Một ca sĩ được mọi người quý mến: Giao Linh – Thời Báo Newspaper – Thời Báo Newspaper Một ca sĩ được mọi người quý mến: Giao Linh
Giao Linh tên thật là Đỗ Thị Sinh, sinh năm 1949 tại Sài Gòn, là một ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng từ trước năm 1975. Cô thường được báo chí thời đó mệnh danh là “người đẹp sầu muộn” bởi vì trông nét mặt cô lúc nào cũng phảng phất nét buồn với giọng ca thanh thanh,luôn luôn hát nhạc tình cảm, gần như không bao giớ hát các bản nhậc vui có tiết tấu nhanh, mạnh.
Giao Linh có 7 anh chị em nhưng cả sáu người đều không ai tham gia lãnh vực nghệ thuật ngoại trừ người thứ ba tức Đỗ Thị Sinh đam mê ca hát từ nhỏ. Mẹ cô chiều con, nhân có dịp lên chơi Đà Lạt, người bạn thân nói chuyện nhạc sĩ Thu Hồ ở Đà Lạt đang định về Sài Gòn mở lớp dạy nhạc và đào tạo ca sĩ chứ Đà Lạt lạnh mà lại ít học viên, ông không thể ở lại đuợc. Nhạc sĩ Thu Hồ (tên thật là Hồ Thu, người Huế, sinh năm !919, mất năm 2000 tại Hoa Kỳ) lúc ấy là một nhạc sĩ rất nổi tiếng với các nhạc phẩm tình cảm như Quê Mẹ, Tiếng Sáo Chiều Quê, Tình Ca Rừng Chiều, Mùa Gặt Mới, Cô Nữ Sinh Đồng Khánh…, ngoài ra ông còn là một ca sĩ và một nhà thơ, nhà viết kịch bản sân khấu tài năng được nhiều người biết. Bà mẹ cô bé Sinh mừng lắm bèn nhờ bà bạn thân đó dẫn đến nhà vị nhạc sĩ, đề nghị ông khi nào về Sài Gòn mở lớp dạy nhạc thì cho bà biết để bà cho con theo học, Nhạc sĩ nhận lời và ghi địa chỉ của bà. Quả nhiên ít lâu sau, khi nhạc sĩ Thu Hồ về Sài Gòn mở lớp dạy nhạc và dạy hát, đào tạo ca sĩ, bèn báo cho bà biết, từ đấy cô bé Sinh trở thành đệ tử của thầy Thu Hồ. Cô thông minh, học mau tiến bộ, thầy rất quý mến. Thầy có 9 người con, trong đó có cô con gái tên Huyền My cùng trạc tuổi với cô bé Sinh, hiện là một ca sĩ nổi tiếng ở bên Mỹ. Chính cô này bảo lãnh cho gia đình sang bên ấy sau 1975.
Về nghệ danh “Giao Linh”, năm 1965, cô bé Sinh học ca nhạc suốt mấy năm đã giỏl. Nhân một lần bà bạn của mẹ từ Đà Lạt về chơi đến thăm, hỏi sao, tình hình học nhạc, học ca của con bé đã khá chưa, Bà mẹ trả lời là cũng khá, sau đó bảo con biểu diễn cho bà bạn nghe. Cô bé Sinh trước còn e lệ, sau vừa đàn vừa hát hoàn toàn theo tính chuyên nghiệp bản “Quê mẹ” là bản nhạc rất phổ biến lúc ấy của thầy Thu Hồ (“Đêm khuya trăng mơ, mắt trông về cõi xa mờ… Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu. Ôi tình quê hương nơi chốn xưa, có người mẹ hiền, tóc màu hoa bạc, chiều chiều mắt ngấn lệ vì con…”). Bà bạn của mẹ vỗ tay khen không tiếc lời, sau đó bà đòi Sinh ca thêm bản nữa. Sinh ca bản “Mùa Gặt Mới,” vẫn của thầy Thu Hồ và cũng hay không kém. Xong, bà bạn của mẹ bảo: “Làm ca sĩ chuyên nghiệp được rồi đấy. Nhưng phải kiếm một cái nghệ danh nào hay hay mà đặt thì mới nổi tiếng được chớ cái tên Sinh nghe không ổn”. Sinh cười, hơi mắc cở: “Dạ, thưa con chưa nghĩ đến chuyện đó”. Bà mẹ Sinh nói: “Ủa, hay chị đặt giùm nó đi, nó cũng như con của chị mà”. Bà bạn suy nghĩ rồi nói: “Hay đặt cho cháu tên “Giao Linh” đi. Tại tôi vẫn thích tên “Giao Linh”, chắc không trùng với ai đâu”. Và bà nói thêm: “Giao Linh nghĩa là may mắn. Đặt tên Giao Linh cho cháu đi làm ca sĩ may mắn”. Cả bà mẹ lẫn Sinh đều khen cái tên hay. Từ đó đi làm ca sĩ Sinh mang nghệ danh Giao Linh. Nhưng thật ra bà bạn của mẹ nhớ lầm, “Giao Linh” không có nghĩa là may mắn mà là khôn ngoan lanh lợi, điều này khác với bản tính hiền lành đôn hậu của cô ca sĩ “người đẹp u sầu”.
