phim này trong năm 2020, có vài bài học mình chiêm nghiệm được nên chia sẻ lại cùng quý độc giả.
Bài học về thiên mệnh
Mị Nguyệt vốn là công chúa của nước Sở, cô được Sở Uy Vương hết lòng yêu thương. Ngay từ nhỏ, Mị Nguyệt đã là thanh mai trúc mã với Sở công tử Hoàng Yết. Một lần, do cứu Mị Nguyệt mà Hoàng Yết bị rơi xuống vách núi, từ đó không rõ tung tích. Mị Nguyệt phải theo chị là đích công chúa (trưởng công chúa) Mị Xu xuất giá đến nước Tần. Mị Xu được phong làm Hoàng hậu, còn Mị Nguyệt trở thành Tần ái phi được cưng chiều.
Vốn là tỷ muội thân thiết nhưng kể từ khi thấy Mị Nguyệt sinh hạ được con trai và tranh sủng với mình, Mị Xu đã bày ra trăm mưu ngàn kế để dồn mẹ con Mị Nguyệt vào chỗ chết. Sau khi Tần vương qua đời, Mị Nguyệt và con trai bị đày đi xung quân đến nước Yến xa xôi. Tại đây, cô đã chịu đủ mọi cực khổ và nhục nhã. Sau này, Mị Nguyệt vì cứu nước Tần thoát khỏi cơn khủng hoảng chính trị mà phải lấy Nghĩa Cừ Vương, mượn sức mạnh của Nghĩa Cử Vương để trở về nước Tần. Lần trở về này, Mị Nguyệt đã tiêu diệt thế lực của Mị Xu, lập lại bộ máy chính quyền cho nhà Tần, phong con trai lên làm vua và trở thành vị thái hậu đầu tiên trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Ngay từ trước khi sinh ra, Mị Nguyệt đã được quan chiêm tinh của nước Sở dự báo đây là Bá tinh giáng thế. Bá tinh ra đời sẽ là chủ thiên hạ, người có thiên mệnh thay đổi cục diện chính trị lúc bấy giờ. Kết quả là, mẫu thân của Mị Nguyệt lại sinh ra một cô con gái chứ không phải nam nhân như dự đoán, thành ra điềm báo của quan chiêm tinh bị vua cho là hư ngụy và phạt bị móc mắt, đày ải ra biên giới. Khoa huyền bí cũng đã xác nhận phàm những nhân vật có thiên mệnh đi xuống trần gian mang thể xác con người đều có những báo điềm trước khi sanh, đang sanh và sau khi sanh.
Có thể nói, quá trình trưởng thành của Mị Nguyệt từ nhỏ đến lớn, từ Sở cung cho tới Tần cung không có gian khổ hay đau đớn nào mà cô chưa từng trải qua, từ chứng kiến mẫu thân, người thân bị người khác bức hại tới bị các phi tần khác trong cung chèn ép, hãm hại. Trong đời Mị Nguyệt trải qua 3 lần thập tử nhất sinh, một lần bị một cô công chúa khác ganh ghét bỏ độc hãm hại khi ở Sở cung; một lần khi đang mang thai con của Tần vương thì bị người hầu bỏ độc vào thuốc để khiến cô sinh non và chết đi sống lại ở Tần cung; lần khác là bị các phi tần dùng cổ độc (trùng độc như bùa ngãi ở Việt Nam) hại cho vào sanh ra tử. Và trong phim, Mị Nguyệt cũng có lần cảm thán: một người phụ nữ bình thường như cô lại cùng một lúc đắc tội với 3 nước lớn – đắc tội với Sở vương và Uy hậu của nước Sở, đắc tội với Vương hậu Mị Xu của nước Tần, sau là đắc tội với Quốc tướng phu nhân của nước Yên. Nhưng may mắn thay, những lần hoạn nạn nào Mị Nguyệt cũng được quý nhân phù trợ, luôn có người xuất hiện kịp lúc để giúp đỡ.
Trong phim còn có sự xuất hiện của một nhân vật khác là Trương Tử – một thuyết khách có tài bang giao, thương thuyết là bạn tri kỉ của Mị Nguyệt, cũng từng chịu ơn cứu mạng của Mị Nguyệt. Trương Tử vốn là kẻ có tài nhưng không gặp vận, từng bị quan phủ gán cho tội ăn cắp ngọc quý mà bị đánh đập tới thập tử nhất sinh và chịu mang tiếng ô nhục cả đời. Tài nghệ của Trương Tử không được vua Sở trọng dụng nên ông đã sang đóng góp cho nước Tần và trở thành Trương tướng, đứng sau một người mà trên vạn người. Thương cảm cho cuộc đời Mị Nguyệt, Trương Tử không ít lần an ủi cô mà cũng chính là nhắc lại bài học của chính mình: Trời giao mệnh lớn cho ai, đều bắt họ phải chịu tủi nhục khổ sở, trăm đắng ngàn cay.
