NSƯT Tạ Duy Ánh: Thật khó sống được bằng nghề
“Trong quan niệm của nhiều người, đúng là hề xiếc chỉ được coi là các tiết mục đệm để khán giả thư giãn sau khi xem xong những pha trình diễn hồi hộp đến thót tim. Nhưng trong quan niệm của tôi, để làm được hề xiếc thành công là rất khó. Ngoài việc phải thành thục những môn chính như trụ, nhào lộn, tung hứng, còn phải biết cả ảo thuật, âm nhạc kịch câm… Và để chuyển từ động tác xiếc sang hề, để lấy được tiếng cười của khán giả là điều tưởng chừng đơn giản mà lại rất khó khăn…”…
NSƯT Tạ Duy Ánh hiện là Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Anh sinh ra trong gia đình họ có truyền thống về xiếc: có ông nội là NSND Tạ Duy Hiển, được xem là “ông Tổ” của ngành Xiếc Việt Nam; có bố là NSƯT Tạ Duy Hùng – cũng là một nghệ sĩ xiếc thú kỳ cựu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Một gia đình đã có ba thế hệ theo nghề xiếc, trải qua bao biến cố, thăng trầm, bao ngọt ngào và cay đắng cùng với xiếc, nhưng đến thế hệ thứ tư, dòng họ Tạ đã không còn ai theo nghề này nữa. NSƯT Tạ Duy Ánh có cuộc trò chuyện đầy tâm huyết với phóng viên Chuyên đề VNCA.
– Thưa NSƯT Tạ Duy Ánh, có thể nói, dòng họ Tạ nhà anh trở nên nổi tiếng bởi cha anh là người “khai sơn phá thạch”, dấn thân hết mình vì xiếc. Thế mà đến thế hệ kế tiếp lại không có ai theo nghề. Chắc hẳn anh cũng trăn trở về điều này?
+ Đó vừa là nỗi buồn, vừa là điều đáng tiếc với chúng tôi. Đến thế hệ các con tôi, các cháu bảo: “Bố mẹ, ông cha cống hiến cho xiếc thế là đủ rồi, chúng con không muốn theo nghề này nữa!”, thì chúng tôi cũng phải tôn trọng nguyện vọng của các cháu.
– Tuyển học viên từ “trong nhà” đã khó như vậy, thảo nào trường xiếc bây giờ rất khó chiêu sinh. Theo anh, đâu là nguyên nhân để các phụ huynh hiện nay rất “ngại” cho con em mình theo học ngành xiếc?
+ Nói chung, các ngành nghệ thuật truyền thống và xiếc hiện đang rất khó khăn. Các bậc phụ huynh cũng nhìn thấy một điều, diễn viên xiếc bây giờ thật khó mà sống được bằng nghề mà thường phải bươn chải thêm ở ngoài mới đủ sống. Hơn nữa, diễn viên xiếc phải rèn luyện cực khổ, mà tuổi nghề lại rất ngắn, dễ gặp tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp khi về già… Bởi vậy mà các phụ huynh bây giờ thường hướng con cái vào những nghề nghiệp an toàn hơn, có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn.
– Ngày xưa, khi biết anh muốn trở thành nghệ sĩ xiếc, cha mẹ anh có tỏ ra ủng hộ hay ngăn cản không?
+ Đương nhiên là cha mẹ tôi rất ủng hộ mong muốn của tôi! Mẹ tôi cũng làm ở Liên đoàn Xiếc, nhưng làm ở bộ phận hành chính chứ không phải làm diễn viên. Có thể nói đó là thời hoàng kim của xiếc. Hồi đó, tôi cùng với 10 người khác trúng tuyển trong số 2.000 người dự tuyển. Vinh dự lắm chứ! Ngày còn bé, cứ theo bố đi biểu diễn ở khắp nơi, dần dà cũng yêu thích, về nhà cũng cứ tập làm theo. Lớp xiếc của tôi hồi đó có 70 người, qua quá trình học, đào thải đến khi ra trường chỉ còn lại 10 người thôi.
