Ngôn ngữ văn xuôi của nhà văn Nguyên Ngọc

400

lượt xem

 

Nguyễn Văn Ngọc

(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) – Ngôn ngữ văn xuôi của nhà văn Nguyên Ngọc mang đậm hơi thở cuộc sống, con người. Những điểm nút của lịch sử, bước ngoặt của lịch sử, Nguyên Ngọc nói được bằng sự rung cảm mãnh liệt của mình về sự thần diệu đó. Văn mạch Nguyên Ngọc cuốn hút hấp dẫn, bằng sức trẻ trung của tâm hồn dân tộc, truyền cảm và lắng lại dư vị của những lời văn thấm đượm chất hịch, thôi thúc giục giã – một thứ văn hịch hiện đại hào sảng.


Nhà văn Nguyên Ngọc

Lời văn của Nguyên Ngọc là lời văn trang trọng, hào hùng. Nhà văn đã dùng từ ngữ trang trọng nhất để miêu tả người anh hùng. Ngược về thuở xưa trong sử thi cổ điển, phần lớn câu chuyện được thể hiện thông qua lời kể của nghệ nhân sử thi. Ngôn ngữ của người kể chuyện trong văn xuôi Nguyên Ngọc viết về chiến tranh mang âm hưởng sôi nổi hào hùng. Hình ảnh cụ Mết, anh Thú trong tác phẩm Rừng xà nu: “Anh nhìn cụ Mết ánh lửa chập chờn soi hình ông cụ làm cho thân hình vạm vỡ trông kỳ ảo như một người anh hùng trong các bài hát thâu đêm”. Hào hùng, trang trọng trong các cử chỉ lời nói: “Cụ Mết chống giáo xuống sân nhà, tiếng nói vang ra: Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, đàn bà mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây dao, một cây rựa. Ai không có thì vót chông năm trăm cây chông. Đốt lửa lên! Tiếng chiêng nổi lên… Đứng trên đồi xà nu gần con nước lớn suốt đêm nghe cả rừng Xô Man ào ào rung động. Và lan cháy khắp rừng…”. ( Rừng xà nu)

Giọng kể hào hùng của cụ Mết: “Tiếng cụ Mết vang vọng, như dội lại từ cái đêm xa xôi ấy. Cũng như đêm nay đây. Cũng trong nhà này đây, quanh cái bếp này đây, trời cũng mưa nhỏ lấm tấm như thế này. Tôi ngồi chỗ này, đúng chỗ này. Thằng Thú chỗ này còn con Mai thì ngồi đây, chỗ con Dít ngồi bây giờ… Phải không, Thú? Phải rồi! tất cả y hệt như thế này. Cũng mưa lấm tấm đều trên lá vả, cũng lửa xà nu cháy dần dậ , cũng máng nước đầu làng lách tách trong đêm khuya. Dân làng tụ tập tất cả ở đây để mừng Thú thoát từ Kon Tum trở về. Mai cũng ngồi trước mặt Thú như vậy đấy, cũng đôi mắt có hai hàng lông mày rậm đến che tới tròng đen long lanh, và đôi mắt đó ít trang điểm hơn, chất chứa nhiều yêu thương hơn, nhưng cũng thơm như vậy. Cững rắn như vậy đó. Và lúc đó cụ Mết không kể chuyện như bây giờ. Cụ chỉ nói: “Mai, đưa cái giấy của anh Quyết đây – Thú đọc lên cho cả làng nghe”.

Khi viết tác phẩm đầu tay Đất nước đứng lên, Nguyên Ngọc đã sử dụng rất thành công ngôn ngữ sử thi thông qua nhiều yếu tố, trong đó nổi bật ngôn ngữ hào hùng của người kể chuyện: “Boksung chậm rãi nói: Có nghe rõ không?… Đó là tiếng nước suối Thi-om chảy về nước con sông Ba. Nước sông Ba chảy qua làng ông Tú, rồi còn chảy xa nữa. Chảy miết xuống đến chõ rẫy của người Kinh, rồi chảy ra một con sông rất lớn, không có bờ, người Kinh gọi là biển…

