Nhạc sĩ Phạm Tuyên, tuyển tập 100 bài hát, ấn phẩm độc đáo của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn

Blog PhamTon năm thứ mười ba, kỳ 1 tháng 12 năm 2021.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, tuyển tập 100 bài hát, ấn phẩm độc đáo của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn

Blog PhamTon

Chiều 27/11/2021, chúng tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh mới nhận được ấn phảm độc đáo này từ Phạm


Hồng Tuyến con gái út của nhạc sỹ gửi từ Hà Nội, mặc dù tác phẩm này đã được phát hành nhân sinh nhật lần thứ 91 của ông ngày 12/1/2021.

Nói là độc đáo chắc các bạn không lạ, vì ngay tên nhà xuất bản đã là Nhà xuất bản… Hội Nhà Văn! Nhưng bên trong tập sách khổ 16x24cm, in 1.000 cuốn, còn những ảnh và bài viết chưa từng xuất hiện trong bất kỳ sách nào về nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đó là ảnh Phạm Tuyên thời kỳ là đại đội trưởng đội các thiếu nhi nhỏ tuổi nhất trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, tiểu sử đầy đủ của nhạc sĩ, Lời mở đầu của Trần Đăng Khoa với nhận định Phạm Tuyên là một nhạc sĩ vạn vỡ. Ông có khả năng tung hoành trên nhiều đề tài, thể loại. Và kết thúc bằng bài phỏng vấn thẳng thắn, nhiều mặt của Hồng Thanh Quang thực hiện tháng 10/2015 dài đến 15 trang (từ 227-241) nhan đề Nhạc sĩ Phạm Tuyên “Lịch sử công bằng”. Và không chỉ có thế, xen giữa các bản nhạc Phạm Tuyên, còn có những trang văn liên quan đến những bài ca ấy của PGS – TS Tâm lý học Nguyễn Ánh Tuyết, người bạn đời của ông, luôn song hành với các tác phẩm của ông.

Trong bài giới thiệu này, xin mời các bạn đọc: Tiểu sử Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Lời mở đầu của Trần Đăng Khoa và một số trang trích trong sách Chúng tôi đã sống như thế của bà Nguyễn Ánh Tuyết như Câu chuyện về Bài ca người thợ rừng, Sức sống của Chiếc gậy Trường Sơn, Bài ca viết dưới bom B-52, Hà Nội- Điện Biên Phủ Tiếng reo vang Như có Bác trong ngày đại thắng!, Gửi nắng cho em và “số phận” bài ca, Chuyện vui xung quanh Con kênh ta đào.

—o0o—

1.TIỂU SỬ NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN

Trần Đăng Khoa

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh ngày 12/1/1930, quê ở xã Lương Ngọc, Bình Giang, Hải Dương. Thuở nhỏ, ông t


heo cha – Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong vào Huế. Chính ở đây, tâm hồn ấu thơ của Phạm Tuyên đã chìm đắm trong âm thanh nhã nhạc cung đình và học nhạc lý phương tây ở trường Quốc học. Năm 1949 ông học tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, khóa V, Khóa Tổng phản công. Năm 1950, là Đại đội trưởng tại Trường Thiếu sinh quân. 1954, cán bộ phụ trách Văn Thể Mỹ tại Khu học xá Trung ương tại Trung Quốc. 1958 về nước, làm tại Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông từng là phụ trách âm nhạc, Trưởng đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam; Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam; Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội từ năm 1995-2010 và là Chủ tịch danh dự sau đó.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm: Những ngôi sao ca đêm (1964), Từ làng Sen (1969), Đêm trên Cha Lo (1971), Tiến lên Đoàn viên (1954), Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng (1959)

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Đảng đã cho ta một mùa xuân (1960), Bám biển quê hương (1964), Chiếc gậy Trường Sơn (1967), Gẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ (1969), Như có Bác trong ngày đại thắng (1975).

Nhạc sĩ được trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho sáng tác Như có Bác trong ngày đại thắng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên có tất cả gần 700 tác phẩm, trong đó 200 bài hát dành cho thiếu nhi. Nhạc sĩ được Tổ Chức Kỷ Lục Việt Nam trao tặng danh hiệu “Người có nhiều bài hát thiếu nhi được phổ biến nhất”.

Ngoài ra, ông còn viết báo, sách lý luận âm nhạc: Nhạc lý cơ bản, Các bạn trẻ hãy đến với âm nhạc, Âm nhạc ở quanh ta, Âm nhạc cho trẻ em….

Nhạc sĩ Phạm Tuyên có khả năng lay động người nghe trong nhiều đề tài, có nhiều bài hát in sâu vào trí nhớ của công chúng, ca khúc chính trị, ca khúc trữ tình, cả ca khúc về ngành nghề. Đặc biệt các ca khúc thiếu nhi của ông được hát qua nhiều thế hệ, trở thành bài hát truyền thống của nhiều lứa tuổi. Hoạt động của ông rất phong phú trong các lĩnh vực sáng tác, lý luận (giới thiệu thẩm mỹ âm nhạc về tác giả, tác phẩm); và phong trào âm nhạc quần chúng. Ông chính là người đề xướng và chỉ đạo nhiều cuộc thi mang tính chất toàn quốc như Tiếng hát Hoa phượng đỏ, Liên hoan văn nghệ truyền hình toàn quốc. Nhiều năm ông là Chủ tịch Hội đồng giám khảo của nhiều Hội diễn toàn quốc…

2.LỜI MỞ ĐẦU

Có thể nói, Phạm Tuyên là một nhạc sĩ vạm vỡ. Ông có khả năng tung hoành trên nhiều đề tài, nhiều thể loại: ca khúc chính trị, ca khúc trữ tình, cá khúc thiếu nhi, rồi ca khúc về các ngành nghề. Ở mảng đề tài nào, Phạm Tuyên cũng có những bài hát “găm” được vào trí nhớ công chúng. Đặc biệt là những ca khúc chính trị. Đây là một đề tài rất khó viết, và nếu có viết được thì cũng rất khó hay. Vậy mà Phạm Tuyên có cả một loạt bài. Trong đó có không ít bài rất ấn tượng. Phạm Tuyên có khả năng biến những sự kiện chính trị thành tình cảm, xúc cảm với những giai điệu đẹp. Ở lĩnh vực này, có thể nói, Phạm Tuyên như một người chép sử bằng âm thanh. Trước mọi biến động của lịch sử đất nước, ta đều tìm thấy trong âm nhạc của Phạm Tuyên. Ông viết khỏe, viết nhanh mà không hề sống sít. Có thể dõi theo từng ca khúc của Phạm Tuyên mà tìm thấy từng bước đi của Cách mạng. Ngay buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Sài Gòn vừa được giải phóng, trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã vang lên ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng. Thật hào sảng, khi Phạm Tuyên đã thay mặt cho toàn thể nhân dân tuyên bố cho thế giới biết:

Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông

Ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa, kháng chiến đã thành công

Bài hát như một tiếng reo vui của tất cả mọi tầng lớp người ở mọi lứa tuổi. Giai điệu và lời ca đều rất giản dị. Hầu hết những ca khúc thành công của Phạm Tuyên đều như thế. Nghĩa là rất giản dị. Giản dị đến mức, nhiều người nhầm tưởng là nhạc bình dân, nghe có vẻ như là nôm na, cảm giác như ai cũng có thể viết được và rất dễ viết. Nhưng thực tình, nhạc Phạm Tuyên chỉ dễ viết khi ông đã viết ra rồi.

  1. NHẠC SĨ TRONG SÁCH CỦA PHÓ GIÁO SƯ TIẾN SĨ NGUYỄN ÁNH TUYẾT

Câu chuyện về bài ca Người thợ rừng

Những âm thanh từ cuộc sống đầy sôi động đã làm nên ca khúc Phạm Tuyên khi ông thâm nhập hết mình vào cuộc sống ấy. Báo Hà Nội mới số 256/1999 đã đăng bài “Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác Bài ca người thợ rừng như thế nào? của Trần Quốc Toán (một cán bộ ngành Lâm nghiệp) đã nhắc lại hoàn cảnh ra đời của bài hát nổi tiếng đó:

“Buổi chiều một ngày mùa hè năm 1963, Giám đốc Phạm Tự Do thay mặt công nhân viên chức Lâm trường Hương Sơn (Hà Tĩnh) đón tiếp nhạc sĩ Phạm Tuyên đi từ Hà Nội vào cùng với bốn người khách nước ngoài (ba chuyên gia Liên Xô và một nhà văn Đức), rồi cử ngay ông Trần Đình Phòng (cán bộ tuyên văn lâm trường) dẫn nhạc sĩ Phạm Tuyên đi khắp 14 phòng ban của Lâm trường bộ, từ phòng kế hoạch, kỹ thuật đến trạm xá, ban Văn Thể Mỹ… Và hình như những gì đã nghe, đã thấy ở Lâm trường bộ chưa đủ sức thuyết phục, thỏa mãn để làm rung động cảm xúc tạo nên nốt nhạc, lời ca nên nhạc sĩ Phạm Tuyên xin giám đốc vào rừng đến với công nhân ở các trạm, đội.

Một người dân Hà Nội thứ thiệt, da trắng, dong dỏng cao, đẹp trai, luôn cười nụ, quen sống nơi đô thành, vậy mà đi rừng khỏe đến kính nể. Quần xắn cao, chân đi dép cao su, tay cầm gậy lội suối, vượt dốc, có khi thấy nhạc sĩ ngồi xe tải vận chuyển gỗ trông như một phụ xe, đi đến 60 đon vị trạm, đội, phân trường ở 51 tiểu khu thuộc Lâm trường, nơi xa nhất 50 km, từ các đội tu bổ, bảo vệ ở khe Năm đến các trạm quản lý, xây dựng phát triển kinh doanh rừng đến tận các đội khai thác Ngã Đôi, Rào Mác…Tính ra tổng đường đi của nhạc sĩ mới thấy ngày đã đi trên 500km đường rừng. Đặc biệt sên, vắt cắn, muỗi đốt cộng với những cơn mưa rừng bất chợt đến, đột ngột đi và nước của rừng đại ngàn chốn sơn cùng thủy tận độc có tiếng “nước Rào Qua, Ma Khi Chè” vẫn không làm nhạc sĩ sợ và nản lòng. Cơm 3 hào/ bữa ở rừng (chủ yếu muối, măng) mà Phạm Tuyên ăn ngon lành, vẫn chuyện vui với anh chị em công nhân không biết mệt. Rồi lại theo xe tải Zin 130-3 cầu đi sâu vào phân xưởng Ngả Đôi. Trong lúc bốc gỗ lên xe, nhạc sĩ cùng anh em công nhân hạ cội vui vầy bên nồi nước chè xanh đậm đặc thì có một thanh niên đến bên tâm sự: “Chú xem ai nói rừng đây ác, dù cho có nắng mưa thất thường, làm lụng vất vả nhưng chúng cháu vẫn sống vui và thi đua lao động sản xuất và… nói nhỏ chú đừng cười, còn yêu nhau nữa đấy…”

Ai bảo rừng xanh là quái ác!” Một ý nhạc vụt lóe lên trong đầu nhạc sĩ. Ngay chiều hôm đó anh leo lên đồi Cồn La ngồi một mình để theo đuổi ý nhạc và “Bài ca người thợ rừng” xuất hiện trên khung nhạc: “ Ai bảo rừng xanh là quái ác! Ai bảo Trường Sơn là nắng rát/ Gió núi mưa nguồn, sói beo quanh mình xiết bao kinh hoàng… Rồi điệp khúc: “Rừng ơi! Ta đã về đây! Mang sức của đôi tay lao động khó khăn không quản ngại! Rừng ơi! Trong tiếng ca hôm nay! Vang lên cuộc đời sáng tươi trong tương lai…”

Trời chưa sáng rõ, Phạm Tuyên đã đem bản nhạc đến cho anh chị em đội xung kích tuyên truyền văn hóa tập. Tối hôm đó đội văn nghệ đã hát giới thiệu “Bài ca người thợ rừng” trước đông đảo công nhân viên chức Lâm trường, khách nước ngoài công tác tại đây và nhân dân trong khu vực.

Với nét nhạc tươi vui sôi nổi, đằm thắm thiết tha, khi dồn dập như thác đổ, khi dàn trải như dòng chảy của những con suối, khi âm vang như tiếng vọng của núi rừng, cộng với lời ca dung dị, chân thực, mạnh mẽ, tươi vui lạc quan, ngay sau khi bài hát được phổ biến đã đi ngay vào lòng người công nhân Lâm trường Hương Sơn, Hà Tĩnh nói riêng, của ngành Lâm nghiệp cả nước nói chung, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Và không chỉ riêng những người đang công tác trong ngành Lâm nghiệp. “Bài ca người thợ rừng” còn được ngân vang phổ biến rộng rãi trong đông đảo quần chúng nhân dân biết và nhớ đến, đặc biệt rất được đông đảo thanh niên ưa thích.”

