Mối chúa bị “tuýt còi”, nhà văn Tạ Duy Anh nói gì?
Mối chúa bị “tuýt còi”:”Con trai tôi hỏi: “Bố có buồn không?”. Tôi trả lời, nói thật là bố chỉ thấy buồn cười thôi”.
Nhà văn Tạ Duy Anh không bất ngờ khi “Mối chúa” bị đình chỉ phát hành chờ thẩm định lại
Tiểu thuyết Mối chúa của nhà văn Tạ Duy Anh vừa bị Cục Xuất bản, In và Phát hành đình chỉ phát hành với lý do “Phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều được xây dựng với hình ảnh đen tối, vô vọng, đau đớn. Tạ Duy Anh chia sẻ, ông chỉ cảm thấy… buồn cười trước sự kiện này.
Thưa nhà văn Tạ Duy Anh, ông có thấy bất ngờ khi cuốn “Mối chúa” bị tuýt còi vừa qua?
Trước Mối chúa, Đi tìm nhân vật đã bị cấm phát hành, cấm tái bản ròng rã 15 năm. Bằng đúng thời gian lênh đênh của nàng Kiều! Hồi đó chỉ một chút nữa thôi là tôi gặp nguy hiểm. Lãng du, tập truyện ngắn, cũng suýt bị đình bản. Ba truyện ngắn của tôi là Người khác, Mr. Ban, Bạn cũ… cũng đều rơi vào tình cảnh tương tự suốt mấy năm. Là người cầm bút, bạn phải chuẩn bị đối mặt với mọi thứ xấu nhất có thể xảy ra. Mối chúa đang bị đình chỉ phát hành chờ thẩm định lại, với tôi là một sự cố bình thường và không hề bất ngờ.
Không bất ngờ, nhưng khi đứa con tinh thần chết yểu liệu có khiến ông thấy muộn phiền?
Tôi quen với những sự cố kiểu này rồi. Con trai tôi hỏi: “Bố có buồn không?”. Tôi trả lời, nói thật là bố chỉ thấy buồn cười thôi.
Có lẽ sự việc không đến nỗi nghiêm trọng thế, nếu ai đó thẩm định tác phẩm (để cho ra cái nội dung công văn ấy) có trách nhiệm hơn với bạn đọc, với tác giả và với đất nước. Giờ đã ở cuối thập niên thứ hai của thế kỉ 21, trong khi hiện tại chúng ta lại đang rất cần hâm nóng nhiệt huyết bài trừ các loại tệ nạn, tưởng phải cổ vũ Mối chúa mới phải chứ.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh có viết: “Tạ Duy Anh cứ viết 3 tiểu thuyết thì phải thu hồi 2 quyển và 1 quyển còn lại cũng bị nhắc nhở, hoặc đình bản chờ hội đồng thẩm định rồi mới cho phát hành tiếp hay không”. Ông có biết vì sao mình lại ra nông nỗi ấy?
Ông Sương Nguyệt Minh nói thế chưa hẳn đúng nhưng cơ bản cũng không sai! Tôi không biết vì sao việc xuất bản sách của mình lại thê thảm thế. Nó là nỗi không may dành cho nghiệp viết lách của tôi, hay là số phận mình cứ phải như vậy, tôi cũng không biết nữa.
Có phải vì cái tên Tạ Duy Anh đã gắn liền với ngòi bút gai góc, dễ bị “soi” nên lần này ông trình làng bút danh mới 100% là Đãng Khấu, thưa ông?
Tôi thừa nhận là có một số người rất ghét cái tên Tạ Duy Anh, ghét đến mức muốn xóa hẳn nó đi chứ không chỉ săm soi mỗi khi cái tên ấy xuất hiện. Đây là lần đầu tiên tôi dùng bút danh Đãng Khấu. Vì sao như vậy thì tôi đã nói trong lời đầu sách. Tôi biết có nhiều người không tin đó là lý do đáng thuyết phục với họ. Vậy thì cứ để họ nghĩ theo chiều hướng mà họ thấy hợp lý, trong đó có cả điều bạn vừa đặt giả thiết.
Trang bìa cuốn tiểu thuyết “Mối chúa” của nhà văn Tạ Duy Anh đang bị “tuýt còi”
Ông có dự đoán gì về không khí xuất bản sau sự kiện đình bản tiểu thuyết “Mối chúa”?
