Mozart: Là ‘thiên tài của các thiên tài’ nhưng cuộc đời lại lắm đoạn trường bi ai
Wolfgang Amadeus Mozart là một nhà soạn nhạc thiên tài người Áo. Ông sinh ngày 27 tháng 1 năm 1756 và mất vào năm 1791. Là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền âm nhạc cổ điển Châu Âu. Âm nhạc của Mozart mang một vẻ đẹp hoàn hảo đến mức được ví như “ánh sáng của mặt trời vĩnh hằng”. Hãy cùng Lost Bird tìm hiểu thêm một chút về cuộc đời của nhà soạn nhạc thiên tài này.
Thiên tài từ tấm bé
Wolfgang Amadeus Mozart sinh ra và lớn lên tại căn nhà số 9 đường Getreidegasse ở Salzburg – thành phố từng là thủ phủ của Tổng giáo phận Giáo hội Công giáo La Mã Áo.
Ngay từ khi lên 3, Mozart đã có thể bắt chước chơi lại hoàn toàn chính xác cả bản nhạc mà ông vừa mới nghe mẹ mình đánh. Trí nhớ siêu phàm của ông còn thể hiện ở chỗ ông có thể dễ dàng viết lại hoàn toàn cả bài nhạc sau khi vừa mới nghe xong lần đầu. Lên 5 tuổi, ông thuần thục Vĩ Cầm và Harpsichord (một nhạc cụ có hình dáng giống piano trong bộ dây, chuyên biệt để trình diễn những tác phẩm cổ điển). Mozart còn là một trong những nhạc công trẻ nhất của Hoàng Gia vào năm 6 tuổi.
Tác phẩm đầu tiên
Nhà soạn nhạc người Áo nổi tiếng với câu nói: “Âm nhạc không nằm trong những nốt nhạc, mà ẩn chứa trong những khoảng lặng giữa chúng”. Mozart sáng tác bản nhạc đầu tiên vào năm ông 5 tuổi, và ngược lại với trí tưởng tượng của loài người về một bản nhạc tam tấu được sáng tác bởi một đứa trẻ lên 5, bản tam tấu đầu tiên của Mozart có giai điệu mạnh mẽ, các nốt nhạc rất có trật tự, logic cùng với đó là sự hòa hợp quyến rũ đến không ngờ của thanh âm. Đứng trước tài năng có một không hai của Mozart, Joseph Haydn – một nhạc sĩ nổi tiếng đương thời đã nói với cha của Mozart rằng: “Tôi thề có chúa chứng giám Leopold à, con trai anh một ngày nào đó sẽ là một đại nhạc sĩ.”
Gia đình
Mozart đến từ một gia đình có truyền thống âm nhạc mạnh mẽ. Cha của người là Leopold Mozart – một nhà sư phạm âm nhạc nổi tiếng và cũng là một trong hai nghệ sĩ vĩ cầm chính của triều đình nước Áo.
Mozart là con út trong số 7 người con mà có năm người đã mất khi còn bé. Chị gái duy nhất của ông là Maria Mozart và cũng là một thiên tài piano. Tình cảm chị em giữa hai người khắng khít đến nổi họ còn tạo ra cho mình một ngôn ngữ bí mật riêng.
Trong một đoạn hồi tưởng của Maria nhiều năm sau khi Mozart mất, bà có nói: “Mozart thường dành nhiều giờ chơi đùa với những phím đàn, tỉ mỉ lựa chọn những quãng 3 mà cậu ưa thích và truyền hết tâm hồn vào nó để tìm ra niềm vui cho mình. Với sự mềm mại và chuẩn xác tuyệt đối, tiếng đàn của Mozart hoàn hảo”.
Từ khi lên 7, Mozart đã cùng cha và chị gái thực hiện nhiều chuyến lưu diễn Châu Âu, biểu diễn trước mặt Hoàng gia và quý tộc nhiều nước. Sự xuất hiện của Mozart ở Munchen (Đức) và Viên (Áo) đã dấy lên một làn sóng mạnh mẽ về âm nhạc cổ điển. Mozart thuộc lòng nhiều tác phẩm và có thể ứng biến tại chỗ theo yêu cầu của khán giả. Nhưng những chuyến đi kéo dài đằng đẵng trong phương tiện thô sơ cùng với khí hậu khắc nghiệt của Châu Âu đã để lại rất nhiều di chứng cho sức khỏe của Morzard lẫn cha ông.