Khi mới nghe ca khúc Bài ca người thợ rừng được trình bày lần đầu tiên, nhạc sĩ bậc đàn anh Văn Cao vui mừng nhận xét: “Hay, hay lắm! Cậu này rồi phát triển tốt đấy”, còn nhà thơ Quang Dũng thì xúc động nói: “Nghe bài này hình ảnh rừng xanh từ hồi mình đóng quân ở Tây Bắc hiện về rất rõ rệt cứ như là mình đang sống giữa rừng ấy”.

Có ai ngờ một bài hát viết tặng một lâm trường ở tận Hương Sơn Hà Tĩnh lại bay đến phương trời Âu (Bungari) được trình bày trong những đêm ca nhạc sôi động của lưu học sinh Việt Nam, rồi bay sang Nhật Bản để được in trên báo ở đó, lại theo đoàn Hợp xướng thanh niên Santana (Tôkyô) sang thăm Việt Nam và ngân vang trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội (1998). Bài ca còn được Tổng cục trưởng Tổng cụ Lâm nghiệp Nguyễn Văn Tạo tặng tác giả chiếc đài bán dẫn Orionton, được nhạc sĩ rất yêu thích và mang đi nghe nơi sơ tán cùng bà con trong xóm suốt bao nhiêu năm bom đạn.

(Trích Hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của PGS – TS Nguyễn Ánh Tuyết)

*

* *

SỨC SỐNG CỦA CHIẾC GẬY TRƯỜNG SƠN

Rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên đều có xuất xứ từ cuộc sống đầy biến động, từ cuộc đấu tranh khốc liệt của đất nước. Bài hát của ông sở dĩ có sức sống lâu bền trong lòng người yêu âm nhạc bởi nó mang hơi thở, nhịp đập trái tim của nhân dân.

Điều đó, chúng ta có thể thấy rõ một phần qua “Sức sống của ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn” là đầu đề một bài báo của tác giả Thái Kiều Ngân đăng trên báo Nhân Dân ngày 15/4/2000, có đoạn như sau:

“Đầu những năm 70 khi còn là chiến sĩ trong quân ngũ từ miền Bắc hành quân vượt Trường Sơn vào Nam, bọn lính trẻ chúng tôi thường hát bài: Chiếc gậy Trường Sơn. Cả Đại đội đều thuộc làu làu bài này, nhưng ít ai được biết đến tác giả của nó. Sau này làm báo, may mắn tôi có dịp làm quen với tác giả – Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

“Bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” được ông sáng tác một cách tình cờ, ngẫu hứng. Chuyện là mùa hè năm 1967, ông Quách Vinh, giám đốc Sở Văn hoá – Thông tin Hà Tây có mời các nghệ sĩ Văn Cao, Phạm Tuyên, Chế Lan Viên, Hoàng Vân…đi thực tế tìm cảm hứng sáng tác ở Hoà Xá huyện Ứng Hoà…Tối đến nhóm nghệ sĩ được mời nghỉ lại tại nhà khách sơ sài của UBND xã. Khoảng 4 giờ sáng, Phạm Tuyên nghe thấy những bước chân chạy rầm rập của dân quân tự vệ (bộ đội tại làng). Họ tập luyện bằng cách đeo hàng chục cân gạch đá trên lưng vừa đi, vừa chạy với hy vọng sau này có đủ sức đi bộ vượt Trường Sơn vào Nam đánh đế quốc Mỹ. Ông chủ tịch Hoà Xá cho biết: Ở xã có một tập tục mới là trước khi thanh niên địa phương tòng quân, chính quyền tổ chức chia tay giản dị nhưng trang trọng, tặng những tân binh trẻ mỗi người một chiếc gậy có tên gọi Gậy Trường Sơn. Còn người ra trận thì tặng lại người vợ, người yêu của mình Chiếc Nhẫn chung thuỷ được làm bằng đuy-ra, vỏ xác máy bay Mỹ”.

“Bâng khuâng trước hiện tượng rất thơ này, Phạm Tuyên đã dùng âm luật của đồng bằng Bắc Bộ để sáng tác. Âm hưởng của ca khúc dường như được vang lên từ một địa phương rất xa Trường Sơn qua câu: “Trường Sơn ơi! Nơi núi mờ xa mà ta chưa qua…”. Hình ảnh Trường Sơn thời ấy như một biểu tượng của khó khăn mà thanh niên mơ ước sẽ vượt qua. Bài hát không nhắc đến địa danh Hoà Xá, tác giả đã từ một hiện tượng cụ thể mình từng chứng kiến để rồi khái quát lên thành một hình tượng mang tính thời đại – phản ánh sinh động một khía cạnh của lịch sử thời đánh Mỹ. Ca khúc đã khích lệ thanh niên vươn tới ước mơ của mình với một khí thế “ Sức trẻ đi cứu nước vững vàng hơn dãy Trường Sơn”

Phạm Tuyên viết ca khúc Chiếc gậy Trường sơn từ năm 1967 mà mãi đến bốn năm sau (1971) ông mới đến Trường Sơn. Đúng như ông tưởng tượng, những hình ảnh trong bài hát chẳng khác mấy hiện thực: “ Có suối reo, có gió ngàn cây, có dốc cao vực sâu mất lối/ Mây trắng quyện dưới chân bước bồi hồi/ Có nắng lửa đốt thiêu vách núi…”. Bài hát như lời quê hương thôi thúc tuổi trẻ lên đường cứu nước: “Trường Sơn ơi! Cho dẫu hiểm nguy bền tâm vững chí/ Trong bước đi nghe tiếng đồng quê/ Nghe gió reo bờ tre gốc lúa/ Nghe tiếng người mến thương vẫn dặn dò/ Giữ vững truyền thống của đất nước…” và bồi đắp cho họ lòng quyết tâm giải phóng miền Nam: “Trường sơn ơi! Ta đã lên đường. Khi lửa tiền phương đang nhắc ta gấp bước đường xa/ Khi thù giặc cướp nước cháy bỏng trong lòng ta”.

