Nghệ sĩ hài Phạm Bằng: Tuổi 85 chưa yên ổn…
Trên sân khấu, trên màn ảnh nhỏ, ông là diễn viên hài được nhiều người yêu quý. Vẫn cái vẻ tưng tửng, bất cần, cái gương mặt biểu cảm đôi khi ngơ ngác, lạc loài… Nhưng đối diện với ông, trong cuộc đời thường, là một Phạm Bằng có ánh mắt buồn rười rượi với những câu chuyện đầy dích dắc, dang dở ở cuộc đời.
Ở tuổi 85, ông may mắn được ông trời ban tặng cho sự khoẻ mạnh, minh mẫn để cống hiến cho nghệ thuật, để mang lại tiếng cười thâm thuý cho khán giả; nhưng cũng lại là ông, ở sâu bên trong là một nỗi lòng cô đơn vây kín…
NSƯT Phạm Bằng
Đã khá lâu, quán nhỏ quen thuộc bán bánh trôi tàu, chí mà phù của NSƯT Phạm Bằng không còn mở cửa. Nhiều người tiếc nuối cái hương vị “đặc trưng Phạm Bằng” ở phố Hàng Giầy nổi tiếng bao nhiêu năm nay trong những mùa đông lạnh giá.
Nói về việc này, gương mặt buồn của ông lại càng thêm ảo não: “Người chuyên nấu cho hàng chúng tôi hiện đang làm cho một nơi khác, chúng tôi đang mời cô ấy trở về nhưng thực sự là rất khó. Khó cho cô ấy, vì chúng tôi chỉ bán vào mùa đông, sau mùa đông thì nghỉ. Nghỉ thì cô ấy lại phải đi tìm việc khác, nó dở dang công việc của người ta ra. Ai cũng thế, phải mưu sinh nên mình không trách người ta được. Mà hiện nay, tìm một người “mát tay” đứng hàng cho mình, làm việc cho mình đầy lương tâm là rất khó. Người ta làm việc chân thực khi có mặt mình hay vắng mặt mình, để mình tin tưởng như cô ấy là rất khó”.
Men theo con ngõ nhỏ của ngôi nhà ở phố cổ, lên tầng 2, tôi ngạc nhiên vì ngôi nhà của ông. Nhà ông ở không giống với bất cứ ngôi nhà của một diễn viên sân khấu kỳ cựu nào, nhà ông đơn sơ đến lạ kỳ. Nếu như ở đâu đó nơi nhà hát, nơi rạp chiếu phim, trên logo quảng cáo của truyền hình hay trên những trang báo, hình ảnh của ông được giăng đầy trên các tấm pano – áp phích, thì trong ngôi nhà của chính ông, không có một bức ảnh nào, ngoài những bức hoành phi câu đối treo ngay ngắn trên bức tường úa màu của ngôi nhà cổ đã ngót 70 năm có lẻ.
Ông ngồi đối diện cùng tôi, nhỏ bé trong chính ngôi nhà của gia đình mình, bên cạnh chiếc phản gỗ đã cũ kỹ như chính cuộc đời Phạm Bằng với giọng nói trầm buồn như ám ảnh một thời quá vãng.
“Cậu ấm” Phạm Bằng từng được hưởng một cuộc sống sung túc trong những năm 30 vì cụ thân sinh ra ông là “dân” buôn bán sành sỏi. Sự giỏi giang của bà đã đưa gia đình ông thuộc vào hàng giàu có ở đất Hà Thành. Nhưng rồi mọi việc không suôn sẻ như mong đợi khi cuộc sống đổi thay, buôn bán sa sút, gia đình ông lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Niềm ước mơ của cậu thanh niên Phạm Bằng thuở ấy là được vào đại học cũng phải tạm gác lại. Đúng lúc đó, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội thành lập một đoàn kịch tổng hợp và ông đã xin vào Đoàn với ý nghĩ ban đầu là để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Vai diễn đầu tiên trong nghiệp diễn của Phạm Bằng là vai một anh công nhân trong vở kịch “Giờ phút quyết định” (Đạo diễn Nguyễn Bắc).
