Nhóm máu nào là nhóm máu hiếm nhất tại Việt Nam?

Trần Linh (T.H)

  –  

Thứ bảy, 30/11/2019 11:00 (GMT+7)

Nhóm máu của một người là do di truyền, được thừa hưởng từ cha mẹ. Việc xác định bản thân thuộc nhóm máu nào là điều vô cùng quan trọng khi truyền máu. Đặc biệt những người thuộc nhóm máu hiếm cần biết rõ đặc tính, quy tắc truyền máu, cũng như các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra, để có biện pháp bảo vệ sức khoẻ.

Nhóm máu nào là nhóm máu hiếm nhất tại Việt Nam?

Những điều cần biết về nhóm máu

Nhóm máu của một người dựa trên việc họ có các phân tử hoặc protein nhất định hay không – được gọi là kháng nguyên – trên bề mặt tế bào hồng cầu của họ, theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ. 

Hai trong số các kháng nguyên chính được sử dụng để xác định nhóm máu được gọi là “Kháng nguyên A” và “Kháng nguyên B”. Những người có nhóm máu A chỉ có kháng nguyên A trên các tế bào hồng cầu của họ và những người có nhóm máu B chỉ có kháng nguyên B. Cá nhân thuộc nhóm máu AB thì có cả hai; còn những người có nhóm máu O thì không có.

Một protein khác, yếu tố Rh- còn được gọi là hệ thống “Rhesus” – cũng có mặt hoặc vắng mặt trên các tế bào hồng cầu. Nhóm máu của một người được chỉ định là “dương tính” nếu họ có protein Rh trên các tế bào hồng cầu và “âm tính” nếu họ không có protein này.

Những người âm tính Rh chỉ có thể nhận máu Rh âm, nhưng những người có Rh dương tính có thể nhận được máu Rh dương hoặc Rh âm.

Quy tắc cho nhận nhóm máu

Nhóm máu A Rh+: Có thể hiến máu cho nhóm máu A + và AB +. Có thể nhận được hiến máu từ các nhóm máu A +, A-, O + và O-.

Nhóm máu A Rh-: Có thể hiến máu cho các nhóm máu A +, A-, AB + và AB-. Có thể nhận được hiến máu từ nhóm máu A- và O-.

Nhóm máu B Rh+: Có thể hiến máu cho nhóm máu B + và AB +. Có thể nhận được hiến máu từ các nhóm máu B +, B-, O + và O-.

Nhóm máu B Rh-: Có thể hiến máu cho các nhóm máu B +, B-, AB + và AB-. Có thể nhận được hiến máu từ nhóm máu B- và O-.

Nhóm máu AB Rh+: Có thể hiến máu cho nhóm máu AB +. Có thể nhận được hiến máu từ tất cả tám lnhóm máu.

Nhóm máu AB Rh-: Có thể hiến máu cho nhóm máu AB + và AB-. Có thể nhận được hiến máu từ các nhóm máu AB-, A-, B- và O-.

Nhóm máu O Rh+: Có thể hiến máu cho các nhóm máu O +, A +, B + và AB +. Có thể nhận được hiến máu từ các nhóm máu O + và O-.

Nhóm máu O Rh-: Có thể hiến máu cho tất cả tám nhóm máu. Chỉ có thể nhận hiến máu từ nhóm máu O-.

Những người có nhóm máu O được gọi là “người hiến máu chung” vì nhóm máu này có thể được sử dụng cho bất kỳ bệnh nhân nào.

Nhóm máu O thường bị thiếu trong các bệnh viện, đặc biệt, nhóm máu O Rh- có nhu cầu cao vì đây là loại thường được sử dụng nhất cho các trường hợp khẩn cấp, khi không có thời gian để xác định nhóm máu của bệnh nhân.

Nhóm máu Rh- không nhận máu từ nhóm máu Rh+, ngoại trừ lần truyền máu đầu tiên, vì lúc này chưa có kháng thể xuất hiện chống Rh+.

Nhóm máu hiếm

Theo Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nhóm máu có tỷ lệ như sau: nhóm máu O chiếm 42,1%, nhóm máu B chiếm khoảng 30,1%, nhóm máu chiếm A khoảng 21,2% và nhóm máu AB chiếm khoảng 6,6%.

Ở Việt Nam, nhóm máu Rh- chiếm tỷ lệ rất ít, khoảng từ 0,04% – 0,07% dân số, nên nhóm máu Rh- được gọi là nhóm máu hiếm.

Dựa theo tỷ lệ nhóm máu và Rh, thì nhóm máu AB Rh- sẽ là nhóm máu hiếm nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên dựa theo quy luật cho nhận thì nhóm máu O Rh- sẽ gặp nhiều rủi ro nhất vì chỉ nhận được từ nhóm máu O Rh-.

Rate this post