Lũ thanh niên ngồi nghe Boksung kể chuyện, tưởng như thấy rõ ràng ông Tú trước mắt rồi. Ông Tú người to lớn, râu lưa thưa, con mắt ướt át mà ngó thẳng, trên khố dắt một cây gươm dài. Đất nước mình, Ba- na, Ê- đê, Kinh, Sê đông… Không có cái gươm như ông Tú. Cái gươm đó không phải là gượm thường, dó là một cái gươm giàng. Có cái gươm đó, không ai dám tới đất nước, bắt người mình đi xâu, nộp thuế. Tự do đi làm rẫy, tự do đi bắt cá dưới suối, đi săn con thú trên rừng, ăn no, mặc đẹp, đánh chiêng, thổi kèn, bao nhiêu tre lồ ồ trong núi dồn về làm đàn Tơ rưng, mùa lúa mới đánh đờn vui chơi cho hết một ông trăng… Cũng có một lần Pháp tới kêu người Ba –na đi xâu. Ông Tú đem gươm ra đánh, Pháp thua chạy hết cả… Nhưng có một bữa, trời mưa to gió lớn, sấm sét. Nước sông Ba to lên, chút nữa ngập hết rẫy làng. Ông Tú đem gươm ra múa, đánh mưa gió, cứu dân. Mưa gió phải chịu thua. Nhưng ông Tú múa mạnh quá, rớt mất cái rữa xuống sông Ba, chỉ còn cái cán cầm trong tay. Nước sông Ba chảy, trôi lưỡi gươm về dưới xuôi, người Kinh lấy được. Người Kinh giữ cái lưỡi, người Thượng giữ cái cán, hai người ở xa nhau, Pháp tới không có cái gì đánh nên thua. Pháp lấy được đất nước mình, bắt mình phải đi xâu, nộp thuế”.

Cảm hứng sử thi của Nguyên Ngọc là cảm hứng rất hoành tráng, vì vậy lời văn giàu âm hưởng khi vang vọng, khi thiết tha, thiên nhiên và con người đậm đà vóc dáng sử thi. Âm hưởng chủ đạo của sử thi Tây Nguyên hướng về nhân vật anh hùng. Không phải anh hùng cá nhân, mà nhân vật đó đại diện cho khát vọng cộng đồng trong giai đoạn lịch sử đó. Với Nguyên Ngọc dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời và cũng là trang văn xuôi đầu tiên của đời chiến sĩ – đời văn Nguyên Ngọc bắt đầu từ Tây Nguyên. Tây Nguyên là mảng hiện thực đã góp phần làm nên phần hay nhất trong văn xuôi Nguyên Ngọc. Nhà văn Nguyên Ngọc tâm sự về ảnh hưởng sâu đậm của hệ thống ngôn ngữ trong văn hóa Tây Nguyên khi viết Đất nước đứng lên:

“… Tôi nghĩ rằng chính nền văn hóa mà tôi có hạnh phúc được thấm đẫm đã tạo cho tôi hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật ấy, gần như là một cách tự nhiên trực giác vậy (….). Sự hòa quyện may mắn ấy đã tạo thành một hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật riêng vừa cũ vừa mới, vừa có thể thô sơ tự nhiên mà không đến nỗi cách xa với cái hiện đại. Tôi nghĩ rằng sở dĩ câu chuyện về anh Núp của tôi đến được với tâm hồn người đọc là vì nó đã được kể, hay dung hơn nó vận động trong hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật đó”. (Đôi điều nói thêm về Đất nước đứng lên).

Lời văn của Nguyên Ngọc giàu yếu tố so sánh, liên tưởng. So sánh trong văn xuôi Nguyên Ngọc thường hướng tới sự kỳ vĩ, hoành tráng, đậm đà tính sử thi. Trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên, nhà văn miêu tả quá trình cách mạng của đồng bào Tây Nguyên: “Cách mạnh như một cơn gió lớn, thổi tới tấp tràn lan khắp cả Tây Nguyên bao la. Qua bao nhiêu ngọn núi, qua bao nhiêu con sông, hàng chục dân tộc đang không có con đường đi, đứng dậy một loạt, tưng bừng chào đón cách mạng như chào đón mặt trời”. Khi miêu tả sự vật, Nguyên Ngọc so sánh: “Núi Tơ-Ngo, cách làng Koong Hoa một buổi đường. Sương buổi sáng không chịu tan, giống như một con gấu trắng rất lớn, cứ bò qua, bò lại trên núi”. So sánh với con người, Nguyên Ngọc viết: “Nhưng Ghíp đã qua, như con sóc nhảy trên cây, Ghíp chạy vùn vụt trong rừng, đầu tóc quăn thoáng qua thoáng lại trong lá cây như cái đuôi một con sóc”. Đến vùng rẻo cao Hà Giang, Nguyên Ngọc viết về những con người ở đó với một vẻ đẹp bình dị: “Cái lưng nó đã rộng bè và hơi cong lại như một con thú rừng sắp vồ mồi. Tóc nó đen và dài. Và cắp mắt nó thì đích thực là cặp mắt của một người mù thật sự, xếch lên một chút, sáng như hai đốm lửa trong rừng khuya và sâu đến nao lòng những cô gái nào vô tình nhìn vào đấy”. (Rẻo cao)

