Nguyễn Sáng – Một danh họa đặc biệt

 

Năm 1996 Nguyễn Sáng được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Nguyễn Sáng (1923-1988) quê hương ở làng Điền Hòa, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang, miền Tây Nam Bộ)

Năm 1939, ông rời Sài Gòn ra Hà Nội theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 14 (1940-1945). Ngay khi học ông đã tỏ ra là học sinh xuất sắc.

Sau khi tốt nghiệp cũng vào thời kỳ mới lên phong trào cách mạng trong không khí sôi nổi ông cùng quần chúng tham gia biểu tình cướp chính quyền ở Bắc Bộ Phủ ngày 19/8/1945.

Khi chính quyền về tay nhân dân ông được nhận vào làm việc ở Bộ Tài chính vẽ giấy bạc, những tờ bạc đầu tiên do ông vẽ là tờ 5 đồng theo hình dọc khác với loại tiền hình ngang. Mặt trước là chân dung Hồ Chủ Tịch, mặt sau vẽ một bà mẹ tay đặt lên vai đứa con còn tay kia cầm bó lúa. Tờ 50đ và 100đ mặt trước vẽ chân dung Hồ Chủ Tịch, mặt sau vẽ đề tài công nông có hình con trâu.

Tờ 1đ và 10đ do họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ, sau này có Mai Văn Hiến, Nguyễn Huyến và một số họa sĩ khác vẽ.

Giấy bạc Việt Nam ra đời đã thay giấy bạc Đông Dương và đổi ngang giá 1 đồng Việt Nam bằng 1 đồng Đông Dương.

Ngày 27/8/1946, bộ tem đầu tiên cũng được ra đời. Ông vẽ 5 con tem từ 1 xu đến 5 xu màu sắc khác nhau in hình chân dung Hồ Chủ Tịch xung quanh có các ngôi sao. Trong tờ Tạp chí Mỹ thuật Thời nay số 9 năm 1991, họa sĩ Phan Kế An có kể lại: “Sau khi con tem của Nguyễn Sáng vừa được bưu chính phát hành 1946 ở vườn hoa Chí Linh cạnh nhà Bưu điện đã xuất hiện chợ Tem. Người ta tranh mua con tem này giữ nó để làm kỷ niệm”.

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp ông vẽ tranh tuyên truyền cổ động bài bác thực dân Pháp. Nêu cao tinh thần nhân dân Việt Nam chống lại Pháp.

Ngày 19/2/1951, triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc tại Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang trưng bày 300 tác phẩm về hội họa trong đó có Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm và một số họa sĩ khác. Trong số đó ông đã đóng góp nhiều tranh để trưng bày.

Về hội họa ông có nhiều tác phẩm lưu giữ ở các nơi.

“Thiếu nữ bên Hồ Gươm”, sơn mài vẽ cho Nhà khách Chính phủ do ông Vũ Đình Huỳnh khi đó là Vụ trưởng đến đặt.

“Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” chất liệu sơn mài, vẽ năm 1963 trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

“Chùa Tháp Phổ Minh” Nam Định sơn mài khổ lớn theo đơn đặt hàng của Tỉnh ủy Nam Hà.

Ngoài ra còn có “Thành đồng Tổ quốc”, sơn dầu 1977 đơn đặt hàng của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Các bức tranh “Giặc đốt làng tôi”; “Bộ đội trú mưa”; “Lớp học buổi tối”; “Thiếu nữ bên hoa sen”; “Chùa Thầy”; “Thánh Gióng”…đều có tiếng vang.

Loại đĩa sơn mài như đánh vật, chọi gà, hổ, trâu, ngựa, dê, mèo cũng được yêu thích.

Chân dung bạn bè và người quen như nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Đoàn Giỏi, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, nhà sưu tập Đức Minh, Nguyễn Bá Đạm, vợ chồng cà-phê Lâm, vợ chồng Trần Thịnh, Đôn Thư, Lê Đại Chúc, Lê Chấn, Vạn Lịch, bà Vượng, bà Thanh, bà Vân, cô Hương, cô Hằng con gái Việt Châu…

Tính ra có tới 140 tác phẩm bao gồm chất liệu: sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, chì than phấn màu.

Ông còn minh họa cho tờ báo Văn Nghệ, báo Tổ quốc, Tạp chí Văn nghệ.

Bức tranh cuối cùng vẽ trên sơn mài 100x150cm đề tài là “Vũ trụ” theo quan niệm phương Đông, một nam một nữ bay lượn trên không cạnh đó là một chòm sao thất tinh, thể hiện nguyên tố vật lý. Đầu tiên tranh được bán cho một người Nhật đã từng mua tranh của ông, chẳng hiểu trục trặc vì đâu mà mãi không thấy đến lấy. Trong lúc cần tiền ông nhờ họa sĩ Lê Chấn bán hộ. Lê Chấn nhận lời mang đến Hội Mỹ thuật gặp ông Dương Viên là Tổng thư ký Hội. Ông Viên cho biết Hội hiện nay đang hết tiền, nếu cần bán thì gửi tranh lại Hội sẽ bán hộ khi nào bán được sẽ gửi tiền sau. Chấn về nói lại nhưng Sáng không đồng ý. Tiếp tục, Chấn lại tìm đến ông Phan Long, trưởng phòng tranh Xunhasaba ở hiệu sách Ngoại văn phố Tràng Tiền. Ông Long hỏi ý kiến và bàn với giám đốc đồng ý mua với giá 400 nghìn đồng. Nhưng với điều kiện là phải được Ngân hàng cho phép rút tiền mặt mới có.

