Nhà thơ, liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Lê Anh Xuân: Tạc vào thế kỷ một “Dáng đứng Việt Nam”
Nhà thơ, liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, sinh ngày 5/6/1940 tại thị xã Bến Tre (nguyên quán ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre). Năm 1964, từ chối xuất đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, ông xung phong nhập ngũ, rồi vượt Trường Sơn trở lại miền Nam chiến đấu. Ngày 24/5/1968 ông đã hy sinh tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An, khi vừa tròn 28 tuổi đời. Sự nghiệp sáng tác văn thơ của ông tuy không nhiều về số lượng tác phẩm, nhưng đã để lại cho độc giả bao thế hệ nhiều ấn tượng với những sáng tác mang đậm tính nhân văn sâu sắc về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam rất kiên cường, anh dũng trong cuộc chiến khốc liệt, đầyđau thương hy sinh mất mát đã lùi vào quá khứ gần 40 năm qua.Trong đó, bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” như một tượng đài bi tráng được tạc bằng ngôn ngữ thi ca trong thế kỷ 20.
Xuất thân trong một gia đình trí thức có truyền thống yêu văn học nghệ thuật, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu về sáng tạo thi ca. Ngay từ khi còn là sinh viên, bài thơ đầu tiên “Nhớ mưa quê hương” với những cảm xúc đầy hoài niệm về quê hương xứ dừa Bến Tre của ông đã nhận được sự đồng cảm chia sẻ của đông đảo bạn đọc.
Bài thơ được giải Nhì trong một cuộc thi thơ do tạp chí Văn nghệ tổ chức vào năm 1960 đã thực sự khích lệ ông tự tin hơn để dấn thân vào nghiệp thi ca.
“Nhớ mưa quê hương” với những câu thơ giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, giàu chất trữ tình và trĩu nặng sự hoài niệm tuổi thơ với xứ dừa quê nội ấy đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả bao thế hệ. “Ôi cơn mưa quê hương/ Đã ru hát hồn ta thuở bé/ Đã thấm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé/ Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối, bẹ dừa/ Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa/ Ta yêu quá như lần đầu mới biết/ Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết/ Như tre, dừa như làng xóm quê hương/ Như những con người biết mấy yêu thương”.
Ông đã có một tuổi thơ ở quê nội thật hồn nhiên, thật đẹp đẽ, êm đềm với những tháng ngày “tung tăng” dầm trong cơn mưa đùa nghịch cùng bạn bè trên mặt nước, mặt sông. “Tuổi thơ ta dầm mưa ta tắm/ Ta lội tung tăng trên mặt nước, mặt sông/ Ta lặn xuống nghe vọng xa tiếng sấm/ Nghe mưa rơi tiếng ấm, tiếng trong/ Ôi đâu rồi những trò chơi tuổi trẻ…”.
Và từ những hoài niệm về tuổi thơ dầm tắm trong cơn mưa quê hương, những cảm xúc của ông cứ lan tỏa cứ dào dạt rồi như vỡ òa “rung động’ cả “trăm sông” cả “bể rộng”. “Mưa chảy xuống dòng sông quê nội/ Sóng nước quê hương dào dạt chảy về khơi/ Chở những kỷ niệm xưa chìm lắng bốn phương trời/ Và ta lớn tình yêu hòa bể rộng/ Cơn mưa nhỏ quê hương ta đã sống/ Nay vỗ lòng ta rung động cả trăm sông”.
Đọc lại những câu thơ ấy, chúng ta càng thấu hiểu thêm vì sao ông lại đau đáu, trăn trở, khắc khoải, khao khát được trở về quê hương trực tiếp cầm súng chiến đấu cùng những bạn bè đồng chí. “Ôi ta thèm được cầm khẩu súng/ Đi giữa đoàn quân cùng với bạn bè/ Nằm chờ giặc trên quê hương anh dũng/ Ta say nồng mùi lá rụng bờ tre”.
Những năm tháng vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút sáng tác ông làm việc ở Tiểu ban Giáo dục, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam và sau đó là Hội Văn nghệ Giải phóng.
Đây là thời kỳ ông thực sự cọ sát với hiện thực cuộc chiến tranh đầy cam go quyết liệt, nhưng cũng đầy khí phách anh dũng hào hùng của dân tộc, nên tính tư tưởng trong thơ ông được nâng lên một tầm cao mới. Thơ ông giai đoạn này, không còn là những ưu tư hoài niệm trữ tình lãng mạn như thời “Nhớ mưa quê hương” nữa, mà đã hằn sâu dấu ấn một hiện thực khốc liệt hơn của cuộc chiến với sự sống và cái chết của những người lính trận chỉ trong gang tấc. “Trở về quê nội” lần này lòng ông quặn đau khi tận mắt chứng kiến: “Làng ta mấy lần bom giội nát/ Dừa ngã ngổn ngang, xơ xác bờ tre”.
Nhà thơ Lê Anh Xuân (trái) và nhà văn Anh Đức ở căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam
Nhiều nhà lý luận phê bình văn học nhận xét, ông là người ghi chép lại lịch sử bằng thơ. Đó là lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, được ông phản ánh qua những câu thơ thật sinh động
Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”, một trong những thi phẩm tiêu biểu của ông được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường phổ thông, đã được thăng hoa sáng tạo từ hiện thực người chiến sĩ Giải phóng quân ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (đợt 1).
“Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”.
Khoảnh khắc hy sinh của người chiến sĩ Giải phóng quân không tên, “không một tấm hình, không một dòng địa chỉ” ấy thật bi tráng, nó đã tạc vào thế kỷ một “dáng đứng Việt Nam” “như bức thành đồng”. “Anh tên gì hỡi Anh yêu quý/ Anh vẫn lặng im như bức thành đồng/ Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ/ Mà vẫn một màu bình dị sáng trong/ Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/Anh là chiến sĩ Giải phóng quân/ Tên Anh đã thành tên đất nước”.