Nguyễn Lữ (? – 1787) | Danh nhân QS Việt Nam | Vietnamdefence
VietnamDefence –
Anh em Tây Sơn được dân gian trìu mến gọi bằng những cái tên rất mộc mạc và thân thương. Nếu Nguyễn Nhạc được gọi là ông Hai Trầu, là Biện Nhạc, và nếu Nguyễn Huệ được gọi là Ba Thơm, thì Nguyễn Lữ lại được gọi là Thầy Tư Lữ…
Nguyễn Lữ
Nguyễn Lữ sinh năm nào chưa rõ, chỉ biết là theo thế thứ trong phần lớn các tư liệu thu thập được thì ông là em của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, nhỏ hơn Nguyễn Nhạc khoảng chừng hơn một chục tuổi, nhưng chỉ nhỏ hơn Nguyễn Huệ độ một vài tuổi mà thôi. Ngay từ thuở thiếu thời, Nguyễn Lữ đã đi tu, vì thế ông mới được gọi là Thầy Tư Lữ. Đời truyền tụng rằng, Nguyễn Lữ tu theo đạo Ma-ni. Ma-ni hay Ba-li có lẽ là một hệ phái của đạo Hồi (tức Islam) vốn được người Chăm tin theo từ trước thời Nguyễn Lữ rất lâu. Về sau, Tây Sơn từng có lúc được nữ chúa của người Chăm là Thị Hỏa ủng hộ một cách mạnh mẽ, một phần có lẽ cũng bởi Nguyễn Lữ là người tu hành theo tôn giáo của họ.
Như trên đã nói, trong giai đoạn chuẩn bị (Xem Khởi nghĩa Tây Sơn), vai trò quan trọng hàng đầu thuộc về Nguyễn Nhạc. Điều này chỉ đơn giản là vì Nguyễn Nhạc lớn tuổi nhất, do đó, tính đến trước khi khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ thì Nguyễn Nhạc là người giàu uy tín và năng lực nhất. Bấy giờ, nếu Nguyễn Nhạc là người chỉ huy bao quát chung thì Nguyễn Huệ được phân công tập hợp và huấn luyện binh sĩ, còn Nguyễn Lữ thì chịu trách nhiệm huy động và tích lũy quân lương. Đại để, Nguyễn Lữ là tướng hậu cần ngay khi còn ở tuổi vị thành niên.
1. Tướng hậu cần xuất sắc của nghĩa quân Tây Sơn
Ở Tây Sơn có một ngọn núi mang tên Nguyễn Huệ, đó là hòn Ông Bình, lại có đến 2 ngọn núi mang tên Nguyễn Nhạc, đó là hòn Ông Nhạc và núi Hoàng Đế, nhưng Tây Sơn chẳng có ngọn núi nào mang tên Nguyễn Lữ cả. Nguyễn Lữ không để tên mình cho núi sông quê nhà, nhưng sự nghiệp buổi đầu của ông lại được nhân dân trìu mến dùng làm tên gọi cho một ngọn núi của Tây Sơn: núi Lãnh Lương.
Truyền thuyết dân gian ở Tây Sơn kể rằng, để có lương thực phục vụ cho cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ, các lãnh tụ Tây Sơn đã chủ trương tìm cách tích trữ bằng nhiều nguồn khác nhau. Nguồn thứ nhất là tổ chức sản xuất tại chỗ mà nhân lực chủ yếu là nghĩa sĩ Tây Sơn. Trước khi xuất quân, nghĩa sĩ Tây Sơn tập trung thành từng đơn vị nhỏ khác nhau, đóng rải rác khắp Tây Sơn vừa tập luyện vừa tham gia sản xuất. Nguồn thứ hai là huy động đóng góp của nhân dân nhiều địa phương khác nhau. Việc huy động này gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì, nếu không thận trọng sẽ rất dễ bị Chúa Nguyễn phát hiện và đàn áp. Nguồn thứ ba là tịch thu kho tàng của Chúa Nguyễn. Nguồn này chỉ trở nên đáng kể sau khi khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ mà thôi.
