Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân: “Nữ hoàng đầu bếp Việt” gắn liền với nhiều thăng trầm, xuất gia ở tuổi U70
Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân từng được tôn vinh là “huyền thoại gian bếp Việt” bởi những đóng góp to lớn dành cho nền ẩm thực nước nhà.
Cuộc đời gắn liền với nhiều thăng trầm
Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân sinh năm 1954 là con gái út trong một gia đình nghèo tại Hà Nội. Dù sinh ra trong gia đình theo đạo Phật, nhưng vào thời điểm năm 1960 – 1970, Cẩm Vân được gia đình gửi vào Sài Gòn học nội trú tại một trường dòng, bà đi nhà thờ đều đặn như những “con chiên” ngoan đạo. Sau đó,, bà trở thành giáo viên dạy văn cấp 3 của trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, rồi lập gia đình sinh con ở tuổi còn khá trẻ.
>> Xem thêm: “Sư cô Hoa hậu” Bích Liên hiện sống ra sao sau khi xuất gia?
Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân sinh ra trong một gia đình nghèo tại Hà Nội.
Có thể nói, cuộc đời của Cẩm Vân phải gắn liền với một chữ “nghèo” trong suốt nhiều năm. Sau khi mẹ mất, Cẩm Vân một lần nữa đối mặt với biến cố con trai út mắc bệnh tim khi chỉ mới vài tuổi. Với đồng lương ít ỏi từ nghề giáo, bà phải cật lực kiếm thêm bằng nhiều nghề khác nhau như dạy nấu ăn, dạy làm bánh, đan len, móc áo, thêu rua, may gia công… để xoay xở kiếm tiền nuôi gia đình và chạy chữa cho con, thế nhưng nợ nần thì ngày càng chồng chất mà bệnh tình của con trai út cũng ngày một nặng hơn.
Năm 1990, Cẩm Vân giã từ 18 năm theo đuổi nghề giáo để đưa con trai út sang Úc chữa bệnh tim. Ngày bà ôm con trai ra phi trường, trong túi chỉ vỏn vẹn 5 đô la, bà may mắn được một người chị kết nghĩa cho thêm 20 đô la cầm chừng. Sang xứ người, cuộc sống của 2 mẹ con Cẩm Vân mịt mờ theo đúng nghĩa đen. Bà liên tục làm lụng cả ngày trời chỉ để chắt chiu từng đồng giúp con được phẫu thuật, chưa kể còn phải gửi một ít về quê nhà phụ chồng nuôi con trai cả.
Cẩm Vân được biết đến với danh xưng “Nữ hoàng đầu bếp Việt”
Hành trình trở thành “Nữ hoàng đầu bếp Việt Nam”
Sau 1 năm xa xứ, Cẩm Vân trở về nước trong hoàn cảnh không thể khấm khá hơn khi nợ nần vẫn chồng chất và con vẫn đang mang bệnh. Nhờ khéo tay, thích làm những việc tỉ mỉ, bà tự tìm tòi dạy bổ túc, may thuê, làm bánh bông lan… Sau đó, cơ duyên khiến Cẩm Vân bước chân vào làm bánh cho Trung tâm Dạy nghề Tân Bình. Nơi này, Cẩm Vân bắt đầu bộc lộ tài năng và dành hết tâm huyết cho những giờ dạy về nghệ thuật nấu ăn. Bà từng chia sẻ có lẽ nhờ gen mẹ, nên bà nấu ăn khá khéo, lại có khứu giác đặc biệt tốt nên hầu như món nào chỉ cần ngửi thử một lần là nhớ mãi, từ đó tìm tòi ra cách nấu.
Năm 1993, Cẩm Vân được Trung tâm giới thiệu tham gia chương trình Khéo tay hay làm do Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Đây chính là cột mốc giúp cuộc đời của Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân bước sang một trang mới, được hàng triệu người từ già trẻ lớn bé đều yêu mến và cũng chính là bước đệm để bà trở thành đầu bếp tiên phong trong việc quảng bá ẩm thực Việt ra ngoài quốc tế.
Nhắc đến Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, khán giả khi ấy sẽ ấn tượng hình ảnh cô đầu bếp trên ti vi có giọng nói đặc biệt như rót mật, dáng người phúc hậu cùng mái tóc trắng như cô tiên
Sau đó, bà cũng được Hãng phim Phương Nam mời về chủ trì các chương trình video dạy nấu ăn 3 miền và món ngon ngày Tết. Bà còn đóng vai người bà kể chuyện cổ tích cho trẻ em trong cuốn video phim thiếu nhi Cổ tích Việt Nam 13 của hãng phim Phương Nam vào năm 2001.