Nhưng vai diễn đánh dấu niềm đam mê của ông đối với sân khấu kịch là vai thiếu úy Minh trong vở kịch tình báo “Đêm tháng 7” (đạo diễn Dương Linh). Chàng trai trẻ Phạm Bằng nhận ra rằng, đóng kịch không chỉ để kiếm vài đồng tiền về phụ giúp mẹ nữa, mà nó đã bắt đầu ngấm vào ông như một sự đam mê, thích thú. Sau những vai diễn ông lại tìm ra được sở trường, sở đoản riêng và ông đã có sự cam kết với chính bản thân mình: sẽ diễn ngày một tốt hơn để được giao những vai diễn ghi dấu ấn vào lòng khán giả.
Sau 10 năm ở đoàn kịch Hà Nội, Phạm Bằng chuyển sang Đoàn kịch nói Trung ương, nơi mà mảnh đất rộng hơn cho diễn xuất của ông được khả dụng. Hai vai diễn đã mang lại cho ông hai huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc là vai Lý Trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong “Mớ đời Thương” (của Tất Đạt). Đây là hai vai diễn hoàn toàn trái ngược nhau, một vai phản diện, một vai bi hài, nhưng Phạm Bằng đã vào vai tốt đến nỗi không ai có thể thay thế được.
NSƯT Phạm Bằng và vợ thời trẻ.
Nói về điều này, Phạm Bằng kể về một kỷ niệm vui, mà với ông, sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời đi diễn của mình. Hồi ấy, vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” diễn trong vài tháng liền, tuy vai Lý Trưởng chỉ có trong 2 màn diễn nhưng đó lại là vai diễn phản diện mang lại được không ít tiếng cười cho khán giả. Một đợt, vì bị khản giọng nên vai diễn Lý Trưởng do Phạm Bằng đóng đã được thay thế bởi một diễn viên khác. Không ngờ, có một nam khán giả, vì mê lối diễn xuất của Phạm Bằng (và cũng đã đi xem tới vài đêm liền trước đó), đã mời một số người thân đi xem đúng hôm không phải Phạm Bằng đóng.
Vị khán giả ấy nhận ra và sau khi hết màn diễn, đã lên phía sau cánh gà sân khấu “khiếu nại”, làm ầm ĩ cả khán phòng. Và rồi, người của đoàn kịch đã phải gọi Phạm Bằng đến nơi để chứng minh “Lý Trưởng thật” đã… mất giọng và đang phải nghỉ ốm. “Đó là thành công ngoài mong đợi của một diễn viên không được học qua bất cứ trường lớp nào như tôi – Phạm Bằng nói – nhưng cũng là niềm khích lệ lớn lao để tôi chuyên tâm đi với nghiệp diễn này suốt cả cuộc đời”.
Sau này, khi truyền hình phát triển, cái tên Phạm Bằng được đông đảo khán giả biết đến. Sự cương nghị, tính nghiêm ngắn, ít cười đùa với ông tưởng rằng sẽ rất hợp với những vai chính diện, nhưng ngược lại, số phận đã đặt ông ở vai trò một diễn viên hài thành công ngoài mong đợi. Chẳng cần nói nhiều, mỗi khi Phạm Bằng xuất hiện với dáng vẻ khổ sở, yếu đuối, nhưng khuôn mặt tưng tửng và ngoại hình nhỏ thó cùng cái đầu hói đã khiến người xem phải bật cười.
Ông lại luôn được vào vai “Sếp”, về nhà thì sợ vợ, ở cơ quan thì sợ các cô thư ký “mặt hoa da phấn” trong trò chơi “ăn vụng” của mình. Với lối diễn hài tưng tửng, tỉnh queo, ông đã định hình được một phong cách hài rất riêng mang thương hiệu Bằng “hói”. Mà kỳ lạ nhất là ngay cả việc “hói” cũng như là định mệnh xui khiến, bởi vì “hói” này là một thứ gen di truyền của dòng họ. Ông dù đã là thế hệ thứ tư nhưng đã bắt đầu hói từ ngày còn trẻ, một sự an bài của số phận giúp ông thêm đắt “sô” diễn hài. Nó trở thành một biểu tượng riêng của bản thân ông.
