Nhà thơ TÚ MỠ (1900-1976) – Bảo tàng Văn học Việt Nam
1. TIỂU SỬ
Nhà thơ Tú Mỡ tên khai sinh là Hồ Trọng Hiếu, bút danh Bút Chiến Đấu. Sinh ngày 14 tháng 03 năm 1900 tại phố Hàng Hòm Hà Nội, trong một gia đình lao động nghèo ở thành thị tiểu thủ công. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông mất ngày 13 tháng 07 năm 1976 tại Hà Nội.
2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Lên năm tuổi, ông học chữ Hán với ông nội. Khi ông nội mất, ông mới học chữ quốc ngữ với thầy giáo Quý ở phố Hàng Mành. Học được một năm, ông xin chuyển vào học trường nhà nước ở phố Hàng Bông, tiếp đến là trường ở Hàng Vôi. Năm 14 tuổi (1914), ông đỗ đầu bằng sơ học Pháp – Việt, năm sau được vào học tại trường Bưởi (nay là Trung học phổ thông Chu Văn An), chung với Hoàng Ngọc Phách. Năm 16 tuổi (1916), ông bắt đầu làm thơ. Năm 18 tuổi, ông đỗ bằng Thành Chung và cuối năm đó ông xin vào làm (thư ký) trong Sở Tài chính (Hà Nội). Năm 1926, ông bắt đầu có thơ đăng trên Việt Nam thanh niên tạp chí, Tứ dân tạp chí. Năm 1932 ông tham gia Tự lực Văn đoàn, chuyên phụ trách mục Giòng nước ngược trên các tờ Phong hóa,
Tháng 12 năm 1946, Tú Mỡ lên chiến khu, tham gia kháng chiến bằng ngòi bút trào phúng sở trường quen thuộc. Thời kỳ này, Tú Mỡ ký tên là Bút Chiến Đấu. Năm 1954, chiến tranh kết thúc, ông tiếp tục sáng tác phục vụ cuộc đấu tranh trong giai đoạn mới. Năm 1957, ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, và làm Ủy viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam. Ông mất ngày 13 tháng 07 năm 1976 tại Hà Nội.
3. TÁC PHẨM
Thơ:
– Giòng nước ngược: tập 1 (Đời Nay xuất bản, Hà Nội, 1934), tập 2 (Đời Nay xuất bản, Hà Nội, 1941), tập 3 (Đời Nay xuất bản, Hà Nội, 1945)
– Nụ cười kháng chiến (1952)
– Anh hùng vô tận (1952)
– Nụ cười chính nghĩa (1958)
– Bút chiến đấu (1960)
– Đòn bút (1962)
– Ông và cháu (tập thơ thiếu nhi, 1970)
– Thơ Tú Mỡ (tập thơ tuyển, 1971)
– Tú Mỡ toàn tập (3 tập, 2008)
Diễn ca, chèo, tuồng…
– Rồng nan xuống nước (tuồng, 1942)
– Địch vận diễn ca (diễn ca, 1949),
– Trung du cười chiến thắng (thơ, chèo, hát xẩm, 1953)
– Tấm Cám (chèo, 1955)
– Nhà sư giết giặc (chèo, 1955)
– Dân tộc vùng lên (diễn ca, 1959)…
Nghiên cứu:
– Bước đầu viết chèo (1952)
4. GIẢI THƯỞNG
– Giải nhất về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam (năm 1951)
– Giải nhì về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam (năm 1955)
– Truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II, năm 2000.