Nhà thơ Bằng Việt: “Bếp lửa” vẫn cháy
Tốt nghiệp loại ưu ngành luật tại Liên Xô năm 1965, trở về nước đúng vào giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Bằng Việt làm ở Viện Luật nhưng dường như cả một thế hệ thanh niên ngày đó chỉ biết đến anh là nhà thơ – tác giả của tập Hương cây – Bếp lửa (cùng với Lưu Quang Vũ); là dịch giả tài hoa với hàng loạt bài để đời của Olga Bergholtz, của Evgheni Evtusenko, của Paul Eluard…
Anh vừa làm một việc như thể sắp xếp lại hành trang của mình: tái bản tập Hương cây- Bếp lửa và xuất bản cuốn Thơ trữ tình thế kỷ XX do anh tuyển dịch.
“… Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi/ Cơn mưa rơi thầm thì lúc chia ly/ Mưa tối rầm, nhưng ấm áp nhường kia/ Mưa run rẩy trong ánh trời lấp loá…/ Anh hãy cố vui lên, dù con đường hai ngả,/ Tìm hạnh phúc yên bình trong ấm áp cơn mưa…” (Mùa lá rụng – O. Bergholtz). Phải là người tinh tế lắm, tình cảm lắm mới có thể chuyển tải được những câu thơ lung linh hình ảnh và sắc màu một cách tài tình đến thế.
Và bây giờ ngồi trước Bằng Việt thì tôi hiểu. Anh nói chuyện thong thả nhưng lưu loát như giọng thơ của anh vậy. Và, tôi, một người yêu thơ anh dịch, té ra lại biết rất ít về anh. Tôi cứ ngỡ với khối lượng sáng tác và dịch thuật như thế, cả đời anh có mỗi một việc là dành cho thơ…
Hoá ra, thơ chỉ là niềm đam mê riêng của anh, niềm đam mê ấy được truyền sang cả nhiều người khác nữa, thậm chí nó góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần cả một thế hệ.
Tôi dám chắc trong sổ tay của rất nhiều thanh niên thời bấy giờ không thể không có Hương cây – Bếp lửa hay Mùa lá rụng, Mùa hè rớt của Bergholtz mà nhà thơ Bằng Việt đã cho nó thêm một đời sống, đời sống thực sự đẹp, hữu ích như đời sống mà nhà thơ Tố Hữu đã cho “Đợi anh về” (Simonov). Mặc dầu nghề chính của anh là làm luật và đã trải qua hai nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội.
* Sau 35 năm, “Hương cây – Bếp lửa” được NXB Văn học tái bản với số lượng khá cao so với mặt bằng xuất bản hiện nay (3.000 bản) và đã bán được khoảng trên 2.000 bản trong những tuần đầu tiên. Liệu đây có phải là hiệu ứng của “hiện tượng” các nhật ký hồi ức chiến tranh? Bởi muốn nói gì thì nói, văn hoá đọc của ta đang được hâm nóng lại qua những hiện tượng này. Anh có tính đến yếu tố thời điểm để tái bản cuốn sách?
– Mình (bao giờ anh cũng ở ngôi nhân xưng là “mình”, thay vì chữ “tôi” sự vụ – đó cũng là đặc điểm rất Bằng Việt) rất vui vì như vậy có nghĩa là độc giả đã không quên, mà trái lại vẫn còn rất yêu mến văn học nói chung và thơ nói riêng của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Còn tính toán thời điểm ư? Chúng mình, những nhà thơ, không có được cái kỹ năng ấy của người làm kinh doanh.
Việc in lại tập thơ có nguyên nhân thật ngẫu nhiên là từ một cô bé nhân viên ở một quán bia. Cô bé đã vừa sôi nổi, vừa thẹn thùng đọc một lèo bài Bếp lửa khi biết trong đám có Bằng Việt. “Thế tại sao ta không in lại tập thơ nhỉ?” – Anh Thành, bạn tôi, người đã cộng tác lâu năm với NXB Văn học, nói bâng quơ. Và thế là việc tái bản tập thơ được quyết định ngay tại buổi đó.
* Thế còn Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX?
– Ồ, đấy lại là chuyện khác. Đó là dự định mình ấp ủ từ bao năm nay. Chỉ đơn giản là muốn tập hợp, lưu lại những bài thơ, những tác giả mà mình tâm đắc trong suốt 30 năm dịch thơ.
* 117 tác giả của hơn 40 quốc tịch và dân tộc khác nhau, vậy chắc chắn không phải tất cả anh dịch từ nguyên bản. Điều này liệu có ảnh hưởng đến “hồn thơ” của mỗi tác giả?