Một tiết mục biểu diễn xiếc hề của NSƯT Tạ Duy Ánh.
– Vậy mà nghe nói, có những năm tháng khó khăn quá, bà xã anh đã phải xin ra ngoài bươn chải để giúp anh “trụ vững” với xiếc?
+ Vợ tôi trước là diễn viên xiếc nhào lộn, nhưng từ khi sinh con xong, phải chuyển hẳn ra ngoài làm thêm bằng nghề uốn tóc, gội đầu, trang điểm cô dâu… Bởi vì nữ giới làm diễn viên xiếc, sau khi sinh con xong, cơ hội quay lại làm nghề là rất khó khăn, nhất là với diễn viên nhào lộn, uốn dẻo. Phần đa các nữ nghệ sĩ ở môn này, sau khi sinh con đều phải chuyển sang ngạch làm ảo thuật, tung hứng hoặc là dạy thú. Nhiều nghệ sĩ xiếc coi như đã “nghỉ hưu” từ năm… 35 tuổi. Hồi đó, khó khăn quá, chỉ để một người trụ lại “gác gôn”, còn một người phải bươn chải bên ngoài. Nếu không làm như thế thì không đủ sống, lại còn phải nuôi các con nữa!
– Trong những lúc khó khăn như thế, có khi nào anh cảm thấy ân hận vì mình đã lựa chọn con đường này không?
+ Tôi vào trường xiếc năm 1976, tính tuổi nghề đến nay là 36 năm. Tôi không bao giờ ân hận vì đã dấn thân với nghề, ngay cả trong lúc khó khăn, cực khổ nhất. Tôi đã có nhiều năm quan sát sự cống hiến của cha ông mình. Cha tôi cũng là người làm việc thầm lặng suốt bao nhiêu năm, chính ông là người nói với tôi câu: “Nghề xiếc luôn là nghề “nước mắt đi trước, nụ cười đến sau!”. Điều này quá đúng. Có nhiều đêm tỉnh dậy lúc 3-4 giờ sáng, tôi giật mình không thấy cha đâu, đi ra chuồng thú thì thấy ông đang say sưa dạy thú. Hỏi tại sao thì ông bảo: “Ban đêm chính là lúc các con thú dữ tỉnh táo, khôn lanh nhất theo bản năng săn mồi về đêm, nên dạy chúng lúc đó là hiệu quả nhất!”. Cha tôi vốn là diễn viên xiếc nhào lộn, nhưng ông rất thành công với xiếc thú, bởi ông có một nguyên tắc giống ông nội tôi, đó là luôn coi những con thú, kể cả thú dữ, là bạn của mình.
– Tại sao anh không kế tục sự nghiệp xiếc thú của cha ông mình mà lại chọn xiếc hề – vốn luôn bị coi không phải là tiết mục chủ đạo trong một buổi trình diễn xiếc?
+ Trong quan niệm của nhiều người, đúng là hề xiếc chỉ được coi là các tiết mục đệm để khán giả thư giãn sau khi xem xong những pha trình diễn hồi hộp đến thót tim. Nhưng trong quan niệm của tôi, để làm được hề xiếc thành công là rất khó. Ngoài việc phải thành thục những môn chính như trụ, nhào lộn, tung hứng, còn phải biết cả ảo thuật, âm nhạc kịch câm… Và để chuyển từ động tác xiếc sang hề, để lấy được tiếng cười của khán giả là điều tưởng chừng đơn giản mà lại rất khó khăn. Anh phải giỏi kỹ thuật cơ bản đã, phải được đào tạo kỹ lưỡng, phải luôn sáng tạo, ứng biến mới có thể làm được hề xiếc đấy. Sau này khi tốt nghiệp đạo diễn, tôi đã dàn dựng nhiều chương trình xiếc dài như: “Sơn Tinh – Thủy Tinh”, “Alibaba”, “Phiên chợ Ba Tư”, “Xứ sở Phù Thủy và chàng trai dũng cảm”… Đó là những chương trình tôi đầu tư nhiều tâm huyết và cũng được khán giả quan tâm, ủng hộ.
