Nguyễn Thiện Thành – một người con đất Trà Vinh nặng tình quê hương,
Nguyễn Thanh Phong – Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành
Trong cuộc đời
hoạt động cách mạng của mình, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành có nhiều bí danh, thế
nhưng Nguyễn Trà Vinh có lẽ là bí danh ý nghĩa nhất. Không cần bất cứ sự tô điểm
nào, bản thân người đã là biểu tượng kiêu hãnh của quê hương Trà Vinh với đức
tính nhân văn. Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo, được cha mẹ cho ra tỉnh
học tại trường Tiểu học Trà Vinh, sau đó lên trường Collège de Mỹ Tho rồi trường
Lycée Petrus Ký Sài Gòn. Để thực hiện ước mơ, Nguyễn Thiện Thành đã tiếp tục
theo học tại Đại học Y Khoa Hà Nội. Trước những biến động ảnh hưởng đến vận mệnh
đất nước, Nguyễn Thiện Thành đã trưởng thành trong khói lửa chiến tranh. Có lúc
bôn ba đến tận Liên Xô để nghiên cứu khoa học, có lúc bị tù đày, giam cầm, song
người luôn nuôi khao khát được về lại vùng sông nước quê hương để cống hiến. Từ
đó cho đến cuối đời, người luôn gắn bó với mảnh đất quê hương dù ở bất cứ nơi
đâu, bất cứ khi nào có điều kiện. Tên tuổi Nguyễn Thiện Thành đã làm vinh dự
cho vùng đất Trà Vinh nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung.
Người chiến sĩ “Blouse trắng” luôn đặt lợi ích của đất nước
và sức khỏe nhân dân lên hàng đầu. Ba lần người chiến sĩ ấy kiên quyết nói
không với những điều kiện thuận lợi dành cho mình để hoàn thành luận án lớn của
cuộc đời “sức khỏe của thương bệnh binh,
đồng bào, đồng chí ở miền Nam ruột thịt còn chìm trong khói lửa chiến tranh” (Nguyễn
Thiện Thành). Lần thứ nhất, sau khi tốt nghiệp trường Lycée Petrus Ký Sài Gòn,
Người được cơ quan điều hành giáo dục ở Đông Dương (DIRIP) đề nghị sang Pháp học
ngành quân sự, chính trị hoặc ngân hàng với chế độ học bổng đặc biệt. Dù tuổi
còn rất trẻ và chưa gia nhập hàng ngũ cách mạng, song người đã thẳng thừng từ
chối bởi thừa nhận đặc ân của Pháp là làm tay sai, tàn sát nhân dân lao động cực
khổ. Hơn nữa, ước mơ từ bé được khám chữa bệnh cứu người đã tiếp thêm sức mạnh
để người từ chối đặc ân mở ra con đường tương lai mà những người bình thường sẽ
cho là tươi sáng ấy. Lần thứ hai là khi người bảo vệ thành công luận án Phó tiến
sĩ Y khoa ở Liên Xô và được Hội đồng khoa học đề nghị ở lại hoàn thành luận án
Tiến sĩ Y khoa. Đam mê với những nghiên cứu về lâm sàng hoạt động thần kinh cao
cấp với Học thuyết Pavlov, một lĩnh vực còn mới mẻ với y học Việt Nam bấy giờ.
Tuy nhiên, niềm đam mê ấy chưa đủ để giữ lại Liên Xô một trái tim ấm nóng tình
người, một nhiệt thành yêu nước. Người về lại Việt Nam, xung phong trở về miền
Nam chiến đấu. Trên con tàu không số, người đã trở về chiến trường miền Nam và
lao vào tiếp tục nghiên cứu phương thuốc để điều trị căn bệnh sốt rét đang
hoành hành bấy giờ. Chăm lo cho sức khỏe của nhân dân trong vai trò người “chiến
sĩ blouse trắng” qua hai cuộc kháng chiến khốc liệt nhất, về với thời bình, người
lại nói không với lợi ích của mình vì đất nước, nhân dân. Lần thứ ba, sau 1975,
khi đang làm Giám đốc bệnh viện Thống nhất, Nguyễn Thiện Thành được đề cử ra
làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Người đã từ chối chỉ vì một lí do hết sức giản đơn: làm
bác sĩ thì có thể cứu chữa được nhiều hơn cho đồng bào của mình. Thử hỏi, có sự
hi sinh nào cao quý hơn thế nữa? Sự khước từ tư lợi để sống vì đất nước, đồng
bào của người thật đáng để chúng ta trân trọng noi theo.
