“Ngã ngửa” với những thói quen lạ đời của các nhà khoa học nổi tiếng
Các nhà khoa học thiên tài với sự thông minh xuất chúng, có nhiều phát minh vĩ đại cho lịch sử nhân loại như Nikola Tesla, nhà bác học thiên tài Albert Einstein, nhà phát minh Thomas Edison… đều có những thói quen rất quái gở, kỳ quặc khác người.
1. Albert Einstein và thói quen ghét đi tất
Albert Einstein (1879 – 1955) được công nhận là một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại, với thành tựu nổi tiếng là thuyết tương đối. Tuy nhiên, ông cũng có những sở thích vô cùng khác người, như không bao giờ đi tất, và thậm chí ghét bỏ chúng.
Sở dĩ có điều này là bởi Einstein khi còn nhỏ, đã luôn phàn nàn rằng ngón chân cái luôn khiến những đôi tất bị rách. Từ đó về sau, Einstein luôn đi dép, và thậm chí có lần từng đi dép của vợ khi quá gấp gáp không tìm thấy đôi dép của mình.
Albert Einstein còn có một thói quen được ông tuân thủ khá nghiêm túc và kỳ lạ về giấc ngủ, đó là chỉ “chợp mắt” trong ít phút, chứ không ngủ sâu. Để làm được điều này, mỗi lần chợp mắt trên ghế bành Einstein cầm trên tay một chiếc thìa và đặt một chiếc đĩa bằng kim loại ngay dưới. Khi cơ thể hoàn toàn thả lỏng, chiếc thìa rơi xuống đập mạnh vào chiếc đĩa khiến ông tỉnh dậy.
2. Nhà vật lý với thú vui “bẻ khóa” Richard Feynman
Richard Feynman (1918 – 1988) là một trong những nhà vật lý lỗi lạc nhất và nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Ông từng giành giải thưởng Nobel về vật lý năm 1965 và được đánh giá là 1 trong 10 nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại. Feynman đã tham gia dự án Manhattan của Mỹ để tạo ra một quả bom nguyên tử.
Bên cạnh những thành tựu khoa học, Feynman còn nổi tiếng là người khá nghịch ngợm, và có sở thích khác lạ.
Một trong đó phải kể tới việc Feynman đặc biệt thích dành thời gian rỗi của mình để “chơi” với các khóa an ninh, và kết quả là ông thường mở được hầu hết các tủ chứa tài liệu mật tại phòng nghiên cứu.
3. Nikola Tesla và chứng “sợ” vi khuẩn
Nikola Tesla (1856 – 1943) là một nhà phát minh, nhà vật lý, kỹ sư điện và kỹ sư cơ khí người Mỹ gốc Serbia. Ông làm việc cho Thomas Edison, và có nhiều bước đột phá quan trọng trong đài phát thanh, người máy và điện học.
Khi còn sống, Tesla luôn coi số 3 là một con số linh thiêng, ông đi bộ xung quanh một tòa nhà 3 lần trước khi bước vào, rửa tay 3 lần liên tiếp vì sợ vi khuẩn. Trước khi ăn, ông dùng tới 18 khăn sạch để lau bóng dụng cụ ăn, không bao giờ sử dụng một chiếc khăn 2 lần và luôn đeo găng tay khi dùng bữa.
Ngoài ra, Tesla còn bị mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), ông không chạm vào bất cứ thứ gì hơi bẩn, tóc, bông tai, thậm chí là các loại quả tròn.
4. Oliver Heaviside thích sơn móng tay màu hồng
Oliver Heaviside (1850 – 1925), là một nhà khoa học, nhà vật lý, nhà toán học và kỹ sư điện người Anh. Ông là người đã phát triển các kỹ thuật toán học phức tạp để phân tích mạch điện và giải phương trình vi phân.
Là một thiên tài hiếm có, nhưng ông cũng thuộc nhóm những “người kỳ cục”.
Theo đó, Heaviside luôn sơn móng tay màu hồng chói, thiết kế nhà ở của mình bằng các khối đá granite khổng lồ, thậm chí ông chỉ uống sữa để tồn tại trong vài ngày.
Nhà khoa học này cũng bị mắc chứng bệnh hypergraphia, một bệnh ở não khiến người ta ham viết lách quá độ. Trong lúc làm việc, ông thường ghi chép rất nhiều ý tưởng lên những cuốn sổ ghi, và rất nhiều trong số đó đã trở thành những nghiên cứu quan trọng.
5. Thomas Edison và thói quen “không bỏ phí” thời gian
Thomas Edison (1876 – 1935) được xem như là một trong những nhà phát minh có bằng sáng chế nhiều nhất trong lịch sử thế giới. Trong đó, rất nhiều thiết bị được ông sáng chế có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống con người trong thế kỷ 20.
Thomas Edison tin rằng những người ngủ quá nhiều thường rất chây ì và lười sáng tạo. Do đó ông rất thích được mọi người nhìn mình và khen ngợi như là người làm việc mẫn cán. Edison cũng tránh việc ăn uống, hầu như ông ăn rất ít, lười tập thể dục và thậm chí không thích nói chuyện nhiều với gia đình… những điều mà ông cho rằng vô cùng uổng phí thời gian.
Edison cũng có thói quen chia giấc ngủ thành nhiều giai đoạn trong ngày với giấc ngủ ngắn. Mục đích của việc này nhằm tăng năng suất làm việc. Tuy nhiên, các thí nghiệm chứng minh rằng cách ngủ này không đem lại kết quả như mong muốn.
6. Giáo sư đãng trí Werner Heisenberg
Werner Heisenberg (1901 – 1976) là một nhà vật lý lý thuyết xuất sắc. Ông là một trong những người sáng lập ra thuyết cơ học lượng tử và đã giành giải thưởng Nobel vật lý năm 1932.
Một trong những nghiên cứu nổi tiếng nhất của Heisenberg là khám phá ra nguyên lý bất định, trong đó nói rằng vị trí và động lượng của một vật thể không thể được biết chính xác.
Mặc dù có nhiều thành tựu “để đời”, nhưng giáo sư Heisenberg cũng nổi tiếng với cái đầu lúc nào cũng để trên “mây”.
Ông thậm chí từng trượt kỳ thi bảo vệ luận án tiến sỹ do gần như không biết một chút về kỹ thuật thực nghiệm. Trong bài thi lý thuyết, Heisenberg cũng có lần không trả lời được những câu hỏi cực kỳ đơn giản, thí dụ như “Pin hoạt động như thế nào?” của một giáo sư phản biện trong ban thẩm định luận án của mình.
7. Tycho Brahe – chết vì “nhịn” đi tiểu
Tycho Brahe (1546 – 1601) là nhà chiêm tinh học, nhà thiên văn học và là một nhà quý tộc người Đan Mạch nổi tiếng với cuộc sống lập dị và cái chết khác thường.
Trong một trận đấu kiếm ở trường đại học ông bị mất mũi và phải đeo một chiếc mũi giả làm bằng kim loại.
Tycho Brahe thích những bữa tiệc, ông hay mời bạn bè đến lâu đài vui chơi, hành động phiêu lưu, hoang dã trên hòn đảo của riêng mình.
Năm 1601, trong một buổi tiệc ở Prague, Brahe nhất quyết không rời khỏi bàn khi cần đi tiểu, vì rời khỏi bàn đồng nghĩa với kém cỏi và thua cuộc trong một trò chơi thách đố. Sau đó 11 ngày, ông bị chết do nhiễm trùng thận và bị vỡ bàng quang.