Khi mới giải phóng miền Nam, tình cờ ông được nghe một ca sĩ Sài Gòn hát bài Chiếc gậy Trường Sơn, ngạc nhiên và thú vị, ông tìm hỏi ngay ca sĩ thì được trả lời: “Em khoái bài này vì nó có khí thế lắm, hay lắm! Trong không khí âm nhạc quanh quẩn với đời sống cá nhân nhỏ bé thời Mỹ – nguỵ thì sự tiếp thu tự nguyện dạng ca khúc Cách mạng quả là điều đáng mừng. Rồi vài ngày sau đó ông gặp gỡ với một số anh em họ hàng trong đó có người đã tham gia nguỵ quân, họ nói vui với anh: “Gậy của anh khua đến đâu, chúng em chạy re đến đấy!”

Sau ngày miền Nam giải phóng, dân làng Hoà Xá rất tự hào với Chiếc gậy Trường sơn, họ lập nhà truyền thống đặt tên là Chiếc gậy Trường Sơn và bản nhạc Chiếc gậy Trường Sơn do nhạc sĩ Phạm Tuyên chép tay được lồng khung treo trang trọng chính giữa phòng truyền thống. Dân làng Hoà Xá coi ông như một thành viên của làng, mỗi khi dân làng đón huân chương hay mở hội truyền thống, ông đều có mặt như về với quê hương của mình và cùng họ, kể cả những người đã vượt Trường Sơn lẫn những bạn trẻ ngày hôm nay ca vang bài Chiếc gậy Trường Sơn.

Bài hát có thật nhiều kỷ niệm khó quên, đến nay ông còn giữ bài Chiếc gậy Trường Sơn do Lê Văn Ngọc, một chiến sĩ đã chép tay trên đường đi B (tức là đi vào miền Nam) để truyền nhau hát khắp chiến trường Nam Bộ thời kỳ 1968 – 1975, đã hy sinh ở mặt trận, do đồng đội là Trần Danh Lân gửi đến cho nhạc sĩ.

Bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn đã nằm trong danh mục 10 bài hát hay nhất về Trường Sơn trong cuộc bình chọn do Binh đoàn Trường Sơn kết hợp với Đài TNVN tổ chức năm 1999.

(Trích Hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của PGS – TS Nguyễn Ánh Tuyết)

*

* *

BÀI CA VIẾT DƯỚI BOM B52 HÀ NỘI – ĐIỆN BIÊN PHỦ

Phạm Tuyên có nhiều ca khúc mà lời ca và giai điệu đã trở thành món ăn tinh thần của nhân dân về những thời điểm đáng ghi nhớ, nhiều người đã hát mà không nhớ tên tác giả, vì hình như những bài ca ấy tất yếu phải ra đời trong thời điểm lịch sử ấy. Chính vì vậy mà sau khi giải phóng miền Nam, tờ Tin sáng, một tờ báo nổi tiếng của Sài Gòn đã đăng một bài phỏng vấn anh với nhan đề: “Phạm Tuyên – Người viết nhạc dưới bom B52 và trong ngày Đại thắng”.

Đúng như vậy, dưới bom B52 ông đã viết “ Hà Nội – Điện Biên Phủ” với âm điệu hào hùng như để nói với thế giới: “Đâu chỉ vì non nước riêng này/ Phất ngọn cờ sao chính nghĩa”. Về hoàn cảnh ra đời của ca khúc, xin đọc một đoạn trong tập thơ văn Hà Nội mười hai ngày đêm ấy (NXB Văn học – 1973) có một đoạn ghi nhanh của nhà báo Hữu Thọ như sau: “…Buổi sáng ngày 28/12/1972, một nhạc sĩ (đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên) đến gặp tòa soạn. Anh mang đến một bản nháp bài hát mới làm đêm qua. Trên ghế đá dưới gốc đa, anh hát cho mấy người nghe. Mọi người đều biết bom địch ném vào khu nhà anh ở. Chiếc dương cầm của anh bị hỏng. Nhưng anh muốn đóng góp tâm hồn mình vào cuộc chiến đấu chung. Bài hát Hà Nội – Điện Biên Phủ ra đời như thế! Hôm sau bài hát đó được đăng trên một tờ báo (báo Nhân Dân ). Hôm sau nữa, Đài Phát thanh dựng bài đầu tiên về Hà Nội 12 ngày đêm chiến đấu của ta phái đi muôn phương…”

Buổi phát thanh đêm 29/12 bài hát đã truyền đi trên sóng đã gây xúc động cho nhiều người. Nhiều nhạc sĩ ở miền Nam sau này cho biết là: Hà Nội vẫn đánh giặc, vẫn ca hát và ngâm thơ, đó là tín hiệu của một ngày chiến thắng không xa! Và thật là thú vị, vì ngay 30/12 Mỹ đã phải xuống thang. Nhạc sĩ tâm sự: “Phải chăng vào mùa xuân năm 1975, khi tôi cất tiếng hát reo vui ngày Đại thắng trong vài dòng nhạc ngắn ngủi lại chẳng có những xúc cảm mạnh mẽ bắt nguồn từ những hành khúc rắn rỏi, quyết liệt và cũng đầy hy vọng, tự hào như những gì dã được ghi lại một cách say sưa và hối hả trong bài Hà Nội – Điện Biên Phủ”. Đây cũng là một ca khúc mang tính nhạy cảm chính trị và tính dự báo cao.

Về ca khúc này có một phát hiện lý thú, khi nghiên cứu về chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội, một câu hỏi được đặt ra: “Báo nào, đài nào đã sử dụng từ “Điện Biên Phủ trên không” đầu tiên? Câu hỏi khó khăn ấy đã được cán bộ của Bảo tàng quân chủng Phòng không không quân vào cuộc. Các anh chị đã đến các thư viện lớn, lật từng trang báo (Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội mới…) phát hành trong những ngày tháng hào hùng cuối năm 1972, đầu năm 1973. Cuối cùng họ đã đạt kết quả, tìm ra được đáp số. Đó là báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam. Trong số ra ngày 29/12/1972, có dòng chữ “Hà Nội – Điện Biên Phủ” nhan đề một bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên, và cạnh đó ở trang 2 có một dòng chữ “Hà Nội đang thắng một trận Điện Biên Phủ trên không” (Lưu Trọng Lân – Tổng tập Ngàn năm văn hiến Thăng Long, trang.1957).

