Nhà phê bình Văn học nổi tiếng tiếp tục chia sẻ quan điểm: Giáo viên gọi học sinh là con là MẠO DANH, sai Tiếng Việt
Mới đây, nhà nghiên cứu – phê bình văn học Lại Nguyên Ân, đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình bài viết với nhan đề “Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là CON“.
Cụ thể, ông có nêu ra ba điều cần thay đổi:
1- Cấm giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là “Con”, “Các con”; phải gọi là “Trò”, “Các trò”, “Các em”, “Các bạn”
2- Yêu cầu các nhà báo, các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là “các con”, “con”, khuyến khích các phương tiện truyền thông gọi học sinh là “các bạn”.
Cũng yêu cầu các nhà báo, các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là “giáo viên”, “giảng viên”, không gọi là “thầy”, “cô”; dành riêng cho học trò, người đang đi học cách gọi “thầy giáo”, “cô giáo”!
3- Khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng “Tôi” trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học.
Nhà phê bình, nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân
Ngay sau đó, đã có rất nhiều cuộc tranh luận được nổ ra, mỗi người lại có một quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề này.
Sau đó, ông Lại Nguyên Ân tiếp tục chia sẻ thêm ý kiến của một phụ huynh về vấn đề tranh cãi này. Theo đó, vị phụ huynh cho biết: Giáo viên gọi học sinh là “con” là sai Tiếng Việt, biết mình không phải cha mẹ nhưng lại gọi phía kia là con – đó là mạo danh.
Ông cho hay: “Tôi nhân thấy đây là ý kiến rất có căn cứ về nhiều mặt, ngôn ngữ, tâm lý xã hội, giáo dục học”.
Bài viết nêu ra các lập luận như sau như sau:
“1- Giáo viên gọi học sinh là “con” là sai tiếng Việt. Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ, Hoàng Phê chủ biên), danh từ “con” có các nghĩa chính để gọi: Người thuộc thế hệ sau trong quan hệ với người trực tiếp sinh ra; Cá thể động vật; Đàn bà, con gái/với ý không coi trọng hoặc thân mật.
Tất cả những cách dùng sai tiếng Việt đều cần phải loại bỏ khỏi nhà trường, nơi học sinh đến để học tiếng Việt tiêu chuẩn.
2. Không phải chỉ tiếng Việt mới lấy các từ thân tộc để xưng hô với người lạ, đây là chuyện không có gì đặc biệt để ca tụng.
3. Vậy mà các giáo viên – những người đi làm nhận lương – lại dám gọi đối tác trong công việc của mình, khách hàng của mình, là “con”!
Nếu phụ huynh kì vọng giáo viên chỉ nhờ xưng hô như thế mà coi học sinh như “con”, đó là một kì vọng không khi nào đạt được: Có ai cho “con” ăn mà lại bắt “con” trả tiền không?
4. Biết mình không phải cha mẹ nhưng lại gọi phía kia là “con”, đó là mạo danh. Nếu tất cả những người lớn đều nhất loạt gọi trẻ em là “con”, khác biệt giữa cha mẹ và người lạ vô tình bị lu mờ. Có logic không khi cha mẹ để bất kì ai cũng có thể gọi con mình là “con” nhưng rồi lại bắt các em phải chia ra đây là cha mẹ mình để tin tưởng, còn kia là người lạ để không được nhận đồ ăn, không được đi chơi cùng, không được cho chạm vào người?
5. Một số ngôn ngữ có đại từ nhân xưng trung hòa/bình đẳng, một số thì không. Nhưng các ngôn ngữ thường đi theo hướng ngày càng trau chuốt hơn, lịch thiệp và bình đẳng hơn.
6. Đi học, tức là em bé dù mới chỉ sơ sinh hôm nào nhưng nay đã lớn khôn, đủ để tham gia một hoạt động chính quy của xã hội. Các đối tác trong hoạt động ấy là bình đẳng (học sinh nhận kiến thức, giáo viên nhận lương) và cần được bình đẳng ngay từ cách xưng hô, không thể có một phía luôn bị bắt nạt ngay từ những bước chân chính thức đầu tiên với xã hội ấy”.
Quan điểm “Giáo viên không được gọi học sinh là con” đang gây xôn xao MXH (Ảnh minh hoạ)
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên chủ đề liên quan đến xưng hô được đem ra bàn tán. Song, mỗi lần được đặt ra lại trở thành một chủ đề bàn luận sôi nổi, thu về nhiều ý kiến trái chiều.
Bên cạnh quan điểm của ông Lại Nguyên Ân thì những ý kiến xoay quanh chủ đề này cũng được nhiều người quan tâm, bàn luận lớn.
Nguồn: Facebook Lại Nguyên Ân
https://kenh14.vn/nha-phe-binh-van-hoc-noi-tieng-tiep-tuc-chia-se-quan-diem-giao-vien-goi-hoc-sinh-bang-con-la-mao-danh-sai-tieng-viet-20220214122105833.chn