Nghệ sĩ Tiểu Bảo Quốc và cảnh gà trống nuôi con suốt 20 năm
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, nghệ sĩ hài Tiểu Bảo Quốc mong gặp được người phụ nữ yêu thương và biết chia sẻ, kể cả họ làm những nghề buôn gánh bán bưng.
Tiểu Bảo Quốc hoạt động tại sân khấu Thế giới trẻ, TP HCM. Ở sân khấu đông khách bậc nhất Sài Gòn, anh là một trong những diễn viên hài được khán giả yêu thích bên cạnh Thu Trang, La Thành, Khương Ngọc… Cũng như cách diễn hài kiểu thâm trầm, bỏ nhỏ trên sân khấu, ngoài đời, Tiểu Bảo Quốc nói chuyện từ tốn và chân thành. Mỗi khi nhắc đến những khúc quanh của cuộc sống, anh lại nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. Anh bảo, những thăng trầm trong cuộc sống giúp vai diễn của anh sâu sắc và đời hơn.
Từng chở xe ôm, mua ve chai khi không có show diễn
– Tên Tiểu Bảo Quốc khiến nhiều người nhầm tưởng anh là con cháu của NSƯT Bảo Quốc. Còn anh, tại sao lại chọn cái tên ít mang bản sắc cá nhân như vậy?
– Tôi hâm mộ và biết ơn chú sáu Bảo Quốc nhưng tôi chưa bao giờ có ý đặt theo tên chú. Tên của tôi do soạn giả Đào Việt Anh đặt vì ông bảo Phước Hậu – tên thật của tôi nghe hiền quá. Nhìn tôi lại rất giống NSƯT Bảo Quốc.
Sau này, đi tấu hài cùng chú, tôi xin chú đặt lại tên thì chú bảo: “Mọi người đã nhớ tên con là Tiểu Bảo Quốc, thay đổi sẽ không tốt. Chú thường bảo tôi: ‘Chú không phiền mà cảm thấy tự hào khi có người đệ tử giỏi như con’”.
Nghệ sĩ Tiểu Bảo Quốc nhiều lần rơi nước mắt khi kể về cuộc đời thăng trầm của mình.
– Một mình “gà trống nuôi con” từ khi bé mới 3 tuổi, công việc lại không suôn sẻ, anh xoay sở cuộc sống thế nào?
– Phải nói đó là thời gian khổ cực nhất trong cuộc đời tôi. Những năm 1990, cải lương thoái trào nên diễn viên như tôi không có show diễn, phải đi chở xe ôm hơn một năm, mua bán ve chai hơn 2 tháng. Lúc đó, phải thức khuya dậy sớm chở khách nhưng tiền không được bao nhiêu. Sau đó, được bầu Quới gọi đi tấu hài cùng Tuấn Hải, nhờ thế cuộc sống bớt khó khăn.
Nỗi khổ về tiền bạc, không khổ bằng tình cảm. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao vợ cũ lại bỏ nhà đi thường xuyên và khi về lúc nào cũng mang theo một món nợ. Tôi nhớ mãi, sau 3 tháng đi tấu hài, tôi bỏ ống heo được 10 triệu đồng. Tôi dự định tổ chức thôi nôi cho con, hoan hỉ mời anh em bạn bè đến nhà hàng. Tuy nhiên, đập heo lấy tiền, thì tất cả đã không cánh mà bay. Hóa ra, số tiền ấy đều bị vợ lấy hết. Tôi chạy ra đường, nước mắt giàn giụa vì đau xót.
Đến ngày sinh nhật con 3 tuổi – ngày cuối cùng cô ấy ở nhà. Tôi bảo: “Nếu em thay đổi, sống vì con, anh sẽ trả hết nợ cho em. Nếu em đi nữa thì viết giấy để con lại cho anh”. Cô ấy ký giấy đồng ý và sáng hôm sau bỏ đi. Nhiều đêm tôi ngửa mặt lên trời hỏi: tại sao số mình lại khổ vậy? Tôi là người sống có trách nhiệm với vợ con chứ đâu mê chơi bời mà lại bị đối xử như thế?
Đau buồn đấy nhưng tôi không cho phép mình gục ngã. Tôi phải nuôi con nên lao vào công việc. Khi con nhỏ, đi diễn ở đâu cũng địu con đi cùng. Lúc ra sân khấu, tôi nhờ đồng nghiệp trông cháu. Chạy đến điểm diễn khác, phải chạy xe thật nhanh, sợ tai nạn nên tôi để con ở đó với bình sữa. Tối về hai tía con lót dạ bằng tô hủ tiếu, gói mì. Có lẽ vì sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, sớm phải đi làm việc cùng tía (ba – PV) nên con tôi ngoan ngoãn, tự làm mọi việc từ nhỏ.
Tiểu Bảo Quốc hạnh phúc khi lo cho con học hành đàng hoàng. Con trai anh đang học tại Đại học Hoa Sen. Ảnh: NVCC
– Khi cải lương thoái trào, anh chạy sang tấu hài. Đến khi tấu hài thoái trào, anh chuyển sang sân khấu. Xem ra anh cũng thức thời?
– Đó là tùy cơ ứng biến, đói quá thì chân phải chạy thôi. Năm 2005, hài bị bão hòa, giá trị của nghệ sĩ hài trên sân khấu không còn như trước, lại phải chứng kiến cảnh các ca sĩ giành giật giờ diễn, xe cộ chạy nguy hiểm. Mấy lần tôi suýt chết vì chạy show. Vì thế, tôi quyết định dừng tấu hài và xin vào sân khấu kịch Sài Gòn.