(Trích Hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của PGS TS Nguyễn Ánh Tuyết)

*

* *

TIẾNG REO VANG NHƯ CÓ BÁC TRONG NGÀY ĐẠI THẮNG

Một trang sử hào hùng nhất, vẻ vang nhất, tràn đầy niềm vui nhất của cả dân tộc đã đến, đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975 – ngày giải phóng Sài Gòn – giải phóng miền Nam, Phạm Tuyên đã kịp ghi lại xúc cảm ấy bằng một tiếng reo vui – Như có Bác trong ngày Đại thắng. Ca khúc đó dường như đã nằm sẵn trong niềm ước mơ cháy bỏng, niềm tin mãnh liệt của tác giả vào ngày toàn thắng chỉ còn đợi đến giây phút thiêng liêng đó là ùa ra và cộng hưởng ngay với triệu triệu niềm vui của mọi người trên toàn đất nước.

Chiều 30 tháng 4 năm ấy, tất cả anh chị em Đoàn ca nhạc Đài TNVN cùng với một số anh chị em bên Giao hưởng Hợp xướng tập hợp tại phòng thu thanh của Đài để dàn dựng và thu ngay ca khúc Như có Bác trong ngày Đại thắng để kịp phát trong bản tin chính thức công bố tin toàn thắng cho cả nước và trên toàn thế giới biết. Tất cả mọi người đều hết sức phấn chấn. Chưa có một bài hát nào được dàn dựng, thu thanh và phát với một tốc độ nhanh như vậy! Cũng chưa có một bài hát nào mà khi tập cả người hát, người đệm đàn, người dàn dựng, người thu thanh đều rưng rưng nước mắt, nước mắt của niềm vui vì ngày Đại thắng!

Những ai đã nghe bài hát đó một lần là đã nhập tâm điệp khúc:”Việt Nam – Hồ Chí Minh!” . Đây chính là niềm khát vọng, là tiếng nói từ trái tim của mỗi người trong ngày vui Đại thắng. Hầu hết những người Việt Nam trong những ngày này, ai cũng tưởng nhớ tới Bác Hồ, Người lúc sinh thời đã nói lời bất hủ:”Miền Nam luôn trong trái tim tôi” , và tác giả của bài ca đó đến thời khắc này mới được biết chiến dịch giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam là chiến dịch mang tên Bác – chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày hôm đó, 17 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cả dân tộc mừng vui đến nghẹn thở khi nghe tin Đại thắng được trịnh trọng tuyên bố qua làn sóng Đài TNVN cùng với tiếng hát lạc quan, hào hùng mà tràn đầy xúc động của bài Như có Bác trong ngày Đại thắng. Hàng chục triệu người vừa nghe, vừa khóc, vừa nhẩm theo, học thuộc khi loa phóng thanh phát đi bài đó trên mọi đường phố, làng quê của đất nước. Sự ra đời của bài hát cũng đáng ghi nhớ, vì nó gặp được “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” như tác giả của nó đã từng nhận định.

Nhớ lại đúng vào thời điểm 21gìờ 30 đêm 28 tháng 4 năm 1975, khi nghe bản tin thời sự loan báo Nguyễn Thành Trung, một trung uý phi công “nguỵ” đã ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, một niềm xúc động dâng trào với linh cảm là chẳng còn bao lâu nữa thôi thì Sài Gòn và cả miền Nam sẽ được giải phóng! Đêm hôm ấy ông bồi hồi khác thường, trên tay cầm mẩu giấy và chiếc bút chì ra đứng đầu cầu thang, nơi đó có một bóng đèn chiếu sáng, ngoài trời lâm thâm mưa. Ông cứ đứng đó ghi xong cả giai điệu và lời ca của bài hát Như có Bác trong ngày Đại thắng để không phá giấc ngủ của vợ con (vì nhà rất chật). Cả cuộc đời gắn bó với nhân dân, với đất nước, sống với lý tưởng cao đẹp, một cuộc đời không ngừng phấn đấu vươn lên, khổ đau và hy vọng để bây giờ có thể hát lên: “Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông!”

Bài hát được ông sáng tác trong một khoảnh khắc ngắn ngủi vào cái đêm 28/4/1975, nhưng nói cho chính xác thì nó được sinh ra từ khoảnh khắc đó cộng với cả cuộc đời nhạc sĩ. Và chỉ mấy ngày sau. bài hát đã vang lên khắp cả miền Bắc và cả các đô thị, xóm ấp miền Nam mới giải phóng đúng vào ngày lễ 1/5 năm đó.

Sau này, bài hát đã được vang lên trong nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu với bạn bè quốc tế. Bài hát đã được hát ở nhiều nước (Nga, Đức, Cu Ba, Trung Quốc, Nhật Bản…). Trong bài viết Phạm Tuyên – Người Nhạc sĩ của nhân dân, đăng trong cuốn Những người lao động sáng tạo của thế kỷ (NXB Lao động – 2003) tác giả Diệu Ánh đã viết về ca khúc này: “Bài hát là thông điệp hoà bình, là niềm kiêu hãnh, lạc quan của dân tộc, là lời hiệu triệu, là niềm tin vào tất thắng của chính nghĩa. Bài hát ngân nga mãi trong lòng mọi người, là nhịp cầu nối hai miền đất nước, giữa các quốc gia đã từng yêu mến và ủng hộ Việt Nam đấu tranh cho thống nhất và hoà bình”. Ca khúc này thường được trình bày dưới dạng ca khúc quần chúng, nhưng cũng đã được thể hiện ở thể loại hợp xướng. Với giọng hát nhiều bè của nam nữ ca sĩ Đài TNVN hoà cùng giọng hát trong trẻo của đội Sơn ca thành một bản hợp xướng huy hoàng vang vọng đến trái tim mọi người. Ca khúc đó còn được trình bày dưới hình thức diễn xướng do ca sĩ nổi tiếng người Nhật Takimoto cùng với giọng hát điêu luyện của hai ca sĩ trẻ Trọng Tấn và Khánh Linh, lúc bay bổng, lúc dồn dập, lúc thiết tha, lúc lắng đọng làm người nghe ngỡ ngàng.

Ca khúc Như có Bác trong ngày Đại thắng đã được Nhà nước thưởng Huân chương Lao động hạng Ba với câu ghi trên huân chương: Tặng thưởng nhạc sĩ Phạm Tuyên – đã có thành tích xuất sắc trong việc sáng tác bài hát “Như có Bác trong ngày Đại thắng” góp phần cổ vũ kịp thời cho ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Hà Nội ngày 30 tháng 4 năm 1985 – Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Trường Chinh (đã ký).

Từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, bài hát Như có Bác trong ngày Đại thắng phổ biến tới mức mà mọi người, từ em bé mới tập nói cho tới các cụ già, ai cũng thuộc, người ta hát khi gặp nhau, khi giã bạn. Có một chuyện thật cảm động, đó là sau ngày giải phóng miền Nam chừng chục năm, ông về thăm Tây Ninh, nơi có chiến khu D nổi tiếng, trong một cuộc gặp mặt với các đồng chí và bà con địa phương thì bỗng nhiên có một em bé gái khoảng mười tuổi đến khoanh tay trước mặt ông mà nói:”Con cám ơn bác vì bác đã đặt tên cho con”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên rất ngạc nhiên, nhưng đó là câu chuyện có thực 100%. Số là ngay sau ngày miền Nam giải phóng, đồng chí Bảy Nứ (tức là Trần Văn Nứ) được điều động về Nam công tác (đồng chí là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954) đúng vào thời kỳ vợ chuẩn bị sinh con. Khi chia tay chị ấy gặng hỏi chồng: “Nếu sinh con thì đặt tên gì?”. Bảy Nứ suy nghĩ một hồi rồi nói với vợ; “Nếu là con trai thì đặt tên là Đại Thắng, nhưng nếu là con gái thì em cứ hát bài “Như có Bác trong ngày Đại thắng”, lần theo lời bài hát ấy nếu gặp chữ gì hay phù hợp với con gái thì đặt tên con bằng chữ ấy”. Và chị đã sinh con gái, theo lời chồng chị đã làm như vậy, chị nhẩm hát bài Như có Bác trong ngày Đại thắng, đến câu: “Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng”. Như bắt được vàng, chị lấy ngay chữ Huy Hoàng đặt tên cho con. Thế là cháu bé có tên là Huy Hoàng. Cháu Huy Hoàng là một cháu bé thông minh, hồi học lớp 5, Huy Hoàng đạt giải 3 cuộc thi Văn toàn Quốc, sau này đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh và bây giờ là cán bộ Ngân Hàng của tỉnh Tây Ninh.

Xung quanh ca khúc này có khá nhiều chuyện vui, lạ về tính phổ biến của bài hát: Trong một cuộc hội chợ tại công viên 29/3 ở Đà Nẵng người ta xúm quanh một con chim nhồng (một loài vẹt) đang cất tiếng hát bài Như có Bác trong ngày Đại thắng! Thấy lạ nhiều người khách hỏi mua nhưng chủ của nó không bán mà chỉ để khoe thôi. Ông nói: “Tiếng “hát” của con chim nhỏ này là niềm vui của cả nhà chúng tôi đấy!”. Năm sau nữa lại một ông chủ khác cũng mang đến hội chợ 29/3 này một con chim nhồng biết hát ca khúc đó mà còn hát hay hơn để khoe với mọi người chứ không bán. Lại một chuyện vui nữa, một hôm nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận được bức thư của một em thiếu nhi ở xa gửi tới, trong bức thư thấy nhiều chữ lạ lắm: “Nho cứ Bồ Hác trui ngày vong đặng thái/ Lày bác nơi đãnh thà chắng thiến hoang huỳ/ Băm mươi na đánh trâu gièn toàn vạnh nông san/ Băm mươi na du chuẩn quà họng khiến cháng đã thồng canh/ Vạt niêm Hình Chí Mô…” đánh vần mãi mới đoán ra là bài hát của mình. Thì ra đây chỉ là một lối nói lái (theo kiểu miền Trung) bài hát Như có Bác trong ngày Đại thắng mà em thiếu nhi đã coi như một trò chơi gửi cho tác giả để cùng vui! Bài Như có Bác trong ngày Đại thắng cũng thường vang lên tại các sân vận động mỗi khi có bàn thắng, người ta đổ ra đường đông nghịt với lá cờ đỏ sao vàng hòa trong tiếng hát bài Như có Bác trong ngày Đại thắng, như tiếng reo vui của lòng mình một cách thật tự nhiên trước một thắng lợi to lớn.

Ca khúc Như có Bác trong ngày Đại thắng sở dĩ đi sâu được vào lòng người, giữ lại bền lâu trong tâm hồn hàng triệu người nghe, theo các nhà phê bình lý luận âm nhạc thì vì nó vừa mang tính khái quát lại vừa mang tính cụ thể. Ca khúc đó đã nói lên tầm vĩ đại của cuộc đấu tranh oanh liệt của cả dân tộc Việt Nam, đồng thời lại nói được một cách cụ thể, một thời kỳ lịch sử 30 năm để giành toàn vẹn non sông, vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ở Nhật, ngay từ những ngày đầu bài hát mới ra đời, đã có 49 tỉnh thành in ra để ca hát trong cộng đồng. Họ nói: “Chúng tôi hát bài này không chỉ để ca ngợi chiến thắng 30 tháng Tư của các bạn mà là để ca ngợi một nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”.

Về bài hát này, trong một bài viết có nhan đề: Phạm Tuyên – Tiếng hát ngày chiến thắng” ở chuyên mục Tài trí Việt Nam của tạp chí Thế giới mới, nhà thơ Bế Kiến Quốc đã viết: “Trong một số thời điểm đặc biệt, lịch sử luôn cần có một ca khúc xuất hiện tức thời và được hàng vạn, hàng triệu con người hát vang trên những đường phố, quảng trường, cánh đồng, chiến luỹ… Hạnh phúc thay những nhạc sĩ đáp ứng được yêu cầu ấy của lịch sử. Đó là Văn cao với “Tiến quân ca”, đó là Đỗ Nhuận với “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, đó là Lưu Hữu Phước với “Giải phóng miền Nam”. Và đó là Phạm Tuyên với “Như có Bác trong ngày Đại thắng”. Những ca khúc “tức thời” đó đã bộc lộ tư tưởng, tình cảm của nhân dân, cổ vũ hàng triệu con người cùng tham gia vào một nhiệm vụ chính trị. Những ca khúc đó đã đi thẳng vào lòng người nhẹ nhàng mà sâu sắc, không thể có lời động viên, hô hào nào sánh bằng!”

(Trích Hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của PGS – TS Nguyễn Ánh Tuyết)

*

* *

GỬI NẮNG CHO EM VÀ “SỐ PHẬN” BÀI CA

Ca khúc Gửi nắng cho em (phổ thơ Bùi Văn Dung) nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ngay sau khi Sài Gòn được giải phóng. Một tình cảm khác lạ tràn ngập lòng ông khi đang giữa mùa đông mà bạn bè trong đó lại rủ đi tắm biển, làm ông không khỏi ngỡ ngàng mà cất lên tiếng ca: “Anh ở trong này chưa thấy mùa đông/ Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ/ Trời Sài gòn xanh cao như quyến rũ/ Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam…” Ông liên tưởng đến miền Bắc mà lòng xốn xang thương nhớ những người yêu dấu, nên: “ Muốn gửi ra em một ít nắng vàng… Khi bài hát vang lên trên làn sóng Đài TNVN, đầu tiên là giọng ca mượt mà của ca sĩ Kiều Hưng rồi sau đó là giọng ca trong sáng của ca sĩ Trung Kiên, được đông đảo bạn nghe đài ưa thích, yêu cầu phát lại, nhiều đoàn nghệ thuật lấy làm tiết mục biểu diễn…. Ngay lập tức một “lệnh cấm bất thành văn” truyền đến tai các ca sĩ và các đơn vị nghệ thuật: “không được phổ biến bài hát “Gửi nắng cho em” ở bất cứ đâu” vì một số người quản lý nghệ thuật ở ngoài này đã rỉ tai nhau lên án: “Mới giải phóng Sài Gòn chưa bao lâu mà Phạm Tuyên đã ăn phải bả của chủ nghĩa thực dân mới rồi, chưa chi đã vội gửi nắng từ miền Nam ra miền Bắc, chẳng hoá ra là ngoài này âm u lắm hay sao?!”. Thế là ca khúc Gửi nắng cho em bị chết yểu, bị cấm trong một thời gian khá dài!

Ai cũng biết hình tượng nghệ thuật thường mang nhiều nghĩa. Nếu tiếp nhận nó bằng một tâm địa hẹp hòi, đố kỵ, thì chỉ thấy rặt một màu đen tối, nhưng nếu với một tâm hồn lành mạnh, một cái nhìn rộng lượng thì lại phát hiện ra ở nó nhiều điều tốt đẹp, trong sáng luôn hướng về phía tươi sáng, phía phát triển. Có thể coi bài Gửi nắng cho em là một ca khúc trữ tình ca ngợi tình yêu đôi lứa đậm đà chung thuỷ, đôi trai gái lúc nào cũng yêu thương nhau, nghĩ đến nhau dù ở cách xa đôi miền Nam, Bắc. Nhưng cũng có thể coi đây là một bức tranh tuyệt đẹp của thiên nhiên nước ta, khi ở trong này chưa có mùa đông nắng vẫn đỏ, mận hồng đào vẫn sai quả, thì ngoài kia những cành đào lại vươn lên trong giá rét để nở hoa đón tết. Từ mùa đông miền Bắc mới vào ai mà không bị quyến rũ bởi mùa đông phương Nam, một miền thiên nhiên kỳ diệu mới được giải phóng? Chính sự tương phản khí hậu giữa hai miền đất nước đã hỗ trợ nhau, bổ sung cho nhau để đất nước càng thêm tươi đẹp, thêm mạnh giàu.

“Gửi nắng cho em/ Gửi nắng về sưởi ấm những bàn tay!” là nguyện vọng tha thiết của người nhạc sĩ lần đầu tiên vào miền Nam. Rõ ràng tình yêu con người quyện với tình yêu thiên nhiên đã tạo nên một khúc tình ca thật đặc biệt, thật quyến rũ! Âm điệu bài ca trải rộng khắp đất trời, làm sáng cả không gian mà giúp cho lòng người thêm ấm áp.

Sau cả gần cả chục năm bị cấm, đầu mùa xuân năm 1986 nhạc sĩ Bửu Huyền phụ trách phòng ca nhạc Đài Truyền hình Tp Hồ Chí Minh quyết định cho ca sĩ Ngọc Tân hát ca khúc Gửi nắng cho em đúng vào buổi giao thừa trên sóng truyền hình Thành phố. Có thể nói giọng ca Ngọc Tân với giai điệu thiết tha trong sáng đã chinh phục được người nghe. Thấy ca khúc Gửi nắng cho em được hâm mộ ở phía Nam nên Đài truyền hình Trung Ương cũng mạnh dạn phát bài đó nhiều lần trên sóng và lại được người nghe hâm mộ. Thế là từ đó “lệnh cấm bất thành văn” đối với ca khúc Gửi nắng cho em không còn hiệu lực nữa, nhiều người từ ca sĩ chuyên nghiệp đến nghiệp dư đều được tự do hát ca khúc này.

Về ca khúc Gửi nắng cho em cũng có vài chuyện vui nho nhỏ: Vào một buổi trưa mùa hè, nắng gắt, cây cối đứng im vì lặng gió, Phạm Tuyên cầm chiếc đồng hồ hỏng đến cửa hiệu sửa đồng hồ. Người thợ sửa đồng hồ không nói gì mà nhận sửa ngay. Sửa xong anh ta nhìn nhạc sĩ Phạm Tuyên tủm tỉm cười mà nói: “Dạo này nóng quá, bác đừng gửi nắng ra ngoài này nữa nhé, đến mùa đông hãy gửi!”. Nói rồi người thợ sửa đồng hồ đưa lại cho ông chiếc đồng hồ vừa sửa xong với thái độ thân mật và trân trọng mà không lấy tiền! Ngược lại, trong một cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm ngày quân và dân ta chiến thắng B52 mùa đông năm 1972, một sĩ quan cao cấp trong quân đội đến bắt tay ông hồ hởi nói: “Anh gửi nắng nhiều nữa ra miền Bắc đi, ngoài này còn rét lắm!”

Còn có một câu chuyện cảm động giữa nhạc sĩ, nhà thơ và ca sĩ của ca khúc Gửi nắng cho em. Chuyện là sau chiến tranh biên giới, nhạc sĩ Phạm Tuyên cố tìm cho được B.Văn Dung, người viết bài thơ Gửi nắng cho em mà ông đã phổ nhạc. Nhưng bặt vô âm tín, không biết nhà thơ còn hay đã hy sinh? Lần mò tìm kiếm mãi, sau gần chục năm thì một bài báo đăng trong báo Tiền phong cho biết B.Văn Dung chính là họ Bùi, tức là Bùi văn Dung đã phục viên và đang làm Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Nhạc sĩ vội vàng đi tìm gặp nhà thơ tại quê nhà. Hai người mừng rỡ ôm lấy nhau thật cảm động. Từ đó nhạc sĩ và nhà thơ thường liên lạc với nhau và Bùi Văn Dung lại tặng cho Phạm Tuyên những bài thơ mới làm.