Với những người luôn toan tính gì đó liên quan đến giải thưởng này nọ, thì họ sẽ coi đây như một thứ nguy hiểm cần phải tránh. Mà số đó luôn chiếm tỉ lệ cực cao trong đội ngũ người cầm bút. Vì thế, không khí viết lách, in ấn nhất định sẽ có tác động theo hướng thận trọng hơn. Bản thân nội dung công văn ấy đã mang tính cảnh báo rất cao, rất khắc nghiệt đối với đại đa số người viết mà tôi vừa nêu.
Tiểu thuyết “Đi tìm nhân vật” của ông cũng từng bị cấm phát hành hồi 2002 với lý do “bôi đen xã hội”, để rồi mất 15 năm sau mới được nhìn nhận lại và tái bản dưới bút danh Tạ Duy Anh. Ông có nghĩ rằng “Mối chúa” cũng chịu chung số phận?
Mỗi cuốn sách từ khi còn là phôi thai, cho đến khi hiện hình trước mắt bạn đọc, có một số phận và đời sống riêng. Cách đây 15 năm, Đi tìm nhân vật bị coi là “bôi đen” xã hội như bạn vừa nêu. Sau 15 năm, nó không còn bị coi là bôi đen nữa, dù vẫn là xã hội ấy (vì thế mới được tái bản). Điều đó cho thấy cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Khi cấm Đi tìm nhân vật, người ta chỉ cần thông báo miệng cho tôi và tất cả rơi vào im ắng. Còn ngày nay, mọi thứ phải rõ ràng hơn, chấp nhận đối mặt với dư luận. Mạng xã hội dày đặc hình ảnh bìa Mối chúa, là điều không ai có thể ngăn cản được. Với ý nghĩ ấy, tôi lạc quan hơn bạn nghĩ. Tôi hy vọng ngay tháng sau (hoặc cùng lắm là năm sau) sách của tôi sẽ được tái bản với cái tên đã làm nên danh hiệu nhà văn của tôi, dù cái danh hiệu đó cũng thuộc loại làng nhàng.
Những lần tuýt còi cay đắng liên tục như vậy liệu có khiến ông cảm thấy mệt mỏi với nghề viết?
Chưa bao giờ điều kiện ngoại cảnh tác động được vào đam mê sáng tác của tôi và thứ tư tưởng nghệ thuật mà tôi theo đuổi. Cách đây gần 40 năm, chúng tôi đói vàng mắt, ghế không có phải viết đứng, bàn là tấm gỗ đặt trên một cái giá dành cho thợ hàn, nhưng tôi vẫn viết ngày này sang ngày khác. Không gì ngăn cản được tôi làm điều mình thích, khi tôi tin đó là thứ công việc lương thiện. Tôi đã có kinh nghiệm để thoát ra khỏi mọi sự ồn ào khiến tâm trí mình xáo trộn, thậm chí không cẩn thận sẽ hoảng loạn, phát điên… như tôi từng thấy ở một số người. Tôi sắp bỏ lại Mối chúa cho bạn đọc để chuẩn bị ngồi xuống bàn và sẽ lại như mọi khi, bạn sẽ không thấy tôi xuất hiện ở bất cứ nơi nào đông người. Bởi vì tôi thích suy ngẫm hơn là cao đàm khoát luận và cảm thấy chỉ sống thực sự khi ngồi xuống bàn đọc hoặc viết.
Tôi có quan niệm riêng về giá trị đời sống đủ vững chắc để không bị lạc hướng. Với tôi, thứ đáng mơ ước nhất là tự do.
Cảm ơn ông!
Tiểu thuyết Mối chúa nói về nhân vật chính là một doanh nhân trẻ thành đạt, vừa đảm nhiệm vị trí giám đốc một công ty lớn. Ở cương vị này, anh ta bị cuốn vào vòng xoáy của cơ chế thị trường, tận mắt chứng kiến những góc tối hắc ám. Đó là những màn đi đêm mua quan bán tước, những pha thu hồi cưỡng chế đất đai đầy bất công vô lý, các phi vụ làm ăn mờ ám sặc mùi tội lỗi, thân phận khổ sở nhục nhã của người dân lao động… Mối chúa chính là ẩn dụ bí ẩn cho thế lực trùm sò có tiền, có quyền đứng đằng sau các dự án bê bối động trời.
Cục Xuất bản, In và Phát hành trong công văn yêu cầu đình chỉ phát hành Mối chúa đã có những đánh giá như sau: “Một số chi tiết được viết với giọng điệu giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần tô đậm và có tính khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám. Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như hai lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vũ khí đến lực lượng bí mật”.