Sáng bực tức nói :“Thôi, không cần”.

Cuối cùng, bức tranh đó được bán cho Phạm Văn Bổng ở 95 Hàng Buồm với giá 100 nghìn đồng. Nhưng Bổng mới trả trước được 30 nghìn đồng (khoảng 2 chỉ vàng thời điểm năm 1987).  Số tiền còn lại sẽ trả dần sau.

Hai hôm sau thì Sáng rời Hà Nội vào Nam.

***

Nhân nói chuyện nhân duyên của ông cũng hé lộ nhiều điều uẩn khúc.

Lần đầu tiên Sáng làm bạn với một cô đầm người Pháp lai Đức tên là Yermen Dobrien. Hai người chung sống với nhau ở một căn phòng nhỏ cuối phố Mai Hắc Đế. Họ gắn bó quấn quít, cô ta đã mạnh dạn trút bỏ bộ y phục đầm mặc chiếc quần lính đen và áo…nõn trắng. Sáng ra xách làn đi chợ. Khi về lại giặt giũ, cơm nước… Chẳng hiểu duyên cớ vì đâu mà cô ta tự nhiên biến mất. Nguyễn Sáng đã cất công tìm kiếm khắp nơi mà vẫn không thấy.

Sau đó Sáng lại mê một nữ diễn viên sân khấu có tên là L.P, cô nàng khá xinh đẹp. Ăn ở với nhau được ít lâu rồi L.P cũng chuồn mất.

Năm 1970 Sáng lại yêu cô Liên, một phụ nữ miền Nam đã có một con gái riêng với người chồng trước. Hai mẹ con cùng về chung sống với Sáng, được vài tháng mối tình tan vỡ.

Năm 1975, khi Sáng bước sang tuổi 50, mong muốn xây lại tổ ấm thì may mắn gặp họa sĩ Trần Dậu ở Thái Bình giới thiệu người mẫu của mình là cô Thủy. Nếu so với tuổi tác thì chênh nhau 32 tuổi. Nhưng hai bên cũng đều ưng thuận.

Sau Sáng nhờ Hội Mỹ thuật lo cho việc hôn lễ. Hội nhận lời đứng ra tổ chức ở trụ sở 51 Trần Hưng Đạo.

Ngày hôm cưới có đông đủ các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, Nguyên Hồng, Đoàn Giỏi, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Mai Văn Hiến…

Sáng ăn mặc chỉnh tề và có mặt rất sớm. Đến giờ đón dâu chờ mãi mọi người đều nóng ruột. Sau có ông chú nhà gái báo cho biết chiều hôm trước cô dâu đi mua hoa thì bị ngất phải đưa vào Bệnh viện Việt Nam – Cuba cấp cứu.

Sáng đang vui, giật mình nghe tin trở nên buồn rơm rớm nước mắt. Miệng thì méo xệch. Mọi người trông thấy an ủi không sao rồi sẽ khỏi ngay chẳng việc gì mà phải lo.

Ngay lúc đó Sáng vào bệnh viện để thăm bệnh tình của Thủy ra sao, thì thấy Thủy đã đỡ hơn. Bác sĩ cho biết sáng mai có thể được xuất viện.

Sáng sớm hôm sau Sáng tới bệnh viện và phải chờ đến gần trưa mới đưa được Thủy về nhà trên căn gác 65 Nguyễn Thái Học.

Ít lâu sau đưa Thủy vào Thành phố Hồ Chí Minh ở một căn nhà nhỏ trong ngõ hẻm gần Cầu Bông. Vài tháng sau bệnh đau tim của Thủy lại tái phát phải đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy được ít lâu thì mất.

Bạn bè như Diệp Minh Châu, Hoàng Đạo, Trang Nghị… hết lòng giúp đỡ lo liệu an táng chu đáo.

Sau đấy một tháng Sáng lại quay ra Bắc. Trải qua bao nỗi đau nay lại phải một mình một bóng sống cô đơn có khi chỉ ăn một chiếc bánh giò hay chiếc bánh mì là thay bữa cơm hoặc ra cửa hàng cơm bụi ở ngõ Ngô Sĩ Liên sau ga Hàng Cỏ. Lúc buồn lại đến quán rượu ở phố Trần Hưng Đạo. Khi thì gặp Hoàng Trung Thông hay Mai Văn Hiến truyện trò tầm phào rồi lại lững thững ra về.

Lần cuối cùng Sáng vào Nam ở với người em trai một căn hẻm vắng trung tâm Bình Thạnh lúc này sức khỏe đã suy kiệt. Sáng từ giã cõi đời vào ngày 16/12/1988, đám tang tổ chức đơn giản, người đưa thưa vắng.

Được tin Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam, Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam đứng lên tổ chức làm lễ truy điệu vào ngày thứ Năm 22/12/1988 tại 51 Trần Hưng Đạo. Có đông đủ mọi người trong Hội và ngoài Hội đứng lên mặc niệm vong hồn của một nhân tài nói trên.

22/11/2019

Nguyễn Bá Đạm 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Rate this post