NSƯT Tạ Minh Thảo trải lòng về vai Quách Đại Đức trong “Bão ngầm”
VHO- Là gương mặt khá quen thuộc trong serie phim Cảnh sát hình sự ở VTV, NSƯT Minh Thảo là diễn viên có gương mặt “nhìn là nhớ”. Từ trước đến nay, dù là một vai phản diện, kẻ ngang tàng sống ngoài vòng pháp luật hay sỹ quan cảnh sát, vị chỉ huy công an sắc sảo trong phá án,… NSƯT Tạ Minh Thảo đều thể hiện trọn vẹn trước máy quay. NSUT Tạ Minh Thảo được giới trong nghề ví như một “con dao pha” bởi anh có thể đảm đương nhiều vai diễn thuộc các thể loại khác nhau mà vai nào cũng tròn, cũng sắc. Năm 2022 NSUT Tạ Minh Thảo một lần nữa chinh phục được cả những khán giả khó tính bằng tài năng qua vai diễn “nặng ký” của mình trong bộ phim “ Bão ngầm”. Với hình ảnh một “ông trùm” Quách Đại Đức đầy thủ đoạn mang màu sắc đa chiều.
P.V: Với mỗi vai diễn, anh đều tìm ra được chiếc chìa khóa riêng để tìm ra được tính cách nhân vật, sao cho nhân vật này luôn khác nhân vật kia. Hóa thân vào vai diễn lần này trong “Bão ngầm”, anh đã phải hy sinh như thế nào khi vẻ ngoài thì tử tế trong thì “một bồ dao găm”?
NSƯT Tạ Minh Thảo:Hóa thân vào vai diễn lần này trong Bão ngầm tôi và các đồng nghiệp đã phải hy sinh rất nhiều. Chúng tôi đi làm phim cũng cực lắm, già rồi mà vẫn phải leo núi. Hay cảnh phải lội sông, suối, mang vác cả đạo cụ lên quay phim. Hay khi cảnh đuổi nhau trên núi cũng mệt, mình thì già rồi, đóng tội phạm, vẫn phải chạy để các cháu 20-25 tuổi không bắt được mình. Tuy nhiên, khi đóng những vai tội phạm thì cũng khó khăn vất vả nhưng chỉ về thể xác, còn “cân não” nhất chính là những vai chính diện. Bản thân tôi vai nào cũng đóng được. Nhưng chính diện thì khó hơn vì phải dùng tâm lý. Với dạng vai tội phạm, mọi sự xấu xa đều được bộc lộ hết qua từng cử chỉ động tác, nhìn là thấy. Còn chất vai 2 mặt “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”, ngoài mặt thì tốt nhưng ẩn sau là thủ lĩnh cả băng đảng xã hội đen thì khó hơn nhiều. Ví dụ như vai Quách Đại Đức trong Bão ngầm tới đây là một điển hình: bề ngoài là một Doanh nhân nhưng đằng sau lại là một tên trùm, bảo kê cho đường dây ma túy. Đây là một dạng vai nhiều chất liệu, khiến diễn viên phải sáng tạo nhiều.
P.V: Lần đầu tiên anh đóng cặp với diễn viên Hà Hương (vai vợ của Quách Đại Đức), việc tương tác giữa anh với Hà Hương như thế nào? Anh có gặp trở ngại gì khi 2 người chênh lệch quá nhiều về tuổi tác?
NSƯT Tạ Minh Thảo:Trong phim, tôi diễn cặp cùng Hà Hương. Do chưa từng quen biết trước đó nên tôi đã phải xem lại các phim tư liệu của Hương đã đóng trong các phim cô ấy diễn. Trong quá trình làm việc, tôi cũng đã trao đổi nhiều với Hương để tôi và cô ấy có sự kết hợp ăn ý. Trong phim, tôi đảm nhận vai diễn của người chồng. Do đó, vai diễn đòi hỏi tính tương tác và hậu thuẫn lớn giữa hai nhân vật.Bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm từ những diễn viên gạo cội, Hương cũng rút ra được nhiều bài học từ những diễn viên trẻ như Hà Việt Dũng, Cao Thái Hà. Qua quá trình làm việc, Hương cũng học được tính chuyên nghiệp và sự nhanh nhạy của những người trẻ. Đây là những điều vô cùng tuyệt vời khi tôi được hợp tác với cô ấy.