Thế nhưng, bước vào sân khấu, nghệ sĩ cải lương như tôi tủi thân lắm. Các diễn viên sân khấu đã có sẵn ê-kíp, còn tôi, đoàn cho vai nào diễn vai đó. Tết ai cũng được lên lương, còn mình thì bị giảm từ 250.000 đồng xuống 150.000 đồng. Hỏi trưởng đoàn, họ trả lời: “Anh hát ít thì nhận lương ít”. Một tháng khi ấy tôi thu nhập chỉ có hơn 2 triệu đồng. Đêm nào nhận tiền về, tôi cũng khóc. Làm sao tôi nuôi nổi con với số tiền đó. Gần Tết, trưởng sân khấu bắt tôi lên tập kịch ròng rã cả tháng, đến lúc diễn thì phải nghỉ vì vai đó của người khác. Quá buồn bã, tủi thân, tôi niệm Tổ phật, xin cho mình một lối thoát. Tôi quyết định nghỉ sân khấu kịch Sài Gòn.
Trong lúc lao đao đó, Hồng Vân kêu về sân khấu Phú Nhuận. Xem tôi diễn thử, em trả 300.000 đồng/vai. Khi tôi thế những vai lớn, em ấy trả cho tôi 400.000 đồng. Em còn mời tôi làm đạo diễn, trợ lý để tôi gia tăng thu nhập. Đến giờ, tôi vẫn không quên ơn, nhớ mãi em Hồng Vân – người thắp ánh sáng cho cuộc đời tôi.
Hiện tại, tôi diễn ở sân khấu Thế giới trẻ, đi quay chương trình, phim truyền hình, cuộc sống đã khá ổn định.
Bị phản đối khi xin cưới cô gái bị tật hai chân
– Cảnh gà trống nuôi con khổ như vậy, vì sao anh chưa đi thêm bước nữa, trước là có người giúp nuôi con, sau là có người chia sẻ?
– Tôi thiếu thốn tình thương cha mẹ từ nhỏ. Khi cha bỏ đi, mẹ lấy chồng khác, tôi sống với bà ngoại nên thấu hiểu hết sự mặc cảm, nỗi buồn của con trai. Gần 20 năm qua, có nhiều người thương tôi, thậm chí dành cả tuổi xuân cho tôi. Có mối tình dài 4 năm, 9 năm song đều phải chia tay. Ai cũng muốn có đám cưới, còn tôi sợ con sẽ bị khủng hoảng tinh thần, bỏ học thì tôi sống không nổi. Đó là chưa kể, nếu lấy vợ, có thêm con, trách nhiệm nặng gấp đôi mà lương đi diễn chỉ có bấy nhiêu đó.
Vì thế, quen ai, tôi cũng nói là đợi đến khi con trai vào đại học nhưng ai cũng có tuổi xuân, họ không chờ đợi được. Tôi cũng buồn khi phải tiếp tục sự cô đơn nhưng biết làm sao được vì mình đã hy sinh cho con bao nhiêu năm, thêm vài năm nữa có nhằm nhò gì.
– Nói như vậy, trong tình yêu anh là người lý trí, không bị tình cảm lấn át?
– Tôi nhạy cảm và cảm xúc lắm. Không phải tôi từ chối hết đâu. Có những người tôi xin cưới mà họ sợ, chạy trốn. Đó là cô bán tạp hóa gần nhà cũ của tôi ở trên đường Cách mạng tháng Tám. Cô ấy bị tật hai chân nhưng tốt bụng. Khi tôi gửi con trai để đi diễn, cô ấy cho ăn, dẫn đi mua quần áo. Nhìn cách cô ấy chăm con chu đáo, tôi xúc động mạnh. Tôi cần người phụ nữ biết chăm con, yêu con mình như thế nên ngỏ lời xin cưới. Gia đình cô ấy biết chuyện, phản đối dữ dội vì nghĩ tôi là nghệ sĩ, sao lại đi yêu cô gái bị tật hai chân. Họ sợ tôi trêu ghẹo con gái nên dẹp luôn tiệm tạp hóa, đưa con gái về Phú Yên. Từ đó, tôi mất liên lạc với cô ấy.
Tiểu Bảo Quốc và NSƯT Đàm Loan trong vở kịch Cõng mẹ đi chơi. Ảnh: FBNV
– Gà trống nuôi con suốt 20 năm qua, anh có chạnh lòng khi nhìn thấy cảnh gia đình người khác đi chơi, quây quần đầm ấm bên nhau trong những dịp lễ?
– Tôi thèm muốn có gia đình đầy đủ vợ chồng, tía con. Những lúc nhìn người khác hạnh phúc, tôi thương mình thì ít nhưng thương con thì nhiều. Tôi đã mồ côi từ nhỏ, chịu cực quen rồi nhưng lại không thể làm khác cho con. Có lẽ vì thương tôi, con trai thường bảo sau này sẽ không lấy vợ, sống với tía cả đời. Tuy nhiên, con lại khuyến khích tôi yêu. Vào ngày sinh nhật tôi tuần trước, con nhắn tin: “Mong tía béo gặp được người phù hợp để bớt buồn phiền. Con yêu tía”.
– Vậy mẫu phụ nữ thế nào, anh nghĩ sẽ phù hợp với mình?
– Đến tuổi này, tôi không mơ ước và có tiêu chuẩn cao về người bạn đời. Tôi chỉ mong gặp được người hiểu và chia sẻ hoàn cảnh của mình, cùng tôi xây dựng gia đình. Tôi thường bảo với bạn bè, nếu vợ tôi là người bán vé số, bán hàng rong nhưng nhân hậu, biết chăm lo cho gia đình tôi cũng không ngại.