Ngọc bội
* Thời xưa, phụ nữ nước ta có dùng ngọc bội và các loại trang sức bằng ngọc khác như trong câu Kiều của Nguyễn Du “Nàng rằng trộm liếc dung quang? Chẳng sân ngọc bội thời phường kim môn”? (Phạm Mỹ Hằng, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)
– Ngọc bội (玉佩), “Hán – Việt tân từ điển” của Nguyễn Quốc Hùng giảng: “Cái thẻ bằng ngọc, quan đeo. Chỉ gia đình quyền quý”. Từ điển trích hai câu thơ từ Đoạn trường Tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du: “Nàng rằng trộm liếc dung quang? Chẳng sân ngọc bội thời phường kim môn”.
Ngọc bội cổ trang hình hoa sen. Ảnh: ST
Ngọc bội cũng là chủ đề được nhiều văn nhân Trung Hoa đề cập, như bài Cánh đề (Bèn lấy làm đề) của Đỗ Phủ viết năm 767, trong đó có câu: “Quần công thương ngọc bội,/ Thiên tử thúy vân cừu”. Phạm Doanh dịch thơ: Các quan đeo ngọc biếc,/ Nhà vua áo xanh màu.
Ngọc bội là miếng ngọc được đeo trên dải lưng phía trước trên trang phục của những người quyền quý, cao sang thời phong kiến ở Trung Quốc. Ngọc bội không chỉ được dùng làm đồ trang sức thể hiện tầng lớp, địa vị xã hội thời xưa, mà còn làm vật đính ước hay lời hứa hẹn giữa hai gia tộc môn đăng hộ đối.
Hứa Thận (khoảng 58-147), học giả Ngũ kinh thời Hán, viết trong sách do ông biên soạn Thuyết văn giải tự (Giảng giải ý nghĩa và phân tích hình thể chữ viết): “Ngọc là một thứ đá đẹp, có ngũ đức. Ôn nhuận, nhân từ một phương. Từ vẻ bóng bẩy bên ngoài có thể biết được bên trong, đại nghĩa một phương. Tiếng trong trẻo dễ chịu, vang rất xa, trí huệ một phương. Uốn mà không gãy, dũng khí một phương. Sắc bén mà không hại người, thánh khiết một phương”.
Ở Việt Nam, theo bài Trang sức bằng ngọc của người Việt xưa đăng trên trang covattinhhoa.vn, trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên, đồ trang sức bằng ngọc chủ yếu là đồ tùy táng được phát hiện trong các ngôi mộ cổ. Đó là những ngọc bội làm bằng ngọc xám và ngọc đỏ, tạo dáng như những món cổ đồng thời Ân Thương (1766-1722 trước CN) ở Trung Hoa, có khắc hình chòm sao thất tinh, hình rồng và mây; các ngọc bội hình cá bằng ngọc xám và ngọc trắng; các ngọc bội hình tròn dẹt, có lỗ ở giữa bằng ngọc lục bảo, hai mặt chạm khắc hình thú, hình mây xoắn; các loại vòng tay hình tròn dẹt bằng ngọc trắng xám có hình hai đầu rồng…
Vào thời Nhà Nguyễn (1802-1945), việc sử dụng ngọc nói chung, ngọc bội nói riêng, trong hoàng cung Huế rất phổ biến. Theo bài đã dẫn, ngọc được dùng để chế tác ấn tỷ, vật trang trí trong các cung điện, đồ văn phòng tứ bảo, hộp đựng trầu cau, đồ uống trà, uống rượu, các loại thẻ bài, đồ giải trí, đồ trang sức… Triều Nguyễn dùng ngọc để chế tác thành các chi tiết hình rồng, phượng, đóa hoa, dải mây… trang trí trên vương miện của vua và hoàng hậu. Ngọc cũng được chạm trổ thành những mảnh trí hình rồng mây gắn trên đai lưng trong các bộ trang phục của vua và hoàng tử. Ngọc còn được chế tác thành những ngọc bội hình chiếc khánh, thường được vua chúa và các vương tôn công tử đeo trên ngực.
Ngoài ra, còn có những chiếc lọ bằng ngọc trắng, có nắp làm bằng vàng dùng để đựng dầu thơm, hay những chiếc hộp đựng phấn để trang điểm làm bằng ngọc trắng và ngọc lục bảo. Thậm chí, trong kho tàng cổ ngọc của vương triều Nguyễn còn có một cặp kính có gọng làm bằng vàng và ngọc trắng.
Chuyện các loại ngọc cũng được bác sĩ người Pháp Charles-Édouard Hocquard (1853-1911) đề cập trong cuốn Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc Kỳ), xuất bản năm 1892: “Một vài bà thượng lưu cùng đeo dây chuyền bằng vàng hay bằng bạc làm bằng những chuỗi ngọc hay kim loại to như hạt đậu và đeo thành nhiều vòng quanh cổ”.
ĐNCT