P.V: Nếu để nói một điều ngắn gọn về đạo diễn Đinh Thái Thụy sau chặng đường dài cùng nhau làm việc ở phim “Bão ngầm”, anh sẽ nói gì?
NSƯT Tạ Minh Thảo: Nói một cách thật lòng, với tôi Thụy là một đạo diễn mà tôi cảm thấy rất có tâm với nghề. Anh tạo cơ hội cho diễn viên được thỏa sức sức sáng tạo. Đó là một may mắn.Anh Thụy là một đạo diễn cho phép tôi được bung xõa với nhân vật của mình. Sau đó anh ấy sẽ cân lại với đường dây của tổng thể kịch bản, cái nào chưa phù hợp sẽ chỉnh lại. Điều đó giúp tôi nói riêng và diễn viên trong phim nói chung được làm trước theo ý của mình, được thỏa sức sáng tạo, không bị gò bó trong khuôn khổ. Nên tôi thấy rất vui khi được hợp tác với Đinh Thái Thụy.
P.V: Trong phim, anh ấn tượng nhất với diễn xuất hay thái độ làm nghề của diễn viên nào nhất?
NSƯT Tạ Minh Thảo: Trong phim, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được đóng chung với tất cả các diễn viên của đoàn. Mọi người làm việc rất tâm huyết, rất đam mê và yêu nghề nên hỏi ấn tượng ai nhất thì không có nhất. Bởi ai cũng hy sinh cho vai diễn rất nhiều. Quả thật, khi làm một bộ phim, được gặp những đồng nghiệp, những người bạn diễn mà mỗi một nhân vật họ đều đầu tư, họ đều chỉn chu, tâm huyết để có sự cộng hưởng tốt cho một phân đoạn hay cho cả một bộ phim thì đó là niềm hạnh phúc.
P.V: NSƯT Tạ Minh Thảo là một người lính từng đi qua chiến tranh và trưởng thành trong nhà trường quân đội. Anh gắn bó cùng nghệ thuật mấy chục năm với các công việc như: diễn viên kịch nói, đạo diễn sự kiện lễ hội, giảng viên tại các trường văn hóa nghệ thuật. Nhưng dường như khán giả cả nước biết đến nghệ sĩ nhiều nhất trong lĩnh vực điện ảnh?
NSƯT Tạ Minh Thảo: Tôi vốn là một diễn viên kịch. Tôi gắn bó, tận tụy hy sinh cho nghề này và thành danh cùng với nó. Là một người lính từng kinh qua chiến tranh và trưởng thành trong nhà trường quân đội, với trên ba chục năm theo nghề, tôi đã có mặt trong ba mươi vở diễn chuyên nghiệp với bốn vai diễn cho đoàn kịch nói Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam, hai mươi bốn vai diễn ở đoàn kịch nói Thái Bình và hai vai diễn cho đoàn Kịch công an nhân dân.
Các vai diễn của tôi khá đa dạng và phong phú về số phận và tính cách. Vì lợi thế thể hình và khả năng diễn xuất, tôi được giao dưới nhiều dạng nhân vật khác nhau. Già dặn, trải đời như Đế Thích trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, Già bản (Người lang thang không cô đơn), Cả Bân (Vai diễn giữa đời thường), ông Huy Ngổn ngang đời thường… sâu sắc, điềm đạm, chín chắn như bí thư Giảng (Thời gian im lặng, Hoàng Nhân (Cơn lốc đời người).. gian giảo, xảo trá, nông cạn, thực dụng như bác sỹ Vượng (Số phận người cha), chủ tịch Quách Văn Tần (Lời thề thứ chín), Lý Cường (Chí Phèo), Chạch (Đã một lần)… Bên cạnh đó, tôi còn tham gia dàn dựng hàng trăm chương trình nghệ thuật cho các cơ quan đơn vị, các lực lượng quân đội, công an… từ Trung ương đến địa phương trên toàn quốc.