Trùng điệp, một đặc điểm quan trọng trong nghệ thuật kể chuyện của sử thi xưa. Người kể chuyện phải thường xuyên lặp lại những chi tiết quan trọng. Yếu tố trùng điệp trong văn xuôi Nguyên Ngọc góp phần làm nên âm hưởng hùng tráng, tạo ấn tượng mạnh mẽ. Đặc điểm trùng điệp biểu hiện dưới nhiều dạng thức. Có khi lặp lại một hình ảnh đặc sắc của thiên nhiên. Và lúc đó thiên nhiên trở thành một dụng ý nghệ thuật, mang ý tượng trưng. Có khi là sự lặp lại những chi tiết của một câu chuyện huyền thoại. Ngòi bút của Nguyên Ngọc có sự chắt lọc, chọn lựa trong quá trình mô tả hiện thực. Sớm phát hiện ra vấn đề, bản chất của hiện thực được trình bày qua những nghệ thuật độc đáo. Thường thì sự trùng lặp trong chi tiết, tựu trung vẫn là cảnh thiên nhiên. Thiên nhiên trong đặc tính trùng điệp của sử thi xưa kia. Kể cả những trang kí viết sau này như Cát cháy, Nguyên Ngọc vẫn vẫn tiếp tục văn mạch có hàm chứa yếu tố trùng điệp đậm đà sử thi.

Câu văn Nguyên Ngọc nhiều mệnh đề, thường dài, thỉnh thoảng lại xuất hiện những câu rất ngắn. Men theo mạch tự sự, sự cuốn hút ma lực của cảm xúc, câu văn kéo dài, cứ như dồn nén cảm xúc đến tận cùng: “Điện Bàn đã nói với tôi những gì? Những đau thương đã cày xé đất và người ở đây ư? Không đâu, Điện Bàn nói với tôi những điều lớn sâu hơn nhiều: Trên mảnh đất ấy đang tích tụ lại với tốc độ và một khối lượng còn khẩn trương và to lớn hơn gấp nhiều lần tốc độ và khối lượng tội ác chồng chất của kẻ thù, đang ráo riết tích tụ lại những nhân tố ghê gớm và trẻ trung của một cơn bão mới. Một cánh chim báo bão đã lượn vòng ngày càng siết lại trên bầu trời tích đầy điện ấy”. Có những truyện, bút ký, Nguyên Ngọc viết đến hai lần về một nhân vật có thật là Thào Thị Mỹ (tên trong truyện là Vàng Thị Mỹ). Lần đầu là truyện Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng, lần sau là ký Trở lại Mèo Vạc. Cái mạch nguồn tình cảm ấy, thủy chung son sắt, lần sau son sắt, lần sau mạnh mẽ, đằm thắm hơn, câu văn dàn trải khi miêu tả nhân vật: “Tôi chưa thấy người đàn bà nào có thể đi qua 30 năm dằng dặc đau khổ trầm luân tưởng chừng nhẹ tênh đến vậy. Vẫn đôi mắt xanh nâu đắm đuối ấy, có bình tĩnh và chín chắn hơn, đương nhiên, những ngọn lửa khát khao chừng không thể, không hề tắt. Vẫn gọn gàng nhanh nhẹn rắn chắc, có lẽ vẫn hệt ngày xưa, những ngày leo lên công tác Thào Trứ Lũng, Cán Trứ Phìn chót vót, Thào Mỹ đi trước, tôi theo sau, thấy chiếc váy lanh óng ánh của chị đong đưa theo nhịp bước và đôi bắp chân Mỹ nõn nà như hai cái ức trắng của đôi chỉm rừng lướt đi trong có đá”.

Ngoài yếu tố cảm xúc, trong văn xuôi Nguyên Ngọc có những yếu tố khác góp phần làm cho tư duy nghệ thuật nhà văn phong phú hơn, có nét độc đáo hơn trở thành một nét phong phú trong văn xuôi Nguyên Ngọc. Đó là sự nhận thức nói năng, sự suy nghĩ sâu sắc ở những góc cạnh hiện thực, con người. Vì vậy, câu văn vừa có sức mạnh truyền cảm vừa có chiều sâu: “Từ xưa đến nay, bao giờ cũng vậy, con người tự nhận thức ra mình trong quá trình chiến đấu với kẻ thù và với thiên nhiên. Mười năm đánh nhau với kẻ thù tàn bạo nhất của loài người, chúng ta đã học được rất nhiều. Song, điều lớn lao và đẹp đẽ nhất là chúng ta đã học hiểu chính bản thân chúng ta”. (Đường chúng ta đi)

Ngôn ngữ trong văn xuôi Nguyên Ngọc đậm đà ngôn ngữ sử thi. Nét nổi trội trong ngôn ngữ đó là thứ ngôn ngữ trang trọng, hào hùng, giàu yếu tố so sánh liên tưởng trùng điệp. Vốn ngôn ngữ phong phú, đậm hơi thở cuộc sống, giàu chiều sâu suy nghĩ, triết lý tạo sức dư vị lâu bền trong tâm hồn người đọc.

N.V.N

Rate this post