Tưởng chừng cuộc sống với những diễn viên hài sẽ đầy ắp những tiếng cười lạc quan, nhưng vui vẻ, hài hước, nhưng trong đời sống thực, NSƯT Phạm Bằng lại thường phải đối diện với không ít nỗi buồn, nỗi cô đơn mỗi lần trở về nhà sau những vai diễn hài mua vui cho thiên hạ. Bố ông sớm mất đi, để lại người vợ góa trẻ 24 tuổi và 3 người con. Mẹ ông ở vậy nuôi chị em ông khôn lớn, một tay cụ chèo lái con thuyền gia đình. Chính điều đó khiến cụ thành một người phụ nữ phong kiến, gia trưởng, độc đoán và khắc nghiệt.
Phạm Bằng ít khi cảm nhận được tình yêu thương của mẹ mình ngay từ hồi còn là một đứa trẻ. Cụ cho con sung sướng, đủ đầy đến dư thừa nhưng lại không cho con một tình yêu thương của một người mẹ theo đúng nghĩa của nó. Cụ từng muốn con trai mình sẽ làm nghề thầy giáo như người cha quá cố, nên khi Phạm
Bằng rẽ sang hướng khác thì cụ đã luôn mỉa mai cái nghiệp diễn mà Phạm Bằng theo đuổi với những câu nói chua chát, đay đả mỗi khi ai có vô tình hỏi đến: “Nó là con hát mua vui cho thiên hạ”, “Nó là loại xướng ca vô loài”, “Thằng hề”…
Phạm Bằng chưa bao giờ thấy mẹ vui, chưa bao giờ thấy mẹ ngợi khen, bà cũng chưa bao giờ đến xem ông diễn, cho dù thời kỳ ấy ông đã được coi là một diễn viên kịch có tiếng ở đất Hà Thành.
NSƯT Phạm Bằng kể: “Khi tôi chuẩn bị lập gia đình, tôi để ý tới 5 người con gái. Vợ tôi không phải là người con gái giỏi nhất, xinh đẹp nhất nhưng tôi chọn cô ấy vì tôi biết chắc rằng, chỉ có cô ấy mới có thể chịu được tính mẹ tôi. Mẹ tôi sống cuộc đời góa phụ ngót 70 năm, trong cách nhìn của bà, con dâu chỉ là một người hầu, một người để sai bảo, đay nghiến, chì chiết. Bởi vì, bản thân mẹ tôi, khi còn làm dâu cụ cũng đã phải chịu đựng sự khắc nghiệt của mẹ chồng. May mà vợ tôi là con nhà lễ giáo nên cắn răng một lòng một dạ chịu đựng sự dò xét của bà mà không một lời than vãn. Tôi biết hết sự chịu đựng của vợ mình nhưng không thể mở lời ra bênh vợ”.
“Có những hôm, chủ nhật ngày nghỉ, hai vợ chồng muốn về thăm nhà ngoại, thì phải đứng trước mặt bà vòng tay lại xin phép: “Thưa mẹ, chúng con xin về thăm bà ngoại ạ!”. Nếu bà nói “Vâng, xin mời anh chị!” thì được đi nhưng trong lòng bất an lắm. Nếu bà im lặng không nói gì thì vợ chồng tôi không dám bước ra khỏi cửa…”.
“Đến cuối đời, ngày mẹ tôi mất, thì người duy nhất mẹ tôi gặp, lại không phải là người con nào khác mà là vợ tôi. Cụ đang nằm trên võng, vợ tôi đang bóp chân cho cụ. Cụ bảo với vợ tôi một câu rất văn hoa: “Sống chẳng được nhờ, chết phải khói hương”, nói rồi cụ nấc lên một tiếng và đi. Sau này, vợ tôi cũng hiểu được lòng cụ nên cô ấy cũng chẳng nghĩ ngợi về quãng thời gian khổ sở ấy mà cho nó lui vào dĩ vãng…”.
Nhắc lại chuyện cũ, ông nghẹn ngào, thương người vợ đầu gối tay ấp đã ra đi hơn 15 năm nay. Đây là quãng thời gian chông chênh nhất, ông sống như một cái bóng trong ngôi nhà của chính mình, ngôi nhà đầy dấu ấn của mẹ, của vợ.
