Nhớ mãi ông… “chat xình”…
Trong cuộc đời diễn viên, không dễ ai cũng để lại được một nhân vật mình sắm vai khiến người xem nhớ mãi, đến mức họ gọi tên nhân vật thay cho tên của nghệ sỹ. Quả là không nhiều những chị Tư Hậu (NSND Trà Giang), Trung úy Phương (NSND Thế Anh), ông Củng (NSND Trịnh Thịnh), Hiền cá sấu (NSƯT Phương Thanh)… Và Trịnh Mai là “Chát xình chát chát bùm”
Ở nước ta, có lẽ chưa bao giờ sân khấu và màn ảnh hài lại nở rộ như những năm gần đây. Bật tivi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, người xem cũng dễ dàng gặp những tiểu phẩm hài không ở kênh này thì kênh khác. Theo đó, đội ngũ các nghệ sỹ diễn hài cũng nối dài. Nhưng phải thú thật, khán giả không thể nào nhớ hết bởi không ít người được gọi là “danh hài” nhưng nhạt nhòa, gây cười hoặc gượng gạo, hoặc sống sượng. Thậm chí có người mang danh hiệu cao mà vẫn chìm nghỉm trong trí nhớ người xem.
Riêng tôi, càng xem nhiều, tôi lại càng không thể nào quên những nghệ sỹ hài trong quá khứ ở những năm cuối của thế kỷ trước từng đóng đinh trong ấn tượng công chúng. Bên cạnh những Trịnh Thịnh, Phạm Bằng, người ta không thể nào quên Trịnh Mai – một cây hài hết sức độc đáo, không thể lẫn lộn với bất cứ nghệ sỹ hài tài năng nào khác.
Đọc cái “tít” bài viết này, hẳn số đông bạn đọc đã nhận ra đó là nhân vật có cái tên “Chát xình chát chát bùm” trong một bộ phim được xây dựng dựa theo truyện cùng tên của nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nêxin (tác giả tập truyên “Những người thích đùa” nổi tiếng). Và diễn viên hóa thân vào nhân vật có cái tên trên khiến người xem cười nghiêng ngả chính là NSƯT Trịnh Mai – một gương mặt hài độc đáo.
Cố NSƯT Trịnh Mai.
Trong cuộc đời diễn viên, không dễ ai cũng để lại được một nhân vật mình sắm vai khiến người xem nhớ mãi, đến mức họ gọi tên nhân vật thay cho tên của nghệ sỹ. Quả là không nhiều những chị Tư Hậu (NSND Trà Giang), Trung úy Phương (NSND Thế Anh), ông Củng (NSND Trịnh Thịnh), Hiền cá sấu (NSƯT Phương Thanh)… Và Trịnh Mai là “Chát xình chát chát bùm”.
Trịnh Mai không có bất cứ sự thuận lợi nào để có thể bước vào nghề diễn viên. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Tuổi thơ lam lũ gắn bó với ruộng đồng. Cũng không hề có một môi trường nghệ thuật nào để ông chịu sự tác động. Ngoại hình của ông lại nhỏ thó, thấp bé. Tuy nhiên, không hiểu sao cậu bé Mai lại thích diễn kịch. Thế là cậu tham gia vào đội văn nghệ ở thôn, xóm, tập những vở kịch ngắn, đơn giản để diễn cho bà con nông dân xem. Lớn lên, cậu ra Hà Nội kiếm sống rồi tìm đến ông chủ hiệu giày Thịnh Thái ở phố Hàng Bông nổi tiếng lúc bấy giờ.
Chàng thanh niên Trịnh Mai tuy không bảnh bao nhưng được cái nết chịu khó, ngoan hiền, lại tiếp thu nhanh nên được ông chủ quý, hết lòng dạy nghề. Và người con gái của ông ta cũng đem lòng thương chàng thanh niên nhà quê cần cù, cơ chỉ.