Và ở mảng này trong hành trang sân khấu của mình tôi đã được trao tặng 7 huy chương trong các kỳ Hội diễn SKCN toàn quốc và khu vực. Đó là Huy chương vàng vai Chạch vở Đã một lần HDSK duyên hải 1994; bác sĩ Vượng vở Số phận người cha HDSK nhỏ toàn quốc 1996; Cả Bân vở Vai diễn giữa đời thường HDSKCNTQ 2004 và Huy chương bạc cho vai Phú trong Người không cô đơn HDSK duyên hải 1993; Già bản trong Trở lại kiếp người HDSKCNTQ 1995. Tôi vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú năm 2007.
Nhưng khán giả cả nước biết đến tôi nhiều nhất lại là điện ảnh. Điện ảnh ghi nhận tôi ở một lĩnh vực nghệ thuật khác và đưa tên của tôi lại gần với quảng đại quần chúng nhân dân. Vào cái thời mà khán giả còn phải xếp hàng mua vé phân phối đi xem phim thì tôi đã có cho mình được những vai diễn điện ảnh đầu đời. Đó là một vai trong phim Lính hải quân do hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1978. Kể từ đó đến nay tôi đã có mặt trong bốn mươi bộ phim với rất nhiều vai diễn khác nhau như phim Anh sẽ về, Nga (1996); Câu chuyện xóm chèo (1997); Người thừa kế dòng họ, Những con nhện xanh (1998); Mùa lá rụng(1999), Những ngọn nến lung linh(2000), Đường đời (2001); Dòng sông phẳng lặng (2004) v.v…
Nhưng có lẽ tôi trở nên gần gũi với khán giả hơn khi thường xuyên xuất hiện trong một xê-ri dài các phim Cảnh sát hình sự. Đó là Hồ hang rắn- 40 tập (1999); Lá thư tuyệt mệnh -10 tập (2005); Lời sám hối muộn màng -10 tập (2006); Luật đời- 26 tập (2007); Đội đặc nhiệm H88- 20 tập (2008); Phá vỡ im lặng- 10 tập; Đầm lầy bạc- 20 tập (2009); Ngôi biệt thự màu tro lạnh- 37 tập (2009)… cũng như sân khấu, các vai diễn của tôi trong điện ảnh mang đủ sắc thái những cuộc đời.
P.V: Hạnh phúc của người nghệ sĩ là được sống nhiều cuộc đời khác nhau. Mỗi lần vào vai là anh sống đến tận cùng cảm xúc của vai diễn. Kỹ lưỡng trong công việc, với anh nghệ thuật chưa bao giờ là một cuộc dạo chơi nhàn nhã. Mỗi vai diễn luôn là sự đầu tư nghiêm túc cả về hình thức và diễn xuất. Anh vẫn nhớ kỷ niệm trong cuộc đời làm nghề của mình qua những thước phim chứ?