Khi về Hà Nội, nhân dịp ca sĩ Ngọc Tân, người đã từng biểu diễn ca khúc Gửi nắng cho em như một bài hát “ruột”, biết chuyện về cuộc gặp gỡ cảm động này, anh đã mời vợ chồng nhạc sĩ và Bùi Văn Dung đến dự bữa cơm thân mật. Thế là một cuộc hội ngộ thật hiếm có diễn ra giữa nhạc sĩ, nhà thơ và ca sĩ của một bài hát. Họ chuyện trò với nhau như những người thân xa nhau lâu ngày nay mới gặp lại. Câu chuyện về cuộc hội ngộ đặc biệt đó được Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phú (tức là Vĩnh Phúc và Phú Thọ khi còn sáp nhập) xây dựng thành chương trình với tiêu đề là “Đi tìm một nửa bài ca”.

(Trích Hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của PGS – TS Nguyễn Ánh Tuyết)

*

* *

CHUYỆN VUI XUNG QUANH CON KÊNH TA ĐÀO

Sau ngày đất nước thống nhất, không gian sáng tác của Phạm Tuyên được mở rộng khắp cả nước. Bây giờ không còn một giới tuyến nào có thể ngăn cản được bước chân của ông. Mùa hè năm 1977, tức là hai năm sau ngày giải phóng miền Nam, ông đến Bến Tre, lúc này phong trào làm thuỷ lợi ở đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra rầm rộ và sôi nổi. Ông muốn viết một bài hát để phản ánh không khí lao động hào hứng nơi đây của thanh niên đang làm thuỷ lợi. Đọc được bài thơ Con kênh ta đào của B. Văn Dung đăng trên báo Sài Gòn giải phóng, ông thấy trúng ý mình nên phổ nhạc rất nhanh bài thơ đó thành ca khúc Con kênh ta đào. Đoạn đầu tả cảnh lao động gian khổ:”Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua/ Chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng… nhưng rất nên thơ: “Giọt mồ hôi tròn lăn trên đất long lanh/ Tóc em búi gió vương xoà trên má…”. Đoạn sau nói lên sự gắn bó của những đôi nam nữ thanh niên trong lao động: “Ngay trên công trường ta đã mến yêu nhau/ Em cứ để khuôn mặt hồng lấm đất/ Con kênh xanh từ mắt em trong vắt/ Ngay buổi đầu anh đã thấy cả đồng xanh”. Niềm lạc quan toả ra khắp cánh đồng, trong lòng người: “ Đồng vui quá có rất nhiều đồng đội/ Ngày mai đây vào mùa gặt mới, em soi khuôn mặt mình xuống dòng kênh xanh/ Con kênh ta đào có anh và có em….” Âm nhạc của bài hát này vừa sôi nổi, vừa bay bổng, đậm đà âm hưởng Nam bộ. Ngay sau khi bài hát ra đời đội văn nghệ thanh niên xung phong của công trường trình bày ngay tại chỗ để động viên những người làm thuỷ lợi và được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng.

Về bài hát Con kênh ta đào, ca sĩ Ngọc Tân đã kể lại khi biểu diễn ca khúc này cùng Thanh Hoa trong đêm nhạc Lời ru mùa xuân của Nhạc sĩ Phạm Tuyên vào mùa xuân 2001 rằng lần đầu tiên thu thanh bài Con kênh ta đào trên Đài TNVN, Ban lãnh đạo dự kiến ca sĩ Kiều Hưng cùng ca sĩ Thu Hiền sẽ song ca. Nhưng họ đang biểu diễn nơi xa chưa kịp về nên Ngọc Tân và Thanh Hoa được phân công hát để thu thanh. Thế là hai con người trẻ tuổi đó hát thật hào hứng, gây tiếng vang trên làn sóng Đài TNVN. Cũng từ đó những người yêu nhạc biết đến hai giọng ca trẻ ngọt ngào này. Và cũng từ đó họ đã trở thành giọng ca đầy triển vọng đứng vào hàng những ca sĩ nổi tiếng.

Xung quanh bài hát này cũng có nhiều chuyện vui: Một bà má Bến Tre rất thích bài Con kênh ta đào, bà hỏi: “Phạm Tuyên là đứa nào mà sáng tác bài hát hay dữ vậy?”. Một anh cán bộ thuỷ lợi trả lời:”Đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên ở Hà Nội”. Bà nói ngay: “Bảo nó vô đây, tao chi cho nó mỗi tháng 100 trái dừa, cho cả vợ nó vô nữa, tao sẽ chi cho cả hai vợ chồng mỗi tháng 200 trái dừa!”.

Trong một thời kỳ dài bài hát này được phổ biến thật rộng rãi, đi đâu cũng thấy người ta “đào kênh”. Ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã xuất hiện các đôi thanh niên nam nữ thích rủ nhau đi “đào kênh” . Cứ mỗi lần họp chung thì cô Mùi và cậu Thành hai cán bộ giảng dạy trẻ của trường xung phong lên song ca bài hát tủ “Con kênh ta đào”, năm sau rồi năm sau nữa vẫn cứ một bài “Con kênh ta đào mà hát, mọi người vẫn hoan nghênh nhiệt liệt, nhưng có người nói vui: “Đào gì mà đào lâu thế, ba năm rồi mà kênh vẫn chưa đào xong à?!”.

Lại có câu chuyện khác làm người ta cười ra nước mắt: Một đội văn nghệ quần chúng của tỉnh Thái Bình đi dự hội diễn văn nghệ toàn quốc. Sân khấu rực ánh đèn, MC ra giới thiệu tiết mục: “Có hai con dê qua cầu, đi ngược chiều nhau nhưng không con nào nhường con nào, chúng chen lấn rồi húc vào nhau nên bị rơi tõm xuống kênh…” Khán giả hồi hộp theo rõi, tưởng đây là một câu chuyện dành cho các bé mẫu giáo, MC tiếp: “…nhưng may quá, Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua!”. Cả hội trường được một phen cười vỡ bụng, vừa ngỡ ngàng, vừa thoải mái!

(Trích Hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của PGS – TS Nguyễn Ánh Tuyết)

Thành phố Hồ Chí Minh thời bình thường mới Covid-19 ngày 30/11/2021

B.P.T.

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…

Rate this post