NSƯT Mỹ Uyên : Dù khó vẫn không bỏ nghề
Trong những ngày này, sàn tập của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (còn được gọi là “sân khấu 5B”) nóng lên do lịch tập dượt để chuẩn bị tham gia Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc đợt 2 tại TP HCM. NSƯT Mỹ Uyên – người đang giữ trọng trách lèo lái con thuyền “5B” – như ngồi trên đống lửa, bởi để bảo đảm điều kiện 5K trong tập luyện, “5B” phải chia “nhỏ” lịch tập để giảm tối đa sự tập trung diễn viên, trước đó “5B” cũng đã áp dụng lịch tập online.
Tin vào thế hệ diễn viên trẻ
Từ vai trò diễn viên, NSƯT Mỹ Uyên đã chứng tỏ nội lực khi nhận thêm công tác quản lý. Cô luôn đặt mình trên quỹ đạo tích cực, nỗ lực tìm kiếm mọi giải pháp để “sân khấu 5B” có thể sáng đèn. Chẳng hạn đã mời các nghệ sĩ có tâm huyết về tham gia với “5B”, dung hòa giữa kịch thử nghiệm (là bản sắc của “sân khấu 5B”) với dòng kịch giải trí đang được khán giả yêu thích. Bên cạnh đó là tổ chức các lớp học, mời những nghệ sĩ có kinh nghiệm về “5B” đào tạo nguồn nhân lực kế thừa.
NSƯT Mỹ Uyên (Ảnh: BẢO LÊ)
Không chỉ hết lòng với “5B”, NSƯT Mỹ Uyên còn tích cực tham gia công tác Hội Sân khấu TP HCM (Mỹ Uyên là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu) luôn đi đầu trong công tác thiện nguyện, góp phần chăm lo cho các văn nghệ sĩ lão thành, công nhân sân khấu và trẻ em mồ côi tại các mái ấm tình thương trên địa bàn TP HCM.
“Chính những điều ấm áp trong quá trình đi làm từ thiện đã mang lại cho tôi thêm nhiều nghị lực để dù đối mặt với những khó khăn, vẫn không đầu hàng, vẫn phải cố gắng tạo những chuyển biến tích cực, chọn mục tiêu cụ thể để thúc đẩy cho “5B” phát triển. Tôi đặt niềm tin vào thế hệ diễn viên trẻ, các bạn đã ý thức rất rõ việc sống còn của sàn diễn “5B”, nên trong thời gian qua đã dồn công sức cùng tôi làm tốt từng suất diễn. Và chờ ngày khi sân khấu được phép sáng đèn trở lại sẽ giới thiệu đến khán giả nhiều vở kịch hay, ấn tượng” – NSƯT Mỹ Uyên tâm sự.
Lỗ thì “đắp” tiền túi
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng NSƯT Mỹ Uyên là nghệ sĩ giàu nghị lực, nhận quyết định quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM từ năm 2015, đến tháng 1-2017 chính thức trở thành giám đốc, dù là nữ và nhận nhiệm vụ trong giai đoạn đã qua thời hoàng kim của sân khấu kịch, song Mỹ Uyên vẫn sẵn sàng tiếp nối các đàn anh đi trước, vẫn dũng cảm đứng mũi chịu sào để đưa con thuyền “5B” lao về phía trước.
Những lúc khó khăn trong việc bán vé, “sân khấu 5B” có nguy cơ đóng cửa dài hạn nhưng chưa bao giờ NSƯT Mỹ Uyên nản chí, luôn tìm mọi cách hóa giải để “5B” có thể hoạt động. Thậm chí, có những thời điểm “5B” rất khó khăn vì khán giả ít, lỗ vốn buộc lòng “nữ tướng” Mỹ Uyên đã phải “đắp” tiền túi làm vở mới, để “5B” không lỗi hẹn với những khán giả trung thành của sân khấu kịch nói chung, của “sân khấu 5B” nói riêng.
Trong tọa đàm Bàn tròn văn hóa nghệ thuật do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM tổ chức mới đây cũng đã đề cập yêu cầu chung của các sân khấu xã hội hóa, trong đó có “5B”, về một chiến lược bền vững để vực dậy hoạt động biểu diễn được xem là diện mạo sân khấu TP HCM. Một trong những giải pháp được đề xuất trong tọa đàm là việc hỗ trợ giá vé cho khán giả xem các tác phẩm sân khấu có nội dung tốt, nhất là những đối tượng khán giả trẻ, công nhân lao động.
“Đây là hướng giải pháp hay và thiết thực. Chúng tôi mong nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ giá vé cho những đối tượng khán giả thu nhập thấp vì họ có nhu cầu được giải trí, được thưởng thức những vở kịch hay” – NSƯT Mỹ Uyên trăn trở.
NSƯT Mỹ Uyên cho rằng sau đại dịch, người dân có thể chưa nghĩ đến nhu cầu giải trí khi đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà bắt họ phải “đói” những món ăn tinh thần. Sau thời gian căng thẳng với đại dịch, người dân cần có nhu cầu thư giãn, văn nghệ sĩ cũng cần có nhu cầu biểu diễn. Giai đoạn này rất cần sự trợ lực của cơ quan chức năng. Những vở diễn của Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2 tại thành phố sắp tới rất cần được hỗ trợ, quảng bá để có thể phục vụ rộng rãi cho công chúng.
“NSƯT Mỹ Uyên khẳng định dù khó khăn đến mấy vẫn không bỏ nghề và không cam chịu viễn cảnh “5B” sẽ dựng một tấm bảng có nội dung “Ngày xưa nơi đây có diễn kịch” – như câu nói nửa đùa, nửa “lo lắng” của một số đồng nghiệp khi chứng kiến sự tụt dốc của sân khấu kịch nói trong những năm gần đây.