Sự nghiệp
Mozart bắt đầu sáng tác những khúc vĩ cầm đầu tiên cho Hoàng Gia Đức, Pháp và Hà Lan vào năm lên 7. Những bản hòa tấu vĩ đại được ông cho ra đời 2 năm sau đó, lúc này âm nhạc của ông bị ảnh hưởng to lớn bởi Johann Bach.
Mozart có định hướng về sự nghiệp sáng tác của mình từ rất sớm. Vào năm 13 tuổi, ông được Tổng Giám mục của Salzburg ủy nhiệm là nhạc trưởng và được chu cấp tiền hằng tháng. Sau đó là liên tiếp những thành công của ông với hàng loạt các bản nhạc cho các vở kịch Opera, những buổi hòa tấu chật kín người xem tại Ý và Đức.
Thời kì này âm nhạc của ông có những chuyển biến mạnh mẽ, những bản hòa tấu đã vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống của âm nhạc cổ điển Áo và mang màu sắc độc đáo, sáng tạo của âm nhạc Đức.
Nhưng mọi chuyện đối với Mozart lại không suôn sẻ. Thị hiếu âm nhạc của công chúng đi xuống cùng với đó là mức sống tại Salzburg ngày càng cao. Ở tuổi 21, Mozart từ bỏ vai trò nhạc trưởng của Hoàng Gia. Từ đó ông phiêu bạt tới những thành phố lớn của Đức và Áo, sáng tác và biểu diễn nhạc nhưng chẳng công việc nào kéo dài.
Cuộc đời trắc trở
Dừng chân tại Mannheim (Đức) sau một quãng đường dài, Mozart gặp và phải lòng Aloysia Weber – một ca sĩ người Đức khi đó chỉ mới 16 tuổi và cũng là con trưởng trong một gia đình nhạc sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên tình yêu đơn phương của ông cũng mau chóng bị cô cự tuyệt do sự khác nhau về địa vị.
Năm 1777, ông cùng mẹ mình chuyển đến Paris để bắt đầu một cuộc sống mới. Tại đây Mozart chật vật với khoản tài chính eo hẹp. Ông bán từ những giáo trình âm nhạc lớn cho đến những sáng tác âm nhạc nhỏ lẻ để kiếm sống.
Tháng 4 năm 1778, ông cho ra đời bản hòa tấu có tên “Paris” và có vinh dự được biểu diễn trước giáo hội Pháp trong ngày Lễ Mình và Máu Chúa Kito. Tưởng chừng từ đây, cuộc đời ông đã rẽ sang trang mới với nhiều điều tốt đẹp hơn thì vào ngày 3 tháng 6, mẹ của ông trải qua một cơn bạo bệnh và từ giã cõi đời, bỏ lại Mozart cô đơn giữa Paris.
Miễn cưỡng quay trở lại quê nhà Salzburg sau cái chết của người mẹ, Mozart đảm nhiệm vai trò nhạc trưởng cho một nhà thờ lớn. Nhận thấy công việc này quá tẻ nhạt, năm 1781, ông dời đến Munchen để viết nhạc cho các vở opera và đạt thành công vang dội với vở Idomeneo.
Năm 1782, ông kết hôn với Constanze, em gái của Aloysia nhưng bị cha mình phản đối mạnh mẽ. Tại đây, tình cha con giữa ông và Leopold chính thức rạn nứt.
Hạnh phúc không được bao lâu, Mozart và vợ mình rơi vào khủng hoảng tài chính. Ông phải quay lại với việc soạn giáo trình và viết nhạc để sinh sống. Tuy nhiên, âm nhạc của ông vào thời điểm này nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Phong thái âm nhạc nhẹ nhàng của ông trước đây đang dần biến mất, ngày càng có nhiều lời phàn nàn từ phía nhạc công và thính giả. Mười năm cuối đời của Mozart là cả một thời kì dài của sự đau khổ do tài chính kiệt quệ và bệnh tật. Nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản sức sáng tạo của ông. Trong khoảng thời gian này, ông cho ra đời hơn 200 kiệt tác trong đó có ba bản giao hưởng lớn, nhưng tất cả đều bị công chúng lúc bấy giờ chối bỏ.
Mozart và Phu nhân Constanze có tổng cộng 3 người con. Nhưng chỉ có Kark Thomas Mozart là con thứ hai và là người con duy nhất của ông sống sót.
Tác phẩm cuối đời và cái chết bí ẩn
Bộ phim Amadeus được đạo diễn bởi Milos Forman ra mắt công chúng vào năm 1984 đã phần nào hé lộ về cuộc đời thiên tài âm nhạc này. Tuy nhiên cái chết của Mozart trên màn ảnh lẫn thực tế đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi.