Nguyễn Thiện Thành còn là tấm gương sáng ngời về niềm đam
mê nghiên cứu khoa học. Có những người vốn dĩ dễ đầu hàng hoàn cảnh, thế nhưng
cũng có những người làm cho hoàn cảnh phải cúi đầu bằng nghị lực và đam mê. Từ
chối học bổng sang Pháp, chàng trai trẻ Nguyễn Thiện Thành khăn gói đáp xe lửa
lên đường ra Hà Nội thi vào trường Đại học Y khoa. Thời sinh viên, Nguyễn Thiện
Thành âm thầm liên lạc cán bộ Việt Minh, rồi mua thuốc gửi lên chiến khu. Khi
đã trở thành bác sĩ, người chiến sĩ trẻ, trên mặt trận mới trở thành Bộ đội cụ
Hồ với nhiệm vụ phụ trách quân y. Trăn trở nhiều về sức khỏe đồng bào, Nguyễn
Thiện Thành vừa làm việc vừa chiến đấu vừa nghiên cứu. Ngay cả khi bị bắt giam
tại nhà lao Virgile người vẫn tìm cách mượn sách báo, tạp chí Y khoa để tiếp tục
nghiên cứu khoa học. Người xưa cho rằng “Nhất
nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, nhưng những nhân cách và trí tuệ lớn thường
đi kèm với bản lĩnh lại luôn được giữ ấm bởi ngọn lửa đam mê dù trong bất cứ
hoàn cảnh nào. Nhà tù không làm thoái chí người chiến sĩ ấy, ngược lại những
ngày trong ngục, người đã tìm thấy phương pháp Filatov
sau khi được đọc một bài báo y khoa của H.Vachon. Filatov điều chế
từ nhau thai được ví như một phương thuốc mầu nhiệm cho sức khỏe của bộ đội và
nhân dân, giải quyết kịp thời vấn đề nan giải của ngành y
tế lúc bấy giờ. Đấy chính là công sức, trí tuệ và tâm huyết của một người thầy
thuốc từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà cống hiến.
Henri Fredegic
Amiel thật đúng khi cho rằng “Ngọn lửa
soi sáng cũng là ngọn lửa thiêu đốt”. Thật vậy, con đường đi bằng niềm đam
mê khoa học chưa bao giờ là đơn giản. Ngoài nghiên cứu ra chế phẩm Filatov, hoạt động thần kinh cao cấp
với Học thuyết Pavlov, Nguyễn Thiện Thành còn nghiên cứu phương pháp điều trị sốt
rét ác tính giúp giảm đến 50% tỷ lệ tử vong vì bệnh sốt rét. Để có được thành
quả đó, thầy thuốc Nguyễn Thiện Thành đã có lần chấp nhận lấy thân mình làm thí
nghiệm. Và đáng quý hơn, dù bản thân mình đang bị bệnh ông vẫn xung phong băng
rừng vào khu căn cứ cấp cứu cho một đồng chí, làm tròn nhiệm vụ người thầy thuốc
trong mọi hoàn cảnh. Trí tuệ định hướng, đam mê nung nấu, lương tâm dẫn đường,
Giáo sư Thành chưa bao giờ dừng lại những cống hiến cho y học. Người đã đặt nền
móng cho ngành lão khoa Việt Nam, nghiên
cứu thành công và đưa vào sản xuất hai loại dược phẩm có tác dụng chữa một số
bệnh về gan, nhưng cũng góp giữ gìn sức khỏe cho người có tuổi. Chỉ tính riêng
từ năm 1965 đến 1990, ông đã viết 32 tác phẩm về y học mà chủ yếu về
lão khoa.
