Nếu ngồi vào ghế Chủ tịch nước, họ Tô sẽ không chỉ dừng ở việc bắt bớ người!
Lê Hải Triều
Nếu Tô đại tướng thành công “ngồi tót” vào ghế Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, biết đâu hệ thống loa phường sẽ được kéo về tận từng hộ dân. Thủ đô Hà Nội sẽ có thêm “Quảng trường An ninh” thay cho cái quần thể “lố nhố” trên đường Trần Nhân Tông. Lúc bấy giờ Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ không dừng lại ở các vụ bắt bớ người hay thay hộ chiếu.
Bắt một người dọa muôn người
Ngày 15/9, tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Hà Nội), Bộ trưởng Công an Tô Lâm đưa ra một nhận định: xử “một vụ án thôi mà cảnh tỉnh cả một lĩnh vực, cả một vùng” (1). Chưa rõ có phải vì nhận định như thế nên vừa qua, Bộ Công an đã cho bắt ông Bùi Tuấn Lâm, người từng nhại động tác của “thánh rắc muối” Salt Bae, khi ông ta phục vụ món bò dát vàng cho ông Lâm bộ trưởng? Vụ bắt bớ này đã gây nên nhiều dư luận lẫn lộn, vừa ngạc nhiên, vừa không ngạc nhiên.
Không ngạc nhiên, vì ở một xứ mà Đảng Cộng sản đứng trên cả Hiến pháp thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Còn ngạc nhiên là vì không ngờ sự nhỏ mọn của những người cộng sản lại lớn đến thế. Nhà báo tự do Jackhammer Nguyễn từng đề cập đến vấn đề này hồi họa sỹ họ Bùi bị cưỡng chế suýt phải đốt hết tranh của mình, qua bài viết “Bạo lực và thù vặt của cộng sản qua câu chuyện ông Bùi Chát”. Lý do là vì Bùi Chát trước đây thường hay có ý kiến phản biện xã hội, nên đảng hận ông. Nay ông Lâm bún bò “cả gan” nhại ông Lâm bộ trưởng xơi bò dát vàng, cho nên ông Lâm bộ trưởng … cũng hận! (2)
Nhưng ngoài chuyện nhỏ mọn, có thể thấy thêm vài điều thú vị đằng sau vụ bắt bớ này. Thứ nhất, quyền lực của ông Lâm xơi bò dát vàng rõ ràng đang lên. Có lời đồn, ông Lâm có khả năng thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc. Thứ hai là “phong trào chống đối” ở trong nước dường như đã cạn kiệt, đến nỗi cơ quan Công an không có gì làm, phải đi bắt những người vô hại như ông Lâm bún bò.
Tướng Lâm giúp Tổng Trọng lập kỷ lục
Dù sao TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn muốn để lại một dấu ấn lịch sử sau hơn 10 năm “đứng mũi chịu sào” ở vị trí cao nhất của Đảng/Nhà nước. Ông đã bỏ tù được một cựu ủy viên BCT, đó là ông Đinh La Thăng và một lô một lốc tướng lĩnh và các Ủy viên Trung ương. Nhưng ông Thăng cũng chỉ là “tảng băng nổi”, mà bên dưới vụ này, còn vô số câu chuyện mà người dân, kể cả các đảng viên sẽ không bao giờ biết sự thật về một vụ tham nhũng “kinh thiên động địa”. Nhất là chuyện có phải ông Thăng dám “mắng mỏ” công khai các nhà thầu Trung Quốc nên đã phải trả giá đắt như vậy không? (3)
Trong quá trình điều tra vụ Việt Á, có hai “điểm nghẽn” liên quan đến TBT Nguyễn Phú Trọng mà Tô đại tướng đang tìm mọi cách vượt qua để giúp Tổng chủ lập kỷ lục. Thứ nhất, hiện nay hàng trăm con mắt đang đổ dồn vào cái Huân chương có chữ ký của Tổng chủ và thứ hai, rất nhiều dây rợ lôi ra từ vụ án “siêu quốc gia” ấy lại có liên quan mật thiết tới một trợ lý của TBT. Kẹt một nỗi, dù có trỗ hết tài nghiệp vụ thì đối với Việt Á cũng như những vụ đại án khác, Tô đại tướng chỉ có thể xoay xở trong phạm vi Việt Nam.
Càng gần đến ngày Hội nghị Trung ương 6 (TƯ 6), Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng càng phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm trong nội bộ. Đặc biệt là từ đầu tháng 9 đến nay, báo chí và các trang mạng xã hội tràn ngập tin tức về chuyện Việt Nam sắp có tân TBT ở khóa XIII này. Theo đó, thay mặt Bộ Chính trị (BCT), Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký “Quy định số 80” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Tăng cường “tính tập quyền” cho 18 Ủy viên BCT để TBT Nguyễn Phú Trọng có thể an tâm rút lui khỏi chính trường. Nhân sự cấp cao sẽ được BCT chuẩn thuận trên tiền đề của một “chiếu chỉ” từ đâu đó, sau các màn “đấu đá” hậu trường. Ghế lãnh đạo tối cao của đảng cũng có thể là kết quả so kè giữa Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, và có thể thêm một vài vị nữa. Tuy nhiên, ngay đến cả tin đồn đoán ông Nguyễn Phú Trọng sẽ “rút lui khỏi chính trường”, vẫn phải chờ đến “phút 89” mới có kết quả khả tín (4).