– Xiếc là bộ môn nghệ thuật có tỉ lệ tai nạn nghề nghiệp lớn nhất trong các môn nghệ thuật. Trong đời làm nghề của mình, chắc hẳn anh cũng không tránh khỏi việc gặp phải tai nạn?
+ Có chứ. Rất may đó chỉ là những tai nạn chấn thương nhẹ như ngã bong gân, trẹo tay…, điều trị một thời gian là khỏi. Nhưng một số đồng nghiệp của tôi cũng có người phải giải nghệ sớm. Các tai nạn, chấn thương chủ yếu xảy ra trong quá trình tập luyện, khi các diễn viên cố gắng hoặc muốn thử sức với động tác mới, bài tập mới. Còn trong quá trình biểu diễn thì cũng ít xảy ra tai nạn đáng tiếc.
– Loại hình “bảo hiểm nghề diễn” đã được đề cập nhiều lần nhưng chưa khả thi. Hiện tại, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang có biện pháp tình thế nào để bảo vệ quyền lợi cho diễn viên?
+ Hiện nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã mua bảo hiểm cho tất cả các diễn viên, để nếu có chẳng may xảy ra tai nạn thì họ cũng đỡ thiệt thòi. Nhưng hiện tại, do điều kiện tài chính ở Liên đoàn cũng eo hẹp, nên giá trị hợp đồng bảo hiểm còn thấp. Chúng tôi cũng mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn đến bộ môn nghệ thuật có nhiều tình huống nguy hiểm này, để diễn viên đỡ thiệt thòi, tin tưởng và yên tâm công tác, cống hiến cho ngành nghệ thuật đặc biệt này.
– Sau vụ việc một chú voi của Liên đoàn gây ra cái chết cho một cháu bé ở Lào Cai hồi năm ngoái, hiện nay Liên đoàn Xiếc đã có biện pháp gì để tăng cường bảo vệ an toàn đối với khán giả trong khi biểu diễn xiếc thú?
+ Sau vụ việc đó, Liên đoàn đã có những buổi họp rút kinh nghiệm sâu sắc. Với thú dữ, nhất là với voi, hiện nay không chỉ có một hàng rào bảo vệ, mà là hai hàng rào, và lúc nào cũng phải có bảo vệ túc trực để nhắc nhở khán giả, nhất là khán giả nhỏ tuổi, không được trêu chọc, giả vờ cho ăn lại giật lại, cho tương ớt vào bánh mì… khiến chúng bình thường rất hiền nhưng thú tính nổi lên, gây ra tai nạn đáng tiếc.
– Mỗi lần đi lưu diễn xiếc thú thật vất vả. Một năm Liên đoàn có nhiều chuyến đi như thế không?
+ Một chuyến đi lưu diễn của đoàn gian truân lắm, phải 5 – 6 xe tải chở đạo cụ, thú nuôi. Một con voi nặng 4 tấn chiếm 1 xe tải rồi. Nhưng vất vả mấy cũng vẫn phải đi vì đó là chỉ tiêu trên giao. Hơn nữa, khi giới thiệu là có Liên đoàn Xiếc Việt Nam về các tỉnh biểu diễn là phải có voi, có khỉ và các con thú khác thì bà con mới tin. Vì hiện nay có nhiều đoàn xiếc tư nhân đi lưu diễn cứ quảng cáo bừa là “Liên đoàn Xiếc Việt Nam” để bán vé cho dễ, nhưng khi xem chương trình khán giả cảm thấy không thỏa mãn, thậm chí là bị lừa. Bởi vậy, các tiết mục xiếc thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam chính là “thương hiệu” bền lâu trong lòng khán giả.
– Xin cảm ơn NSƯT Tạ Duy Ánh!