Wolfgang Amadeus Mozart qua đời vào ngày 5 tháng 12 năm 1791. Đám tang của ông diễn ra đơn sơ do tài chính gia đình eo hẹp, thi hài của ông được chuyên chở với không một ai tiễn đưa ngoài vợ ông. Mozart sau đó được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang St.Mark ở ngoại thành Viên (Áo). Vài năm sau đó, theo chủ trương bốc mộ của chính quyền, tất cả các ngôi mộ ở đây đều được cải táng. Từ đó đến nay vẫn chưa ai tìm ra được hài cốt của Mozart.
Có những giả thuyết cho rằng ông bị đầu độc bởi Antonio Salieri, một nhà soạn nhạc nổi tiếng lúc bấy giờ. Trong một đoạn hồi tưởng về cái chết của chồng mình – Mozart, phu nhân Constanze nói: “Ông ấy đã rất hốt hoảng sau khi trở về từ Praha (Cộng hòa Séc), ông liên tục khẳng định rằng mình đã bị đầu độc và sẽ không sống được bao lâu nữa!”. Niềm tin về việc Mozart bị đầu độc càng trở nên mạnh mẽ hơn khi Antonio thừa nhận đã làm việc đó.
Có rất rất nhiều giả thuyết xung quanh cái chết của Mozart. Có người nói ông qua đời do sốc khi biết mình bị “cắm sừng”, có người nói do ông lăng nhăng với vợ của một địa chủ giàu có, do đó bị tên địa chủ đó hành hạ đến chết.
Một nhóm các nhà lịch sử học cho rằng Mozart mắc sốt thấp khớp (tình trạng viêm nặng ở tim, da hay hệ thần kinh sau khi cơ thể bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn), suy thận, cùng với đó là xuất huyết não,… Những loại bệnh mà không thuốc độc nào có thể gây ra được.
Còn về phần bản cầu hồn, “đơn đặt hàng” tới không đúng lúc đó thì sao? Có giả thuyết cho rằng, Antonio đã nhờ một người lạ mặt đến gặp Mozart và đặt ông sáng tác một bản cầu hồn với ý nghĩ rằng chính sáng tác đó sẽ làm ông phát điên và sẽ sớm kiệt quệ.
Viện Bảo Tàng Âm nhạc Venice trong một bài viết vào năm 2010 đã đính chính: “Chủ nhân của đơn đặt hàng đó chính là Franz Walsegg-Stuppach, một địa chủ giàu có. Ông muốn Mozart sáng tác riêng cho người vợ đã mất của mình một bản cầu hôn. Nhưng vì vốn tiếng Đức không được tốt, ông đã phải nhờ một người hàng xóm thay mặt mình đến nói chuyện với Mozart.” Bản cầu hồn dang dở đó sau này được hoàn thành bởi một trong những học trò của Mozart và được truyền tận tay đến Franz.
Biệt hiệu
Mozart thích tự gọi mình là Wolfie. Và tên đệm Amadeus của ông có nghĩa là: “Đứa trẻ được bao bọc bởi chúa Trời”.
Mặc dù được mệnh danh là “thiên tài của các thiên tài”, nhưng cả đời Mozart luôn xoay quanh nợ nần cùng với đó tháng ngày phải chống chọi với những vấn đề về rối loạn tâm lý của mình. Ông cũng được sinh ra trong hình hài nhỏ bé và yếu ớt đến nỗi Leopold gọi sự sống của ông là “điều kì diệu được ban tặng bởi Thiên Chúa.”
Sở thích
Một trong những trò chơi ưa thích của Mozart tại các bữa tiệc là “chơi đàn mù”. Ông sẽ biểu diễn nhiều tác phẩm viết cho đàn Piano của riêng mình, nhưng với một miếng vải phủ lên những phím đàn.
Giai thoại
Gia đình Mozart từng có vinh dự được biểu diễn trước mặt Maria Theresia – là thành viên và cũng là nữ Quân chủ duy nhất của một trong những vương tộc lớn ở Châu Âu – người sau này trở thành Nữ Đại Công Tước Tuscany và Hoàng hậu Thánh Chế La Mã.
Wolfgang Amadeus Mozart lúc đó rất được lòng Công chúa Maria Antonia, con gái của Maria Thersia – lúc này cả Mozart và Maria vừa mới 7 tuổi. Có những tài liệu kể lại việc Maria đã giúp Mozart đứng dậy sau khi cậu chàng bị té trên sàn cung điện.