Nghệ nhân Hà Thị Cầu – một “báu vật dân gian” độc đáo
Đi hát xẩm từ thủa 13, 90 tuổi vẫn mặn mà đằm thắm, vẫn đau đáu với câu hát xẩm. Lối hát nhẩn nha, tiếng nhị réo rắt, lời ca mộc mạc giản dị chan chứa tình quê, khuôn mặt hiền lành phúc hậu, cuộc đời nhiều truân chuyên, vất vả khó khăn vẫn một lòng theo Đảng: Bà Hà Thị Cầu là một hiện tượng trong văn hóa Việt.
Nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu (tên thật Hà Thị Năm, Cầu là cách gọi theo tên con trai cả của bà, theo cách mà ở vùng Yên Mô, Ninh Bình thường gọi), sinh năm 1917 tại Nam Định, sinh sống tại xã Yên Phong, huyện Yên Mộ, Ninh Bình, trong một gia đình nghèo, rất nghèo.
Từ thủa ấu thơ bà đã theo cha mẹ đi “Khắp chợ cùng quê” hát rong kiếm sống. Chính tiếng đàn khúc hát quê hương, qua cha mẹ, bạn nghề của cha mẹ đã ngấm vào máu thịt, ăn sâu vào tiềm thức của bà để sau này khi bà cất tiếng hát tiếng hát ấy là hồn quê, là nghĩa nước, là tình nhà, là tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật hát xẩm hun đúc mà thành.
Nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu
Không được học nên không biết chữ, nghệ nhân Hà Thị Cầu lại có một trí nhớ tuyệt vời. Theo cha mẹ, bạn nghề của cha mẹ hát, bé Năm lẩm nhẩm hát theo nên ngay từ thủa nhỏ bà đã thuộc hết các tích chuyên dân gian như “Nhị Độ Mai”, “Thoại Khanh Châu Tuấn”, “Phạm Công Cúc Hoa”, “Phạm Tải Ngọc Hoa”… đặc biệt là khúc hát về chàng Trương Chi đa tình mà giàu lòng tự trọng.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, bé Năm ngày nào đã trở thành thiếu nữ, rồi làm mẹ, làm bà. Gặp chúng tôi bà tâm sự rất chân thành: “Nhờ có Đảng, có Bác Hồ mà cuộc đời hát rong của bà được đổi thay. Bài hát xẩm: Con ơi theo Đảng trọn đời ” mà bà vừa soạn lời, vừa trình bầy là “cái tâm”, “cái tình” , “Cái nghĩa” của bà với Đảng, với Bác Hồ. Vốn không biết chữ nên nghĩ được câu nào bà lại nhờ con cháu, anh em ghi lại, rồi thỉnh thoảng đọc cho bà nghe để bà lẩm nhẩm học thuộc. Cứ như vậy, hơn ba năm bà mới hoàn thành tâm nguyện của mình.
(Con nghe) mẹ kể từ khi
Mới sinh con đã biết gì đau thương
Giặc Pháp (thời) giầy xéo quê hương
Bà con chết đói ngập đường đầy sông
Cảnh nhà ta, nay bước đường cùng.
Nghe bài “Theo Đảng trọn đời”
Bài ca không chỉ là hơn ba mươi câu lục bát mà là cả cuộc đời bà, cả cuộc đời những số phân như bà. Sâu nặng ân tình lắm lắm.
Nghệ thuật hát xẩm là một nghệ thuật độc đáo trong vốn âm nhạc cổ truyền của dân tộc, phải chăng vì điều này mà hát xẩm cũng cần những nghệ sĩ thật đặc biệt để thể hiện. Nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu là một nghệ sĩ “đặc biệt” như thế. Đặc biệt trong nghệ thuật hát xẩm Hà Thị Cầu không chỉ là đằm, sâu, mang đủ năm yếu tố vang, rền, nền, nẩy và tình. Đặc biệt không chỉ ở cách hát: Buông hơi, nhả chữ, lấy hơi, luyến láy, đảo phách, rung ngân.v.v.. mà đặc biệt còn ở tiếng nhị (Hồ gáo) thể hiện một cách thuần thục, điêu luyện.
Nghe bài “Hát xuôi hát ngược”
Có người cho rằng: Khi nghe nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu hát xẩm, dường như không phải là bà hát mà là nghệ thuật hát xẩm mượn bà để hát lên tiếng hát của chính mình. Quả thật, khi tận mắt chứng kiến bà vừa ăn trầu, vừa nhẩn nha kéo nhị, hết nhạc lưu không, đặt miếng trầu xuống, lại hát tiếp, nhiều nghệ sĩ bậc thầy của nghệ thuật ca hát dân gian đã “Thành tâm bái phục” xem nghệ thuật hát xẩm của bà là nghệ thuật đặc biệt không mấy có được.
Không chỉ là nghệ thuật hát xẩm thuần tuý, mà là nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu còn có thể thể hiện được nhiều bộ môn ca hát truyền thống như: chèo, cải lương, dân ca đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là nghệ thuật hát ca trù.
Nhiều năm qua nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà vẫn chưa chịu nghỉ ngơi dưỡng lão mà đi khắp mọi nơi để truyền bá nghệ thuật hát xẩm. Rất nhiều các nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp là học trò của bà. Mặc dù, chưa bao giờ là nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng bà đã có cống hiến rất lớn trong việc giữ gìn, kế thừa và phát triển nghệ thuật hát xẩm độc đáo của dân tộc.
Ghi nhận những đóng góp không nhỏ của bà, năm 1993 Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ ưu tú, danh hiệu mà rất ít các nghệ sĩ không chuyên có được.
Khi bài viết này đang hoàn thiện thì nhận tin bà đã ra đi mãi mãi. Tiếc thương bà những người làm công tác bảo tồn, truyền bá di sản văn hóa dân gian sẽ cố gắng nỗ lực hết mình để không phụ công bà và những nghệ nhân dân gian một đời vì nghệ thuật dân tộc như bà Hà Thị Cầu./.