NSND Quý Dương từ trần

Thân phụ của NSƯT Chí Trung vừa từ trần lúc 13h45 hôm nay (28/6) sau gần 10 năm lâm trọng bệnh, hưởng thọ 75 tuổi.
> NSND Quý Dương vẫn chưa hài lòng về Chí Trung

NSND Quý Dương

NSND Quý Dương là người cùng thời với những ca sĩ tên tuổi như NSND Trần Hiếu, NSND Trung Kiên. Ảnh: Ngọc Trần.

Giọng khá bình tĩnh, Chí Trung chia sẻ với VnExpress.net, cha anh bị bệnh thận từ 8 năm trước, liên tục phải chạy thận. Ông còn nhiễm các chứng bệnh phổi và tim nên thường xuyên phải ra vào Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội. Trưa nay, trên đường tới bệnh viện chạy thận theo lịch hẹn, ông đột ngột khó thở. Người nhà đưa vào bệnh viện Giao thông Vận tải để cấp cứu nhưng không kịp. Hồi đầu năm, Quý Dương  cũng tâm sự với VnExpress: “Gia đình tôi bị bệnh tiểu đường di truyền. Tôi phải lọc máu từ sáu, bảy năm nay. Quá trình lọc máu làm cho tim chạy nhanh, động mạch chính bị hẹp lại đâm ra bị thêm bệnh tim, phải vào viện nang động mạch vành”.

Sức khỏe không tốt nhưng mỗi khi gượng dậy được, NSND Quý Dương đều dành thời gian để bổ túc cho các ca sĩ đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ông muốn truyền lý tưởng của thế hệ mình đến lớp ca sĩ trẻ, vì các con ông tuy đều theo nghệ thuật nhưng không chung đường với bố. Hai con với người vợ đầu là Thanh Hương, Chí Trung. Cô con gái cả học piano 7 năm, sau bỏ đi học ngoại ngữ, rồi tiếng Nga thất thế, giờ sống chủ yếu bằng việc dạy đàn. Chí Trung học violin 4 năm, cuối cùng nộp đơn vào Nhà hát Tuổi trẻ. Hai người con với người vợ sau, một là giảng viên khoa piano Học viện Âm nhạc Quốc gia, một theo học nhạc Jazz bên Mỹ.

NSND Quý Dương

NSND Quý Dương và vợ. Ảnh: Ngọc Trần.

Sinh thời, khi được hỏi về cậu con trai nổi tiếng, Quý Dương cho biết, Chí Trung có tài năng, đạo đức và nhiều phẩm chất nhưng nhưng sống thiết thực, chưa có chiều sâu, cần mang tính chiến sĩ hơn nữa. Ông còn lo lắng rằng, Chí Trung béo cũng dễ bị bệnh tiểu đường giống mình nên vẫn thường khuyên con phải chú ý giữ gìn sức khỏe.

Trong số các học trò, người ông tâm đắc bồi dưỡng là Ngọc Quy. Trong ngày ra mắt album của ca sĩ này vào tháng 12/2010, vừa ở viện ra, Quý Dương vẫn cùng vợ đến chung vui. Theo ông, đây là một trong không nhiều ca sĩ đã học kỹ thuật thanh nhạc cổ điển đến đầu đến đũa. Hai thầy trò thường nói chuyện điện thoại với nhau hàng ngày. Khi hay tin Quý Dương qua đời, Ngọc Quy đầy thảng thốt, mãi mới nói nên lời. Anh cho hay, những người ở cạnh Quý Dương đều biết ông yếu, bệnh ngày càng trầm trọng nhưng không nghĩ ông ra đi đột ngột như vậy. “Đối với tôi, thầy có ý nghĩa rất lớn lao. Trong số các học trò của thầy, tôi là người may mắn được thầy dành cho nhiều tình cảm, sự quan tâm. Thầy không còn nữa nhưng những bước đường của tôi sau này chắc chắn vẫn theo sự chỉ dẫn của thầy” – Ngọc Quy nghẹn ngào.

Vợ chồng NSND Quý Dương cùng gia đình NSƯT Chí Trung.

Vợ chồng NSND Quý Dương cùng gia đình NSƯT Chí Trung. Ảnh: st.

Theo NSƯT Chí Trung, thi hài cha anh hiện quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Sau lễ viếng diễn ra từ 10h đến 12h ngày 1/7, NSND Quý Dương sẽ được hỏa táng ở Đài hóa thân Hoàn Vũ. Tro cốt của ông được gia đình đưa đến nghĩa trang Bất Bạt – Yên Kỳ – Hà Nội.

Hai con Chí Trung đang du học ở Mỹ đã về từ đêm 28/6. Con trai út của Quý Dương cũng sẽ có mặt vào đêm 30/6 để cùng gia đình đưa tiễn ông về nơi yên nghỉ cuối cùng.

NSND Phạm Quý Dương sinh năm 1937 ở Hải Dương, cha mẹ ông chọn tên gọi Quý Dương để đặt cho con với hàm nghĩa “Quý tử” sinh ở đất “Hải Dương”, kỷ niệm nơi người cha làm việc khi đó.

Ngay từ khi là học sinh Trường Chu Văn An, Quý Dương thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của nhà trường. Tròn 17 tuổi, khi chứng kiến hình ảnh đoàn quân chiến thắng vào giải phóng thủ đô, chàng thanh niên Quý Dương cùng các bạn của mình thành lập dàn nhạc Tuổi Xanh đi hát phục vụ đồng bào. Từ đó, người yêu nhạc biết tới giọng hát trầm ấm, sang trọng của Quý Dương gắn liền với những ca khúc cách mạng, những bài hát về quê hương, đất nước. Ông là người hát thành công nhất những ca khúc như: “Tình ca”, “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Đàn chim Việt”, “Trương Chi”, “Thiên thai”… Giọng hát của ông nhẹ nhàng, thảnh thơi, không cầu kỳ, phô diễn kỹ thuật nhưng đầy cảm xúc. Trong những ngày Mỹ ném bom Hà Nội, NSND Quý Dương là người thường xuyên túc trực tại Đài Tiếng nói Việt Nam (ông là người hát đầu tiên trên Đài TNVN), thậm chí ngay tại trận địa pháo hát phục vụ chiến sĩ và đồng bào.

Những năm 1979 – 1983, Quý Dương được cử đi học thanh nhạc ở Bungaria. Đây là thời gian giúp ông được trang bị Bel Canto, tức phương pháp thanh nhạc cổ điển của thế giới một cách bài bản và hệ thống. Ông đã tạo ra một phong cách kết hợp nhuần nhụy giữa kỹ thuật thanh nhạc cổ điển với cách hát dân gian Việt Nam. Ông là giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, là nghệ sĩ hát opera đầu tiên của Việt Nam, là người vào vai chính của vở opera đầu tiên được dàn dựng và công diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Ông còn là thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó nhiều người đã tạo dựng được tên tuổi như: Trung Đức, Thuỳ Mỵ, Bích Việt…

Danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân Nhà nước trao tặng đầu năm 1993 đã ghi nhận những cống hiến của ông đối với nghệ thuật. Sinh thời, ông từng là Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

http://st.nhacso.net/flash/v55/embedPlaylistjs.swf?xmlPath=http://nhacso.net/flash/playlist/xnl/1/uid/1376057752,28979,1309251355&adsLink=&colorAux=0x0099ff&colorBorder=0x666666&typePlayer=playlist&autoPlay=false

Ngọc Trần

Rate this post