Ngày cuối cùng của Họa sỹ Nguyễn Sáng ở Hà Nội
Ngày cuối cùng của Họa sỹ Nguyễn Sáng ở Hà Nội
Bảy giờ sáng thứ hai, họa sỹ Nguyễn Sáng lên máy bay rời Hà Nội. Cuộc chia ly với Bắc Kỳ có lẽ là vĩnh biệt này như được chuẩn bị bởi mưa phùn, gió lạnh đêm qua đột ngột trở về. Ông về nghỉ dưỡng ở quê nhà, nơi có sẵn nấm mộ người mẹ yêu thương, mộ phần người vợ trẻ bất hạnh và căn nhà hoang vắng, trống rỗng ở Cầu Bông – Sài Gòn chờ đợi ông về.
Bảy giờ sáng thứ hai, họa sỹ Nguyễn Sáng lên máy bay rời Hà Nội. Cuộc chia ly với Bắc Kỳ có lẽ là vĩnh biệt này như được chuẩn bị bởi mưa phùn, gió lạnh đêm qua đột ngột trở về. Ông về nghỉ dưỡng ở quê nhà, nơi có sẵn nấm mộ người mẹ yêu thương, mộ phần người vợ trẻ bất hạnh và căn nhà hoang vắng, trống rỗng ở Cầu Bông – Sài Gòn chờ đợi ông về.
Nguyễn sáng và Hoàng Đình Tài năm 1980
Đêm chủ nhật 16/11/1987 Hà Nội mất điện, lúc đó tôi đến thấy Quốc (anh vợ Nguyễn Sáng) đang ngồi ăn cơm trong bóng tối, chiếc đèn dầu Nguyễn Sáng say rượu đá vỡ. Bỏ chiếc túi có màn cá nhân đem theo, tôi sang buồng họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm ở đối diện mượn chiếu, chăn len nằm ngủ ở lối nhỏ hành lang trước nhà. Ngồi chơi với anh Nghiêm hồi lâu, tôi đi ăn mỳ ở phố Đình Ngang chờ Quốc mua thức ăn về cho Nguyễn Sáng, rồi cùng Thao (con trai Đỗ Nhuận) ở tầng 2 lên uống rượu tiễn và nói chuyện. Anh Nghiêm lúc này cũng sang chia tay. Nguyễn Sáng nằm còng queo như liệt, tiểu tiện tại chỗ, anh đang tìm chiếc quần đùi. Lát sau Hưng (cậu em vợ Nguyễn Sáng) lên mời mọi người thuốc lá Ga-lăng. Nằm trên nền nhà, Nguyễn Sáng hỏi tôi dạo này vẽ được nhiều không? Anh bảo tôi nên vẽ cởi mở hơn chút nữa.
Chiếc đèn Hoa Kỳ cháy tới sáng, đỏ lòm. Tôi thắp bếp dầu đun nước, chiếc bếp lâu không thắp cháy bập bùng, khó nhọc, lâu lắm nước mới sôi, tôi rót nước mời anh uống.
Gần sáng, Quốc ra ga mua 3 chiếc bánh mỳ patê, chúng tôi cho Nguyễn Sáng uống 2 viên Cloxít, cuốn chăn, màn vào túi du lịch, toàn quần áo cũ, nhàu nát. Một gói tiền nhỏ gói bằng giấy xi măng có lẽ là tiền bán tranh cho ông Bổng. Nguyễn Sáng dặn để lại toàn bộ đồ vẽ vì nặng lắm.
Ô tô 5h30 mới tới, tôi đeo túi du lịch chạy xuống, Quốc, Hưng dìu Nguyễn Sáng xuống cầu thang. Cánh cửa ô tô mở, hai đứa vội khiêng ông vào xe, tránh chiếc tàu điện lao qua…
Ô tô La Đa màu đỏ chót do cậu lái mới về Hội Mỹ thuật chạy qua phố Hai Bà Trưng đón đoàn họa sỹ Sài Gòn họp trở về, tay Thanh Châu nhảy sang xe chúng tôi. Xe chạy qua cầu Chương Dương hướng phía Nội Bài. Gặp nhà điêu khắc Nguyễn Hải, Thắng, Chi. Tôi giao giấy tờ và nói về sức khỏe của Nguyễn Sáng với anh Quách Phong. Hai túi vải anh Nguyễn Hải đeo dùm. Nguyễn Hải và Quách Phong hai người hai bên dìu Nguyễn Sáng khập khiễng từng bước trên sân bay. Hành lý của ông, lính hải quan không thèm nhìn, không khám, có một túi nhỏ khép kín, túi to bỏ ngỏ, bên trên phủ chiếc áo len họa sỹ Dương Bích Liên cho: cũ và bẩn…
Nguyễn Sáng, Giặc đốt làng tôi, sơn dầu, 1954
Nguyễn Sáng, Hai thiếu nữ, sơn mài, sưu tập Bolovit
Tôi thấy cay cay nơi sống mũi, nước mắt tự nhiêu trào ra. Vĩnh biệt Nguyễn Sáng, có thể nói gần như thế. 45 năm sống trên đất Bắc từ độ tuổi 20 thanh xuân lực lưỡng hăm hở tình yêu nghệ thuật và cách mạng tạo dựng sự nghiệp lẫy lừng, lúc trở về với tấm thân già nua, bệnh tật. Cuộc chia lý dưới bầu trời u ám đầy mây sao nặng nề và buồn thảm đến vậy.