Khởi đầu sự nghiệp
Giao Linh bắt đầu sự nghiệp ca hát kể từ dấu mốc giành huy chương vàng khi đại diện đoàn Air Vietnam tham dự chương trình văn nghệ của nhóm “Kim Hoàng – Như Mai” vào năm 1966 (cô 17 tuổi). Trong một buổi giao lưu văn nghệ cùng năm 1966, thầy Thu Hồ giới thiệu cô với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là giám đốc phần âm nhạc của hãng dĩa Continental và vị nhạc sĩ này hẹn cô lên hãng dĩa Continental để thử giọng và ngay sau đó ông đề nghị Giao Linh ký hợp đồng thu dĩa độc quyền 3 năm với hãng. Giao Linh từng kể rằng về cách làm việc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông rất khắt khe, có lần ông bắt cô phải thu âm một bài hát tới 48 lần cho tới khi ông vừa ý mới thôi.
Năm 1970, 20 tuổi, hết hạn hợp đồng với hãng Continental, Giao Linh cộng tác với các hãng dĩa khác, đồng thời được hãng dĩa Sơn Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông giúp phát hành băng nhạc đơn ca Sơn Ca 6 của riêng cô.
Năm 1982, 33 tuổi. Giao Linh rời Việt Nam sang Canada để đoàn tụ với gia đình. Tiệm phở «Linh» ở Toronto, Canada là nguồn sống chính của gia đình cô.
Tới năm 1967, tức đã 37 tuổi, Giao Linh kết hôn với James Võ là một người bạn cũ từ thời còn đi học rồi chuyển sang định cư ở San Jose, California, Hoa Kỳ với chồng. Tại Mỹ, chị đi hát nhiều nơi và thu âm nhiều băng đĩa cho các trung tâm ca nhạc, trong đó có Trung tâm Băng nhạc Giao Linh Productions) của chính chị ở Westminster, California.
Năm 2000, Giao Linh trở về Việt Nam biểu diễn. Tương tự như khi còn ở Canada, chị cũng mở một tiệm phở ở Quận 10 nhưng tiệm đã ngưng phục vụ do Giao Linh quá bận rộn với công việc. Cho đến nay, giọng ca Giao Linh vẫn tiếp tục phục vụ khán thính giả yêu nhạc khắp mọi nơi. Chị tham gia một số chương trình truyền hình và các hoạt động từ thiện giúp đồng bào nghèo.
Vợ chồng Giao Linh 35 năm trọn nghĩa trọn tình
Kết hôn với người đã từng có 3 đời vợ và 6 người con, ca sĩ Giao Linh được mọi người quý mến, nể phục vì 35 năm nay vợ chồng chị rất yêu thương nhau, sống rất tương đăc. Đặc biệt là cô không có con nhưng coi cả 6 người con của chồng như con mình nên những người con này đều yêu thương và kính trọng “má” còn hơn mẹ ruột. Ba người vợ cũ của anh James Võ hiện đang sống ở Mỹ cũng thân thiết với chị như đối với một người bạn. Chính việc cư xử ít có đó khiến mọi người quý mến chị.