Tạo nguồn thu và tìm cách tích trữ được lương thực đã là khó, bảo vệ lương thực đã tích trữ được lại còn khó hơn. Và công việc đặc biệt khó khăn này được Bộ chỉ huy Tây Sơn tin cậy giao cho Nguyễn Lữ đảm trách, mặc dù khi bắt tay vào việc chuẩn bị khởi nghĩa, Nguyễn Lữ còn ở tuổi vị thành niên. Cùng hợp tác đắc lực và rất có hiệu quả với Nguyễn Lữ là một người vợ lẽ của Nguyễn Nhạc. Nhưng, nếu người vợ lẽ của Nguyễn Nhạc gần như chỉ đứng ra tổ chức sản xuất và tích trữ lương thực ở ngay trên chính vùng quê thân thuộc của mình, thì Nguyễn Lữ là người chịu trách nhiệm trông coi nhiều hoạt động hậu cần ở nhiều kho vực khác nhau.
Năm 1711, khi Nguyễn Nhạc dựng cờ xướng nghĩa, Nguyễn Lữ đã chuẩn bị khá chu tất cho mọi nhu cầu của quân đội Tây Sơn trong những cuộc chiến đấu quyết liệt đầu tiên. Bấy giờ không phải chỉ có lương thực và thực phẩm mà cả đến vũ khí cùng các loại quân trang, quân dụng Nguyễn Nhạc đều tin cậy ủy thác cho Nguyễn Lữ đảm trách.
Như trên đã nói, ở Tây Sơn có một ngọn núi mang tên là núi Lãnh Lương. Núi này nguyên tên là núi Đồng Phong, nằm sát bên một thung lũng nhỏ mà kín đáo có tên gọi là Hóc Yến. Núi Đồng Phong là kho quân nhu lớn nhất của Tây Sơn. Trước khi tiến xuống vùng đồng bằng, nghĩa quân Tây Sơn đến núi Đồng Phong để nhận lương thực, thực phẩm và tất cả những trang thiết bị cần thiết khác, vì thế, núi Đồng Phong mới có tên là núi Lãnh Lương. Núi Lãnh Lương là một chứng tích sinh động về tài cung cấp hậu cần của Nguyễn Lữ. Những thắng lợi vang dội của nghĩa quân Tây Sơn trong những trận chiến đấu đầu tiên đều gắn liền với công lao cung cấp hậu cần của Nguyễn Lữ. Binh pháp cổ có câu “thực túc binh cường” (ăn đủ, quân mạnh). Theo tinh thần của câu binh pháp cổ này, chúng ta cũng có thể nói rằng, một phần quan trọng của sức mạnh Tây Sơn đã nảy sinh từ sự chăm lo chu tất của Nguyễn Lữ.
Liên tiếp trong những năm từ 1771-1773, nghĩa quân Tây Sơn giành được nhiều thắng lợi lớn, mở rộng phạm vi hoạt động ở nhiều địa phương và đã ngự trì được ở vùng đồng bằng nay thuộc các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… việc chăm lo hậu cần của Nguyễn Lữ vì thế mà cũng có nhiều biến đổi. Trước hết, lực lượng Tây Sơn ngày một đông, nhu cầu về lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trang bị thiết yếu khác ngày một lớn, cho nên hoạt động hậu cần buộc phải đẩy mạnh cao hơn nhiều lần so với thời kỳ âm thầm chuẩn bị khởi nghĩa ở đất Tây Sơn. Từ đây, nghĩa quân Tây Sơn thường xuyên bám trụ ở những vùng đồng bằng, vì thế, mục đích cuối cùng tuy không thay đổi, nhưng yêu cầu cụ thể của việc chuẩn bị hậu cần phải thay đổi mới có thể phù hợp, và quan trọng hơn, mới có khả năng đạt hiệu quả cao. Cũng từ đây, địa bàn chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn ngày một mở rộng, việc cung cấp hậu cần cũng phải hết sức cơ động và linh hoạt. Tóm lại, nếu thiếu năng động, Nguyễn Lữ sẽ chẳng bao giờ đáp ứng được những nhu cầu ngày một lớn của nghĩa quân Tây Sơn.