Rồi tình cảm của đôi nam nữ nảy nở để cuối cùng chàng trở thành con rể nhà Thịnh Thái. Hồi ấy (sau hòa bình lập lại năm 1954), ai cũng muốn trở thành “người Nhà nước” nên khi đã có nghề đóng giày vững vàng, Trịnh Mai xin vào làm công nhân ở Xí nghiệp đóng giày Hà Nội và dễ dàng được chấp nhận. Ông cũng tham gia sinh hoạt văn nghệ ở câu lạc bộ công nhân rồi đội kịch không chuyên của Thành đoàn.
Tại đây, ông được tiếp xúc với nhiều đạo diễn nổi tiếng như Trần Hoạt, Lộng Chương, Ngọc Đĩnh… – những người đến dàn dựng kịch – khiến ngọn lửa đam mê sân khấu trong Trịnh Mai càng bốc cao. Được họ khuyến khích, ông xin tuyển vào Đoàn Kịch nói Hà Nội và đỗ. Thế là từ đó, Trịnh Mai chính thức trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Ai cũng thấy ông có tài diễn nhưng do vóc dáng thấp bé nên chỉ được giao những vai phụ.
Song, ở vai nào ông cũng diễn hết mình với nhiều sáng tạo khiến các đạo diễn rất vừa ý. Thấy ông có diện mạo, đặc biệt là đôi mắt và giọng nói khá “ấn tượng”, họ đã trao cho ông những vai hài. Và ông đã diễn xuất sắc. Lối nói tưng tửng, giọng nói hơi khàn khàn, ề à, đôi mắt hấp háy, vẻ mặt tỉnh bơ, ông đã đem đến cho người xem những trận cười thú vị. Và bao giờ cũng là những nụ cười đậm đà, “tới số” chứ không nhạt, loãng như nhiều người diễn hài khác. Đó là bởi ông diễn tự nhiên, không một chút lên gân, cường điệu và không bao giờ tự cười trước khi người xem cười. Khán giả cười ngặt nghẽo trong khi ông cứ tỉnh bơ nói, diễn rất… hồn nhiên!
Nhiều năm đã trôi qua nhưng cho đến giờ người ta vẫn không quên những vai ông sắm trong các vở diễn như phó may Bút (Bức tranh mùa gặt), người nông dân (Tiền tuyến gọi), Ba Lường (Hoa và cỏ dại) và nhiều vai khác trong các vở “Lũy Hoa”, “Âm mưu và tình yêu”… Đặc biệt là trong điện ảnh, ông đã để lại nhiều vai khiến người xem có thể quên bộ phim nhưng lại nhớ rõ những vai ông đảm nhận. Đó là cán bộ thanh tra trong “Dịch cười”, viên cảnh sát Min Toa trong “Số đỏ”, quan khâm sai trong “Thằng Cuội”, vua tín dụng trong “Không phải chuyện cười”…
Trong số những diễn viên tham gia đóng một bộ phim, Trịnh Mai lớn tuổi hơn nhiều so với nhiều đạo diễn, có khi thuộc hàng cha, chú của họ, lại đã rất nổi tiếng nhưng ông luôn khiêm tốn, lắng nghe đạo diễn và lời góp ýcủa bất cứ thành phần nào trong đoàn làm phim, có khi của một người phụ trách ánh sáng hay đạo cụ, hóa trang. Thường thì các đạo diễn rất ít khi phải phân tích nhiều về nhân vật trước khi Trịnh Mai diễn trước ống kính mà để ông hoàn toàn thoải mái, tự do sáng tạo, nhưng ông lại đề nghị họ cứ chỉ bảo theo đúng ý của họ.
Bởi ông cho rằng đạo diễn đã đào sâu, trăn trở từng nhân vật, tình tiết trong kịch bản và có ý tưởng của họ, diễn viên cần tôn trọng chứ không thể tùy tiện sáng tạo khác ý họ. Một lần ông nói với tôi về điều này: “Mình có tuổi, lại ít nhiều được công chúng biết đến nên các đạo diễn, nhất là những người còn trẻ hay nể. Vì vậy có khi họ chấp nhận ý của mình nhưng thực lòng không muốn. Tốt nhất là hãy làm đúng ý họ. Với lại họ là tác giả, trăn trở nhiều với tác phẩm, mình chỉ sắm một vai phụ.