Ông và các con của ông đã phụ thuộc quá nhiều vào bàn tay chăm sóc của người phụ nữ đảm đang trong gia đình, bởi vậy mà chẳng may bà chuyển bệnh mất sớm, bố con ông bơ vơ vì thiếu một điểm tựa. Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Ông không có một bữa cơm ấm cúng gia đình. Mỗi lần đi diễn về, bỏ lại tiếng cười phía sau cánh cửa nhà, ông đối diện với một nỗi trống trải vô bờ.
Bốn người con của ông thì hai người đang ở nước ngoài, ông ở cùng hai người con còn lại, một trai một gái, họ đều đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có gia đình. Về trong căn nhà chỉ biết nhìn nhau, toàn những người ít nói, ngại giao tiếp và cuộc sống cứ đạm bạc qua ngày.
NSƯT Phạm Bằng trong phim.
Ông bảo: “Tôi là diễn viên hài, nhưng trong đời sống thường nhật, tôi ít khi “phát tiết ra ngoài” cái sự hài hước của mình như một số diễn viên hài khác, một phần cũng là do dấu ấn của mẹ tôi để lại. Sự nghiêm ngặt của bà khiến tôi sợ, nhưng vô hình nó đã ăn vào tâm thức tôi. Tôi không đối xử với con cái theo cách của mẹ tôi, nhưng tôi cũng không xuề xòa với con cái giống như cách của ông Bằng “Hói” trên màn ảnh. Giờ đây cuộc sống càng buồn vì không có người vợ dịu hiền bên cạnh. Các con cũng đã lớn và tự sống theo cách của riêng mình. Còn tôi lặng lẽ như chính con người mà bạn đang thấy đây. Thật sự mà nói, không có gì đau đớn bằng việc, người vợ ra đi quá sớm, để lại một khoảng trống và sự thiếu hụt đến khủng khiếp trong căn nhà và trong cả quãng đời còn lại của chúng tôi. Người vợ, người mẹ trong gia đình thực sự quan trọng lắm, chẳng qua nhiều người trong đời sống thường nhật, chưa nếm trải nỗi mất mát ấy nên chưa thể lý giải được”.
NSƯT Phạm Bằng có lẽ không như trong hình dung của nhiều người. Ông có sự lãng tử của một “cậu ấm cô chiêu” nhưng cũng có độ sâu sắc từng trải của một con người nếm trải quá nhiều mất mát, ở ông lại có sự từ tốn, kiêu bạc của một nghệ sĩ thực sự.
Ở tuổi này, ông vẫn nhận lời đi diễn hài, những vai diễn mà ông thích và tâm đắc để vừa tìm niềm vui cho tuổi già, vừa vừa kiếm đồng ra đồng vào. Bởi nếu không đi làm, tôi đồ rằng ông sẽ cô đơn khủng khiếp trong căn nhà cổ cũ kỹ với mọi thứ đều chông chênh vì không có bàn tay người đàn bà sắp xếp.
Gian điện thờ Tam tòa Thánh Mẫu với đủ ba Ban choán hết hơn hai phần ba ngôi nhà khiến sự vắng vẻ như được nhân lên. Cái điện thờ uy nghiêm tại gia được chính tay của cụ bà thân sinh ra nghệ sĩ Phạm Bằng lập nên từ cách đây hàng chục năm theo tín ngưỡng của riêng cụ.
Nghệ sĩ Phạm Bằng bảo, bây giờ điện thờ Mẫu để Mẫu ban cho chúng tôi sức khỏe, yên bình. Chúng tôi sống với cái tâm của mình, không đua chen, so bì với thiên hạ nên mọi việc cũng bình thường vậy. Dĩ nhiên, trong cuộc đời ai chẳng có lúc này lúc khác, song cuộc sống là điều mà chúng ta không thể nào lựa chọn. Tôi đã 85 tuổi, nhưng chưa thể nói là yên ổn. Còn nhiều việc phải làm và tôi chấp nhận mọi thử thách của số phận…