Hôm 9/9/2021, đông đảo đồng nghiệp, khán giả ở Mỹ như các ca sĩ Khánh Ly, Lan Ngọc, Pương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm… đều gửi thiệp chúc mừng sinh nhật lần thứ 72 của Giao Linh. Giọng ca gạo cội cho biết vợ chồng chị sang California hơn hai tháng nay. Tiệc sinh nhật được tổ chức đơn giản, ấm cúng. Nhìn chồng – ông James Võ (79 tuổi, tên thật là Võ Văn Sang)- tất bật sắp xếp lịch diễn cho mình, “người đẹp sầu muộn” cười, trìu mến: “35 năm rồi, ông ấy vẫn luôn sát cánh với mình như vậy”.
Ca sĩ Giao Linh trước khi gặp James Võ, từng không nghĩ đến hạnh phúc lứa đôi. Thuở nhỏ, gia đình cô không mấy giàu có mà lại đông anh em. Giao Linh là chị thứ ba trong nhà, dưới còn 4 em nhỏ. Năm 17 tuổi, Giao Linh bắt đầu đi hát kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi các em. Thuở thanh xuân, trải qua vài mối tình song cô chủ động rút lui vì còn nặng gánh gia đình. Cô từng nói: “Tôi luôn lo nghĩ làm sao để các em có tiền ăn học trước đã. Lỡ gặp người nào không thông cảm cho hoàn cảnh, rồi lại chia tay khi đã có con cái, làm sao mình chịu nổi?”.
Gần tới độ tuổi trung niên, khi các em đã trưởng thành, Giao Linh mới dần mở lòng hơn. Năm 37 tuổi, sau thời gian qua Mỹ định cư do một người em bảo lãnh cho cả gia đình, như định mệnh xếp đặt, cô bất ngờ hội ngộ với James Võ – người từng theo đuổi cô 20 năm trước, Khi còn ở Việt Nam, lúc cô 17 tuổi và James Võ 24. Họ quen nhau trong một nhóm ca nhạc tuổi trẻ. Cô không để ý nhưng James Võ thầm yêu cô. Chàng tỏ tình, cô trả lời: “Ai dám, anh đào hoa muốn chết tui không dám đâu”. Không ngờ câu nói đó khiến James thất vọng và hai người xa cách nhau 20 năm trời, bây giờ bất ngờ gặp lại
Gặp nhau, Giao Linh vẫn còn độc thân, riêng James thì đã qua 3 đời vợ, có 6 người con. Ông ngỏ lời muốn chắp nới, Giao Linh phân vân nhưng cuối cùng cũng đồng ý.
Năm 1986, họ không tổ chức đám cưới mà về chung sống với nhau. Hai năm sau, họ mới đăng ký kết hôn tại Las Vegas. Càng gần James, Giao Linh càng nhận thấy mình không chọn lầm người. James rất chín chắn, một mặt ông yêu thương Giao Linh hết lòng nhưng mặt khác vẫn quan tâm đến các con. Ông thường nói gia đình thì phải hòa thuận, ở chung, nếu các con mâu thuẫn với “mẹ” hay nếu mẹ mâu thuẫn với các con thì ở riêng ra, ông sẽ bỏ đi, không bênh vực bên nào cả,.
Dần dà, Giao Linh nhận ra làm mẹ kế không quá khó như bà từng nghĩ. Bà tâm niệm, chỉ cần lòng mình vị tha, mọi lỗi lầm đều có thể bỏ qua cho nhau. Bà hiểu chồng luôn cần không gian riêng với các con và những người vợ cũ nên không can thiệp vào đời sống cá nhân của ông. Bà từng nói: “Tôi mở lòng với những bà vợ trước của anh ấy vì không muốn các cháu khó xử. Bởi thế, nên gia đình luôn êm ấm, hòa thuận, trong nhà tràn ngập tiếng cười”.
Một lần đi show ở Úc, bà bị sảy thai, phải nhập viện. Sau biến cố đó, bà không thể có con. Giao Linh chọn cách yêu thương các con chồng như con ruột. Bà tự hào khi được các con của chồng cũng yêu thương mình như mẹ ruột.
Đầu thập niên 2000, lần đầu tiên bà về nước biểu diễn sau hàng chục năm xa quê hương một phần cũng là nhờ các con khuyến khích. Mỗi lần trở về Mỹ, vợ chồng bà luân phiên ở nhà từng người con, phụ họ chăm sóc các cháu nội. Khi bà xa sân khấu lâu, họ đốc thúc bà về nước vì biết mẹ vẫn khát khao được hát ở tuổi xế chiều.
