Người phụ nữ “quyền lực” đứng sau thành công của vị tỷ phú giàu nhất nhì Trung Quốc: Yêu qua mạng, 6 tháng sau lập tức kết hôn
Nhân duyên 6 tháng bắt nguồn từ một ứng dụng trực tuyến
Mã Hóa Đằng (còn gọi là Pony Ma) sinh vào tháng 10/1971, là người gốc Triều Châu, tỉnh Quảng Đông nhưng lúc nhỏ sống tại tỉnh Hải Nam. Ông sống và học tập tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông từ năm 13 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thâm Quyến, ông trở thành kỹ sư IT làm việc tại công ty China Motion trong 5 năm.
Đến hiện tại, Mã Hóa Đằng đã được mệnh danh là “ông trùm kinh doanh và đầu tư”, là người thành lập Tencent – tập đoàn lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ 5 toàn cầu hiện tại với nhiều sản phẩm quen thuộc như QQ, Wechat…
Năm 2007 và 2014, tạp chí Time bình chọn ông là một trong những người có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Năm 2015, Forbes bình chọn ông là một trong những người có quyền lực nhất trên thế giới. Năm 2017, Fortune xếp ông là một trong những doanh nhân hàng đầu của năm.
Năm 2018 trong bảng xếp hạng tỷ phú Trung Quốc của CNBC, ông chủ hãng Tencent tiếp tục trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Năm nay, người đàn ông này vẫn nằm trong top đầu các tỷ phú với khối lượng tài sản ròng hơn 38,8 tỷ USD (theo thống kê của Forbes năm 2020).
Người ta nói rằng, đằng sau thành công của người đàn ông luôn có sự tồn tại của một người phụ nữ. Đằng sau Mã Hóa Đằng chính là người phụ nữ “quyền lực”, đồng thời là người vợ Vương Đan Đình của ông.
Khi mới gặp nhau, Mã Hóa Đằng đã bắt đầu thành lập Tencent Holdings Limited. Thông qua chính ứng dụng chat QQ do mình phát triển và đầu tư, ông tự nhận mình là một kỹ sư IT và bắt đầu trò chuyện với một cô gái kém mình 6 tuổi qua mạng.
Khi cô gái lạ mặt bất ngờ gửi câu hỏi: “Anh là ai?”
Mã Hóa Đằng đã trả lời: “Tôi là cha đẻ của chim cánh cụt (biểu tượng đặc trưng của QQ và Tencent)”.
Cô gái nghe vậy thì không tin và trêu đùa: “Vậy thì tôi là mẹ đẻ của chim cánh cụt rồi”.
Cách giao tiếp này đã để lại ấn tượng trong lòng vị chủ tịch Tencent. Họ dần nói chuyện qua mạng nhiều hơn. Ba tháng sau, hai người tình cờ cùng có công việc phải tới Bắc Kinh, thế là họ hẹn nhau chính thức gặp mặt, rồi yêu nhau và kết hôn chỉ sau 6 tháng quen biết.
“Sau khi kết hôn, trong mắt đối phương, chúng tôi đều là người bình thường, không có gì đặc biệt, cùng lắm là sống trong ngôi nhà to hơn một chút. Bà ấy lúc nào cũng chỉ coi tôi là giám đốc sản phẩm mà thôi“.
Chân dung người vợ mang nét đẹp truyền thống Vương Đan Đình của tỷ phú Mã Hóa Đằng.
“Hãy làm những gì bạn làm tốt nhất”
Vương Đan Đình vốn là một giảng viên đàn nhị của Trường đại học Cáp Nhĩ Tân và cũng là thành viên đàn nhị của hội liên hiệp nhạc công Trung Quốc. Bà vốn không có kiến thức chuyên môn kinh doanh mà chỉ tìm hiểu một số vấn đề thông qua mạng Internet.
Thế nhưng, bản thân Mã Hóa Đằng lại cho rằng: “Sự uyên bác và hiểu biết mà Đình Đình bộc lộ khiến tôi có cảm giác mình rất kém cỏi, cô ấy đúng là một cô gái tài năng, cao cao tại thượng. Khi cô ấy nói với tôi về vấn đề làm sao để thu hút đầu tư cho công ty và chỉ ra 5 điểm, tôi thậm chí còn lấy giấy ra viết lại“.
