Nguyễn Tuân: Người suốt đời đi tìm cái đẹp – Revelogue

Nguyễn Tuân: Người suốt đời đi tìm cái đẹp – Revelogue

Nếu muốn tìm về một thời xưa cũ, về với những vẻ đẹp vĩnh hằng và sự tài hoa tinh tế một thời trong những trang văn thì lựa chọn hàng đầu của độc giả hẳn sẽ là Nguyễn Tuân, viên ngọc đắt giá của nền văn học Việt Nam.

ảnh đại diện tác giả Nguyễn Tuân

Với sự xuất hiện với một tập truyện ngắn mang tên Vang bóng một thời ra đời vào đầu thế kỷ XX, tên tuổi của Nguyễn Tuân đã lập tức trở thành môt biểu tượng cho việc đạt đến sự chân thiện mỹ của văn chương.

Nguyễn Tuân và hành trình trở thành nhà văn lớn của nền văn chương Việt Nam hiện đại

Ông sinh vào tháng 7 năm 1910 tại phố Hàng Bạc, Hà Nội. Quê gốc của ông ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Thân sinh của nhà văn là cụ Nguyễn An Lan (tức cụ Tú Hải Văn), một nhà nho tài hoa đậu thi khoa Hán học cuối cùng đồng thời cũng là người ảnh hướng lớn nhất đến hồn văn của Nguyễn Tuân sau này.

Nguyễn Tuân là nhà văn đồng thời là một người có học vấn uyên bác, am hiểu hầu hết về tất cả các lĩnh vực văn hóa như: hội họa, điện ảnh, âm nhạc, võ thuật, sân khấu kịch,…Gia đình ông từng có thời gian sống ở các tỉnh và thành phố miền Trung, chính hoàn cảnh sống của gia đình đã tạo điều kiện cho Nguyễn Tuân ngay từ thời niên thiếu khi được đi qua nhiều nơi.

Nguyễn Tuân và tập truyện Vang bóng một thời

Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1935 nhưng chỉ thực sự nổi tiếng sau khi xuất bản các tác phẩm tùy bút, bút ký có phong cách độc đáo như Vang bóng một thời, Một chuyến đi,…

“Đây là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật. Là người sinh ra để tôn thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa”- Nguyễn Đình Thi chia sẻ về Nguyễn Tuân

Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân trở thành cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Năm 1950, ông được kết nạp vào Đảng. Từ 1948 đến 1958, ông giữ chức Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam.

Ông mất ngày 28 tháng 7 năm 1987 tại Hà Nội. Năm 1996, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật

Nguyễn Tuân biểu trưng cho khúc giao thời của hai giai đoạn văn học nhiều biến động  

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học, Nguyễn Tuân được kế thừa đầy đủ tinh hoa của Hán học một thời vàng son. Tuy nhiên khi thời thế đổi thay, văn hóa Phương Tây du nhập đã dần khiến Hán học chỉ còn là những mảnh dư tàn.

Vang bóng một thời là tác phẩm lưu giữ ký ức vàng son

Cụ Tú Nguyễn An Lan và nhiều nhà nho khác bỗng trở nên lỗi thời trước sự giao thời của xã hội Tây Tàu nhố nhăng. Có thể nói, sự giao thời của hai giai đoạn văn hóa xã hội đã làm nên chất “ngông” trong văn phong và Chủ nghĩa xê dịch của Nguyễn Tuân.

Giai đoạn đầy biến động ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến cá tính, tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân sau này. 

Một chặng đường tuổi trẻ ngông nghênh và kiêu bạc mà ông từng đi qua

 

Năm 1939, Nguyễn Tuân bị đuổi học vì tham gia cuộc bãi khóa phản đối giáo viên người Pháp nói xấu người Việt. Sau đó vì ham mê sự “xê dịch”, ông vượt biên sang Thái Lan trái phép và lại bị bắt lần nữa.

Vợ chồng Nguyễn Tuân

Như bao lớp trẻ khác, Nguyễn Tuân có những nông nổi, ngông cuồng, cá tính và hoài bão của riêng mình. Ông muốn vượt lên trên những điều tầm thường nhỏ bé của thực tại và thoát khỏi khuôn khổ chật hẹp, để vươn tới thế giới rộng lớn bao la hơn.

“Thay đổi thực đơn cho mắt”

Ông đã đi hết chiều dài đất nước để tìm kiếm những điều mới mẻ, đó chính là thành tố lớn nhất đã tạo nên một cây bút thiên tài. Tất cả những nơi từng in dấu chân Nguyễn Tuân đều trở thành nguồn cảm hứng trong những trang văn của ông.

Nguyễn Tuân suốt cuộc đời đi kiếm tìm và lưu giữ lại những vẻ đẹp vĩnh hằng

Dường như đối với nghệ thuật, đẹp là chức năng hàng đầu và mang cái đẹp là sứ mệnh thiêng liêng nhất của văn chương. Sinh thời, Nguyễn Tuân đã luôn trăn trở về cái đẹp trong suốt cuộc đời cầm bút của mình.

“Mục đích đầu tiên và sau cùng của Nghệ thuật và Văn học theo tôi là mang đến cái hay, cái đẹp cho đời. Mầm mống của nó không có bất cứ một sự mưu toan nào cả. Hãy cho nó mãi mãi thanh thản tự do và mãi mãi là hiện thân của điều thiện, của cái đẹp.”- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng chia sẻ.

Cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân được hiện thân trọn vẹn qua ngòi bút tinh tế, sắc sảo và tài hoa hơn người của Nguyễn Tuân. Từ vẻ đẹp hoài cổ Vang bóng một thời, đến những áng văn trữ tình mềm mại trong Tóc chị Hoài, lắng đọng thâm sâu trong Thiếu quê hương.

Và muôn mảnh trời quê hương yên bình, hùng vĩ, nên thơ qua tùy bút Một chuyến đi, Sông Đà, Bài ca trên mặt phần đường.

“Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”

Nếu như các nhà văn cùng thời đi sâu vào cái nhiễu nhương, xô bồ của cuộc sống thì Nguyễn Tuân vẫn miệt mài với hành trình của mình là đi tìm cái đẹp ngàn xưa. Cái đẹp ẩn sâu trong con người, trong nền văn hóa ngàn đời của dân tộc.

Một ấn bản khác của Vang bóng một thời

Ông thầm lặng đi về với những gì từng là truyền thống, ông khơi nên cái đẹp trong mạch ngầm văn hóa đất nước Việt Nam, những giá trị lắng sâu không phải ai cũng cảm nhận hết được.

Vang bóng một thời và những điều xưa cũ đọng lại của một thời vàng son  

Nhắc đến viên ngọc sáng giá nhất mà Nguyễn Tuân để lại cho nền văn học dân tộc phải kể đến tập truyện Vang bóng một thời.

Vang bóng một thời gồm mười một tùy bút hoặc truyện ngắn, nội dung viết về những bậc anh hùng, những con người nghệ sĩ tài hoa nhưng nay đã tàn thế và chỉ còn là một thời vang bóng và những nếp sống thanh cao của người xưa. 

“Trong cái vội vàng, cái cẩu thả của những tác phẩm xuất bản gần đây, những sản phẩm đã hạ thấp văn chương xuống mực giá trị của một sự đua đòi, người ta lấy làm sung sướng khi thấy một nhà văn kính trọng và yêu mến cái đẹp, coi công việc sáng tạo là công việc quý báu và thiêng liêng”- Nhà văn Thạch Lam nói về Nguyễn Tuân

Trong đó nổi bật là những truyện ngắn Chữ người tử tù, Bữa rượu máu (hay Chém treo ngành) và được đánh giá là đạt gần đến sự toàn thiện, toàn mỹ.

Thiên truyện ngắn Vang bóng một thời

Tác phẩm ban đầu được đăng trong mục Vang và bóng một thời trên tạp chí Tao Đàn vào năm 1939, sau đó nhà xuất bản Tân Dân in thành sách năm 1940. Tính đến năm 1988 là lần xuất bản thứ sáu do nhà xuất bản Văn học ấn hành với 30,000 cuốn.

Khi in thành sách Vang bóng một thời có nhiều đoạn kiểm duyệt từ thời Pháp thuộc bị cắt bỏ nhưng sau này đã được các nhà xuất bản đã khôi phục và trả lại cho tác phẩm vị trí xứng đáng.

Vang bóng một thời là những gì còn lại của một thời vàng son khi văn hóa phương Tây chưa du nhập, đất nước chưa lâm vào những nhiễu loạn. Sau khi đã chìm đắm trong những áng văn của Nguyễn Tuân, nhà phê bình Vương Trí Nhàn chia sẻ:

“Nguyễn Tuân, trong Vang bóng một thời, lại phác họa một cách tài hoa nếp sống thanh nhã của người xưa, và cho thấy một đời sống tinh thần vững chãi là cần thiết cho con người đến như thế nào.” 

Vẫn là ngòi bút hướng về cái đẹp hoàn mỹ, Nguyễn Tuân đã sử dụng hết cái tài và tâm của người nghệ sĩ để lưu giữ những nét đẹp về con người tài hoa nghệ sĩ bị thời cuộc dập vùi.

Món quà mà nhà văn Kim Lân tặng Nguyễn Tuân

Giữa vẻ đẹp một thời vang bóng ấy là những triết lý về nghệ thuật, về cuộc đời của Nguyễn Tuân. Ông luôn tâm niệm rằng cái đẹp sẽ không bao giờ bị băng hoại bởi thời gian. Cái thiên lương con người sẽ chiến thắng được cái ác, cái tàn nhẫn.

“Tập truyện đã làm sống lại cả một thời phong kiến đã qua với những nghệ thuật cổ thanh cao, những nếp sống, sinh hoạt xã hội nho phong của một nền văn minh xưa cũ, nó cũng là niềm nuối tiếc của một tâm hồn hoài cổ trước những cái hay, cái đẹp, những nghệ thuật cầu kỳ của một thời đại đã qua, cái thời ấy nay đã chết rồi, chỉ còn để lại một tiếng vang: “Vang Bóng Một Thời.”

Có những nhà văn chỉ nổi lên một thời nhưng cũng có những người trở thành tượng đài của nền văn học. Nguyễn Tuân chính là một trong những nhà văn lãng mạn vĩ đại của nền văn học Việt Nam Giai đoạn 1930-1945 khi đã sống cả một đời dâng hiến cho cái đẹp trong văn chương, bằng tất cả cái tài và tâm của người nghệ sĩ lớn.

 Nguyễn Quân

Rate this post