Nhắc đến Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, khán giả khi ấy sẽ ấn tượng hình ảnh cô đầu bếp trên ti vi có giọng nói đặc biệt như rót mật, dáng người phúc hậu cùng mái tóc trắng như cô tiên và đặc biệt là tài nấu ăn khó ai sánh bằng.
Sau khi cuộc sống dần ổn định, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân còn viết hơn 40 đầu sách dạy nấu ăn, xuất bản vài tuỳ bút và tự truyện, ngoài ra bà còn mở cửa 3 nhà hàng rất được lòng thực khách Sài Gòn. Cẩm Vân từng tiết lộ, bà tích cực lao động cũng vì muốn kiếm tiền lo cho gia đình và muốn con cái có việc làm ổn định.
Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân còn viết hơn 40 đầu sách dạy nấu ăn, xuất bản vài tuỳ bút và tự truyện
Những năm đầu giai đoạn 2010, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân lui về ở ẩn tại một gia trang ở Bình Dương. Thi thoảng, bà vẫn nhận lời tham gia các chương trình hướng dẫn nấu món chay. Đây cũng là thời điểm Cẩm Vân bắt đầu nhen nhóm ý định sống một cuộc đời cho riêng mình khi con cái đã yên bề.
Con trai cả qua đời và cơ duyên xuất gia ở tuổi u70
Năm 2014, người con trai cả đột ngột qua đời ở tuổi 35, cú sốc này đã khiến người làm mẹ như Cẩm Vân gần như suy sụp. Trải qua những ngày tháng thương nhớ, bà tìm đến sự an lạc trong lòng bằng cách nương nhờ nơi cửa Phật. Giai đoạn ấy bà thường xuyên đến Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt để giúp nấu chay trong bếp.
Cho đến một ngày, khi đảnh lễ Sư Ông Trúc Lâm – Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Tôn sư đã đưa tay lên trán và nói một điều khiến bà suy nghĩ mãi: “Sao con buồn vậy, buông đi con”. Sau bao đêm tìm lời giải cho câu nói ấy, cuối cùng bà cũng thấm thía, buông tay nghĩa là trút bỏ những cảm xúc đau khổ, trút bỏ những vui buồn, giận hờn, hận thù, buông cả sự nhớ nhung dai dẳng dành cho con trai đã mất… cuối cùng bà cũng tỉnh ngộ.
Cẩm Vân có cơ duyên xuất gia ở tuổi u70
Ngày 21/5/2019, Cẩm Vân chính thức xuất gia tại một ngôi chùa ở quận 12, TP.HCM. Trước đây, bà đã quy y Phật với pháp danh Diệu Tịnh và ăn chay trường. Ngày cô đi tu, nhiều người đã khóc vì luyến tiếc một tài năng đang ở đỉnh cao của danh vọng, họ sợ sẽ không được nhìn thấy bà nấu ăn và nói chuyện trên ti vi nữa.
Những ngày tháng sau đó đúng là Cẩm Vân lui về ở ẩn thật, bà không xuất hiện trên truyền hình, mà lui về sống an nhiên, tự tại. Dù vậy, thần sắc của bà vẫn rất đẹp qua những tấm ảnh hiếm hoi mà con cháu đăng tải.
Tháng 3/2020, Cẩm Vân quyết định mở kênh YouTube “Tuệ Vân” để chia sẻ nấu các món chay, tất nhiên sự trở lại của bà đã khiến nhiều người vui mừng và rất mực theo dõi. Đến nay, sau hơn 2 năm, kênh của bà đã đạt hơn 170 nghìn người đăng ký và 14 triệu lượt xem. Kênh chay của Cẩm Vân rất phong phú về nội dung và chứa đầy cả tâm huyết của một đầu bếp gắn liền với ẩm thực.
Thần sắc của bà vẫn rất đẹp qua những tấm ảnh hiếm hoi mà con cháu đăng tải.
Có thể nói, suốt cuộc đời Cẩm Vân đã khóc rất nhiều, thăng trầm cũng không ít. Để rồi giờ đây, khi xuất hiện với một hình ảnh mới – người xuất gia, có lẽ bà đã chạm được vào ước nguyện từ lâu của mình khi lúc nào cũng tỏa rạng niềm an yên, nhẹ tênh.