Có một luật bất thành văn trong BCT ĐCSVN là: những thành viên “Bộ Tứ” dù có bê bối đến đâu thì cũng không bao giờ có chuyện đưa ra xử công khai, với lý do là để giữ uy tín cho ĐCS. Hai trường hợp gần đây nhất là vụ bỏ phiếu định kỷ luật nhưng bất thành đối với “đồng chí Ba X” hồi tháng 10/2012 (tức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) và cái chết mờ ám của đương kim Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 9/2018). Đây là hai trường hợp sốt dẻo và là bài học nhãn tiền cho những đồng chí nào “chưa bị lộ” hay chỉ “mới bị lộ một phần.”
Liệu ông Trọng có “xử lý” gọn được ông Chủ tịch không? Chúng ta hãy chờ chỉ vài tuần nữa thôi. Dư luận cho rằng, nếu TBT thuyết phục được ông Phúc rút lui, thì đó là lý tưởng nhất, để TBT có thể trao cái ghế Chủ tịch nước cho Lâm đại tướng, như một “giải khuyến khích” trong cuộc đua nan giải đang diễn ra. Sau hoặc trước khi đó, ông Trọng sẽ “truyền ngôi báu – ghế TBT” cho “đệ tử ruột” của mình là ông Vương Đình Huệ (5).
Đường xa nghĩ nỗi sau này…
Tuy nhiên, nếu Tô đại tướng “ngồi tót sỗ sàng” lên ghế Chủ tịch nước thay chỗ của ông Phúc (mà điều này lại được Trung Quốc chấp thuận), thì tình hình nội trị lẫn ngoại giao của Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn. Quan hệ với Hoa Kỳ chỉ được triển khai các bước nhỏ. Trung Quốc tiếp tục cản trở nâng cấp bang giao Việt – Mỹ lên “đối tác chiến lược”, tiếp tục nắm sâu và lũng đoạn nội bộ lãnh đạo Việt Nam.
Hà Nội nếu do phái “công an trị” chiếm thượng phong, liệu có dám hưởng ứng “trật tự mới” vừa được tuyên do Trung – Nga cầm chịch? Campuchia đã rất nhậy bén, Hun Sen tuyên bố ủng hộ cả hai, cả “Sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) lẫn “Chiến lược Indo-Pacific Tự do và Rộng mở” (FOIP,) nhưng sẽ không để bên nào ép cả. Thực ra, Hun Sen đang muốn “cầm cờ” trục Nam – Nam. Việt Nam vẫn loay hoay giữa ngã ba đường và có thể thua Campuchia về năng động tính trong đối ngoại.
Nếu trong “bộ Tứ” mới của Việt Nam (do ông Tô Lâm thao túng) lại quyết định sắp hàng sau Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên, Iran… thì chiến lược mới (FOIP) của Mỹ và phương Tây nhiều khả năng bị ảnh hưởng. Việt Nam sẽ không rút khỏi “Khuôn khổ Kinh tế của Indo-Pacific” (IPEF) nhưng có thể chỉ tham gia từng lĩnh vực chọn lạc, tránh xa các vấn đề an ninh.
QUAD, AUKUS và các “tiểu đa phương” khác tiếp tục thách thức trục Trung – Nga vào thời “hậu Ukraine” nhưng sẽ không có kết nối chặt chẽ với Việt Nam. Xáo trộn sau TƯ 6 ở Việt Nam liệu có ảnh hưởng trực tiếp gì đến các Cấp cao EAS-17 và APEC-33 hay không, thì chưa ai dám chắc. Nội trị trong nước sẽ tiếp tục căng thẳng hơn với một Chủ tịch và TBT (nếu ghế này lại rơi vào ông Phạm Minh Chính) đều là dân trùm an ninh.
Khi Tô đại tướng thành công “ngồi tót” vào ghế của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, biết đâu hệ thống loa phường sẽ được kéo về tận từng hộ dân. Rồi Thủ đô Hà Nội sẽ có thêm “Quảng trường An ninh” thay cho cái quần thể “lố nhố” trên đường Trần Nhân Tông. Lúc bấy giờ Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ không dừng lại ở các vụ bắt bớ người hay thay đổi hộ chiếu.
Tuy nhiên, một thể chế độc đoán dựa trên sự cưỡng bức sẽ sớm bị thoái hóa trong một chu kỳ nhất định. Bởi bạo lực luôn hấp dẫn những người thấp kém về đạo đức… Nối nghiệp các bạo chúa luôn luôn là những kẻ bất lương và họ sẽ sớm phải trả giá.
Tham khảo thêm: