Nhà văn Lê Lựu thời xa vắng vẫn nghe sóng ở đáy sông
Chủ Nhật 06/06/2021 , 17:52 (GMT+7)
Nhà văn Lê Lựu ở tuổi 80 vừa cho tái bản hai tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông là tiểu thuyết ‘Thời xa vắng’ và tiểu thuyết ‘Sóng ở đáy sông’.
Nhà văn Lê Lựu đau yếu nhiều năm gần đây.
Nhà văn Lê Lựu rời làng quê ở Khoái Châu – Hưng Yên để tham gia cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Thử thách để anh lính Lê Lựu trở thành “người cầm súng”, cũng mở ra cơ hội người cầm bút cho nhà văn Lê Lựu. Binh nghiệp của nhà văn Lê Lựu đạt được quân hàm đại tá, còn văn nghiệp của nhà văn Lê Lựu có được hai tiểu thuyết vang dội “Thời xa vắng” và “Sóng ở đáy sông”.
Từ tác phẩm đầu tiên đến khi chân chùn gối mỏi, nhà văn Lê Lựu có 20 cuốn sách văn xuôi, chủ yếu xoay quanh khói lửa bom đạm và đời sống nông thôn. Nhà văn Lê Lựu xứng đáng được xem như một thợ cày lực lưỡng trên cánh đồng chữ nghĩa.
Cách đây 20 năm, nhà văn Lê Lựu được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1. Bây giờ, nhà văn Lê Lựu nằm trên giường bệnh chống chọi với những cơn đau yếu hành hạ. Ông ủy quyền cho Nhà xuất bản Văn Học và Sbook tái bản hai tiểu thuyết làm nên vị trí của ông trong văn đàn và trong công chúng.
Tiểu thuyết “Thời xa vắng”.
Tiểu thuyết “Thời xa vắng” in lần đầu năm 1989, và đoạt giải thưởng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 cùng với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và “Bến không chồng” của Dương Hướng.
Tiểu thuyết “Thời xa vắng” lấy bối cảnh với cuộc hôn nhân ép buộc từ khi còn bé cứ ám ảnh nhân vật chính SàI. Ngay cả khi nhường suất học cho Hương, vào bộ đội, thuyên chuyển khắp nơi rồi tới tận lúc hòa bình, Sài vẫn không thực sự có được hạnh phúc của riêng mình. Bản chất của Sài là một nghệ sỹ, khi không thể thỏa mình vùng vẫy trong hiện thực, Sài lại dầm mình vào những cơn tưởng tượng: trong chính nhật ký của mình. Bi kịch lại tới khi cuốn nhật ký đó bị tịch thu, bị đọc trộm, bị lôi ra để lấy làm bằng chứng bêu riếu kỷ luật Sài. Bị ràng buộc cả thân xác và tâm hồn, cuối cùng Sài lại sống như cái ý định mà anh cho là dũng cảm: “Hãy im lặng chịu đựng!”…
Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông”.
Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” in lần đầu năm 1994, sau đó chuyển thể thành bộ phim truyền hình cùng tên rất được khán giả yêu thích. Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” kể về một chuỗi những sai lầm liên tiếp của Núi – người được sinh ra bởi sai lầm của người cha, sau những lần “không thể kìm hãm trước con ở” khi “đang thời bừng dậy rừng rực”.
Cuộc đời Núi trượt dài trong tăm tối và bất hạnh đeo đẳng. Chiến tranh và một thời kỳ bao cấp có thể khiến con người ta trở nên vĩ đại hoặc thấp hèn… Một mảng màu tối, nhưng có thể nhìn thấy cuối đường hầm bừng lên vệt sáng. Độc giả lắng nghe “Sóng ở đáy sông” được quyền bước ra vùng sáng rỡ, nơi con người trở về với nguyên bản thiện lương của mình.
Tiểu thuyết “Thời xa vắng” và tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” thể hiểu vốn hiểu biết và sự trải nghiệm phong phú về làng quê Bắc bộ của nhà văn Lê Lựu. Những định kiến ấu trĩ, những quan niệm lạc hậu luôn tạo ra những bi kịch đắng đót. Thế nhưng, sự ấm áp của mỗi nếp nhà và sự yêu thương của mỗi con người vẫn có sức cảm hóa kỳ diệu với từng số phận hẩm hiu.