Nhà phê bình Ngô Thảo tiết lộ góc khác của nhạc sỹ Hồng Đăng

TPO – Trong mắt bạn bè văn chương như nhà văn Trung Trung Đỉnh hay nhà phê bình Ngô Thảo, nhạc sỹ Hồng Đăng rất dễ mến, bởi tính cách thân thiện, cởi mở, bao dung. Ngoài tài năng âm nhạc, Hồng Đăng còn có nhiều tài lẻ khác. Theo nhà văn Ngô Thảo, tác giả “Hoa sữa” là một trí thức trong giới âm nhạc.

Ông chơi với nhạc sỹ Hồng Đăng lâu chưa?

Nhà văn Ngô Thảo: Để xem nào. Chúng tôi chơi với nhau mới có 20 năm ở sân 51, với 16,17 năm về hưu nữa, gần 40 năm thôi.

Một nhà phê bình văn học với một nhạc sỹ, có điểm gặp gỡ gì chung? Ông biết Hồng Đăng trong hoàn cảnh nào?

Nhà văn Ngô Thảo: Ông Hồng Đăng từng là Phó tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Tôi ở bên Hội Sân khấu. Hai Hội ở chung sân 51.

Điều gì khiến ông dành nhiều tình cảm cho nhạc sỹ Hồng Đăng?

Nhà văn Ngô Thảo: Hồng Đăng với Văn Dung là bạn của tôi. Ông Hồng Đăng ngoài âm nhạc là người “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”, là người trí thức thứ thiệt.

Về âm nhạc ông học hành tử tế. Rất nhiều người sáng tác bài hát nhưng không có học, cũng không sao. Nhưng Hồng Đăng là người được học hành tử tế, ông ấy có sự hào hoa của một chàng nhà quê. Người Hà Nội hào hoa kiểu khác. Còn hay tặng quà vặt như Hồng Đăng thì chỉ có người nhà quê, khi thì tặng cái bút, cái kẹo, cái cuốn sổ… Nhu cầu được tặng quà của Hồng Đăng hết sức hồn nhiên, mà ông ấy không giàu nhé. Ông ấy chỉ muốn mang cái gì đó xinh xinh cho đời, nó vui vui, nhỏ nhỏ thôi.

Vì sao ông nói nhạc sỹ Hồng Đăng “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”?

Nhà văn Ngô Thảo: Bởi vì ông này về mặt tử vi lý số vào loại cự phách. Ông ấy tự nghiên cứu thôi. Mà bản thân ông ấy cũng có chất gì đấy, phù hợp với lĩnh vực này, thành ra ông ấy ứng xử nhanh. Ngày xưa có hai người sừng sỏ là ông Trần Quốc Vượng và ông Hồng Đăng. Ông Vượng thì khỏi nói, vì dẫu sao đó là lĩnh vực ông ấy học hành, nghiên cứu. Nhưng trong nhiều trường hợp ông Hồng Đăng xử lý lại đúng hơn.

Nhà phê bình Ngô Thảo tiết lộ góc khác của nhạc sỹ Hồng Đăng ảnh 1

Nhạc sỹ Hồng Đăng có vận dụng năng lực “thông thiên văn tường địa lý” để trợ giúp bạn bè, như trợ giúp ông chẳng hạn?

Nhà văn Ngô Thảo: Mấy chục năm nay việc làm nhà, làm cửa, đi đó, đi đây của bạn bè đều nhờ Hồng Đăng hết. Tôi không mê tín nhưng những căn dặn ấy là cần thiết. Đêm ông Thu Bồn mất ở Sài Gòn, tôi phải gọi về cho ông Hồng Đăng hỏi giờ nào ngắt được ống thở cho ông Thu Bồn để ông ấy ra đi thanh thản, nhẹ nhàng? Rồi giờ khâm liệm như nào cho gia đình được yên ổn.

Không chỉ một trường hợp mà nhiều trường hợp, trong những lúc khó khăn như thế đều gọi về để hỏi. Ông Hồng Đăng phản ứng tức thì, trả lời được cho mình ngay. Nói chung kiến thức ấy giúp cho con người tự tin hơn rất nhiều trong nhiều công việc.

Ngoài đời, tác giả “Hoa sữa” là người thế nào?

Nhà văn Ngô Thảo: Là người xởi lởi, chân chất, bao dung, luôn có giọng nói nhẹ nhàng, vui vẻ, tính cách hòa đồng. Cho nên bạn bè ông ở trong Nam ngoài Bắc nhiều lắm, như ông Nguyễn Quang Sáng, ông Trịnh Công Sơn…

Trong giới nhạc sỹ, Hồng Đăng là người quan hệ rộng rãi, thân thiết nhiều người. Bên văn chương cũng rất nhiều người mến Hồng Đăng. Đó là một trí thức trong giới âm nhạc.

Đời sống vật chất của Hồng Đăng khác xa tên tuổi. Ông có bao giờ nghe nhạc sỹ phàn nàn?

Nhà văn Ngô Thảo: Hồng Đăng là con cháu gia đình cách mạng, cháu ông Phan Đăng Lưu. Ông ấy không bao giờ oán hận hay cay đắng với cuộc đời, sống cuộc đời thanh bạch nhưng tinh thần ấm áp, thoải mái. Nhiều người sống cay đắng, giận hờn điều này, điều khác, còn ông này hồn nhiên. Ông ấy làm nhạc cho khoảng 70 bộ phim, tức là giai điệu tâm hồn của ông ấy vẫn hòa đồng được với nhiều thứ trong đời.

Với tư cách là Phó tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam mấy nhiệm kỳ, ông ấy làm được việc lớn, là đoàn kết anh em, không có “đấu tố” gay gắt. Ông ấy phụ trách tờ Tạp chí Âm Nhạc cũng là một tờ tạp chí có trí thức.

Nhà phê bình Ngô Thảo tiết lộ góc khác của nhạc sỹ Hồng Đăng ảnh 2

Nhớ đến Hồng Đăng tôi nghĩ đến người vợ trẻ của ông ấy, vô cùng yêu chồng. Có được một người vợ như thế phải chăng là may mắn của Hồng Đăng, theo ông?

Nhà văn Ngô Thảo: Nói chung ông Hồng Đăng được nhiều người yêu mến. May mắn cuối đời vẫn có được bà Thúy. Bà ấy yêu ông Hồng Đăng. Ông Hồng Đăng đủ sức hấp dẫn để có được người như bà Thúy, thừa thông minh, thừa tuổi trẻ. Ông Hồng Đăng không có tiền bạc, chỉ có chính ông Hồng Đăng, là sức hấp dẫn duy nhất giữ chân bà Thúy.

Nhà phê bình Ngô Thảo tiết lộ góc khác của nhạc sỹ Hồng Đăng ảnh 3

Đào Nguyên Diệu Bảo

Rate this post