Bài học thi ân
Mị Xu là đích công chúa nước Sở, vốn là chị em cùng cha khác mẹ với Mị Nguyệt. Mị Xu và Mị Nguyệt lúc nhỏ có thời gian đã từng rất thân thiết với nhau, sau khi vua Sở Uy Vương mất, cô bị Uy hậu nước Sở (mẹ của Mị Xu) tìm cớ đuổi ra khỏi Sở cung để canh mộ cho phụ hoàng gần 7 năm trời. Sau này được về lại Sở cung, hai tỷ muội Mị Nguyệt, Mị Xu lại trở nên thân thiết hơn bao giờ hết, nhiều lần vào sinh ra tử có nhau.
Khi Mị Xu được gả sang làm Vương hậu nước Tần, đoàn xe hộ giá bị người Nghĩa Cừ tập kích giữa đường, chính Mị Nguyệt đã lấy áo choàng cưới của Mị Xu bỏ chạy để dẫn dụ kẻ địch, cứu Mị Xu thoát khỏi nạn tai này. Và cũng chính vì cứu Mị Xu mà người tình thanh mai trúc mã Hoàng Yết của Mị Nguyệt bị quân giặc sát thương làm té xuống vách núi mất xác. Mị Xu căn bản vốn là người tâm tính hiền lành, lương thiện nên vì bảo vệ Mị Xu khỏi những âm mưu thâm độc trong Tần cung, Mị Nguyệt đã từ bỏ ý định rời cung ban đầu để giúp đỡ Mị Xu an ổn trong cung. Dần dà, khi bước vào con đường tranh sủng với Tần vương, Mị Xu dần mờ mắt trước quyền lực và âm mưu quỷ kế, tìm cách hãm hại Mị Nguyệt hết lần này đến lần khác.
Âm mưu thâm độc nhất của Mị Xu là tìm cách giết chết con trai của Mị Nguyệt bằng cách dùng ong giết người để đánh bại đối thủ cạnh tranh vương vị với con trai Mị Xu, ai ngờ hại người cũng chính là hại mình, người bị ong giết người đốt lại là con trai của Mị Xu. Và cũng chính Mị Nguyệt là người đã tìm ra phương thuốc giải độc giúp con trai Mị Xu trở về cõi chết, cũng như nhận ra được âm mưu tàn độc của người chị em mình tin tưởng bấy lâu nay nhưng cuối cùng cô lại quyết định không vạch trần sự thật, bảo toàn tính mạng cho Mị Xu.
Quỳ cô cô – người hầu và cũng là người nuôi nấng Mị Nguyệt từ nhỏ đã từng cảnh báo cô: “Đại ân cũng rất gần đại thù”. Chính Trương Tử cũng từng nói với Mị Nguyệt: “Có một số người mình nhường họ nhưng chưa chắc họ đã cảm kích mình”. Mị Xu tuy nhiều lần nhận ân cứu mạng của Mị Nguyệt nhưng luôn canh cánh để trong lòng, cảm thấy không vui, cho rằng mình đang bị sỉ nhục, xem thường và ngược lại bày thêm đủ mưu ma chước quỷ để hãm hại Mị Nguyệt tới cùng.
Câu chuyện giữa Mị Nguyệt và Mị Xu cũng chính là ví dụ điển hình cho chuyện người thọ ân có tâm lý không muốn mình mắc nợ ai nên không những họ không cảm kích người giúp họ mà còn tìm mọi cách phủi ân.
“Mị Nguyệt truyện” là bộ phim cổ trang Trung Quốc có số tập dài nhất mình từng xem cho đến bây giờ với 81 tập phim, dài hơn cả “Chân Hoàn truyện”. Nhưng cảm giác được đắm mình trong bầu không khí xuyên không thời Chiến quốc với những pha cung đấu, chính trị đấu đỉnh cao thì cái giá phải trả là thời gian hoàn toàn xứng đáng.
Một lần nữa, diễn xuất của Tôn Lệ, Lưu Đào, Mã Tô, Tưởng Hân,… chưa bao giờ làm mình thất vọng. Xem phim lịch sử cũng chính là một cách học những bài học kinh nghiệm từ lịch sử mà ứng xử cho khôn khéo hơn trong thời hiện đại.
Nếu bạn thấy nội dung bài viết hữu ích và giá trị, bạn có thể ủng hộ Chơn Linh để tác giả có thêm động lực chia sẻ nhiều hơn:
📖
Ủng hộ tác giả
(Subscribe blog để nhận bài mới hằng tuần qua email)