Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời
Theo nguồn tin riêng của VOV online, Nghệ nhân Hà Thị Cầu vừa tạ thế lúc 12h30, ngày 3/3/2013, tại nhà riêng, vì ốm yếu tuổi già.
Lễ khâm liệm bà Hà Thị Cầu được thực hiện lúc 6h30 ngày 4/3/2013. Lễ viếng được bắt đầu từ lúc 7h cùng ngày.
Bà Hà Thị Cầu sẽ được an táng vào lúc 9g30 sáng 5/3 tại nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình).
Nghệ nhân Hà Thị Cầu (tên thật Hà Thị Năm, Cầu là cách gọi theo tên con trai cả của bà, theo cách mà ở vùng Yên Mô, Ninh Bình thường gọi), sinh năm 1917, tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Cha mất sớm, bà cùng mẹ về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình.
Bà được coi là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu lúc sinh thời, biểu diễn xẩm Thập ân “Theo Đảng trọn đời” do chính bà sáng tác
Khoảng 8 tuổi, bà đã bê chiếc thau đồng theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Định cư sống tại Yên Mô (Ninh Bình), hai mẹ con bà nương nhờ học hát tại nhà ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu khi đó hiện là trưởng 6 gánh hát ở Ninh Bình. Sau đó bà trở thành người vợ thứ của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (biệt danh là Chánh Trương Mậu).
Khi bà gần 40 tuổi thì ông Mậu qua đời, để lại cho bà 7 người con, 4 người lần lượt bị mất vì bệnh đậu mùa. Hiện tại bà sống cùng vợ chồng người con gái. Con rể bà làm nghề đánh cá còn con gái buôn bán rong các chợ Bút, chợ Ninh, chợ Nam Dân Ninh Bình.
Nghe “Theo Đảng trọn đời”- Nghệ nhân Hà Thị Cầu
Năm 1977, sau ngày thống nhất, bà viết bài “Theo Đảng trọn đời”. Sau đó bà đã được tham dự nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc, đoạt được nhiều huy chương vàng, giải thưởng đặc biệt. Năm 1981 -1982, bà được Nhạc viện Hà Nội mời tham gia phụ trách chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V.
Bà đã nhận được bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt “Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình” trong Liên hoan trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc.
Bước vào tuổi 90, bà kết thúc công việc hát rong của mình. Hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà đã được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông và đã nhận được nhiều sự ủng hộ tích cực của nhiều người hảo tâm. Những làn điệu xẩm cùng giọng hát của bà là những di sản quý giá còn lại của nghệ thuật xẩm. Bà đã được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào ngày 25 tháng 12 năm 2004 và đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Năm 2008, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc./.