Cả sự hiểu biết về nghề nghiệp, họ được học hành nhiều, hơn hẳn mình nên hãy tin ở những quyết định của họ”. Trịnh Mai luôn được các đạo diễn quý trọng và tin tưởng khi giao vai cho ông. Sinh thời, đạo diễn Đoàn Lê kể với tôi về trường hợp mời Trịnh Mai đóng phim “Thày lang” của chị. Đó là năm 1998, mới 3 ngày sau khi vừa thực hiện ca phẫu thuật do vôi hóa xương, danh hài đã được chị mời cộng tác. Ông từ chối vì chưa thể đi lại bình thường. Thế là nữ đạo diễn đã thay đổi nhân vật trong kịch bản, để ông từ đầu chí cuối chỉ ngồi diễn, không một phút nào phải đứng, càng không đi lại. Chút thay đổi này không ảnh hưởng gì đến nội dung phim.
Cố NSƯT Trịnh Mai (bên phải) và cố NSND Trịnh Thịnh trong phim “Số đỏ”.
Thường thì gặp trường hợp như vậy, đạo diễn sẽ mời người khác. Nhưng do rất thích Trịnh Mai vào vai này mà Đoàn Lê đã sẵn sàng “sáng tạo” như trên để có sự xuất hiện của ông trong phim của mình. Đây chính là bộ phim cuối cùng của Trịnh Mai. Sau đó, ông vừa đau chân, vừa ốm yếu nhiều, cùng lúc mắc các bệnh huyết áp, gút, tiểu đường nên đã không thể tiếp tục sự nghiệp. Và cũng từ đó, lúc nào ông cũng gắn liền với chiếc ba-toong mỗi khi đi lại. Chính bệnh tiểu đường đã biến chứng khiến ông bị viêm phổi nặng và qua đời vào năm 2009, hưởng thọ 76 tuổi.
Trịnh Mai là người sống giản dị, hòa đồng, chân tình với đồng nghiệp và mọi người. Ai cũng quý trọng ông bởi đức tính tử tế, cởi mở, luôn sẵn sàng vì người khác mà không nghĩ đến bản thân. Cùng đi ăn uống ở đâu, bao giờ ông cũng chủ động trả tiền đãi mọi người chứ không để ai trả. Anh chị em không để ông trả thì ông nói: “Mình thi thoảng có tiền cát-sê đóng phim nên cũng rủng rỉnh, các bạn cứ yên tâm”. Rồi ông đề nghị mọi người cứ ăn uống “thả phanh” và giơ tập tiền ra để họ tin.
Người nghệ sỹ khả kính nghiện thuốc lào nặng nên nếu đi đâu xa là phải kè kè chiếc điếu cày. Nhìn ông hút thì người không biết hút cũng cảm thấy vị ngon của thứ này. Sau khi châm lửa đốt, ông rít một hơi xòng xọc dài, thả khói rồi ngửa mặt, lim dim đôi mắt như thả hồn vào một cõi nào huyền diệu lắm. Một thời, “Tôi và chúng ta” là vở diễn đình đám của Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội). Đoàn đã nhiều lần mang đi diễn vở này tại các tỉnh phía Nam.
Gần như lần nào, Trịnh Mai cũng đem được chiếc điếu cày trót lọt lên máy bay. Khi máy bay cất cánh, ông mới rút từ trong túi chiếc điếu và hút. Thế là nhiều người xúm lại. Có người tò mò muốn nhìn rõ mặt danh hài. Có người xin hút nhờ. Tiếp viên nhìn thấy, biết người nghệ sỹ nổi tiếng nên chỉ cười, còn hỏi: “Bác làm thế nào mà qua được mấy lần kiểm soát ở sân bay?”.
NSƯT Trịnh Mai đã ra đi được hơn 10 năm, nhưng ấn tượng tốt đẹp và tình cảm của công chúng đối với ông vẫn còn nguyên vẹn.