Giao Linh nói sự nghiệp của bà kéo dài hơn nửa thế kỷ phần lớn nhờ công chồng. Mọi sản phẩm của bà từ cuối thập niên 1980 đều ít nhiều có bàn tay giúp đỡ của ông, từ lựa bài đến phong cách trình diễn.
Năm 1988, ca sĩ Tuấn Vũ mới bước chân vào làng ca nhạc hải ngoại, còn chưa mấy tiếng tăm. Một hôm bà đưa đĩa nhạc của anh, nhờ chồng nghe thử và nhận xét. Sau khi thưởng thức, ông khuyên bà nên thu âm chung với giọng ca này. Ông dành một tháng lựa bài cho cả hai người trong album Đôi mắt người xưa (năm 1989) – Đó là album chung đầu tiên của Giao Linh với Tuấn Vũ, với các tình khúc như Sầu tím thiệp hồng, Đường tình đôi ngả, Rồi ngày mai xa nhau… Đĩa nhạc ra đời, lập tức gây tiếng vang trong làng nhạc khi bán được 20.000 bản, đưa cả hai trở thành một trong những bộ đôi huyền thoại của dòng nhạc trữ tình thập niên 1990.
Những năm gần đây, sức khỏe Giao Linh xuống dốc vì chứng nhồi máu cơ tim. Từ đấy, đi đâu, ông cũng mang các vỉ thuốc trợ tim của bà trong túi. Ông theo sát vợ trong từng buổi diễn, canh giờ để bà uống thuốc đúng lúc. Lo bà không đủ sức, ông khuyên vợ giảm chạy show, từ ba, bốn đêm xuống còn một buổi mỗi tuần. Khi bà tổ chức đêm nhạc kỷ niệm 50 năm ca hát ở TP HCM, James Võ thức đến 2-3 giờ sáng biên tập kịch bản và chuẩn bị âm thanh, ánh sáng..
Chưa một lần mặc áo cưới, Giao Linh cho biết bà vẫn toại nguyện vì luôn có ông ở cạnh. Cuộc sống vợ chồng bà thỉnh thoảng vẫn lục đục vì những giận hờn thường nhật nhưng hiếm khi to tiếng. Bà nói: “Chúng tôi đều hiểu, hạnh phúc là do mình tạo dựng, mỗi người đều phải tự giữ. Tuổi già không bỏ sót một ai, thời gian không còn nhiều, cớ gì không dành để yêu thương nhau”
Chồng ca sĩ Giao Linh qua đời
Chồng danh ca Giao Linh đột ngột qua đời chiều 22/9.
Bầu show Nguyễn Võ Việt Nam cho biết Giao Linh báo tin chồng bà mất sau khi vào bệnh viện cấp cứu vì đau bụng, mổ túi mật. Anh nói: “Tôi sốc khi nghe tin dữ vì ba tuần trước còn gặp chồng danh ca, ông vẫn khỏe mạnh và khoe sẽ đưa vợ đi du lịch khắp nước Mỹ”.
Vợ chồng danh ca từ trong nước trở về California hơn hai tháng qua.
Nhạc sĩ Ngọc Sơn rất bất ngờ khi biết tin buồn. Ông viết trên trang cá nhân: “Tôi thương tiếc thành kính gửi lời chia buồn đến gia đình ca sĩ Giao Linh. Cuộc đời quá đỗi vô thường, mong James Võ ra đi thanh thản”.
Danh ca Giao Linh hát “Ai cho tôi tình yêu” (Trúc Phương) trong tang lễ của chồng, chiều 23/9.
Tang lễ diễn ra tại nhà con trai út của chồng Giao Linh tại California, sau đó ông được đưa đi hỏa táng. Khi đứng bên linh cữu, hát cho chồng lần cuối, giọng bà đôi lúc ngắt quãng vì nghẹn ngào. Sinh thời, ông thích ca khúc này nhất, thường nói vợ hát cho nghe.
Gia đình danh ca tổ chức lễ tang đơn giản, nhanh chóng chỉ có vài người thân đến tiễn biệt. Con nuôi Giao Linh – ca sĩ Ân Thiên Vỹ – cho biết tro cốt của cha nuôi anh được mang về Canada theo di nguyện của ông.
Đoàn Dự (ghi chép)