NSƯT Tạ Minh Thảo:Tôi còn nhớ như in những ngày làm phim Trần Thủ Độ tại Mai Châu, Hòa Bình. Những cảnh quay cảnh cưỡi ngựa đúng thời điểm anh bị thoát vị đĩa đệm. Ngựa to, đường lại gồ ghề, mỗi bước chân ngựa phi là một lần anh thấy nhói đau tới tận óc. Chưa kể bộ giáp trụ nặng tới 5kg khoác trên người và bộ tóc giả dán kín trên đầu. Quay xong mỗi cảnh, cả người sũng ướt mồ hôi, mệt lả, phải mấy người phục vụ. Hay trong phim Những đứa con Biệt động Sài Gòn, cảnh tên trùm ma túy Giàng Seo Phù trên đường di lý từ miền Nam ra Hòa Bình, đã đòi đi vệ sinh để tìm cách trốn thoát. Để diễn cảnh này, Minh Thảo phải nhảy xuống hồ thủy điện rất sâu trong cảnh tay bị còng, trời giá rét. Minh Thảo quyết định không cần đến người đóng thế, cũng may mình quê miền biển nên bơi lội không thành vấn đề. Cũng ở phim này, có lần quay xong cảnh đánh võ, tôi phải vào Bệnh viện Bạch Mai chiếu chụp vì quá đau.
P.V: Một dấu ấn trong sự nghiệp diễn xuất của NSƯT Minh Thảo là anh có duyên với vai chiến sĩ Công an. Việc được mời vào vai người chiến sĩ Công an ở nhiều vị trí khác nhau đã mang lại cho anh những cảm xúc thú vị?
NSƯT Tạ Minh Thảo: Tôi may mắn có nhiều bạn bè, anh em thân thiết làm trong ngành Công an nên có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về nghề nghiệp đặc biệt này. Hơn nữa, những năm tháng làm cộng tác viên cho chương trình “Vì an ninh Tổ quốc” đã giúp tôi có điều kiện đến nhiều đơn vị Công an. Tình yêu với ngành Công an đã mang về cho tôi tấm Huy chương Vàng cho vai diễn và Huy chương Bạc ở vai trò đạo diễn trong vở Cơn lốc đời người” tại Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an – 2010″. Tôi đóng công an hợp đến nỗi nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm từng khen khi nhìn thấy anh trong bộ cảnh phục: “Đây này, cảnh sát đặc nhiệm phải như thế này chứ!”. Không ít sinh viên Học viện Cảnh sát đã đứng nghiêm chào khi anh vào vai Thiếu tướng Trần Quyết và đang thực hiện một số cảnh quay ở Học viện Cảnh sát. Nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là vai Trung tá Trần Quang trong Lá thư tuyệt mệnh. Nhân vật ấy không chỉ khiến tôi vất vả bởi những màn đấu võ mà còn bởi những éo le, góc khuất trong cuộc đời, số phận. Là một người đội trưởng gương mẫu, người chồng hết mực yêu thương vợ, vậy mà, một ngày Trần Quang nhận được lá đơn ly dị và thái độ kiên quyết của vợ. Mãi sau này, Trần Quang mới biết rằng, vợ anh quyết tâm chia tay vì biết chắc rằng mình mãi mãi không thể sinh con cho anh được.
P.V: Không thành công nào đến dễ dàng nếu nghệ sĩ không chịu sả thân. Để có được một NSƯT Minh Thảo như hiện nay là gần 40 năm không ngừng trau dồi vốn sống, sống trọn vẹn mọi cảm xúc của cuộc đời, buồn vui, yêu ghét. Đi theo con đường nghệ thuật, anh chấp nhận không ít khó khăn?
NSƯT Tạ Minh Thảo:Từng có những thời điểm, ngoài công việc chính, tôi phải chạy hàng buôn bán để kiếm thêm thu nhập. Giờ đây, dù đã là nghệ sĩ được nhiều người yêu quý, Minh Thảo vẫn giữ thói quen giúp đỡ vợ con việc nhà. Hạnh phúc của là sau những phút sả thân ở trường quay là được về bên người vợ hiền, hiểu và yêu chồng hết mực, bên những đứa con ngoan luôn ngưỡng mộ công việc của bố. Và sự hết lòng, trọn tình của anh với gia đình, sự nghiệp đã được đền bù xứng đáng.
Lê Thuý Hằng (thực hiện).