Tượng thờ Nguyễn Lữ – Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Bình Định
Từ khi chiếm được phủ Quy Nhơn, Bộ chỉ huy Tây Sơn nói chung và Nguyễn Lữ nói riêng có thêm 2 trợ thủ rất đắc lực, đó là Nguyễn Thung và Huyền Khê. Cả Nguyễn Thung lẫn Huyền Khê đều có khả năng chăm lo hậu cần và chính họ đã sát cánh với Nguyễn Lữ trong hoạt động cụ thể này. Tuy nhiên, cả 2 nhân vật chỉ đi với Tây Sơn một thời gian ngắn mà thôi (Theo ghi chép của Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, quyển 30, thì cả Nguyễn Thung lẫn Huyền Khê về sau đều bị Tây Sơn giết nhưng không nói rõ lý do vì sao). Nói khác hơn, Nguyễn Lữ là người có công đầu tiên và lớn nhất trong việc chăm lo hậu cần cho quân đội Tây Sơn.
Khi Tây Sơn làm chủ được cả một vùng đồng bằng rộng lớn như đã nói ở trên, đội ngũ những người chuyên lo hậu cần ngày một đông và kinh nghiệm hoạt động cũng dày dạn hơn, Nguyễn Lữ được chuyển hẳn sang đội ngũ những tướng lĩnh trực tiếp cầm quân ra trận.
2. Tổng chỉ huy cuộc tấn công của Tây Sơn vào Gia Định lần thứ nhất (năm 1776)
Thư tịch cổ không cho biết rõ Nguyễn Lữ đã chuyển từ tướng chuyên lo hậu cần sang tướng trực tiếp cầm quân ra trận từ tháng năm cụ thể nào, tuy nhiên, cũng qua thư tịch cổ, chúng ta cũng có thể ước đoán rằng, Nguyễn Lữ thôi giữ chức vụ chỉ huy hoạt động hậu cần vào khoảng sau năm 1778. Và chẳng bao lâu sau khi trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc, Nguyễn Lữ đã lập được công lớn. Ông là tướng Tổng chỉ huy lực lượng Tây Sơn trong cuộc tấn công vào Gia Định lần thứ nhất (1776).
Trước đó, để phá thế “lưỡng đầu thọ địch”, Bộ chỉ huy Tây Sơn đã khôn khéo thực hiện chủ trương tạm thời hòa hoãn với quân Trịnh (Xem Khởi nghĩa Tây Sơn). Nhờ mặt Bắc được tạm yên, Tây Sơn liền tập trung sức mạnh cho những trận đánh ở mặt nam. Năm 1775, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, Tây Sơn đã thắng một trận rất lớn tại Phú Yên (Xem Khởi nghĩa Tây Sơn) và đó là trận đại thắng mở đầu cho liên tiếp nhiều trận đại thắng tiếp theo.
Sau trận Phú Yên, tướng của Chúa Nguyễn là Tống Phúc Hiệp vì bị thua đau nên đành phải tạm chạy vào Nam để lánh nạn. Bấy giờ, Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Thuần cũng chạy vào Gia Định. Tại đây, Nguyễn Phúc Thuần bắt đầu tập hợp lực lượng và chấn chỉnh đội ngũ để chuẩn bị tổ chức phản công. Thanh thế của tập đoàn họ Nguyễn lại nổi lên khá mạnh. Điều không may cho Tây Sơn là tướng Lý Tài đã chạy sang đầu hàng Tống Phúc Hiệp, đồng thời, Tống Phúc Hiệp lại còn thu phục được cả Châu Văn Tiếp (1738 – 1784) (tức Châu Doãn Ngạnh, vốn người Phù Mỹ, Bình Định, sau di cư đến Đồng Xuân, Phú Yên. Lúc đầu, Châu Văn Tiếp sống bằng nghề buôn, sau cùng với anh là Châu Doãn Chử, Châu Doãn Chấn và Châu Doãn Húc, hùng cứ ở Trà Lang, Phú Yên). Trên cơ sở sức mạnh mới này, tập đoàn họ Nguyễn lập tức vạch kế hoạch phản công. Nếu không chủ động đối phó một cách tích cực và có hiệu quả, tình thế nhất định sẽ diễn biến một cách phức tạp và có chiều hướng ngày càng bất lợi cho Tây Sơn. Xuất phát từ nhận định này, Bộ chỉ huy Tây Sơn đã quyết định cử Nguyễn Lữ làm Tổng chỉ huy, đem quân đánh thẳng vào Gia Định.