Không chỉ là “thế hệ vàng” của ngành Y tế, Giáo
sư Nguyễn Thiện Thành còn rất quan tâm đến sự phát triển giáo dục. Người không
chỉ dạy kiến thức mà còn truyền lại y đức cho thế hệ sau, thắp lên ngọn lửa tự
học, đam mê sáng tạo, biết sống vì người khác. Những bài học ấy có được từ
chính tấm gương cuộc đời trong sáng và tâm huyết của người cho sự nghiệp giáo
dục trong những năm tháng cuối đời. Nguyễn Thiện Thành là Giám đốc, người sáng
lập bệnh viện Thống nhất, nhà giáo, nhà khoa học tiên phong trong việc nghiên cứu về
lão khoa ở Việt Nam, viết sách để truyền lại kinh nghiệm, đặc biệt ngay khi đã
nghỉ hưu dù sức yếu ông vẫn tham gia giảng dạy, và truyền đạt lại kiến thức của
mình cho thế hệ trẻ. Thầy thuốc Nguyễn Hữu Công – Giám đốc bệnh viện Thống
Nhất đã xúc động khi nói về người: “Tôi
nhận thấy ở ông sự nghiêm khắc, đam mê quên mình vì công việc nhưng lại là người
đồng chí, đồng nghiệp hết sức gần gũi, giản dị và chân tình. Tâm hồn của người
lính, người thầy thuốc, nhà khoa học – những danh xưng tưởng như khô khan ấy thực
ra rất nhẹ nhàng và lãng mạn”. Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả. Những năm
tháng cuối đời, người đã dùng tiền lương của mình cùng với sự vận động để cống
hiến cho sự nghiệp giáo dục, xã hội: xây trường ở Trà Vinh, xây cầu tại Cà Mau.
Và nhất là người đã thành lập một quỹ học bổng mang tên “Quỹ học bổng ông
bà Giáo sư Nguyễn Thiện Thành” được thành lập theo Quyết định số
185/QĐ-UBND ngày 08/02/2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh. Quỹ học bổng được
dùng để hỗ trợ cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ khi
thành lập cho đến nay.
Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá Nguyễn
Thiện Thành – Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Thống Nhất xứng đáng là rường
cột của ngành y tế Quân đội và ngành y tế nhân dân, là người thầy mẫu mực, là
nhà khoa học chuyên tâm. Trọn đời lấy khoa học phục vụ đất nước, chăm sóc nhân
dân bằng trí
tuệ và tình yêu thương, bằng niềm đam mê sáng tạo và tâm huyết, bằng sự cần mẫn
và ý chí, nghị lực.
Bệnh viện Thống Nhất đã tổ chức thực hiện và giới thiệu ra mắt sách “Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng” vào năm 2015.
Tỉnh Trà Vinh quê hương mã nhớ người bởi tên người trở thành tên một con đường hiền hòa, quanh năm cây xanh rợp bóng. Trường Trung học phổ thông Chuyên Trà Vinh được đổi thành Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Thiện Thành (4/9/2014) để tri ân sự đóng góp của người. Có những cống hiến không cần người đời gọi tên mà tự nó đã đi vào cuộc sống. Có những con người không cần được tôn vinh bởi sự kính trọng đã ở trong tâm. Có những đam mê chưa bao giờ là đủ nếu nó vì mục đích nhân văn phục vụ cho cuộc sống con người. Và người đã có được tất cả những điều ấy. Nguyễn Thiện Thành – cuộc đời và sự nghiệp của người là bài học, là niềm tin để ta nhận ra rằng:
Có những phút làm nên lịch sử,
Có cái chết hóa thành bất tử,
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra.
(Tố Hữu)