– Tiếng Nga, tiếng Đức và Latin là những thứ mình phải học ở trường luật hồi ở bên Liên Xô. Còn tiếng Pháp là do mình có may mắn được mẹ dạy từ nhỏ, bà không phải là nhà giáo nhưng có được đi học dưới thời Pháp thuộc. Sau này, đất nước hoà bình, mình vào trường ta và chọn lớp tiếng Pháp. Cũng thời học ở Liên Xô, mình có cô bạn cùng lớp là người Cuba, cô ấy rất yêu VN và muốn học tiếng VN, mình đã “hợp đồng” với cô ấy để trao đổi dạy tiếng và thế là mình biết tiếng Tây Ban Nha.
Còn tiếng Anh là sau này, khi đất nước đổi mới, mình tự học và nhờ thêm anh Thái Bá Tân dạy… Nhiều bài trong tập này mình dịch từ bản dịch tiếng Pháp, tiếng Anh. Và tất nhiên, phải bắt được “cái hồn” của bài thơ, của tác giả mình mới có ý định chuyển dịch .
* Cái bằng cử nhân luật của anh có “đất dụng võ” không, khi thấy anh “suốt ngày” làm thơ, dịch thơ như vậy? Lại còn công việc ở HĐND (lúc trước) và cương vị Chủ tịch Hội LHVHNT thành phố hiện nay nữa?
– Trong khoảng 10 năm làm ở HĐND mình chỉ làm được một tập thơ (khoảng hơn 40 bài), còn lại là tìm đọc và dịch thơ để kịp thời cập nhật thông tin. Những việc này chỉ làm vào ban đêm hoặc ngày nghỉ. Còn “đất dụng võ” ư? HĐND có thể coi là quốc hội thu nhỏ của thành phố được không? Nếu vậy thì nghề của mình là đắc dụng đấy chứ!. Am hiểu luật giúp mình nhìn và giải quyết sự việc một cách rạch ròi và công bằng hơn.
Bạn bè thường bảo thơ mình hàm ý triết lý, ít hồn nhiên, có lẽ cũng là do “bệnh nghề nghiệp”. Nhưng bản thân mình thấy những triết lý ấy tự nó “phát ngôn” trong thơ mình chứ mình không tìm cách bắt thơ phải “phát ngôn” hộ, và do đó, mình chẳng thấy có gì là bất hợp lý hay cản trở ở đây cả. Công việc của Hội cũng tương đối bận bịu, mình chỉ muốn cho các CLB chuyên ngành của Hội được sinh hoạt trao đổi nghiệp vụ đều đặn; để kinh phí của Nhà nước bỏ ra đầu tư hiệu quả nhất.
* Trở lại việc thơ. Anh đánh giá sao về thơ hiện nay?
– Dù với tư cách cá nhân, mình cũng không dám và không muốn đánh giá. Chỉ muốn kể cho bạn chi tiết này: Trải qua không biết bao tìm tòi, bậc thầy của thơ siêu thực là Paul Eluard – một khuôn mặt lớn của thi ca Pháp và thế kỷ XX – cuối cùng lại tuyên bố ngửa bài với tất cả: “Thơ phải lấy chân lý thực tiễn làm mục đích”.
Nếu một số trong lớp trẻ ngày nay mới chỉ rối mắt lên vì một chút thơ trừu tượng, thơ hũ nút, thơ sex, thơ trình diễn… đã tự cho mình là đổi mới và “biết tuốt”, thì có lẽ cũng nên đọc lại đoạn thơ hóm hỉnh và rất khinh bạc này của Eluard:
“Nếu tôi bảo mặt trời toả trong rừng/Giống cái bụng vươn ra trong vườn uể oải/ Thì các anh tin tôi ngay, các anh cảm nhận ngay những điều tôi muốn nói/ Nếu tôi bảo ánh pha lê của một ngày mưa/ Đập tí tách không thôi trên nỗi biếng lười của một tình yêu bất tận/ Thì các anh tin tôi ngay, các anh sẽ kéo dài hơn niềm yêu đương lạc thú/ Nếu tôi bảo trên sum suê cành lá đầu giường tôi/ Có một con chim phủ nhận mọi điều để đến đây làm tổ/Thì các anh tin tôi ngay, các anh sẵn sàng thêm những lo âu chia sẻ/… Nhưng nếu tôi ca ngợi không quanh co dãy phố của tôi đây/ Và tất cả đất nước tôi giống nhiều dãy phố nối nhau bất tận/ Thì các anh không còn tin tôi, các anh thành hoang mang mất hướng!”.
* Vâng có thể là mất phương hướng, nhưng phải có người dẫn dắt chứ, nó có thuộc trách nhiệm của các hội văn học nghệ thuật không?
– Ồ, mình đã nói rồi, hoạt động của các hội chỉ là bề nổi, có tính chất khơi gợi phong trào chung, kể cả sự đầu tư về tiền bạc cũng vậy. Còn ý thức sáng tác là phụ thuộc vào mỗi cá nhân chứ. Ngay cả trong trường hợp có sự “đặt hàng” từ các cơ quan chức năng đi nữa, chất lượng tác phẩm cũng không lấy gì để đảm bảo cả, ngoài trách nhiệm tự nguyện của chính mình.