Tháng 2 năm Bính Thân (1776), Nguyễn Lữ bắt đầu lên đường. Lực lượng của Tây Sơn do Nguyễn Lữ chỉ huy trong trận đánh này bao hàm chủ yếu là thủy binh. Từ Quy Nhơn, quân Tây Sơn men theo duyên hải miền Trung ngày nay rồi vào cửa Cần Giờ mà đánh vào Sài Gòn. Bấy giờ, xét về quân số thì lực lượng của tập đoàn họ Nguyễn có ưu thế áp đảo, nhưng do hoàn toàn bị thất ngờ, chúng đã không thể nào chống đỡ nổi Tây Sơn. Nguyễn Phúc Thuần bị đánh bật ra khỏi Gia Định, bỏ cả quân sĩ mà chạy thục mạng về Trấn Biên (xưa là một vùng rộng lớn, đại để tương ứng với các tỉnh ngày nay như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước). Nguyễn Lữ lập tức chia quân làm 2 bộ phận đi truy kích. Bộ phận thứ nhất thì truy đuổi Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Phúc Thuần hoảng hốt chạy đến lẩn trốn vào nhà một giáo sĩ người Tây Ban Nha là Diégo de Jumilla và chui xuống nằm dưới gầm giường mới thoát được (Lorenzo Pérez. Les Espagnols dans l’Empire d’Annam Bulletin de la Société des Études Indochinoises.-Tom XV. N0 3. 4-1940). Bộ phận thứ hai thì tiến thẳng xuống Long Hồ (vùng Vĩnh Long ngày nay), quyết đánh tan lực lượng của họ Nguyễn đang đóng giữ tại đây. Một trận đánh khá lớn đã diễn ra ở Long Hồ và kết quả là Tây Sơn đã toàn thắng, tướng chỉ huy lực lượng của họ Nguyễn ở đây là Bùi Hữu Lễ (hiện chưa rõ lai lịch) bị quân Tây Sơn bắt sống.
Thấy những mục tiêu chính yếu đặt ra cho cuộc tấn công đã hoàn thành, Nguyễn Lữ liền rút quân về Quy Nhơn, chỉ để lại một bộ phận nhỏ làm nhiệm vụ giữ đất. Với trận tấn công này, Chúa Nguyễn Phúc Thuần tuy chưa bị giết và lực lượng của Chúa Nguyễn cũng chưa hoàn toàn bị tiêu diệt, nhưng thắng lợi của Nguyễn Lữ trong trận tấn công này có ý nghĩa rất to lớn đối với toàn bộ sự phát triển của phong trào Tây Sơn sau đó. Từ đây, quá trình sụp đổ thảm hại của cơ đồ họ Nguyễn diễn ra ngày một gấp gáp và vô phương cứu vãn. Cũng từ đây, sức cuốn hút mạnh mẽ của Tây Sơn đối với các tầng lớp nhân dân Gia Định bắt đầu.