Bà cũng luôn là nguồn cảm hứng để vị chủ tịch Tencent đưa ra thêm nhiều bản cập nhật, đổi mới để hoàn thiện thêm các sản phẩm ứng dụng của mình. Điển hình là, khi thấy biểu cảm tức giận của vợ, ông đã tạo ra biểu tượng cảm xúc đáng yêu trên QQ Chat.
Khi Vương Đan Đình thường nói đùa rằng Mã Hóa Đằng là một nô lệ của cộng đồng mạng Trung Quốc mà bà cũng là một cư dân trong cộng đồng đó, do đó, Mã Hóa Đằng cũng là nô lệ của bà. Chính vì vậy, trên QQ Chat đã xuất hiện một trò chơi buôn bán nô lệ.
Người phụ nữ “quyền lực” này luôn tin rằng, chồng mình là người giỏi tập trung, tiếp nhận sự sáng tạo và không ngừng tìm tòi, đổi mới, theo đuổi sự hoàn mỹ của sản phẩm để phục vụ cho người dùng. Nhờ có niềm tin ủng hộ đó, vị chủ tịch Tencent mới có thể mạnh dạn thực hiện ý tưởng của mình. Ông cho rằng, hãy làm những gì bạn làm tốt nhất sẽ có tác dụng hơn là liều mạng chạy theo những thứ mà người khác am hiểu.
Tencent dần phát triển và trở thành tập đoàn lớn nhất Trung Quốc.
Dần dần, Mã Hóa Đằng không chỉ là một nhà khởi nghiệp dựa vào phần mềm chat trực tuyến QQ nữa. Tập đoàn Tencent bắt đầu phát triển vươn ra thị trường giải trí khổng lồ, cung cấp rất nhiều dịch vụ, trò chơi cũng như các ứng dụng thanh toán di động hấp dẫn đông đảo người dân sử dụng mạng Internet.
Thậm chí, Mã Hóa Đằng cũng mạnh dạn đầu tư vào các công ty công nghệ khác trên thế giới. Được biết, Tencent đang nắm giữ 5% cổ phần của Tesla và 12% cổ phần của Snap, công ty mẹ của ứng dụng SnapChat, chính thức trở thành “gã khổng lồ” không thể thiếu trong lĩnh vực công nghệ.
Khi doanh nghiệp ngày một lớn mạnh, đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh từ các “ông lớn” trong giới, Mã Hóa Đằng nhiều lần tức giận đập vỡ cốc chén, cũng phải thức đêm tăng ca liên tục để tìm phương pháp giải quyết vấn đề. Vào những thời điểm khó khăn ấy, Vương Đan Đình sẽ luôn làm tròn trách nhiệm của một người vợ, ở bên chia sẻ và động viên hết lòng.
Ngoài ra, bà luôn tuân thủ nguyên tắc không quá can thiệp vào chuyện của nhau mà chỉ tập trung vào việc mình giỏi nhất, đó chính là âm nhạc và kinh doanh một “gia đình”.
Ngày 29/10/2010 là sinh nhật của Mã Hóa Đằng và Vương Đan Đình đã tặng chồng một món quà độc đáo. Nhờ mối quan hệ trên internet của mình, bà tìm được tờ Nhật báo Nhân dân số xuất bản ngày 29/10/1971 (là ngày sinh của Mã Hóa Đằng). Sau đó bà nhờ một họa sĩ vẽ lên tờ báo này một con ngựa (thể hiện họ Mã của chồng) rồi đóng khung kính lại. Món quà này ngoài sức tưởng tượng của Mã Hóa Đằng bởi tìm được tờ báo xuất bản 39 năm trước là điều cực kỳ khó khăn.
Có thể thấy rằng, tuy bà không thành đạt như phu nhân của tỷ phú Vương Kiện Lâm, nữ doanh nhân quyền lực Lâm Ninh, nhưng lại sở hữu “quyền lực” riêng biệt ẩn trong nét truyền thống phương Đông của mình.