Nguyễn Sáng ra đi, tôi nói “Anh đi em buồn lắm” còn Nguyễn Sáng nói “Anh cũng buồn lắm”… Chẳng rõ một mình ông sẽ sống ra sao ngày tháng cuối đời ở Sài Gòn náo động và khắc nghiệt lúc này.
Từ đây căn buồng tầng 3 số 65 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội đóng cửa, không còn bóng dáng Nguyễn Sáng xương thịt, cô đơn. Đời nghệ sỹ kiêu hãnh và bất tử trong những tác phẩm thiên tài còn nguyên vẹn trong ký ức mọi người.
Tôi chịu ơn ông – một người thày lớn lao ở nhân cách nghệ sỹ, tình yêu cái đẹp, cái thiện vô bờ, tài năng kỳ ảo vô biên, chí khí lẫm liệt, dòng máu nam bộ hiên ngang…
Tôi chịu ơn ông – một người bạn vong niên tri kỉ, tri âm. Sống thế nào để vẽ hay được là khó lắm. Khối tình lớn của ông trong veo như ánh sáng, một ngọn hải đang chói lọi giữa biển khổ mênh mông, đời nghệ sỹ chân chính, nhọc nhằn, tận hiến, tận dâng…
Có ai nói rằng: Đến tận cùng cá nhân thấy được nhân loại. Họa sỹ Nguyễn Sáng lại đến với số phận dân cần lao số phận lịch sử để thấy trái tim ông rộn ràng, cuồng nhiệt. Bằng tài năng của mình, ông tạo ra một di sản mạnh mẽ, tinh khôi. Bẻ bánh lái cho nền mỹ thuật hiện đại. Tập hợp sau mình họa sỹ thế kỷ XX không đồng nhất theo hàng dọc.
Sau lúc bày tác phẩm cuối cùng “Vũ trụ” triển lãm quốc tế ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm cá nhân 1984 lừng lẫy, ông bay vào vũ trụ riêng của ông, luân hồi theo kiếp sống: về với mẹ, với vợ, về căn nhà xưa thơ ấu, về mảnh đất Nam Bộ sinh thành, tận tâm sống những ngày cuối trước lúc về cát bụi, hư không của vũ trụ, như tình yêu ông gửi trong tác phẩm: Đôi tình nhân quấn quýt bay cao, tuổi thanh xuân bất diệt, nghệ thuật cao siêu không cùng của người nghệ sỹ lớn của nhân dân, đem vinh quang về cho một nền mỹ thuật.
Ngồi trước nhà họa sỹ Nguyễn Sáng, bà lão bán nước trà nói với tôi: “Ông ta tài lắm, nhiều hoa tay lắm, ông ta giầu lắm, một bức tranh bán đi sống được một đời…”
Và mới đây, hơn một lần Nguyễn Sáng nói với tôi rằng: “Anh không có quyền lực, cũng không có tiền bạc, nhưng Anh có ảnh hưởng” Ông còn giải thích thêm “Jesu, Đức Phật Thích Ca, Anhxtanh, Picasso,… có quyền lực gì đâu, có cho ai đồng nào đâu mà nhân loại cứ xì xụp lễ vái ngày đêm, nhắc tới họ luôn…”
“Không có Hà Nội, không có Nguyễn Sáng” – đó là lời của ông – Danh họa Nguyễn Sáng của Việt Nam.
H.Đ.T
(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số 08/2013)
Phim Đi tìm Nguyễn Sáng của Đạo diễn Hải Anh
- BÀI TRƯỚC / PREV POST
- BÀI KẾ TIẾP / NEXT POST
Tin trong nước
Tin Quốc tế