3. Cùng với Nguyễn Huệ, chỉ huy quân Tây Sơn tấn công vào Gia Định lần thứ năm (năm 1783)
Năm 1782, quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ chỉ huy đã tấn công vào Gia Định lần thứ tư (Xem xxxxxxx). Và với cuộc tấn công lần thứ tư đó, một lần nữa, Nguyễn Ánh bị đánh cho tơi bời. Mùa hè năm 1782, sau khi thấy tình hình Gia Định đã tạm ổn, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ lại rút đại quân về Quy Nhơn, giao đất Gia Định cho tướng Đỗ Nhàn Trập (hiện chưa rõ lai lịch, chỉ biết ông vốn là tướng của quân Đông Sơn, đội quân đối nghịch với Tây Sơn, sau hàng Tây Sơn và trở thành tướng của Tây Sơn) coi giữ. Thấy Đỗ Nhàn Trập chỉ có 3000 quân mà đất Gia Định thì quá rộng lớn, khả năng kiểm soát và khống chế của Tây Sơn không cao, Nguyễn Ánh liền quay lại để tìm cách đánh trả. Bấy giờ, ngoài lực lượng của mình, Nguyễn Ánh còn nhận được sự trợ giúp của một số chiến hạm Pháp và Tây Ban Nha, vì thế, quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Đỗ Nhàn Trập không sao chống đỡ nổi. Đất Gia Định mất dần vào tay Nguyễn Ánh, đó là chưa nói rằng, lực lượng thân Nguyễn Ánh ẩn náu tại Bình Thuận cũng nhân cơ hội đó mà ngóc đầu dậy. Tình hình biến đổi theo xu hướng ngày càng bất lợi cho Tây Sơn.
Tháng 2 năm Quý Mão (1783), Bộ chỉ huy Tây Sơn quyết định cử Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đem quân tấn công vào Nam để trừng trị Nguyễn Ánh. Đó là cuộc tấn công vào Gia Định lần thứ năm. Lần này, lực lượng của Tây Sơn gồm chủ yếu là thủy binh. Cùng với Nguyễn Huệ và các tướng lĩnh cao cấp khác, Nguyễn Lữ đã có công tham gia vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ huy mấy trận giáp chiến rất quan trọng sau đây:
– Đập tan phòng tuyến của Nguyễn Ánh thiết lập ở hai bên bờ sông Sài Gòn, giết chết tướng Tôn Thất Mân và bắt sống tướng Dương Công Trừng cùng nhiều tướng lĩnh và quân lính của Nguyễn Ánh.
– Tổ chức truy đuổi Nguyễn Ánh và Châu Văn Tiếp khi cả hai hốt hoảng bỏ chạy. Châu Văn Tiếp buộc phải trốn sang tận Xiêm La, còn Nguyễn Ánh thì về ẩn náu tại Ba Giồng (nay thuộc Tiền Giang).
– Tấn công vào sào huyệt ẩn náu của Nguyễn Ánh, khiến cho Nguyễn Ánh bị đại bại, các tướng thân tín của Nguyễn Ánh như Nguyễn Đình Thuyên (người huyện Tân Long, nay thuộc Đồng Nai), Nguyễn Văn Quý (chưa rõ lai lịch), Trần Đại Huề (người Phú Vang, Thừa Thiên-Huế, con của Trần Đại Thể)… đều bị tử trận, tướng Nguyễn Kim Phẩm (người Nam Định, vượt biển vào với Nguyễn Ánh năm Kỷ Hợi, 1779) bị bắt sống.
– Truy đuổi gấp gáp, khiến cho Nguyễn Ánh phải bôn tẩu khắp nơi. Các tướng thân tín khác của Nguyễn Ánh như Tôn Thất Cốc, Tôn Thất Hoảng, Vinh Ma-ly và Tôn Thất Điển đều bị bắt và bị giết, tướng Lê Phúc Điển phải mặc áo Nguyễn Ánh để đánh lừa Tây Sơn, Nguyễn Ánh mới thoát được (Tôn Thất Cốc, Tôn Thất Hoảng đều thuộc dòng dõi quý tộc họ Nguyễn; Tôn Thất Điển là em của Nguyễn Ánh; Lê Phúc Điển người Phú Vang, Thừa Thiên-Huế; Vinh Ma-ly là người Xiêm La tình nguyện theo Nguyễn Ánh).
Từ đây, cuộc truy đuổi ngoạn mục của quân Tây Sơn đối với Nguyễn Ánh diễn ra liên tục trong mấy tháng trời. Nguyễn Ánh phải chạy hết đảo này đến đảo khác dọc theo vùng duyên hải phía Tây Nam, hầu như chẳng có được một ngày nào bình yên. Đã có lúc Nguyễn Ánh bị đuổi, phải chạy ra ngoài biển khởi, cách đất liền những 200 cây số. Cuối cùng, để mong thoát được thế quẫn bách, Nguyễn Ánh đã cam tâm đi cầu ngoại viện, rước quân xâm lược Xiêm La về giày xéo đất nước ta.
4. Lời cuối về Đông Định Vương Nguyễn Lữ
Thuở thiếu thời, Nguyễn Lữ là bậc tu hành, sở nguyện là làm sao để quảng bá cho Ma-ni giáo, làm sao để có thể góp phần giữ đức và sửa đức cho thiên hạ. Nhưng rồi giang sơn bị đắm chìm bởi ách thống trị ngày càng tàn bạo của giai cấp phong kiến, không còn con đường nào khác, Nguyễn Lữ đã cùng với Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, cùng với những người bị áp bức đọa đày quả cảm cầm vũ khí, vùng lên “khuấy nước chọc trời”. Với tấm chiến bào, Nguyễn Lữ đã hiên ngang sửa đức theo cách duy nhất đúng của thời đại ông, đó là trước hết phải diệt trừ quân tham tàn. Tính chất và đặc trưng tuy có khác nhau, nhưng Nguyễn Lữ nói riêng và ba anh em Tây Sơn nói chung đã làm như tổ tiên ta trước đó hơn ba thế kỷ đã làm vậy:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo khử bạo”
(Nguyễn Trãi. Bình Ngô đại cáo)
Cùng tham gia phát động và lãnh đạo phong trào Tây Sơn, đi suốt cuộc trường chinh gian khổ của Tây Sơn, từ một người tu hành, Nguyễn Lữ đã trở thành một trong những danh tướng có tài năng trải rộng trên khá nhiều lĩnh vực khác nhau. Nguyễn Lữ quả là một hiện tượng độc đáo của lịch sử nước nhà vậy.
-
Năm 1776, Nguyễn Lữ là Thiếu phó.
-
Năm 1778, Nguyễn Lữ là Tiết chế.
-
Năm 1786, Nguyễn Lữ là Đông Định Vương, cai quản miến đất đại để tương ứng với Nam Bộ ngày nay.
-
Năm 1787, Nguyễn Lữ qua đời, do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ ông hưởng thọ bao nhiêu tuổi, tuy nhiên, điều chắc chắn có thể khẳng định là năm đó, Nguyễn Lữ chỉ mới trong độ tuổi từ ngoài ba mươi đến ba mươi lăm mà thôi.
Khi chuẩn bị khởi nghĩa, Nguyễn Lữ là tướng hậu cần xuất sắc. Mọi thắng lợi của nghĩa quân Tây Sơn lúc ấy đều gắn liền với những cố gắng và thành công của Nguyễn Lữ trong việc chăm lo hậu cần.
Khi Tây Sơn phát triển mạnh mẽ, Nguyễn Lữ là một trong những vị tướng cầm quân xuất sắc. Trong năm lần tấn công vào Gia Định, Nguyễn Lữ từng một lần là tổng chỉ huy và một lần là đồng chỉ huy. Cả hai lần đó, Nguyễn Lữ đều lập được công lao lớn.
Tuy nhiên, khi được trao trách nhiệm đứng đầu một vùng đất rộng lớn và có vị trí chiến lược rất quan trọng thì vai trò của Đông Định Vương Nguyễn Lữ mờ nhạt dần. Nguyễn Lữ đã tỏ ra thiếu kiên quyết và sắc sảo trong nhiệm vụ quản lí đất Gia Định. Ông bỏ Gia Định về Quy Nhơn rồi qua đời tại đó.
Quả đúng là giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó hơn. Với sự nghiệp giành chính quyền, Nguyễn Lữ là một ngôi sao sáng, tuy nhiên, khi phải kiên quyết giữ vững chính quyền, ngôi sao Nguyễn Lữ đã sớm tắt lịm. Tiếc thay!
Nguồn: Danh tướng Việt Nam – Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.